March 28, 2024, 7:14 pm

O tôi chưa lấy chồng

Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã lùi xa, tôi không phải là thế hệ ra chiến trường, nhưng những câu chuyện về chiến tranh mãi hiển hiện trong lòng sâu nặng.

Cuộc sống ở làng quê tôi tiếp xúc nhiều với số phận của con người hàng ngày liên quan đến chiến tranh, chứng kiến xót xa. Tôi đã từng dự buổi lễ truy điệu (báo tử) trong làng về những người lính đi ra chiến trưởng không trở về. Tin báo tử trên tờ giấy pơluya mực xanh mỏng manh, nhưng không khí cả làng lại nặng nề đau đớn ngột ngạt, kéo dài cả quãng thời gian không ngắn, thậm chí cho tới cho tới hôm nay vẫn chưa ai quên. Hòa bình, kết thúc chiến tranh, có người lính trở về vui vẻ tưng bừng nức nở tiếng cười vui, nhưng cũng có người về làng thật buồn thương, mất chân, cụt tay, thương tích đầy cơ thể phải có đồng đội dìu về. Bom mìn, súng đạn ở chiến trường đã tàn phá cơ thể trở thành tàn phế. Làng quê lặng lẽ đón các thương binh với khuôn mặt giàn dụa nước mắt. Quê hương là hàng xóm láng giềng, anh em, bạn bè cùng họ hàng thân thiết. Ngày ra đi khỏe mạnh tưng bừng khí thế của tuổi trẻ. Ngày về lại như thế này, đau đớn vô cùng! Thấm thía lắm.

Hiểu cái giá về hòa bình, bình an thật đắt đỏ. Ám ảnh mãi trong tâm trí tôi về người O ruột, liệt sĩ Đàm Thị Mỹ. Cho tới bây giờ tôi vẫn không quên một chiều cuối năm 1972, ông bà nội nhận được tin O đã hy sinh, không khí trầm mặc nặng nề, đau đớn thấu cả tâm can. O ra đi mới hơn tuổi hai mươi, tươi tắn, khỏe mạnh. Trở về chỉ có chiếc ba lô, mấy bộ quần áo với vài lá thư viết nắn nót cho cha mẹ và bạn bè chưa kịp gửi. Năm ấy tôi mới 5 tuổi không hiểu từ “liệt sĩ” là gì, chỉ thấy bà với mẹ khóc nức nở, vần vũ trong dòng nước mắt tuôn rơi, khóc không thành lời. Có đứa bạn đến nhà nói nhỏ vào tai tôi: “Cha tau nói O mi chết rồi, ở tỉnh Thanh Hóa, bom cắt ngang người do máy bay thả xuống để phá cầu Hàm Rồng. O mi làm việc ở đó, trúng bom, nhiều người chết, ghê lắm”. Tôi nghe khóc thét lên hoảng loạn, mấy anh em ôm lấy nhau sợ hãi. Cho đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn rùng mình không khí buổi chiều năm ấy, buồn thảm đến kinh hoàng. Tối, lễ truy điệu cho O tôi ở sân Hợp tác xã dưới ngọn đèn dầu le lói. Người đến rất đông, bạn bè của O, các bác, chú làng xóm dự lễ truy điệu không sót một ai. Tôi không quên, làm sao quên được hình ảnh những khuôn mặt nhàu nhĩ khổ đau chia sẻ của người làng khi hay tin con trẻ đã hy sinh! Những câu chuyện kể về chiến tranh ghim vào trái tim non trẻ của tôi từ ngày ấy không bao giờ quên, mãi ẩn hiện trong lòng chẳng lúc nào nguôi ngoai.

 

Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Đàm Thị Mỹ

 

O mất đi, tôi lớn dần lên theo năm tháng, nỗi đau mất mát vắng vẻ của O không có gì bù đắp. Bà nội tôi và mẹ thường khóc nỗi nhớ O vào đêm vắng vẻ hoặc ngày mưa khiến tôi sờ sợ và nhói đau trong tim, không bao giờ quên. Tôi tìm hiểu về chiếc cầu Hàm Rồng, vì sao nơi đó O đã ngã xuống tan nát cả tuổi thanh xuân? Cầu Hàm Rồng vô cùng quan trọng, mạch máu của ngành giao thông vận tải nổi tiếng trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, là trọng điểm đánh phá của không lực Hoa kỳ với cường độ rất cao bằng các chiến thuật khác nhau, ngày càng ác liệt. Ngày ấy, O tôi cùng bạn bè đồng lứa nô nức tham gia Dân công hỏa tuyến lên đường đóng quân tại Nông trường Yên Mỹ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa năm 1971. Trách nhiệm lớn lao của Dân công mở đường, sửa đường, bốc hàng đạn dược tại các kho cho hàng đoàn ô tô chở ra chiến trường phục vụ chiến đấu.

O tham gia Dân công được gần hai năm, ăn ngô, khoai sắn non, rau rừng... dành gạo cho chiến sĩ ngoài mặt trận để lấy sức chiến đấu. Không biết bao nhiêu hòm đạn, bao nhiêu thùng dược có mồ hôi nước mắt của Dân công trong đó có O tôi, góp phần thắng lợi ở chiến trường. Không ai tiếc sức, cố gắng hết mình, thi nhau khắc phục các “ổ gà” “ổ trâu” trên các tuyến đường bị bom Mỹ đánh phá. Quyết tâm tăng gánh nặng, tăng chuyến và tăng tốc độ vất vả hơn, với tinh thần “cả nước cùng ra trận” hướng đến ngày thắng lợi, đất nước hòa bình.

Với tinh thần dũng cảm kiên cường của cả nước, cầu Hàm Rồng vững vàng nguyên vẹn trong một thời gian dài. Không quân Mỹ chưa thể làm gì được, chúng quay cuồng tìm chiến thuật khác. Năm 1972, Mỹ quyết liệt với chiến thuật mới, ngay đợt đầu của chiến tranh không quân lần hai (bắt đầu từ ngày 16 tháng 4 năm 1972) áp dụng bom thông minh, bom điều khiển bằng laser đã đánh trúng cây cầu này và đã làm tê liệt hoàn toàn cầu Hàm Rồng. O tôi hy sinh trong ngày cuối năm 1972 khi máy bay B52 rải thảm bom phá hoại cầu Hàm Rồng trong lúc đang bốc vác đạn, dược từ kho lên ô tô tại Nông trường Yên Mỹ, tỉnh Thanh Hóa.

Kể cho tôi nghe những câu chuyện trên là các anh chị đồng đội cùng O có thời gian sống chiến đấu trên đất Xứ Thanh. Ngày O mới mất, đến giỗ, thế nào cũng có những người bạn, đồng đội đến thắp hương chia sẻ nỗi buồn với ông bà nội tôi. Trong số bạn bè của O từ chiến trường trở về, tôi ấn tượng mãi về chú Thi. Chú Ngô Xuân Thi sinh năm 1953, người xóm Thọ Đồng (xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) người cùng làng với O, thương binh hạng 1/4. Chú thân O tôi từ ngày nhỏ, cùng tham gia Dân công hỏa tuyến cùng thời gian. Sau ngày O mất đi, chú hay đến nhà tôi thân thiết với cha chuyện trò tâm ý. Là bạn thân của cha, tôi trân quý gọi bằng “Chú” mặc định không thay đổi được cách xưng hô. Tôi nhớ mãi những ngày cha bệnh nặng, mỗi lần từ Vinh về quê đều gặp chú đi xe lăn hơn một cây số từ nhà sang nhà tôi. Cha tôi cũng đã từng nhập ngũ Quân đội từ năm 1973 tăng cường số quân giúp đỡ nước Lào với tinh thần Quốc tế. Chú Thi đồng cảm với cha nên mỗi lần đến nhà thường ngồi chuyện trò hết buổi. Nhìn cảnh người bệnh nặng nằm trên giường, người cụt chân ngồi trên xe lăn tâm sự sẻ chia, tôi rơi nước mắt. Ngồi nghe chú Thi nhắc lại ngày đi nhặt từng mẩu thân thể của O tôi trúng bom tan nát cho vào bao nilon để chôn cất. Tôi lại thấy tức nghẹn ở lồng ngực và trào nước mắt không kìm nổi niềm đau thương!

Chú Thi nói, những năm tháng ấy, thanh niên trai tráng ra chiến trường, bố mẹ ở nhà nơm nớp mất ăn mất ngủ lo con cái sống chết chẳng biết đường nào mà lần. Năm 1973, cầu Hàm Rồng được khôi phục lại, chú xin phép về quê tìm hiểu gấp và cưới vợ theo nguyện vọng của gia đình. Tháng 4 năm 1974 chú Thi một lần nữa xa gia đình, gửi vợ sống cùng cha mẹ để tình nguyện tham gia vào Quân đội, huấn luyện ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) ba tháng, sau đó đi B, quân số của Sư đoàn 333, Quân khu 5 với vai trò của người lính trinh sát. Chú Thi kể, người trinh sát Sư đoàn luôn thoắt ẩn thoắt hiện có mặt khắp nơi, không sợ khó khăn gian nan là gì, cho dù đó là ngày hay đêm, mưa hay nắng, nhận lệnh là đi, từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đà Nẵng… phải tìm hiểu địa bàn kỹ lưỡng, nắm địch chắc, chuẩn bị cho các trận đánh lớn, không nản lòng.

Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, niềm vui khôn xiết, đường sá rực rỡ cờ hoa, bạn bè đồng đội nhiều người mang ba lô trở về quê hương gặp cha mẹ vợ con, có người được đi học ngành nghề. Chú Thi cũng hào hứng như bao đồng đội khác khoác ba lô chuẩn bị về quê nhà. Nhưng cũng vào thời điểm đó, có cuộc xung đột quân sự của Việt Nam và Campuchia. Nguyên nhân từ các hoạt động của Khơ me Đỏ tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, giết chóc người dân và đốt phá làng mạc. Chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ, trước tình hình đó, chú Thi một lần nữa tình nguyện gác ý tưởng về quê nhà, ở lại Quân đội, chuyển quân số từ Sư đoàn 333 sang Sư đoàn 334 tiếp tục vai trò của người lính trinh sát trên địa bàn tỉnh Đắc Nông (Đắc Lắc). Cuối năm 1978, trong một lần cùng đồng đội đi nắm địch, chú Thi vướng phải mìn của quân Khơ me Đỏ cài cắm khắp nơi. Mìn nổ tung, xé rách nát quần áo, thịt da nhàu nát, toàn thân bê bết máu, không mảnh vải che thân, người lịm đi, không biết gì nữa. Đơn vị đã tìm thấy chú, cấp tốc sơ cứu rồi chuyển ngay về Bệnh viện Quân Y 17 ở Đà Nẵng.

Vào viện rồi, tỉnh táo, chú Thi hụt hẫng khi biết đã gãy nát một chân không cứu được phải cắt đến đầu gối, chân nữa bay hết các ngón, nom đến thảm. Bản thân không tự sinh hoạt được cho mình, sự sống để tồn tại không bằng đứa trẻ lên ba! Chú nói, trong lòng bi quan chán nản vô cùng. Có những lúc đã nghĩ thà rằng chết hẳn đi còn hơn! Sống thiếu chân, lê lết, tàn phế, vết thương lại hay tái phát nhức nhối chỉ làm khổ vợ con, nhiều lúc buồn bực như kẻ tâm thần. Nhưng rồi có lúc tỉnh táo, nghĩ lại thấy sự mất mát hy sinh vì Tổ quốc có đến hàng triệu người đâu phải riêng ai. Mình sống sót về với cha mẹ, vợ con, được hưởng cuộc sống hòa bình cũng là niềm may mắn hơn đồng đội phải nằm lại ở chiến trường. Ngoài ra trong cuộc sống luôn có các thầy thuốc, bạn bè, bao người yêu thương chăm sóc thương bệnh binh. Và quan trọng cả là gần cha mẹ, vợ con, không khí đầm ấm của một gia đình trọn vẹn. Bao người mất con, mất chồng, sống đau đớn tận trong tâm can.

Tôi hỏi, chú Thi đã điều trị qua mấy Bệnh viện? Sao chú không ở Đoàn an điều dưỡng có người chăm sóc? Chú nói những ngày nằm tại Bệnh viện, sinh hoạt không chủ động, cần có người giúp đỡ. Đầu đau choáng váng hay ngất. Xếp hạng thương binh loại 1/4, suy giảm khả năng lao động 81%, vết thương đặc biệt nặng. Chú ở Bệnh viện Quân Y 17 Đà nẵng một thời gian, năm 1979 chuyển ra viện 108 tại Hà Nội. Năm 1980 về Đoàn an điều dưỡng tại Nghĩa Đàn, sau đó chuyển về Đoàn an điều dưỡng 40 tại Cửa Hội. Hơn mười năm sống chung cùng đồng đội trong một mái nhà tập thể, chăm sóc quan tâm động viên nhau về tinh thần, về vật chất có các điều dưỡng, thầy thuốc thăm hỏi hàng ngày. Năm 1992, các con có đứa đã cứng cáp, có thể đỡ đần cha trong việc sinh hoạt hàng ngày, vợ động viên chồng về sống cùng cho đúng nghĩa của một gia đình.

Tâm sự về cảnh ngộ gia đình, chú Thi nói với giọng vui vẻ, lởi xởi, ánh mắt ấm áp, tôi nghe hiểu tinh thần cuộc sống gia đình chú đã bình an. Chú tự bằng lòng, người nghe cảm thông chia sẻ với một thương binh nặng cố vươn lên mà sống. Chú Thi nói, tôi có ba đứa con, nuôi dạy bày bảo các con trăm sự nhờ vợ. Vợ chú - Trần Thị Liên- người nhỏ con, dáng nhanh nhẹn, tháo vát, bỏm bẻm nhai trầu, ngồi nghe chuyện kể chen vào về quãng đường dài mấy chục năm làm mẹ, làm vợ thương binh với muôn vàn cay đắng và khổ đau, thiệt thòi nhiều điều. Tôi ngắm khuôn mặt bà sạm nắng, vết nhăn chân chim hằn sâu vất vả lo toan bao việc, từ đồng áng, chợ búa cho tới bữa cơm manh áo cho cả gia đình. Bàn chân, tay của bà nứt nẻ đen nhẻm nhuộm màu bụi đất hoang tàn mệt mỏi. Bà đã vắt kiệt mồ hôi vì sự sống của chồng con, nơi nương tựa tinh thần cho cả gia đình. Bà Liên nói, quay lại nhìn quãng đường dài cả gia đình đã đi qua bình an, không tin được vì sao tồn tại được đến hôm nay? Bà nói xong thì cười, nụ cười đã đi qua bao nước mắt nên không vang lên được âm thanh cho trọn, chỉ nhếch môi méo mó với ánh mắt chịu đựng và nghị lực phát ra ngoài.

Chú Thi nghe vợ nói cũng thêm vào câu chuyện: Tôi thì đau ốm quanh năm ngồi một nơi, thường xuyên lê lết đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, không giúp gì được cho vợ cho con. Hai đứa con trai tự lập kiếm việc làm sinh sống, tự xây dựng gia đình ở riêng. Con gái út được quan tâm của chính quyền làm giáo viên mẫu giáo ở làng. Ngôi nhà tranh nứa lá do vợ tôi và ông bà giúp đỡ mua ở mảnh đất góc chợ từ ngày tôi còn ở chiến trường. Hồi xưa nơi này hoang vắng lắm, ban đêm chỉ có tiếng mèo, tiếng cú rúc. Mẹ con đùm bọc nhau ở tạm vậy chờ tôi từ chiến trường trở về thì làm nhà. Tôi ra quân thành người què quặt, vợ khóc cạn nước mắt, bà quắt queo, trở thành chai lỳ trước khó khăn, túng quẫn, cố níu kéo sự sống lại cho chồng, cho con. Thu nhập chính của tôi chỉ có phụ cấp thương binh. Thôi thì sống chết trăm sự nhờ trời. Cố gắng lần hồi, lay lắt, ánh sáng trong ngôi nhà nơi góc chợ vẫn tồn tại leo lét mãi. Đến ngày ngôi nhà xiêu vẹo, che nắng mưa không nổi nữa. Cấp tốc phải làm lại nhà. Lấy tiền đâu ra? Thật may, trong làng có ông Lê Đức Cường làm việc trên huyện, thương người làng nghèo khổ đã vận động các nhà mạnh thường quân giúp đỡ các gia đình liệt sĩ, thương binh. Nhà báo Quang Long (Báo Tiền Phong) nối dài thông tin kêu gọi, giúp được nhiều hoàn cảnh bi đát trong cuộc sống, trong đó có tôi. Ngôi nhà được làm lại hoàn toàn hết gần một trăm triệu đồng, trong đó năm mươi triệu đồng của Công ty Cổ phần Sữa TH ở Nghĩa Bình, Nghĩa Đàn, Nghệ An tặng. Nhà báo Quang Long và ông Lê Đức Cường đã đưa đến nhà trao tận tay.

Ông Lê Đức Cường là người làng xóm, đã từng tham gia Quân đội ở binh chủng Tăng thiết giáp, ra quân, về quê xây dựng gia đình làm cán bộ tại quê hương qua nhiều chức vụ. Ông Cường sống gần dân, chân thành cởi mở với mọi người, nhất là bạn bè đồng đội từ chiến trường trở về sinh hoạt ở tổ chức Cựu chiến binh. Hiện tại ông là cán bộ tỉnh ở vị trí quan trọng. Tôi nghe chú Thi nói như vậy, thầm cảm ơn những con người đã lặng lẽ đồng cảm sẻ chia với bạn đồng ngũ, người làng người xóm.

Chú Thi kể về cảnh ngộ gia đình bao giờ cũng điềm đạm, tỉnh táo, đôi mắt ráo hoảnh, tự bằng lòng bình yên với cuộc sống. Nhưng mỗi khi nhắc đến chiến trường xưa chú lại thường trầm lặng, đau đáu nỗi lòng nhớ đến đồng đội đã nằm lại chiến trường. Đặc biệt nhắc đến O tôi - liệt sĩ Đàm Thị Mỹ - chú Thi ngậm ngùi ứa nước mắt xót thương cho cả một thế hệ tuổi trẻ trong đó có O đã hy sinh khi chưa hề có người yêu!

Chú Thi kể hết mọi chuyện cho tôi nghe khi về làng. Chú tỳ cả hai bàn tay lên các ghế thay chân, lê tấm thân từ nền nhà lát gạch cho đến thềm nhà để tiễn tôi về. Chú buông ghế, đưa tay yếu ớt bắt tay rồi vẫy khi tôi đã đi xa. Đi được đoạn đường, tôi ngoái lại, thấy chú vẫn ngồi bẹp nơi thềm nhà ngóng theo. Tự nhiên nước mắt tôi trào ra.

Tôi viết những dòng chữ này hàng năm, coi như một nén hương để xin cúi đầu tri ân các mẹ, các anh chị, cô chú, nhất là những người phụ nữ như O tôi đã hy sinh vì Tổ quốc khi chưa lấy chồng!

Nguồn Văn nghệ số 3/2021


Có thể bạn quan tâm