April 26, 2024, 3:00 am

Ông Phủ Vĩnh Tường, chồng Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương là ai?

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì Hồ Xuân Hương (giả thiết sinh năm 1772 mất năm 1822) quê gốc ở Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, trấn Nghệ An, xứ Bắc Hà. Dân tộc Việt. Giai đoạn sáng tác Cổ điển, thể loại Hán Nôm. Thế nhưng một cứ liệu khác lại minh chứng ở Viễn Đông Bác Cổ, có lưu trữ tập Hán văn chép tay Dương Hạo đỉnh tập quốc sử dĩ biên số hiệu A-1045, biên tập vào năm 1862, nói đến việc quan Tham hiệp trấn Yên Quảng là Trần Phúc Hiển, có người vợ bé là nhà thơ, nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Vậy ông Phủ Vĩnh Tường chồng Bà Chúa thơ nôm là ai?

Chuyện tình Hồ Xuân Hương ở đất Phủ Vĩnh Tường

Hồ Xuân Hương, một nhà thơ nữ hiếm hoi trong làng thơ Việt Nam, xưa nay vẫn là huyền thoại, nhưng ít ai biết nữ sĩ được xếp hạng nổi tiếng thứ 2479 trên thế giới và thứ 2 trong danh sách Nhà thơ nổi tiếng. Người ta thuộc thơ Hồ Xuân Hương, biết chuyện tình của nữ sĩ qua bài thơ Khóc Tổng CócKhóc ông Phủ Vĩnh Tường. Thế nhưng cuộc đời của Hồ Xuân Hương ra sao, đã trải qua những nỗi bất hạnh nào để có duyên thơ, thì đến nay vẫn là huyền bí, cũng như chuyện người cha của nữ sĩ họ Hồ là Hồ Phi Diễn hay Hồ Sĩ Danh? Còn nữa ông Phủ Vĩnh Tường, người chồng thứ hai của nữ sĩ là ai, Trần Phúc Hiển hay Phạm Viết Ngạn? Còn nữa, mộ nữ sĩ có còn trong những khu mộ cổ ven hồ, hay đã nằm sâu trong sóng nước Hồ Tây?... Trong bài viết này, tôi chỉ muốn lần ra trong các cứ liệu lịch sử và văn chương, để giải mã ông Phủ Vĩnh Tường chồng Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương là ai?

Theo bia đá dựng ở đầu làng Quỳnh Đôi, quê hương nữ sĩ họ Hồ, thì sau 3 năm chồng chết, Hồ Xuân Hương cũng về với thế giới bên kia năm 1822, cùng năm đó Phủ Tam Đa được đổi tên thành Phủ Vĩnh Tường, danh xưng này vang lên từ đấy. Còn ông Phủ Vĩnh Tường trong bài thơ Khóc ông Phủ Vĩnh Tường của Hồ Xuân Hương là ai, ông Tri phủ Tam Đái, Trần Phúc Hiển, người đã chết từ năm 1819, hay ông Tri phủ Vĩnh Tường Phạm Viết Ngạn, người chết năm 1862? Tôi không bình luận về bài thơ Khóc ông Phủ Vĩnh Tường là của Hồ Xuân Hương hay của ai, mà chỉ muốn nhắc đến bài thơ này như một cái cớ “Phủ Vĩnh Tường” đã đi vào văn học, từ đó danh xưng vùng đất này được nhiều người biết đến.

 Bài thơ Khóc ông Phủ Vĩnh Tường, có câu: “Hăm bảy tháng trời đã mấy chốc” cho thấy duyên nghĩa vợ chồng của họ chỉ vẻn vẹn 27 tháng.

Khi về đất “Phủ Vĩnh Tường” năm 2019, tôi được lãnh đạo huyện tặng cuốn Địa chí Vĩnh Tường, Nhà xuất bản Thế giới ấn hành năm 2018, dày 968 trang. Tại trang 745 phần thứ 5 văn hóa xã hội, viết về Hồ Xuân Hương có nêu: “Hồ Xuân Hương sinh năm 1772 mất năm 1822, người làng Quỳnh Đôi, xứ Nghệ”; “Bà lấy Tri phủ Vĩnh Tường, tuy cũng là làm lẽ nhưng tình yêu được trân quý. Theo Phạm gia tộc phả và Triệu tông phả, ông Phủ Vĩnh Tường Chính là tú tài Phạm Viết Ngạn, khi thăng chức Đồng tri phủ Phân phủ Vĩnh Tường thì cải thành viết lập, nguyên quán ở hương Trà Lũ, xã Xuân trung, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định”.

Địa chí Vĩnh Tường không nêu rõ nữ sĩ Hồ Xuân Hương lấy Tú Tài Phạm Viết Ngạn năm nào, nhưng có ghi năm ông  nhậm chức Tri Phủ Vĩnh Tường năm 1862 và cùng năm ấy là năm mất của ông, hưởng thọ 61 tuổi.

Vậy ông Phủ Vĩnh Tường chồng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương có phải tú tài Phạm Viết Ngạn?

 

Có bao nhiêu ông Tri phủ Vĩnh Tường?

Theo Địa chí Vĩnh Tường năm 2018,  phần II lịch sử vùng đất Vĩnh Tường, Chương 2: Vĩnh Tường thời kỳ phong kiến tự chủ năm 938-1873, mục 2.2.3 Vĩnh Tường thời Nguyễn 1802-1873, tại trang 178 nêu: “Huyện Vĩnh Tường ngày nay nằm trong Phủ Tam Đới, thuộc trấn Sơn Tây dưới triều Nguyễn. Đến năm 1821, vì kiêng tên húy, Vua Minh Mạng đã đổi tên Phủ Tam Đới, thành Phủ Tam Đa. Năm 1822 Phủ Tam Đa được đổi thành Phủ Vĩnh Tường”. Tại trang 180 có nêu tên quản phủ Vĩnh Tường: “Năm 1826 ở huyện Lập Thạch, Lê Văn Bang đã tập hợp hơn 1000 người nổi lên cướp bóc. Quản phủ Vĩnh Tường là Trần Văn Di thân chinh đem 200 dân binh đi đánh dẹp”. Như vậy Phủ Vĩnh Tường được thành lập năm 1822, thì 4 năm sau Trần Văn Di là tri phủ Vĩnh Tường đầu tiên. Cũng tại trang 180 có nêu “Năm 1833 thành phủ Vĩnh Tường lại phải đem quân đi tiêu diệt cuộc nổi loạn... Đồng Tri phủ Vĩnh Tường, Sơn Tây là là Nguyễn Trù”. Với trích dẫn trên thì Tri phủ Vĩnh Tường năm 1833 có tên là Nguyễn Trù. Từ năm 1833 đến năm1873, địa chí Vĩnh Tường không nhắc tới tên các Tri phủ khác. Còn theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì “Năm Nhâm Tuất Tự Đức thứ 15 (1862) Phạm Viết Ngạn được thăng chức Đồng tri Phủ Vĩnh Tường năm đó ông 61 tuổi, mất ngày 14/4 cùng năm tại sở lỵ”.

Như vậy từ năm 1822 đến năm 1862, Phủ Vĩnh Tường có 3 ông là Trần Văn Di, Nguyễn Trù và Phạm Viết Ngạn là Tri phủ và chỉ có ông Phạm Viết Ngạn được xác nhận là chồng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Nhưng lại có nhiều cứ liệu trong đời thường, cũng như những bài thơ của Hồ Xuân Hương  trong tập Lưu Hương Ký, trở thành minh chứng có lý, có tình, có độ tin cậy, khẳng định Trần Phúc Hiển, Tri phủ Tam Đái (tiền thân của Phủ Vĩnh Tường) mới chính là chồng của nữ sĩ họ Hồ.

(Còn nữa)

Nguồn Văn nghệ số 15/2020


Có thể bạn quan tâm