April 25, 2024, 6:30 pm

Ông “giám đốc” nghĩa trang làng Mai

 

Người có công đầu tạo ra nghĩa trang làng Mai Làng Mai là làng nhất xã nhất thôn, nhưng đồng lại có những hai cái. Người thì gọi là đồng trên đồng dưới, người thì gọi đồng gần đồng xa. Đồng nào cũng rộng mênh mông đến thừa thãi. Ngay đồng trên địa liền ba bốn cái cổng làng, mà chỗ Phân Nha kề chùa làng Vệ cũng chả ai cày cấy gì. Nên chỉ loe hoe vài ngôi mộ và những bụi dứa dại chỉ đợi vào mùa đông cho trẻ chăn trâu đốt sưởi và nướng khoai. Huống hồ đồng dưới xa tít mùa tắp. Đi chí ít ăn hết bốn bắp ngô bãi giữa sông Cái mới đến. Diềm đồng dưới toàn đất đồi thả sức cho phi lao mọc hoang, ngày đêm à à gió.

Đồng làng Mai rộng như vậy nên từ thượng cổ đến những năm cách đây trên dưới ba chục năm, nhà nào có người chết muốn chôn đâu thì chôn.

Lối độ quãng cuối năm chín, sáu mươi gì đó, hồi đó chợ Mai chưa bị phá để làm cột điện vượt sông Cái, có tay khách từ đâu đến ăn bánh đúc canh nhà cụ Nhèm nói bâng quơ, rằng dân làng này khó phát vì không biết chọn đất chôn ông cha, cụ kị để con cháu có cơ mà phát. Phó cạo Hỉn đen đang cúp tóc gần đấy, nghe được để bụng. Cuối năm đó, bố lão chết, phó cạo Hin đen nhất quyết chôn ông cụ ở góc gò Văn Chỉ có cái miếu đổ nghe nói là miếu thờ Khổng Tử  bất chấp anh em, họ mạc bảo chỗ ấy không  nước, thổ cạn, đấy rồi xem hàng chục năm chứ đừng nói ba năm mà tiêu được. Chọn đất chôn vậy, mà hơn chục năm sau, cu Vịn con trai độc nhất của phó cạo Hin đúp liền ba năm lớp ba. Nhỡn tiền như vậy nên dân làng Chiện nhà nào có người chết quay lại thói thích chôn đâu thì chôn, chả tính đến phong thủy, phong thiếc làm gì cho rách việc.

Ấy thế mà hơn hai chục năm lại đây, cả hai cánh đồng làng Chiện như thu hẹp lại nom choen hoẻn như bàn tay mở ngửa của đứa trẻ chưa đủ lớn. Đồng xa, đồng gần, nhà cửa trường học, trụ sở ủy ban trước ở trong làng bé tin hin nay bê hết ra đồng. Rặt nhà cao tầng, lại còn đường sá trải nhựa chạy quanh khu nhà, nuốt hết ruộng mương. Ngay Phân Nha hoang vu là thế, nay thành phố Mai. Nhà chồng tầng, đủ quán ca rao kê, nhà nghỉ, quán gêm tốc độ cao, phở Nam Định, và cả một nhà hàng thấy biển vẽ con ngựa trắng tung bờm phi nước đại để nói rằng đấy là quán thắng cố đích thị bạch mã Sa Pa.

 truyen du thi: ong “giam doc” nghia trang lang mai hinh anh 1

Mãi giáp con mương thủy nông lấy nước từ sông Đào, giờ chỉ còn là con lạch mờ, sền sệt nước đen kịt, thum thủm, là một khu đất ước độ vài chục mẫu được khuôn lại bằng tường gạch xây mười để hở ra một khoảng làm cổng. Liền cổng có một nhà làm việc gồm hai phòng. Phòng dành cho tay Húng cai quản mà trên cái bàn ngổn ngang ấm chén, và cả thẻ hương nguyên, vỏ bảo hương có tấm biển nhỏ màu xanh khắc chữ vàng khá rõ nét “Trần Hùng - giám đốc nghĩa trang” (còn chuyện tay Húng sao thành Trần Hùng giám đốc có nguyên cớ hẳn hoi. Phần sau chép rõ), một phòng chứa đôi ba hòm hậu sự.  Mảng tường sát chiếc cổng xây sơ sài, dành một vuông được trát nhẵn viền quanh trong đó nổi lên hàng chữ “Nghĩa trang nhân dân làng Mai”.

Có nghĩa trang tức là gia đình nào có người chết thì phải chôn trong nghĩa trang không được tùy tiện muốn chôn đâu thì chôn. Nghĩa trang làng Mai thì dứt  khoát chỉ có người có hộ khẩu ở Mai chết mới được chôn ở “Nghĩa trang nhân dân làng Mai”. Vì điều kiện thế nên làng Mai mới sinh ồn ào, thì thào to nhỏ từ xóm nọ sang xóm kia. Ủy ban phải họp lên họp xuống. Và cuối cùng khi làng Mai lên phường được già nửa năm thì giám đốc Hùng bị huyền chức để thay vào một nhóm lãnh đạo khác gồm một phó một trưởng nhưng chỉ mang danh “quản trang”  và “phó quản trang”. Nhưng dù thế nào thì việc có nghĩa trang nhân dân làng Chiện cũng phải ghi dấu người có công đầu là giám đốc Trần Hùng. Còn vì sao vị giám đốc này mất chức? Phần sau cũng chép hết. 

Lý do gì tay Húng con giai ông Kinh Giới thành giám đốc Trần Hùng ?

Cụ thân sinh ra Trần Hùng giám đốc nghĩa trang làng Mai tên đủ trong hộ khẩu là Trần Văn Giới. Hồi cải cách quy thành phần là cố nông, được chia nhà quả  thực. Còn bè bạn và dân làng thường gọi là lão Kinh Giới. Bởi thuở hàn vi, ước mơ lớn nhất của ông là được ăn thỏa thích bữa lòng lợn tiết canh với đủ thứ rau gia vị như mùi tầu, kinh giới, húng chó… Không biết có phải vì ám ảnh ấy không mà đứa con trai thứ hai trong năm đứa con ông Kinh Giới đặt là Húng.

Khi Húng hai lăm tuổi thì bố gã kiên quyết bắt gã lấy vợ. Đó là cái Bống, con nhà cả Ngan có nghề làm giò chả hình như gia truyền đã ba đời. Húng với Bống cũng chẳng phải thân nhau huống hồ là yêu nếu không vì ông bố Kinh Giới thỉnh thoảng ra nhà cả Ngan mua năm xu nước trần chả về cải thiện bữa ăn cho lũ con kèm vài đầu mẩu chả, dúm nem chạo đưa cay…

Khi bố mẹ cho ra ăn riêng thì Húng vì học hành chưa hết lớp năm nên xin việc cũng khó, kể cả làm thợ sắt ở nhà máy bê tông ngay đầu làng, vì thế gã theo  thợ xây làm chân phu hồ buổi đực buổi cái. Còn cái Bống vợ gã thì túc tắc lấy giò chả, chạo của bố mẹ xuống bán ở chợ Mai mới. Cái gia đình con con của Húng, Bống dạo đó chả biết thế nào song ngày ngày cũng đỏ lửa hai lần như mọi nhà khác. Khẩu phần ăn chắc cũng qua bữa, giả lễ chúa Mường nên mới ngoài ba mươi má chồng thì hóp lại chỉ nhìn thấy răng là răng, còn con vợ nghe nói bộ nhai rụng gần hết. Riêng khoản con cái thì ông trời bù lại. Cái Bống năm lần đẻ thì tụ cả năm. Ba thằng con trai quanh năm mặc độc quần cộc rách xơ, hở rốn. Đứa thì thây lẩy, đứa thụt sâu vào bụng. Hai đứa con gái, mùa hè chí mùa đông đánh độc áo cánh cháo lòng, quần lá tọa cắp rổ đựng lá chuối vừa róc ở vườn về cho mẹ bọc chạo, giò, chả bán cho khách. 

Lũ con nhà Húng Bống dù nghèo đói đến đâu theo năm tháng cũng đến kỳ trổ mã. Con trai ra đường quàng thêm áo chữa lại của bố hay xin quanh họ hàng, con gái đã biết mua dây rẻ tiền ở chợ buộc tóc gọn thì trời bắt đầu run rủi.

Đúng lúc đó, đồng làng liên tiếp mọc đủ thứ nhà, đường, việc chôn cất người chết xã đã co vào một khoảng thì Húng lên ủy ban gặp tay chủ tịch xã họ xa đằng ngoại, vốn bộ đội phục viên, rất mê món chạo của cái Bống, trình bày gì đấy. Chả hiểu nội dung gì mà ngay ba ngày sau Húng ta cùng tay Lãm anh em cọc chèo trong hiệp thợ xây ra xây tường bao bọc lấy khu đất mà Húng bảo xã đã quy định làm nghĩa trang .

Nói gì thì nói, dù chê hay khen thì Húng ta sau này lịch sử làng Mai vẫn phải ghi rõ đó là giám đốc đầu tiên của Nghĩa trang Mai.

Cũng cần nói. Làng Mai là làng ngoại thành, tính đường bay cách hồ Lục Thủy trung tâm kinh thành tròn chục cây, xấp xỉ đường từ phố đến Văn Điển. Có lẽ vì thế nên trừ những gia đình có tư tưởng thông thoáng đưa cha già mẹ héo đến đài hóa thân Hoàn Vũ, vẫn không ít nhà nội thành muốn mai táng người thân theo lối cổ truyền. Văn Điển thì đất chật mồ đông, các nghĩa trang Vĩnh Hằng, Lương Sơn… không phải nhà nào cũng có điều kiện lên, nên Nghĩa trang làng Mai thành địa điểm ưa thích của dân trong thành và lân cận chọn khi cha già mẹ héo, người thân từ giã cõi đời. Khổ nỗi Nghĩa trang Mai chỉ cho an táng người có hộ khẩu Chiện.

Húng ta chả có ai cử ngoài lần nói chuyện với vị chủ tịch mê chạo cái Bống mà nghiễm nhiên thành người quản lý duy nhất Nghĩa trang Mai. (Nói duy nhất vì tay Lãm em cọc chèo với Húng sau khi  xây gần xong tường bao nghĩa trang  thì có giấy đi xuất khẩu).

Đâu chừng trên dưới mười lăm năm từ khi đảm nhận cái chức mà mỗi khi gặp ai Húng ta đều bảo đó là thứ việc “cơm nhà vác tù và nghĩa địa”, với lại “béo bở gì cái chỗ cả ngày lẫn đêm chỉ nói chuyện với ma” thì Húng ta làm cho ba đứa con trai đã lấy vợ cùng nhà vợ chồng gã với hai đứa con gái đủ bốn cái nhà xây to vật vã. Nhà nào đi ngoài nhìn vào cũng thấy tivi hình phẳng to tướng, tủ lạnh lênh khênh, và những cục nóng máy điều hòa đậu tường… Gần đây bốn cái nhà Hùng và con cái lại vang ra tiếng loa ca rao kê chói tai. Hỏi Húng về tiền xây bốn nhà ấy, Húng ngoẹo hai lần cần cổ núng nính, đỏ au vì uống bia chai, đều hất hàm vào chỗ vu vơ bảo “trông vào tiền bù đất cả đấy, với lại các vị không thấy con mẹ Bống nhà tôi từ hồi về bán vàng mã, giò chả ở cổng nghĩa trang đắt hàng ra phết đấy à ?” Ai nghe cũng gật đầu ra điều hiểu việc Húng nói, nhưng về nhà mới tự vấn thầm: “Lão cố nông Kinh Giới ngoài nửa căn nhà quả thực được chia, thêm hơn sào ruộng giờ đang trồng rau muống có đếch chỗ đất nào bán. Tay Húng nó phát chỗ nào ấy chứ? Chịu!”.

Làng Chiện có tay Quân, nghe người làng đồn là nhà báo trung ương. Thấy bảo nhà báo Quân là có tiếng lắm vì một tay hắn khui ra hàng chục vụ tham nhũng gì đấy làm chí ít dăm tổng giám đốc, hình như cả thứ trưởng, vào tù. Hôm Quân về làng cải mả mẹ, thì gặp Húng ở phòng nghĩa trang. Trông thấy Quân từ xa, Húng đã le te chạy ra, chìa hai tay ra đón sẵn, cặp má phính lên vì bia.

-  Chào ông anh nhà báo. Nghe tin ông anh về thay áo cho cụ, chính em đã chỉ chỗ đất có thể nói là mặt tiền cho cụ đấy.

Quân mỉm cười đi vào phòng Húng:

- Bây giờ đổi mới rồi. Chú nên khắc ngoài cổng biển hiệu “Công ty nghĩa trang Mai” hay “Nghĩa trang nhân dân Mai”. Chứ ai lại để trơ khấc trần cù sì ra thế.

 - Hay, ý kiến ông anh cực hay. Đúng là nhà báo trung ương có khác. Nhưng em xin phép anh em lấy tên “Nghĩa trang nhân dân Mai”.

 - Tùy chú. Thứ hai, chú nên làm tấm biển để trên bàn này này chức danh của chú  “Giám đốc Nghĩa trang…”. À, anh góp ý thêm. Chú nên thay dấu huyền cho dấu sắc tên chú. Mà bỏ luôn tên đệm đi chỉ đề “Trần Hùng, Giám đốc nghĩa trang Mai”. Nghe khỏe và hay như tên Trần Tiến, Trần Hiếu ấy.

- Em nghe anh sẽ đổi tên như anh gợi ý, nhưng chức giám đốc thì…

-  Cậu quên giờ là thời kỳ đổi mới à. Chữ quản trang vừa quê vừa không sang  Nghe lời anh, đổi đi.

Dòng chữ “Trần Hùng giám đốc Nghĩa trang Mai” ra đời từ đó. Sau sự hình thành biển tên “Nghĩa trang Mai” và biển hiệu “Giám đốc nghĩa trang” chừng sáu hay bảy năm, hình như vào dịp tạ mộ cuối năm thì phải, giám đốc Trần Hùng và nhà báo Quân có cuộc chuyện trò khá lâu. Nội dung cuộc chuyện trò được ghi như sau.

 Cuộc trò chuyện của nhà báo Quân và giám đốc Trần Hùng tại văn phòng nghĩa trang Mai

Gã nhà báo cùng làng vào đến phòng làm việc của giám đốc Hùng ở nghĩa trang, rút bao thuốc ra hỏi lấy lệ:

- Giám đốc có hút thuốc không ?

- Em vẫn trung thành với thuốc lào. Ở đây điếu cầy, về nhà điếu bát. Chả biết anh thế nào chứ em thấy sáng dậy làm phát thú như ăn gan lợn, xong chiêu chén trà nóng thì thôi rồi. Ngặt nỗi ở nhà hút vợ kêu, sang nhà con đứa nào cũng rỉ rả. Mẹ con nó bảo nhà cửa thế này không hợp thuốc lào.

Nhà báo Quân nhếch mép, hỏi độp:

 - Chú bán bao nhiêu đất mà xây được bốn cái nhà, rồi tiền sắm sửa đồ dùng, tậu xe máy cho hai đứa con gái.

Giám đốc Trần Hùng nhìn nhanh người hỏi:

-  Bác ít về quê mà sao tường thế? Nhà báo có khác. Anh xơi nước. Trà ngon đấy ạ. Thấy cái nhà ông biếu bảo những ba triệu rưỡi một ký, anh uống thử xem có xứng giá ấy không?

- Người làng hay người thiên hạ biếu chú?

-  Thiên hạ chứ làng lấy đâu? Anh lạ gì dân làng ta. Ra đường thì một tấc đến giời, kể cả lúc trong nhà đồng xu dính đít không có. Dân Mai có lẽ trừ anh em mình còn đa phần kiệt, hạt đớn cũng không rơi ngoài cửa.

-  Chú chưa trả lời anh. Chú bán bao nhiêu đất mà đủ tiền xây bốn cái nhà, nội thất toàn đồ thượng hạng thế ?

-  Úi giời bác không biết. Làng mình không nhờ tiền đất liệu có được như bây giờ không? Nhà An Nhổn sát nách nhà anh nhé, nhà Lan lỳ ngõ Đông, rồi nhà Bình củi, nhà Lý Vợi vừa rồi còn mua bộ dàn ca rao kê riêng cặp loa đã ngót ba mươi triệu. Lúc nào nó mở đến đầu ngõ đã thấy nhức đầu. Toàn bô lê rô xịn…

- Ha ha.

Gã nhà báo người làng đang cười vang bỗng tắt ngang.

-  Tòa soạn báo tôi cùng mấy báo nữa vừa nhận được cùng một lá thư có chữ ký, địa chỉ hẳn hoi, có cả xác nhận của người thiên hạ đã giao tiền cho chú nhưng không được đáp ứng đúng yêu cầu.

-  Về cái gì ạ? Mặt giám đốc Trần Hùng hơi biến sắc, giọng nói chớm khàn.

-  Quyết định của Ủy ban xã chú thuộc lầu lầu, nhưng theo đơn này tố giác thì chú luôn đi đêm với những ai ở thiên hạ để chôn người không phải dân Mai ở đây. Ma tươi chú có chọn lọc khách để khỏi lộ. Còn ma khô muốn quàn tại nghĩa trang Chiện thì đơn giản, dễ lọt hơn nên là chú xả dàn đúng không?

- Bác nói thế thì oan em quá.

  Nhà báo Quân đưa tay xua con muỗi  vừa bay qua bộ ria móng trâu, miệng hơi tủm tỉm.

-  Dân thiên hạ khá thuộc giá chú ra hẳn hỏi đây này. Ma tươi trọn gói 40 triệu, ma khô 30, mộ khống đơn 25, mộ khống đôi 35. Đúng chưa?

-  Đúng là chúng nó đóng sống cho em chứ quả thực. Anh ngồi từ nãy đến giờ chí ít cũng hơn tiếng mục kích. Có thằng người nào không. Cả ngày từ năm giờ sáng đến bảy giờ tối, có mình em ở nghĩa trang này, muốn nói chuyện chỉ nói với ma. Nên em mới nghĩ cách đưa mụ Bống nhà em về đây bán dò chả, hàng mã… vừa kiếm thêm vừa vợ chồng có nhau trò chuyện.

-  Hi hì. Ngay chuyện chú cho cô ấy về đây bán thì giá bán các mặt hàng của cô ấy cũng gấp rưỡi, thậm chí gấp hai, ba hàng cùng loại ngoài chợ. Giò lụa 20, cô ấy bán 30, chả nướng ngon 15 vợ chú rước lên 20, 25, đồ hàng mã cũng vậy.

-  Ấy, ấy. Người mua đa phần thiên hạ… Chết chết em nhầm. Ý em muốn nói là ai mua cũng công nhận nhà em bán thế là rất tiện, chứ cần, đi xe máy xuống chợ tốn xăng cũng quá tội…

Tay nhà báo cùng làng ngửa mặt lên thở làn khói hơi méo thủng thẳng nói tiếp:

-  Chú làm giám đốc ở đây gần mười lăm năm năm, cô ấy về đây bán cũng năm, sáu năm rồi, thì tiền chú xây bốn cái nhà chứ xây mười cái cũng thừa sức…

-        Anh ạ…

-        Sao?

-  Em họ Trần. Bà ngoại anh, em biết cũng họ Trần, tức là em với anh trong họ ngoài làng. Có gì anh và tiện thể anh nói với bạn anh ở báo khác bỏ qua cho em. Thư họ sai nhiều nhưng em không giải thích mà chỉ muốn anh lờ đi đừng đăng báo. Ủy ban làng mình em biết là ngại phê bình lắm. Làng mình lại đang phấn đấu thành xã điểm nông thôn mới, anh mà bung cái này ra em chả sao. Cùng lắm em về phu hồ, vợ em lại ra chợ bán bình thường, nhưng ủy ban xã thì… Lúc đó bác về làng... cũng không dễ chịu đâu.

- Bỏ qua, lờ đi, không đăng báo? Chú lại dọa tôi nữa à.

-  Anh cứ nói… Em đâu dám. Có điều. Anh tuy người làng nhưng không hộ khẩu Mai đúng không. Chị cũng vậy, mà bác nay đã gần bảy sọi rồi… Người thất thập như chuối chín cây, biết rụng lúc nào… Anh tính đi,  em sẽ dành cho anh chị và cả những nhà báo nào bạn anh vài ngôi mộ đôi… Em lo chi phi hết. Toàn chỗ tốt, mặt tiền ngon lành ổn chưa?

- Chà chà. Làm nghề nào ăn nghề nấy. Chú nhìn xa trông rộng thật. Nhà báo Quân tấm tắc.

Giám đốc Nghĩa trang Trần Hùng ngúc ngắc cổ như để thông giọng rồi gã lia một tràng cùng với những cái giật mông làm nhịp:

-  Nói thật với ông anh. Vu thế chứ vu nữa em cũng không ngán. Nhân chứng, bằng chứng và nhất là chứng từ đâu đưa ra đây. Rành mạch rõ ràng thằng này chưa chắc đã chịu, huống hồ nói vu vơ…

Cái kết bất ngờ của chuyện này

Không biết có phải như lời giám đốc Trần Hùng thách thức thiên hạ về nhân chứng, bằng chứng và nhất là chứng từ không mà vụ Nghĩa trang Mai rồi cũng chìm đi như mọi chuyện khác còn đáo tụng đình hơn nhiều ở cái làng Mai này. Chỉ có điều, từ năm kia làng Mai này lên Phường. Khu Nghĩa trang Mai nghe mấy vị thuộc hàng có máu mặt ở phường bảo, sớm muộn cũng phải dẹp vì ai lại để choành oành cái nghĩa địa ngổn ngang, mồ mả lộn xộn, chả ra hàng ra lối gì ở giữa khu nội thành thế này. Đó là lời nói của kẻ ra điều thạo tin thôi, chứ Quận, rồi cả Thành phố đã nói gì đâu. Thế nên người chết có hộ khẩu Mai vẫn chôn ở nghĩa trang.

Nhìn bề ngoài nghĩa trang Mai vẫn thế. Một bức tường gạch cũ kỹ xây mười bao quanh, đôi ba cây bạch đàn lâu năm vẫn nhô khỏi tường rì rào gió. Thực ra bên trong thì đã khác đôi ba điều cơ bản.

Điều nhất là quy định Ủy ban phường đã mở rộng về nhân thân người được chôn trong nghĩa trang. Ngoài người có hộ khẩu Mai thì thiên hạ nhất là người Mai đi làm ăn thiên hạ cho dù không có hộ khẩu phường, ai muốn chôn ở đây thì đóng tiền theo quy định.

Điều thứ hai. Giám đốc Trần Hùng đã được thay bằng hai vị mà chức danh đã trở lại như xưa. Thằng cha Hỉn con rơi của lão lái bè ở ngoài xóm nay gọi là tổ dân phố Cầu Binh làm quản trang, còn tay Nghệ con thầy cúng Kỳ (các cụ ngoại bảy mươi gọi là Thống) làm phó quản trang. Nghe dân bảo ông chủ tịch phường là tay Nhẫn con nhà Đoàn thịt lợn mới lên bảo”thời buổi này, người có máu kinh doanh thì đặt vào ghế quản lý là tốt nhất”.

Quản trang Hỉn và phó quản trang Nghệ lên thay mới được già nửa năm dân Chiện đã kháo nhau. “Hai tay này xem ra có vẻ hợp nhau lắm. Chuyện gì giở ra cũng thằng đấm thằng xoa khéo đáo để”. 

Còn giám đốc Trần Hùng nghe nói sau khi bị phường huyền chức, không theo hiệp phu hồ nữa mà ở nhà. Mỗi ngày đảo qua nhà ba đứa con xong về lại mở ca rao kê ra khi thì hát một mình, khi thì kéo bạn cùng lứa đến vừa nhâm nhi vừa hát. Bài tủ của gã là “Tình cũ mười năm”.

Buổi chiều hát chán, mặc dù nhà có đến ba cái xe máy nhưng Trần Hùng vẫn khoái đạp xe đạp Pơ Giô cũ. Khi đi, ai lắng nghe kỹ vẫn nghe tiếng lanh tanh nơi nan hoa. Dạo vài vòng quanh làng như để chờ đến chập tối, là gã lại đạp ra khu nghĩa trang. Có lần, quản trang Hỉn về muộn nhìn thấy chụm tay làm loa gọi thật to:

- Húng, ông Húng… vào đây cố vấn cho cái này tý…

  Nguyên giám đốc Nghĩa trang Chiện lờ đi guồng xe nhanh hơn, mồm lẩm bẩm:

-  Lộc mày mày xơi chứ gọi gì ông…  Đồ ranh con mất dậy, gọi xách mé thế thì có mà…

Nguồn Dan Viet


Có thể bạn quan tâm