April 24, 2024, 2:58 am

Nước Mỹ như tôi biết

Kỳ 2: Phải có bảo hiểm xe, còn người... thì không.

 

Dân ngoại giao ở nước ngoài nhìn chung rất tiết kiệm, chỉ chi tiêu những gì không thể đừng được vì còn dành dụm cho con cái học hành hoặc ky cóp cho kế hoạch gia đình. Vì vậy mà rất ít người mua bảo hiểm thân thể, bảo hiển y tế vì quá đắt, đành cố gắng... không đau ốm hay tự chữa bệnh trong thời gian công tác ở nước ngoài, có bệnh tật gì thì chờ về Việt Nam chữa vậy. Còn các loại thuế như ô tô, thuế nhà ở, mua hàng tất nhiên là phải đóng nghiêm chỉnh vì nếu không, đừng mua hàng và ô tô cũng không được chạy.

 

Bờ tây nước Mỳ. Ảnh Internet

Ấy thế nên cũng nhiều phiền toái khi có chuyện đau ốm đột xuất. Ông bạn thương vụ ở cùng nhà tôi tại thủ đô Washington, D.C chẳng may sơ ý nhảy qua vũng nước mới đóng băng, trượt chân ngã làm tay bị đau nhức, sưng tấy. Vợ anh là bác sỹ, lo lắm, bắt đi bệnh viện khám, nghĩ có đắt đỏ nhưng sức khỏe là trên hết. Nào ngờ, sau khi làm các thủ tục, chụp, chiếu các kiểu, người ta cho biết bị rạn xương, cần điều trị với số tiền khoảng 80 ngàn đôla. Nghe mà hết hồn, tưởng họ đùa. Thôi đành xin nghỉ mấy ngày, mua vé về nước điều trị, nơi mình có bảo hiểm đàng hoàng và viện phí so với nước người thì quá rẻ. Chữa bệnh ở nước ngoài cũng được thanh toán bảo hiểm trong nước, nhưng quy định không quá một trăm đô la và còn kèm theo ty tỷ thứ giấy tờ mới hợp lệ, chả bõ.

Còn tôi, nhiệm kỳ trước đây ở Châu Âu thoát không dính đến bác sỹ, nhưng nhiệm kỳ này lại dính "quả" đau răng, sưng vêu má, ai nhìn cũng ái ngại.

Trước hết, đi bác sĩ Chiểu, một Việt kiều có phòng khám đa khoa ở khu vực thủ đô. Bác sỹ Chiểu rất có uy tín, nhất là bà con người Việt bác sỹ rất tận tình nên ai cũng quý. Biết chúng tôi không có bảo hiểm y tế của nước sở tại, bác thông cảm, cho đơn thuốc và giới thiệu đến những cơ sở quen để điều trị.

Hiệu thuốc thì nhiều, trong các cửa hàng bán lẻ CVS đều có. Tôi cũng hay mua các loại thuốc bổ, nhất là thực phẩm chức năng, còn thuốc kháng sinh thì phải có đơn thuốc của bác sỹ. Người bán thuốc xem ID (như chứng minh thư của nước mình) và nhìn lướt qua đơn thuốc rồi trả cho tôi, gõ vào máy tính. Ngỡ là họ chỉ xem trên máy giá các loại thuốc, nên tôi đọc thứ tự các tên cho họ lấy, rồi "khôn lỏi" gọi thêm một loại kháng sinh đặc hiệu rất hiếm ở Việt Nam mà người bạn ở trong nước nhờ mua. Nhưng người bán thuốc xem lại máy tính rồi bảo, thứ ấy làm gì có trong đơn. Thì ra, đơn thuốc của tôi đã cập nhật trên mạng, có thể mua bất kỳ đâu trên đất Mỹ, dù có quên đơn, hoặc mua qua mạng người ta sẽ gửi đến tận tay. Thế mới biết, mua thuốc kháng sinh ở nước mình là tiện lợi bậc nhất thế giới, vì chẳng cần đơn, chỉ cần tiền thì mua bất cứ ở đâu cũng được, tuy thuốc thật giả và điều trị có đúng hay không thì lại là chuyện khác.

Đi khám răng, mất cả một ngày trời với bao nhiêu là thủ tục, công đoạn, hết thử các kiểu để xét nghiệm, lại chụp các kiểu để xem xét... mà mãi hôm sau, họ mới cho kết quả. Người bác phấn khởi thông báo:

  • Ông không bị ung thư hàm nào cả.
  •  Sao cơ, tôi có khám ung thư hàm đâu.

Tôi hỏi vậy vì sợ họ nhầm. Bác sỹ bảo:

  • Đó là việc đầu tiên của chúng tôi bảo đảm sức khỏe cho ông.
  • Vâng, cảm ơn. Thế còn răng của tôi?

Người bác sỹ xem lại kết quả chụp phim, các xét nghiệm rồi nhẹ nhàng:

  • Ông phải qua một phẫu thuật nhỏ, phải nằm trong viện.
  • Vâng! Kinh phí khoảng bao nhiêu?
  • Tiền phẫu thuật nhỏ thì 15 nghìn đô, phục vụ, thuốc thang thì chưa tính được, nhưng riêng tiền nằm điều trị là 5 ngàn đô la một ngày đêm, mà ông ít nhất cũng phải điều trị một tuần.

Ôi chao, nghe mà khiếp hồn. Nên tôi cảm ơn họ rồi tìm cớ tháo lui, lại tự điều trị, hay nói đúng hơn là để tự nó khỏi.

Vậy là mất toi hơn một ngàn đô mà răng đau vẫn như cũ. Không bảo hiểm y tế, đành chịu vậy.

Bảo hiểm ô tô thì tất nhiên phải mua rồi, nếu không ai cho đăng ký để đi. Lúc mới sang Washington D.C, tôi mua ô tô 4 chỗ, hãng Honda do chị cán bộ ngoại giao hết nhiệm kỳ, chuẩn bị về để làm bà đại sứ ở Mexico. Xe còn khá, thế mà chị ấy chỉ ra giá có 1.500 đôla. Thấy rẻ quá, tôi cứ đòi trả 2 nghìn đô kẻo thiệt thòi cho người bán. Đúng là ngoại giao, anh em trong đại sứ quán bảo, chẳng ai lại mua bán kiểu ấy cả.

Năm sau, ông con trai chuyển trường đại học xa nhà cả chục dặm, nghĩ con đi học bằng xe bus vất vả, tôi quyết định tặng nó luôn để đi học cho chủ động. Và phải mua thêm xe khác. Lại một chị cán bộ trong đại sứ quán nhượng lại cho chiếc Acura cũng còn ngon lắm, với giá chỉ 5.000 đôla để chuẩn bị về nước đi làm đại sứ ở Malaysia. Mà cũng không hiểu sao, tôi chỉ toàn mua lại xe cũ của các cô gái xinh đẹp trong cơ quan đại diện, và ai bán cho tôi cũng về lại đi làm bà đại sứ cả. Thảo nào mà rẻ (!)

Trở lại chuyện mua bảo hiểm xe.

Ông con có xe đi học, sướng rơn, nhưng được mấy tháng bị một xe khác đâm tung đuôi trong lúc chờ rẽ trái để vào nhà. Tưởng rủi lại hóa may. Chúng tôi lấy giấy của cảnh sát làm khi xem xét vụ tai nạn gửi cho cơ quan bảo hiểm, chỉ ngày sau, họ hỏi, có cần sửa lại xe cũ hay nhận tiền với mức đền bù là hơn 3.600 đôla. Thấy lãi to, chúng tôi xin được nhận tiền. Lại chuyện một ông bạn ở cơ quan đại diện bên cạnh đại sứ quán, vừa tậu được xe mới cứng, lái cho tôi ngồi thử một vòng. Nhưng lúc chờ rẽ ra đường cao tốc, do sơ ý đỗ phải "điểm mù" nên chiếc xe tải bên cạnh quệt cho một phát, móp dí dị cả đầu xe. Đang sung sướng mà bị như vậy cũng xót, nhưng sau cuộc điện thoại với cơ quan bảo hiểm, anh bạn tươi như hoa nở cho biết, họ cho mình lựa chọn: sửa xe, nhận tiền hay xe khác. Ông bạn đề nghị đổi lại xe mới, lại còn được họ cho mượn miễn phí cho một xe đi tạm cho đến khi xong thủ tục. Tất nhiên là xe bảo hiểm hai chiều mới được thế, chứ bảo hiểm một chiều như tôi, vụ này thì coi như "móm". Luật mà. Nước Mỹ cái gì cũng vào luật, nên mọi chuyện đều được xử lý theo luật định. Ví như sang thời gian dài bên ấy, anh phải biết luật, kẻo đôi khi phạm những cái ngớ ngẩn, vì không biết nên dễ bị oan. Nghe cảnh sát hú còi, chớp đèn hiệu đuổi theo, thì mình phải dừng xe rồi ngồi im, tay để trên vô lăng, họ bảo gì thì làm nấy, đừng đưa tay ra sau tìm ví để lấy giấy tờ, cảnh sát tưởng anh lấy vũ khí chống lại, họ sẽ xử lý ngay, có khi thiệt mạng oan.

Ở xứ này, nhất nhất cứ phải theo luật.

Cũng vì không nắm hết luật của người ta, đôi khi "làm phúc phải tội". Ở thủ đô Washington hay nhiều thành phố khác ở Mỹ không thiếu cảnh người vô gia cư hay thất nghiệp ăn xin. Nhiều khi nhìn họ nằm trên những cái ghế đá ngoài trời mà quần áo, chăn đắp quá mỏng manh, qua đêm tuyết phủ trắng, tôi cũng bùi ngùi lắm. Có lần, tôi thấy một người vô gia cư rách rưới, đi loạng choạng rồi ngã gục, ngất xỉu cạnh một công viên. Tôi vội đến đỡ họ dậy để có thể giúp gì đó trong cảnh hoạn nạn của người ta. Mấy người đứng cạnh ra hiệu cho tôi đừng động vào. Tôi đã hơi khó chịu vì thấy họ cứ đứng nhìn, lại ngăn cản người khác giúp. Nhưng không phải, họ đã báo ngay cho cảnh sát và chỉ mấy phút sau, một ê kíp bộ ba gồm xe cảnh sát, xe cứu thương và xe chữa cháy hú còi inh ỏi đến, sơ cứu rồi chở người bị nạn đi. Thì ra, nếu mình đụng vào, người đó có làm sao thì trở thành nghi can và không ít rắc rối đâu.

 

Tản mạn chuyện các đoàn trong nước sang công tác.

Một trongnhững công việc thường xuyên và quan trọng của các cơ quan đại diện là đón các đoàn trong nước sang công tác. Đoàn thì nhiều, có những lúc Đại sứ quán có 7 đoàn trong nước sang. Đoàn lớn như nguyên thủ quốc gia sang làm việc với bạn thì chuẩn bị như một chiến dịch. Sau nữa gọi là đoàn lớn cấp bộ trưởng trở lên thì từng bộ phận đảm nhiệm. Còn các đoàn dưới đó được phân công cụ thể cho từng người. Được phân công nghĩa là phải lo từ A đến Z, từ thủ tục đi, đón, nơi ăn, chốn ở và chương trình làm việc. Phấn khởi được đón đoàn nhưng cũng nhiều cái lo, nhất là nhân sự đoàn đi hay gấp và thay đổi, lại phải công hàm để kịp visa, còn chương trình thì chúng tôi quá quen với những yêu cầu lịch làm việc rất hoành tráng và dày đặc, lại cứ na ná như nhau mặc dù tính chất, mục tiêu các đoàn rất khác nhau. Nhưng sang vài ngày là các đoàn muốn giảm cường độ vì sức không kham được, lại trái múi giờ, mắt ai cũng ríu lại. Anh em các cơ quan đại diện quá kinh nghiệm nên biết "xơ cua" chương trình, điều hành để đoàn vẫn vui mà vẫn "thành công mỹ mãn"; còn ăn ở, ngoài những đoàn nhà giàu, các đoàn thường chỉ đạo "hết sức tiết kiệm, nhưng phải thật đàng hoàng". Những đoàn đó chúng tôi hay bố trí "3 cùng":ăn, ở, sinh hoạt với các gia đình trong đại sứ quán.

Vẫn biết cán bộ mình chẳng dễ có dịp qua Mỹ, ngoài công việc còn thăm thú, mua quà cáp, nên anh em rất chiều các đoàn. Nhiều đoàn, nhiều người để lại những ấn tượng rất tốt. Nhưng cũng có những người quen môi trường cấp trên ở nhà, cứ như bố tướng, đi công tác nước ngoài mà tưởng đi cơ sở dưới quyền, để lại những dư âm không vui… Tôi nhớ có lần, đoàn công tác nọ có mấy ông, lúc đưa các anh vào khách sạn, thấy họ định hút thuốc lá, tôi bảo họ xuống tiền sảnh, vì hút trong nhà bị phạt nặng đấy, nhưng mấy người có vẻ khó chịu, bảo tôi, cứ quan trọng vấn đề, lại còn bảo, đóng cửa kín thì sao họ biết mà phạt. Tôi chỉ cái lên cái "ngửi khói" trên trần nhà trông tựa như đài hoa héo bảo, cái này nhạy lắm, chỉ một sợi khói thuốc là có người lên ngay. Không ngờ, có người trong đoàn "sáng tạo", lấy túi ni lông bịt kín dụng cụ báo động khói rồi đắc chí bảo với tôi, thế là hết ngửi... Mà đúng là "hết ngửi" thật, vì hôm sau, tôi đến đón họ đi New York, mở cửa ngột ngạt mùi thuốc lá mà vẫn không thấy ai lên nhắc. Nhưng khi làm thủ tục check out xong, họ đưa cho anh bạn thêm tờ giấy phạt 500 đôla vì vi phạm quy định hút thuốc trong khách sạn. Anh bạn cuống lên nhờ tôi đại diện cho sứ quán xin họ thông cảm. Nước Mỹ làm gì có khái niệm thông cảm. Anh bạn xót xa, lại bảo, hay là "kệ", mình không nạp, ít bữa nữa về nước, có mà đòi đằng giời. Tôi phải bật cười, cảnh báo, cứ chậm nửa tháng là tăng gấp đôi mức phạt, sau một năm lên đến cả chục nghìn đô. Có cơ quan đại diện của một nước nọ bên cạnh phái đoàn Liên hiệp quốc ở New York, không trả tiền ga ra ô tô từ thời chiến tranh lạnh, đến nay phải trả 180 triệu USD đấy... Để cho nhanh, tôi nói thêm, lằng nhằng, họ gửi "trát" sang bộ ngoại giao nước mình yêu cầu nhà nước phải trả đấy. Không "cùn" được đâu.

Lại có lần, tôi đưa một đoàn có mấy người bạn sang công tác, lúc làm thủ tục an ninh trước khi lên tàu ra đảo đi thăm tượng Nữ thần Tự do ở New York. Một ông bạn là vụ trưởng, vốn dĩ tính cứ như ông tướng con, rất ngang nhiên lấy máy ảnh ra chụp cảnh an ninh làm thủ tục, tôi nhắc, ấy đừng, anh không thấy họ đề biển cấm chụp ảnh, quay phim đó à? Ông bạn lại nhăn mặt bảo, sao ông khó tính, hay nhắc thế. Đã thế thì kệ, nào ngờ anh bạn vừa bấm được hai phát thì có hai người an ninh trang bị cảnh phục rất hầm hố đến xóc nách đưa anh bạn vào phòng kín. Anh bạn tái mặt, mấy phút ra vẫn chưa hoàn hồn, bảo, họ chỉ nhắc nhở và xóa hai hình chụp rồi trả máy.

Các đoàn lớn, thường thì anh em tháp tùng hay nhiễu sự, có khi ỷ vị thế của người dẫn đầu mà yêu sách. Đoàn nọ, đầu đoàn là vị rất to, sang làm việc với bạn, được bố trí ở khách sạn sang trọng. Những lúc đó, cùng với cán bộ sứ quán, anh chị em phu nhân cũng chung tay làm như việc nhà. Một tối, tôi thấy mấy chị em khiêng một nồi cháo gà to đến khách sạn, tôi hỏi, đi chiêu đãi sao còn phải ăn cháo. Các chị bảo, mấy ông bắt bọn em nấu cháo già để cho giã rượu. Thế sao không cho vào từng cặp lồng mà mang cả nồi to. Vì mấy ông bảo phải cả nồi, đến đó hâm lại cho nóng. Thế nhưng khi đến, khó khăn lắm khách sạn mới cho mấy chị em khiêng nồi cháo lên thì người ta lại bảo, mang về, vì không cần nữa. Khổ nhất là nồi cháo mang xuống khỏi cầu thang, bị trượt tay, đổ lênh láng...

Tôi vẫn chưa quên một lần, được phân công đi đánh golf với một ông thanh tra trong nước sang. Cũng như nhiều ông quan chức, đại gia ta quen trong nước đánh golf có caddy mang gậy, lau gậy, nhặt bóng (giống như các giải golf quốc tế), nên rất hay quên và mất gậy. Vì mình ra sân golf cũng là gôn thủ, chỉ nhắc nhở kẻo họ quên mình lại phải đền, chứ sao lại giúp như caddy được. Mà ở đây, chơi golf là sinh hoạt bình thường, đến tổng thống Obma cũng tự mang và bảo quản gậy như mọi người.

Chúng tôi đánh và trò chuyện như mọi cuộc chơi khác. Vị này khoe, ở nhà sân đẹp hơn nên chơi kết quả tốt hơn. Ông ấy kể lần nào đi thanh tra cũng được cơ sở bố trí cho chơi golf cả, có khi hai ngày hai trận; chơi bao giờ cũng cá cược, và chưa bao giờ ông ta thua cả. Trong lúc vị này đang hào hứng khoe thành tích tuyệt vời của mình thì tôi vô tình hỏi, thế anh thanh tra vào lúc nào? Thôi rồi, từ đó cho đến hết trận nặng như chì, cả chủ lẫn khách thi nhau cho bóng hết xuống hồ nước, lại vào rừng cây. Golf là bộ môn thế thao cực kỳ nhạy cảm về tâm lý mà.

Trong thời gian ở Mỹ, vui nhất là đón đoàn nhà văn sang Mỹ chơi và làm việc. Có đoàn quá bận quá, như đoàn của nhà thơ Đoàn Xuân Hòa chỉ ghé qua thủ đô hội thảo với bạn về nông nghiệp, lại vội đi Las Vegas để hội thảo tiếp cũng về nông nghiệp, nên chỉ kịp chào nhau, ngắn nhưng tình cảm lắm. Riêng bản thân tôi mời 2 "đoàn", mỗi đoàn chỉ một người. Nhà văn Trung Trung Đỉnh sang thật thú vị, tôi bận nên người nhà tôi tháp tùng đi khắp nước Mỹ trong hai tháng trời. Còn nhà thơ Lê Huy Mậu, tuy biết nhưng chưa khi nào gặp, anh Đặng Hữu Trung là hội viên hội VHNT Vũng Tàu bảo tôi mời anh Mậu sang. Anh Mậu dự kiến anh đi sang Mỹ vài tuần rồi sang Canada thăm bạn. Nhưng thấy Mỹ hay quá, anh ở luôn gần 2 tháng với gia đình tôi, vừa đồng hương, vừa là người mọi người mến mộ.

Dịp nhà thơ Lê Huy Mậu sang chơi đúng dịp đoàn nhà văn cựu chiến binh Việt Nam sang hội thảo thơ với các nhà thơ cựu chiến binh Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam được tổ chức tại Boston tiểu bang Massachusetts do Trung tâm William Joiner mời. Anh Mậu phi lên Botston cùng dự. Hội thảo chưa xong, anh đã trở về, gặp tôi cứ cười ngất. Rồi anh kể, hay đáo để. Không biết nhà thơ có thêm bớt gì không nhưng đúng là thú vị thật. Trong đoàn có nhà văn Trần Huy Quang, sắp nghỉ hưu, được Chủ tịch Hội nhà văn nước ta trọng lời hứa đã tạo điều kiện có chuyến công tác ở nước ngoài. Đây là dịp tốt, nên Chủ tịch Hội Nhà văn hỏi nhà văn Trần Huy Quang:

- Ông có thạo tiếng Anh không để sang Mỹ hội thảo thơ.

- Ồ... Tiếng Anh thì quá biết - Nhà văn Trần Huy Quang mừng lắm, cho luôn một tràng - Good morning là chào buổi sáng, Good afternoon là chào buổi trưa còn Good evening là chào buổi tối, còn tạm biệt là...

Không để nhà văn Trần Huy Quang nói hết, nhà thơ Hữu Thỉnh đã vỗ tay:

- Tuyệt! Tuyệt! Thế là được rồi, chuẩn bị đi nhé.

Tất nhiên là Chủ tịch hội vui tính động viên thế chứ sang đấy còn có phiên dịch. Hội thảo tranh luận về thơ văn bằng tiếng Anh nếu chỉ nhàng nhàng thì còn xa lắm.

Và thế là Trần Huy Quang có mặt cùng nhà văn Nguyễn Quang Hà, nguyên Tổng biên tập tạp chí Sông Hương nổi đình đám một thời và nữ đại tá nhà văn quân đội Vũ Thị Hồng. Ba nhà văn cựu chiến binh khí thế bừng bừng lên đường. Đầu đi có người của Hội nhà văn làm thủ tục, đầu đến có các nhà thơ Mỹ đón, thì có gì phải lo. Khổ nỗi, máy bay lại transit ở sân bay Chicago mấy tiếng để chuyển sang máy bay khác. Lại phải làm thủ tục an ninh, mấy anh chị nhà văn vốn không quen lắm với các loại thủ tục rắc rối nên cứ loạn cả lên vì gần đến giờ bay rồi vẫn chưa tìm được cửa để check lại vé. Lộn đi, lộn lại mấy vòng, lại vấp phải một đống hành lý của người nào để ngổn ngang, mãi sau có nhà văn thấy va ly quen quen mới biết đó là hành lý của đoàn. Chắc là người ta thông báo trên loa mãi, không ai nhận nên để đó cho dễ thấy. Rồi cũng ra được máy bay vào phút cuối và đến Botston an toàn.

Ngoài các nhà văn cựu chiến binh Mỹ tận tình, các đoàn ta sang đấy (hai năm một lần) còn có những nhà thơ, văn nghệ sỹ người Việt ngay trên địa bàn Boston giúp đỡ, nhất là Giáo sư - nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Bá Chung và tiến sỹ đang dạy ở Đại học Harvard danh tiếng Nguyễn Minh Phương. Hầu như văn nghệ sỹ Việt Nam nào đến vùng này đều có sự giúp đỡ của họ. Nhiều người cảm động kể về tình cảm của vợ chồng nhà thơ Bá Chung và chị Chấn. Bởi dù có được bố trí nhà ở đau thì rồi đoàn cũng thích về ở nhà của anh chị, ấm cúng, tình cảm vô cùng. Chị Chấn làm việc ở thư viện trường Harvard, ngay từ thửa xưa, khi giao lưu hai nước Mỹ còn xa cách, hằng năm chị đã về Việt Nam mua hàng ngàn đầu sách cung cấp cho thư viện. Nên nhiều nhà văn sang, chị mở máy tìm thấy sách của họ đang ở đâu, và hầu như ai cũng có tên trong thư viên trường đại học hàng đầu thế giới. Vậy nên cũng có nhà văn bỗng thấy mình vĩ đại vì dù bạn bè trong nước không thèm biết mà đại học danh tiếng nhất thế giới cần đến. Ngạc nhiên chưa!

Hội thảo xong, cả đoàn cùng xuống thăm Washington, D.C. Tiếc là thời gian quá ít, nên tôi ra đón và theo mong muốn của Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, người rất quý văn nghệ sỹ, mời cả đoàn về thẳng dinh cơ của Đại sứ quán tại phố R, cùng tiếp với một đoàn khác cấp bộ và giao lưu rất vui và cảm động. Có lẽ đó là cuộc hội ngộ vui nhất trong nhiệm kỳ công tác của tôi.

Trời còn sáng, tôi đưa đoàn đi một vòng thủ đô rồi về nhà giao lưu tiếp tục vui với anh chị em trong cơ quan. Lại rượu Tây và thơ văn suối đêm. Vì đa phần các nhà văn cao tuổi, cần giữ sức, nên anh em trong đại sứ quán, ai cũng muốn mời về nhà họ nghỉ. Nhưng nhà văn Trần Huy Quang bảo, không đi đâu hết, cứ ở đây với nhau cho vui. Đến khi bạn bè tôi mời các nhà văn về nhà nghỉ, thì ngoài chị Hồng sang nhà một gia đình bên cạnh, còn từ anh Chung, anh Hà và anh Quang đã say xỉn, gối lên nhau ngủ ngay cạnh bàn rượu.

 

(Kỳ 3: Một lần đánh bạc ở Las Vegas) 


Nguồn Văn nghệ số 51/2018


Có thể bạn quan tâm