April 26, 2024, 6:08 am

Ông giáo già

Ông giáo già – đó là cái tên mà nhà tôi hay gọi bác!

Trời chuyển mùa. Cái gió se se lạnh chiều tháng 10, về tới đầu ngõ đã nghe tiếng của thầy, tiếng lốc cốc của mấy viên phấn trên chiếc bảng đã cũ, những hạt bụi phấn lặng lẽ rơi trên tay thầy. Thi thoảng là tiếng ho sặc sụa không ngớt. Thầy giảng, mấy đứa học trò ở dưới chăm chú nghe. Lớp giờ thưa lắm rồi. Không giống như ngày hồi tôi còn bé tí, mỗi lần xuống nhà thầy chơi, thấy mấy anh chị ngồi chen chúc, chật ních. Còn bây giờ tính luôn cả thầy, cả trò thì cũng chỉ vừa vặn đủ 10 ngón tay. Ấy vậy mà thầy vẫn dạy, vẫn nhiệt tình, vẫn là ánh mắt thân thương đó – ánh mắt chất chứa bao niềm hy vọng đối với những học trò nhỏ của mình. Với thầy, niềm vui chính là còn được cầm viên phấn viết lên bảng những công thức, những cái sơ đồ mạch điện loằng ngoằng, … là truyền kinh nghiệm, kiến thức, những cái hay mà thầy góp nhặt theo năm tháng. Niềm vui của thầy tuy giản đơn mà cao quý biết nhường nào.

Chỉ vài mùa xuân nữa thôi là thầy tròn 70 tuổi, dáng thầy cao, gầy, nếp nhăn trên mặt thầy ngày một nhiều hơn, duy chỉ nụ cười hiền là chẳng bao giờ tắt.

Nhà thầy, là cả khoảng trời bình yên. Mấy chậu lan treo trên giàn, vườn cây cảnh đủ loại, cái lớp học mà ngày xưa tự thầy dựng nằm im lìm bên góc phải trước sân nhà. Góc trời nhỏ ấy lớn hơn cả tuổi đời của tôi. Cái lớp học cũ kỹ đã theo thầy qua bao mùa nắng mưa. Thấy tôi về, thầy cười chào tôi:

  • Mới về à con?
  • Dạ, thưa bác ba, con mới về.

A, con chiến mã của bác kia rồi. Nó vẫn nằm chễm chệ ở đấy. Tôi thích nhất khi nhìn bác chạy trên con chiến mã của mình. Bác gái kể, ngày xưa cũng trên con xe ấy, bác chạy quãng đường gần một trăm cây số để dạy bồi dưỡng cho đội tuyển tỉnh dự thi Quốc gia. Sáng sớm chạy đi rồi chiều chạy về. Đều đặn ngày qua ngày, bất kể trời có nắng bỏng đầu hay cái lạnh cắt da cắt thịt.

Hồi còn đi học, tụi bạn hay hỏi tôi, tại sao bác cống hiến trong nghề lâu như vậy mà bác không thăng chức làm Hiệu trưởng? Lúc nhỏ tôi đã từng hỏi bác như thế. Bác chỉ cười. Lớn lên rồi tôi mới biết, bác muốn làm giáo viên hơn làm quản lý. Bác muốn sống một đời bình lặng, không bon chen, không xô bồ và điều quan trọng nhất là bác muốn đưa lớp lớp học sinh cập bến bờ tri thức. Tình cảm ấy giấu đằng sau những con chữ, công thức; những sớm khuya bác chấm bài, soạn đề… Nếu mặt trời đã trao cho mặt trăng một tình yêu rất ngọt – tình yêu của thời gian. Nếu bầu trời đã trao cho mặt đất một nỗi nhớ rất đậm – nỗi nhớ của không gian. Thì chắc có lẽ, điều mà bác trao cho học trò chúng tôi chính là một tình thương rất ấm – tình thương của vô hạn những mùa đi qua.

Giải thưởng, bằng khen bác có rất nhiều. Những tấm bằng khen danh giá đó được bác đóng khung, xếp gọn gàng. Nhiều lần bác được khen tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh, giáo viên giỏi cấp Tỉnh, được bổ nhiệm giáo viên trung học cao cấp, được Hội đồng nhân dân cấp Tỉnh ghi nhận và khen tặng nhiều năm liền trong công tác giảng dạy bồi dưỡng Quốc gia cho đội học sinh giỏi cấp Tỉnh, cả Huy hiệu Quảng Nam 10 năm xây dựng và phát triển của UBND Tỉnh... Chao ôi, cơ man là giải thưởng, kể làm sao cho hết cái sự nghiệp lừng lẫy và rực rỡ ấy? Nhưng có lẽ điều khiến bác mãn nguyện nhất không phải là những tấm bằng khen, mà đó chính là nhìn thấy lớp lớp học trò trở thành người tử tế cùng với sự thành đạt trên con đường công danh, sự nghiệp.

Tôi nghe bác gái kể, cái thời bao cấp, ngày đó còn khổ. Nghề giáo viên khi đó còn bạc lắm. Tại sao lại bạc? Vì lương của giáo viên ngày đó chẳng đủ để mà gồng gánh nuôi đủ gia đình. Thời đó việc đi học thêm còn hạn chế bởi lẽ có đủ cái ăn, cái mặc, cho con được đến trường đã là quá sức với người ta rồi. Trong thời điểm đó, cũng giống như mấy thầy cô trong trường, bác mở một lớp dạy thêm nho nhỏ. Đi học thêm, có người nộp học phí, có người không. Ai nộp bao nhiêu bác nhận bấy nhiêu, bác chẳng hỏi cũng chẳng nhắc. Và cứ như thế học sinh đến học bác ngày một đông. Chưa bao giờ bác từ chối học sinh nào trừ khi lớp không còn chỗ để chen. Tôi thắc mắc nếu như vậy thì tiền đâu để hai bác nuôi 3 người con ăn học? Bác gái tôi là giáo viên Tiểu học, nên đồng lương khi ấy còn ít hơn cả bác trai. Nghe tôi hỏi vậy bác gái cười: “những lúc rảnh rỗi bác hay làm bánh bột lọc rồi gánh hàng rong đi bán, còn bác trai phải đi đào giếng thuê cho người ta, ai kêu đâu thì làm đấy. Rồi nấu rượu, nuôi thêm mấy con heo làm vốn. Cứ thế mà tiết kiệm, tích cóp từng chút một.”. Qua hết rồi, cái thời ấy, bác nhỉ? Thương bác quá, bác ơi! Nhiều khi cuộc sống của mình còn nhiều thiếu thốn, vậy mà bác vẫn còn nghĩ được cho người khác. Bảo sao những cô chú đã lớn tuổi đến tận bây giờ vẫn luôn nhớ và hay ghé thăm bác. Lần nào cũng vậy, mỗi lần họ đến, họ vẫn luôn nhắc về những điều xưa cũ với giọng nghẹn ngào đầy cảm xúc. Có lẽ, cô chú thời ấy biết ơn bác nhiều lắm.

Tôi luôn cảm thấy mình may mắn khi đứa cháu út này là lứa học sinh cuối cùng trước khi bác rời bục giảng. Bao năm nay bác vẫn luôn như thế, dù bác gặp phải lớp không được ngoan nhưng có một học sinh tập trung và chăm chú nghe giảng thì bác vẫn sẽ dạy, dạy bằng cả tấm lòng của mình.

Về hưu rồi, bác vẫn còn dạy. Cái ngọn lửa nhiệt huyết vẫn cháy rực trong bác, nó không những lụi tàn theo thời gian mà ngược lại nó ngày càng cháy dữ dội hơn. Cứ có học trò đến xin học là bác dạy, ít cũng được nhiều cũng được, thậm chí bác còn dạy miễn phí cho mấy đứa nhỏ. Bác bị bệnh hen suyễn xưa nay, bây giờ tuổi đã già nên yếu hơn. Cả nhà ai cũng lo, nói hay thôi bác nghỉ dạy đi. Bác chỉ cười rồi nói: nghỉ hưu rồi ở nhà lại buồn tay buồn chân, có tụi nhỏ lui tới cũng vui. Hít bụi phấn mấy chục năm trời vậy mà bác vẫn chưa muốn dừng lại cái sự nghiệp ấy. Bác bảo bác tiếc, nói mình còn sức khỏe thì bác vẫn còn muốn truyền lại kiến thức cho học sinh.

   Cuộc sống tuổi già của bác giờ cũng giản đơn lắm. Là ngày ngày chăm sóc mấy cây cảnh, là ngày ngày soạn đề để dạy cho mấy đứa nhỏ tới học. Tỉ mỉ chăm từng nhánh lan trên giàn, đủ màu sắc. Với bác vậy là đủ. Bác hài lòng với cuộc sống hiện tại. Các con của bác giờ ai cũng thành đạt cả, ai cũng có một gia đình nhỏ hạnh phúc. Và bác, có một người vợ hiền cùng bác già đi. Bác trở về với cuộc sống riêng tư của mình, tìm những điều mộc mạc, bình dị ngày thường để thế chỗ cho những tâm huyết hơn mấy mươi năm trú ngụ. Để lắng nghe những thi vị cuộc sống qua lăng kính của ông giáo già xấp xỉ tuổi 70. Có nhiều người hay hỏi hạnh phúc là gì? Rồi đi đâu để tìm thấy được cái hạnh phúc vốn dĩ quá đỗi mơ hồ ấy? Và nhờ có bác, tôi mới biết, hạnh phúc đôi khi ở ngay trước mắt chúng ta mà chúng ta không hề nhận ra. Đó chính là sống với đam mê, sống với nhiệt huyết, tận tâm với công việc và hài lòng với những gì mà chúng ta có. Ấy chính là hạnh phúc!

Có một hình ảnh mà chắc có lẽ nó sẽ theo tôi suốt cả cuộc đời. Vào cái ngày ba nói lời tạm biệt với mẹ con tôi về với Đất Mẹ, mắt bác đỏ hoe nhìn ba, một tay bác nắm bàn tay ba thật chặt, tay kia lặng lẽ lau những giọt nước mắt, bác nói run run: “Em không cần phải lo, tụi nhỏ đã có anh ở đây lo rồi. Em cứ yên tâm mà ra đi thanh thản.” Và có lẽ đó là lần đầu tiên tôi thấy bác khóc nhiều đến như thế. Ngày tiễn ba ở đoạn đường cuối của cuộc đời, bác đã ôm lấy tôi, hơi ấm từ cái ôm đó đã trở thành sức mạnh để tôi đối diện với những khó khăn của năm tháng sau này.

Sức khỏe bác cũng không còn khỏe như trước. Tôi thực sự rất sợ, sợ một ngày về quê, vẫn ngôi nhà đó, vẫn những chiếc bàn học đã sờn cũ, vẫn chiếc bảng đen nằm thu mình vào một góc nhưng không còn bóng dáng ấy đứng ở đó nữa. Đối với tôi, bác không những là người thầy đáng kính luôn tận tâm với nghề; là người bác hết lòng thương con thương cháu, dạy cho chúng tôi biết cách đối nhân xử thế; là người bạn luôn động viên tôi phải cố lên mỗi khi tôi gặp biến cố trong cuộc sống; mà bây giờ bác còn là người thay thế ba trở thành chỗ dựa để chị em tôi vững bước vào đời.

Tôi biết, bác chẳng mong gì ở chúng tôi ngoài sự trưởng thành và một cuộc sống yên ấm. Nên tôi chỉ muốn nhắn với bác rằng:

“Bác ơi, chúng con nay đã trưởng thành rồi. Vậy nên con – thay mặt cho những lớp học sinh may mắn được bác giảng dạy hy vọng bác có thật nhiều sức khỏe. Con thay mặt cho những đứa cháu tuy đã lớn nhưng vẫn mãi nhỏ bé với bác… mong bác luôn vui, chỉ cần bác vui là chúng con cũng vui rồi.

Hứa với con, bác nhé, bác phải luôn thật khỏe để còn thay ba chủ trì hôn lễ của đứa cháu út này. Và chúng con xin hứa, chúng con vẫn sẽ luôn cố gắng và hoàn thiện bản thân mình từng ngày. Để mỗi khi gặp ai, trò chuyện với ai cũng có thể tự hào nói, chúng con – là học sinh, là cháu của thầy Phan Xảo.”

 


Có thể bạn quan tâm