April 20, 2024, 3:45 am

Phá hoại tác phẩm hội họa: Tiền lệ và giải thích

 

Vừa mới đây thôi, làng hội họa thế giới đã có một phen chấn động sau khi bức tranh “Chân dung phụ nữ bán thân” của danh họa Picasso (1881 – 1973) có giá trị 20 triệu bảng Anh (tương đương 615 tỷ đồng Việt Nam) đã bị xé rách. Kẻ phá hoại này là Shakeel Ryan Massey, một thanh niên người Anh 20 tuổi. Hiện các chuyên gia bảo tồn đang khẩn trương thực hiện việc phục hồi lại bức tranh, tuy vậy kể cả khi họ có đạt được thành công chăng nữa thì tác phẩm nổi tiếng nói trên cũng đã chịu sự thay đổi không thể đảo ngược được.

So-583--Pha-hoai-tac-pham-hoi-hoa-Tien-le-va-gia-thich---Anh-7
“Chân dung phụ nữ bán thân” của danh họa Picasso.

Sự kiện này một lần nữa nhắc cho chúng ta liên tưởng đến số phận của những tác phẩm hội họa mỏng manh đến mức nào. Một bức tranh, bức tượng là tổng hòa của vô số yếu tố như nét vẽ, nước sơn, loại vải… cũng giống như con người là tổng hòa của hoàn cảnh, tài năng, ước mơ… Với nhận thức đó, chúng ta nhận ra có rất nhiều lý do để một người phá hoại tác phẩm hội họa giống như kẻ tước đi mạng sống của người khác vậy.

Trong lúc chờ đợi cuộc điều tra của cảnh sát Anh xem động cơ gây án của Shakeel Ryan Massey là gì, chúng ta cũng nên xem xét lại vài vụ án phá hoại tác phẩm hội họa trước đây và lý do đằng sau chúng…

So-583--Pha-hoai-tac-pham-hoi-hoa-Tien-le-va-gia-thich---Anh-8
“Người gác đêm” của danh họa Rembrandt sau khi bị tấn công bằng dao.

Laszlo Toth

Laszlo Toth (1938-2012) sinh ra trong một gia đình Công giáo sùng đạo tại Hungary. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông ta chuyển đến Vatican và sống bằng nghề sản xuất xà phòng. Trong khoảng những năm đầu thập niên 1970, Laszlo bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của bệnh hoang tưởng và loạn thần. Ông tự coi mình là Chúa Giêsu tái sinh, và đã nhiều lần gửi thư đến Tòa thánh Vatican đòi gặp Giáo hoàng. Tất nhiên là Tòa thánh không trả lời thư của Laszlo.

Thế rồi vào ngày Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (21-5-1972), trong lúc buổi lễ đang diễn ra tại nhà thờ Thánh Peter, Laszlo bất ngờ hét lên: “Ta là Chúa Giêsu phục sinh!”, rồi sau đó lấy cây búa trong người ra đập vào bức tượng Pieta ở gần đó nhiều phát. Bức tượng này được danh họa Michelangelo khắc vào khoảng 1488-1489, mô tả cảnh Đức mẹ Mary ôm lấy thi thể Chúa Giêsu, và nó đã hiện diện tại nhà thờ Thánh Peter kể từ thế kỷ XVI.

So-583--Pha-hoai-tac-pham-hoi-hoa-Tien-le-va-gia-thich---Anh-9
Bức tượng “Pieta” trong Nhà thờ Thánh Peter (Vatican)

Thật may mắn những hư hỏng mà Pieta phải chịu đã được chữa lành, và các chuyên gia bảo tồn còn tìm thấy chữ ký của Michelangelo trên bức tượng. Ngày nay thì Pieta vẫn nằm tại nhà thờ Thánh Peter bên trong một tủ kính chống đạn. Còn Laszlo Toth được gửi vào một viện tâm thần đến năm 1975 thì bị trục xuất khỏi Ý. Ông ta chuyển đến sống tại Úc cho đến khi mất năm 2012.

Hans-Joachim Bohlmann

Nếu như Laszlo Toth là ví dụ điển hình cho những trường hợp phá hoại tác phẩm hội họa vì lý do tâm thần, thì Hans-Joachim Bohlmann (1937-2009) lại là một ví dụ cực đoan. Việc tấn công những bức tranh giống như là nỗi ám ảnh cả đời mà ông ta không thể nào tránh được. Trước khi mất vào năm 2009, Hans-Joachim đã phá hoại đến hơn 50 bức tranh (tổng trị giá khoảng 138 triệu euro), trong đó có nhiều tác phẩm của các danh họa lịch sử như Rubens, Rembrandt và Dürer.

Tìm hiểu thì lý do đứng sau những hành vi phạm tội của Hans-Joachim là cả một bi kịch. Ngay từ hồi trẻ ông ta đã mắc phải chứng rối loạn nhân cách, và phải dành nhiều năm trong bệnh viện tâm thần để chữa trị. Hồi đó ngành y khoa này chưa phát triển, các bác sỹ cho cắt đi một phần não của Hans-Joachim để chữa bệnh cho ông, nhưng không có tiến triển nào. Hans-Joachim sau đó tạm có một cuộc sống ổn định bên cạnh vợ, một người phụ nữ rất yêu hội họa. Thế nhưng bà mất sớm, và trong cơn rối loạn tâm thần, Hans-Joachim bắt đầu tìm cách phá hoại các bức tranh.

So-583--Pha-hoai-tac-pham-hoi-hoa-Tien-le-va-gia-thich---Anh-10
Một tác phẩm hội họa sau khi bị Hans-Joachim Bohlmann phá hoại bằng dao.

Thông thường thì Hans-Joachim sẽ tấn công tác phẩm nghệ thuật bằng cách tạt axit. Khi hành động bao giờ ông ta cũng cố ý sao cho axit dính vào khuôn mặt của nhân vật trong tranh như thể coi họ là người thật vậy. Chính quyền Đức đã nhiều lần cho Hans-Joachim vào tù hay viện tâm thần, nhưng hoặc là ông ta sẽ trốn trại, hoặc là sẽ chờ cho đến khi hết thời hạn và được thả ra ngoài để tiếp tục phá hoại tranh. Tác phẩm hội họa cuối cùng mà ông ta tấn công là bức “Bữa tiệc của lính gác thành Amsterdam” của danh họa Bỉ Bartholomeus van der Helst. Sau đó Hans-Joachim bị kết án 3 năm tù, và mất một năm sau khi được thả ra.

Maximo Caminero

Có một sự thật không hay: vì mục tiêu lợi nhuận, các gallery thường “bỏ quên” nhiều tác phẩm của các tác giả tài năng nhưng không nhiều tiếng tăm, thay vào đó chỉ nhận trưng bày những họa sỹ đã có danh vọng. Với bất kỳ người nghệ sỹ nào thì đây cũng là điều gây ra ức chế, và Maximo Caminero cũng giống như vậy. Ông vốn là một họa sỹ được nhiều người sống tại bang Florida (Mỹ) mến mộ. Trong một lần đến thăm cuộc triển lãm của danh họa Ngải Vị Vị (Trung Quốc), Maximo đã bất ngờ cầm lấy một chiếc bình được trưng bày ném xuống đất cho vỡ.

Trả lời báo chí sau khi bị bắt giữ, Maximo cho biết ông làm thế để phản đối việc các gallery đã chi hàng chục triệu đô la cho tác phẩm của các danh họa nước ngoài, nhưng lại bỏ quên chính các họa sỹ tại địa phương. Bản thân chiếc bình mà ông ném vỡ cũng vốn là do các nghệ nhân người da đỏ sản xuất từ thời tiền sử. Ngải Vị Vị đã mua 51 chiếc bình giống như vậy rồi đem nhúng 50 chiếc bình vào sơn vẽ. Sau khi biết được hành động này và nhìn thấy ảnh chiếc bình thứ 51 bị Ngải Vị Vị thả xuống đất cho vỡ, Maximo đã nổi nóng ném vỡ cái bình.

So-583--Pha-hoai-tac-pham-hoi-hoa-Tien-le-va-gia-thich---Anh-11
Một vài chiếc bình cổ của danh họa Ngải Vị Vị. Đằng sau đó là ba bức ảnh có cảnh ông thả một chiếc bình cổ xuống đất cho vỡ.

Tuy sau đó Maximo không bị truy cứu trách nhiệm, và bản thân Ngải Vị Vị cũng không tỏ thái độ gì cả, nhưng hành động của người họa sỹ này đã làm nổ ra một cuộc tranh luận trong giới nghệ thuật. Họ tranh cãi không phải vì những gì Maximo đã làm, mà vì thái độ đối với đồ cổ của Ngải Vị Vị – từ trước đến nay ông vẫn giữ thái độ cho rằng đồ cổ quý giá vì người ta cho rằng nó quý giá, chứ chưa chắc giá trị nghệ thuật của nó đã là lớn. Trái lại, nhiều người cho rằng việc ông đem nhúng những chiếc bình cổ từ thời tiền sử vào nước sơn lại chính là hành động phá hoại tác phẩm nghệ thuật phải được lên án.

Claude Monet & Banksy

Ba ví dụ kể trên đều xảy ra do chủ ý của người ngoài. Vậy khi chính tác giả làm hỏng tác phẩm của mình thì liệu có được cho là hành vi phá hoại?! Ví dụ như trường hợp của danh họa Claude Monet (Pháp), “cha đẻ” của chủ nghĩa Ấn tượng từng thống trị nền hội họa châu Âu một thời. Năm 1908, tại Paris có tổ chức một cuộc triển lãm các tác phẩm của Monet, trong đó tâm điểm đều dồn về một bức tranh vô danh. Các nhà phê bình tranh khi đó định giá tác phẩm này vào khoảng 100.000 USD (theo giá trị hiện nay là 2.900.000 USD).

Tuy vậy, Monet, đúng với tư chất của một người nghệ sỹ thật sự, luôn luôn cảm thấy không vừa lòng với chính tác phẩm của mình. Sau khi bán đi bức tranh của mình cho một gallery thì Monet lại thấy xấu hổ vì đã cho xuất xưởng một bức tranh chưa hoàn thiện như thế. Vậy là khi cuộc triển lãm diễn ra và Monet được mời đến, ông đã lấy trong túi ra một con dao và một cái bút lông, rồi sau đó xé rách và quét sơn vào bức tranh của chính mình trong sự ngạc nhiên của các vị khách khác.

So-583--Pha-hoai-tac-pham-hoi-hoa-Tien-le-va-gia-thich---Anh-12
 “Cô bé và quả bóng bay” của Banksy bị cắt ra thành từng mảnh giữa sự chứng kiến của đám đông.

Chuyện các tác giả vì danh dự nghề nghiệp mà phá hủy tác phẩm của chính mình thật ra không lạ lắm, nhưng làm điều đó giữa công chúng thì quả là hiếm. Phải hơn một thế kỷ sau mới lại có người dám “theo gương” Monet. Họa sỹ Banksy được coi là một trong những cái tên nổi bật nhất của trường phái Hậu hiện đại đương thời, thế nhưng khó có ai có thể biết được rằng Banksy nghĩ gì. Ngay cả cái tên “Banksy” cũng chỉ là nghệ danh, còn ông tên thật là gì thì không ai biết. Ngoài việc vẽ tranh, ông thường xuyên đi du lịch quốc tế và hay để lại những bức tranh tường Graffity tại nơi mình đi qua.

Năm 2018, Banksy lại gây được sự chú ý khi một bức tranh của ông, tác phẩm “Cô bé và quả bóng bay”, được bán đấu giá thành công với số tiền 1,04 triệu bảng Anh. Thế nhưng, giữa sự chứng kiến của người mua và đám đông, bức tranh bất ngờ bị cắt ra làm từng mảnh. Sau đó Banksy mới đăng lên Internet lời giải thích cho sự kiện này: ông đã bí mật cho lắp một cái máy xén giấy mini vào trong khung tranh, rồi sau đó chờ đến khi bức tranh được bán thì mới cho khởi động máy. Mục đích của Banksy là làm cho mọi người hiểu được vòng tuần hoàn của sự sáng tạo và hủy phá.

Thật ngạc nhiên là sau khi bức tranh “Cô bé và quả bóng bay” bị phá hủy gần như hoàn toàn, nó lại trở nên đắt giá hơn nữa vì tính đặc biệt của mình. Banksy đã quyết định đặt tên mới cho bức tranh này là “Ném tình yêu vào thùng rác” trước khi trao nó cho người mua.

Lê Công Vũ (tổng hợp)
Nguồn Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM


Có thể bạn quan tâm