April 25, 2024, 6:28 pm

Phải lưu giữ trung thực ký ức

Bộ phim tài liệu Ranh giới trên VTV mới đây đang tạo lên dư luận ồn ào trong công chúng. Nhiều người khen bộ phim này đã tạo lên sự ám ảnh, vừa đau đớn, vừa xúc động và yêu thương cho dù phim chỉ dựng lên một không gian hẹp của đời sống này; cũng không ít người đặt ra những câu hỏi phản biện cho bộ phim về mục đích và cả tính pháp lý của nó như không che hoặc làm mờ mặt các bệnh nhân có trong các cảnh quay, hay các bệnh nhân đã cho phép sử dụng hình ảnh của mình trong bộ phim hay chưa?

Bấy lâu nay, tôi tự hỏi, sao những nhà làm phim tài liệu Việt Nam, không chỉ của VTV, không tập trung cao độ nữa vào thể loại này? Phim truyện đòi hỏi rất nhiều yêu cầu khác biệt, khắt khe, từ kịch bản, đạo diễn đến diễn viên và tất nhiên là kinh phí. Có lẽ vì nguyên nhân đó mà phim truyện nhựa của Việt Nam không để lại cho người xem hy vọng nhiều.

Thay vào đó, thể loại phim tài liệu có nhiều yếu tố để có những phim hay. Những bộ phim tài liệu nước ngoài làm về văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, ẩm thực, đời sống….quả thực luôn quyến rũ khán giả ở nhiều tầng lớp, luôn tạo ra từ phim những cảm xúc mạnh mẽ, những bài học sâu sắc, thông điệp lớn lao.

Một yếu tố vô cùng quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất cho phim tài liệu, là hiện thực đời sống. Mà yếu tố hiện thực đời sống ở Việt Nam là cả một thế giới vô cùng phong phú, đa dạng, kịch tính. Một thời, chúng ta đã có những bộ phim tài liệu nghệ thuật hay, những Chuyện tử tế, Hà Nội trong mắt ai...

Nhưng số lượng phim như vậy quá ít ỏi, có thể tính trên đầu ngón tay. Hình như những người làm phim tài liệu nghệ thuật Việt Nam không đủ kiên nhẫn để đi tới tận cùng khát vọng sáng tạo của mình.

Theo quan sát cá nhân, tôi thấy họ bị cản trở bởi nhiều lý do. Xin đừng ai nghĩ đó là lý do tài chính. Cũng không phải là họ không phát hiện ra tư tưởng hay thông điệp từ đời sống. Có lẽ, điều chính yếu là bởi họ không được vượt qua những “giới hạn’’ của các quan điểm, không dám vượt thoát ra khỏi những khuôn mẫu an toàn ngày thường, bước tới miền đất của sự sáng tạo nhiều rủi ro nhưng cũng thật quyến rũ.

***

Tôi không phải là người có liên quan đến điện ảnh, nhưng tôi từng mơ ước có tiền mua một cái máy quay tử tế và tự làm phim tài liệu nghệ thuật cho chính mình. Từ một căn phòng chập chờn ánh sáng, từ một người phụ nữ vô danh, từ một sự kiện xã hội, từ những cơn mưa mùa thu, từ sự sinh ra và lớn lên của một đứa trẻ, từ thân phận của một người gìa cô đơn trong những năm tháng cuối đời, từ một tổ chim trong vòm lá với những quả trứng nhỏ màu nâu đến những con chim non ra đời và đập cánh… đều chứa đựng những vẻ đẹp, những câu chuyện thầm kín và thông điệp về sự sống.

Không ít những chi tiết như tôi nói trên của đời sống đã từng được những đạo diễn tài ba trên thế giới biến thành những bộ phim tài liệu nghệ thuật đặc sắc và mê dụ người xem.

Mới đây, một bạn trẻ nhờ tôi xem giúp một kịch bản phim hoạt hình của bạn ấy. Tôi thực sự bất ngờ. Một kịch bản xuất sắc được viết từ một câu chuyện rất nhỏ bé và thông thường. Đó là chuyện một người đàn ông và một con bướm vô tình xuất hiện trong phòng ngủ của ông. Nhưng người viết kịch bản đã nhìn ra câu chuyện của nó và thông điệp từ câu chuyện nhỏ bé và thông thường đó. Người đàn ông luôn mơ ước mình có một đôi cánh của con bướm để được bay lên.

Bây giờ, chỉ cần một đạo diễn hiểu được câu chuyện và mang tài năng của mình ra để làm bộ phim từ kịch bản này thì người xem sẽ có được một bộ phim đáng xem.

***

Trở lại với bộ phim tài liệu Ranh giới của VTV. Tôi tự hỏi không biết những gì đang diễn ra trong cơn đại dịch này có được các nhà làm phim tài liệu ghi lại một cách trung thực và nghiêm túc hay không? Các nhà làm phim tài liệu có nghĩ tới điều này không? Nếu có nghĩ tới, họ có lao vào những nơi đầy nguy cơ nhiễm bệnh để lưu lại những hình ảnh ám ảnh nhất không?

Đó là cảnh trong những bệnh viện dã chiến, cảnh làm việc của các bác sỹ và nhân viên y tế. Cảnh những người dân cùng những đứa trẻ mới sinh ra rời bỏ thành phố nơi dịch đang hoành hành để vể quê tìm nơi an toàn. Cảnh các ngõ phố, khu phố trong những ngày giãn cách, những giờ giới nghiêm. Cảnh người người chen nhau xét nghiệm Covid và đi tiêm vaccine. Đó là cảnh người ta đón hũ tro cốt của người thân mất vì Covid-19 mà không thể làm tang lễ như trước khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện. Cảnh những người đặt một thùng tiền để mời những người đang rời khỏi thành phố về quê lánh dịch…

Hãy ghi lại một cách trung thực nhất những gì đang diễn ra trên mảnh đất này trong đại dịch Covid-19.

Những hình ảnh ám ảnh nhất, đau đớn nhất, xúc động nhất và lạ lùng nhất phải được lưu giữ. Rồi người ta phải làm một hay nhiều bộ phim tài liệu dựng trên cơ sở cơn đại dịch này, lưu giữ lại những khung cảnh mà trong đời mỗi chúng ta dường như mới chỉ thấy một lần, tái hiện những nỗi đau khôn xiết trước tổn thương mà cơn dịch bệnh gây ra cho đời sống của mỗi chúng ta, của người thân chúng ta, của bạn bè và cả những người xa lạ chỉ hiển hiện qua những con số thống kê vô cảm mỗi ngày.

Những thế hệ tương lai lúc này chưa sinh ra phải được xem những bộ phim tài liệu đó. Xem để thấy cha ông họ đã trải qua nạn dịch thảm khốc như thế nào, để thấy cần phải sống khác đi, biết nâng niu từng khắc thời gian quý giá trong cuộc đời mình có được.

Rồi đây, những bộ phim nhựa hoành tráng sẽ được sản xuất để nói về những năm tháng đau đớn như hiện nay của nhân loại. Nhưng trước hết, những thước phim, những bộ phim tư liệu trung thực lúc này sẽ là nguồn tư liệu vô cùng quí giá cho những tác phẩm nghệ thuật sau này. Các thước phim tư liệu luôn là phương tiện lưu giữ ký ức trung thực nhất, cho dù sắc màu ký ức đó có bi thương như thế nào đi chăng nữa.

 ***

Có thể những gì tôi đang nghĩ tới thì các nhà làm phim tài liệu đã quay hàng vạn mét phim hay đã có một kho tư liệu kỹ thuật số khổng lồ về cơn đại dịch này? Tôi không biết. Nhưng tôi nghĩ lúc này, nếu có những bài báo, những bộ phim tài liệu thiên lệch một chút gì đó so với thực tế hay có những luồng dư luận méo mó về cuộc chiến chống Covid-19 thì cũng là điều dễ hiểu.

Những điều đó sẽ qua rất nhanh. Sự thật bằng hình ảnh về đời sống của con người trong những năm tháng này phải được bảo vệ và lưu lại. Mỗi sự kiện lịch sử, mỗi tai họa của loài người không thể dễ dàng bị quên đi hay nhớ tới một cách hời hợt, chẳng mảy may xúc cảm.

Đấy chính là thái độ, trách nhiệm và lương tâm của các nhà làm phim tài liệu đối với thế giới này và các hậu duệ của họ.

Nguồn Văn nghệ số 38/2021


Có thể bạn quan tâm