April 20, 2024, 10:06 am

Ông Phủ Vĩnh Tường, chồng Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương là ai?

(Tiếp theo số 15)

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì chồng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương là Nguyễn Bình Kình, Phạm Viết Ngạn. Nguyễn Bình Kình chính là ông Tổng Cóc, người chồng đầu tiên của Hồ Xuân Hương, không có gì phải bàn cãi. Còn Phạm Viết Ngạn thì cứ liệu lịch sử cũng dần lộ diện, khẳng định không phải là ông Phủ Vĩnh Tường chồng của Hồ Xuân Hương.

Tri phủ Vĩnh Tường Phạm Viết Ngạn 57 tuổi, có cưới “cụ” Hồ Xuân Hương 87 tuổi làm vợ không?

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia nêu: “Theo Phạm gia tộc phả và Triệu tông phả, ông Phủ Vĩnh Tường tức là Tú tài Phạm Viết Ngạn (khi thăng chức Đồng tri phủ Phân phủ Vĩnh Tường thì cải thành Viết Lập). Nguyên quán của ông ở hương Trà Lũ, xã Xuân Trung, phủ Xuân Trường, trấn Sơn Nam Hạ. Hồ Xuân Hương làm lẽ của Tú tài Phạm Viết Ngạn, bấy giờ tại nhiệm tri phủ Vĩnh Tường. Nhưng duyên phận chỉ được 27 tháng thì ông Phủ Vĩnh Tường tạ thế tại   nhiệm sở”. Theo cứ liệu này thì Hồ Xuân Hương sinh cho ông Phạm Viết Ngạn một người con trai tên Phạm Viết Thiệu.

Một cứ liệu khác do nhà nghiên của Phạm Ngọc Khảnh đăng trên điện tử Văn Nghệ Nam Định ngày 11/9/2013, viện dẫn rõ thân thế sự nghiệp của Phạm Viết Ngạn. Theo “Tư liệu của dòng họ Phạm lưu hành nội bộ - Phạm Gia tộc phả”  và “Triệu Tông phả” do Phạm Viết Thiệu (con út của  Phạm Viết Ngạn viết năm 1882) thì đời thứ 15 của họ Phạm, có ông Phạm Viết Ngạn  sinh ngày 13/8/1802, năm 24 tuổi đỗ Tú tài, năm 41 tuổi đỗ Cử nhân tại trường thi Nam Định, khoa Nhâm Dần - Thiệu Trị thứ 2 (1842). Năm Mậu Thân - Tự Đức nguyên niên (1848) được hậu bổ. Tháng 4 năm sau (Kỷ Dậu - 1849), được điều đi giữ chức Nhiếp biện ấn vụ huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), rồi nhận chức Giáo thụ phủ Thiệu Hóa (Thanh Hóa). Khoa thi hương năm Canh Tuất (1850) được sung sơ khảo trường Nghệ An; khoa thi hương năm Giáp Dần (1854) lại được sung phúc khảo trường Nghệ An… Năm Mậu Ngọ (1858) được bổ tri huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Đầu năm Nhâm Tuất, Tự Đức thứ 15 (1862) được thăng chức Đồng tri phủ phân Phủ Vĩnh Tường, tháng 3 năm ấy tham gia trận “Đánh thổ phỉ vượt biên giới” tràn sang vùng địa phận Phủ Vĩnh Tường, thắng trận. Đến ngày 14/4 cùng năm Phạm Viết Ngạn mất tại lỵ sở, thọ 61 tuổi, nhậm chức ở Vĩnh Tường chưa đầy 4 tháng”.

Lần theo Triệu Tông phả do Phạm Viết Thiệu viết năm Nhâm Ngọ (1882): “Bố ta vâng nhậm chức giáo thụ phủ Thiệu Hóa bỗng sinh ta, nhân đấy đặt tên là Viết Thiệu”. Về đời tư của bố mình, theo Phạm Viết Thiệu thì cả 3 người vợ của bố mình (vợ cả, vợ kế và vợ thứ) đều không phải là mẹ đẻ của Phạm Viết Thiệu. Vậy mẹ của Phạm Viết Thiệu là ai? Theo tác giả Phạm Ngọc Khảnh: “Không còn nghi ngờ gì nữa, mẹ đẻ Phạm Viết Thiệu, chính là Hồ Xuân Hương, người mà cho đến nay trong họ ngoài làng vẫn thừa nhận chứ không thể là ai khác”.

Phạm Ngọc Khảnh dẫn theo Sách Nam Định dư địa chí, do Khiếu Năng Tĩnh hiệu khảo và Ngô Giáp Đậu biên soạn năm 1916, cho biết “Phạm Công Đại, nguyên tên húy là Ngạn, người làng Trà Lũ, đậu Cử nhân khoa Nhâm Dần đời Thiệu Trị (1842) làm đến Đồng tri phủ phân phủ Vĩnh Tường, chết trong lúc làm quan. Ông có tiếng thanh liêm, giản dị. Nhà thơ Hồ Xuân Hương là thiếp của ông”.

Trái với ý kiến nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Khảnh, theo những giả thiết về năm sinh Hồ Xuân Hương và sử liệu của họ Hồ, thì nữ sĩ sinh năm 1772, còn Phạm Viết Ngạn sinh năm 1802, như vậy nữ sĩ hơn ông Phủ Vĩnh Tường 30 tuổi. Lấy cứ liệu năm Hồ Xuân Hương chết 1822, đến năm 1862 Tú tài Phạm Viết Ngạn mới nhậm chức Tri Phủ Vĩnh Tường, như vậy nữ sĩ đã mất 40 năm trước.

Theo cứ liệu trong bài thơ Khóc ông Phủ Vĩnh Tường thì cuộc tình duyên của nữ sĩ họ Hồ với ông Phủ Vĩnh Tường chỉ “27 tháng trời” (năm 1862 ông Phủ Vĩnh Tường Phạm Viết Ngạn chết) lùi đi 3 năm, thì năm 1859, nữ sĩ mới về làm lẽ ông Phủ, khi đó ông Phủ mới 57 tuổi, liệu ông có yêu, có mê mấy, thì cũng không thể cưới “cụ” Hồ Xuân Hương 87 tuổi về làm vợ lẽ?! Và năm 1859 thì Tú tài họ Phạm cũng chưa được thăng chức về làm Tri phủ Vĩnh Tường, ông còn đương chức là Tri phủ Gia Viễn. Theo sử sách và bia đá ghi năm Hồ Xuân Hương mất năm 1822 (khi 49 tuổi), thì làm vợ lẽ Phạm Viết Ngạn vào năm 1859, là chuyện không thể có. Và nữ sĩ cũng không thể để lại chết vào năm 1865 sau khi mãn tang ông Phủ Vĩnh Tường (từ 1862-1865).

Còn chuyện Phạm Viết Thiệu là con của Hồ Xuân Hương cũng thật phi lý, bởi năm 1849 sinh Phạm Viết Thiệu, thì Phạm Viết Ngạn nhận chức Giáo thụ phủ Thiệu Hóa (Thanh Hóa) mới 47 tuổi. Còn Hồ Xuân Hương nếu đúng sinh năm 1772, thì đã 77 tuổi, làm sao còn đẻ được Phạm Viết Thiệu? Và nếu tính năm mất của nữ sĩ Xuân Hương là năm 1822 thì điều đó lại càng vô lý. Thêm nữa, nếu giả thiết năm 1859 nữ sĩ mới làm lẽ Phạm Viết Ngạn thì làm sao đẻ được Viết Thiệu 10 năm trước?

Một cứ liệu nữa, theo Thương sơn thi tập của Nguyễn Phúc Miên Thẩm - tức Tùng Thiên vương, có bài Long biên trúc chi từ được viết năm 1842 khi Tùng Thiên vương hộ giá vua Thiệu Trị ra Bắc tiếp sứ thần nhà Thanh, có tới viếng mộ Hồ Xuân Hương cạnh hồ Tây. Căn cứ bài thơ này có thể khẳng định Hồ Xuân Hương đã qua đời từ lâu trước 1842, như vậy việc cho rằng bà mất năm 1822 là có cơ sở.

(Còn nữa)

Nguồn Văn nghệ số 16/2020


Có thể bạn quan tâm