April 25, 2024, 5:48 am

Nước mắt ngày lũ

 

 

Bão chồng bão, lũ chồng lũ, dải đất miền Trung nhiều mất mát, đau thương. Nhân dân, trong đó có thầy cô giáo, học sinh trong hoạn nạn “lá lành đùm lá rách” gạt nước mắt đứng lên.

 

Các cô giáo Trường Tiểu học Cương Gián 1, Phòng GD&ĐT Nghi Xuân thăm hỏi, động viên, chia sẻ với cô Hoa

 

Nước mắt chảy dài miền Trung

Do tác động cơn bão số 6, hoàn lưu bão số 7, miền Trung mưa kéo dài, bão chồng bão, lũ chồng lũ. “Đây là trận đại hồng thủy lớn nhất chưa từng thấy trong lịch sử. Mưa gây lũ, gây sạt lở, gây nên bao tổn thất kinh hoàng về người và của. Nước mắt chảy dài miền Trung”. Ông Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh nhận xét.

Theo thống kê của văn phòng Ban Chỉ đạo về phòng chống thiên tai, từ ngày 06/10 đến 21/10, lũ lụt đã khiến cho 135 người chết và mất tích (Trong đó có 114 người tử vong, 21 người mất tích); 371 héc ta lúa bị ngập, 7.126 héc ta hoa màu bị nhấn chìm trong biển nước. 5876 gia súc, 685.225 gia cầm bị chết hoặc bị cuốn trôi. 48.785 hộ dân hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình bị ngập, 16 tuyến quốc lộ, 163.150 mét đường quốc lộ, 161.880 mét đường giao thông địa phương bị ngập, sạt lở, hư hỏng nặng. Trong khi nhiều địa phương như Gio Linh, Triệu Phong, một số xã huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị); Lệ Thủy, Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Quảng Ninh và một số xã huyện Bố Trạch (Quảng Bình); Cẩm Xuyên, Hương Khê (Hà Tĩnh) vẫn chìm trong nước lũ; thì ngoài khơi cơn siêu bão Molave lại bắt đầu tràn vào đe dọa một loạt các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Nha Trang…

 Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết: “Cho đến nay, chúng tôi chưa tính hết được thiệt hại do bão lũ gây ra với ngành giáo dục Quảng Trị. Tập hợp thông tin ban đầu, ước tính thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng. Thiệt hại chủ yếu sách vở, thiết bị dạy học, bàn ghế, tường rào vvv… Riêng trường THCS bán trú Húc (Hướng Hóa) bị sập đổ”.

Chúng tôi nối điện thoại với cô Võ Thị Tường Vi, Phó phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Lệ Thủy. Cô Vi nghẹn ngào nước mắt: “100% trường học ở huyện Lệ Thủy bị ngập lụt. Trong đó có những trường ngập sâu dưới nước ba mét như trường Mầm non Ngô Bắc, Sơn Thủy, Tân Thủy, số 1, 2 An Thủy. Những trường học bị ngập sâu như thế này xem như là trắng tay. Không biết đến khi nào chúng tôi khôi phục lại được như ban đầu”.

Tại Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh)  trong các ngày 18-19/10, hồ Kẻ Gỗ xã tràn, có lúc lên đến 1000m3/s, nên các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Thành phố Hà Tĩnh ngập úng nặng. “Có lẽ đây là lần đầu tiên Cẩm Xuyên bị nhấn chìm trong biển nước. Nông dân mất mùa, trường học mất sách vở, máy móc, đồ dùng dạy học”. Cô Mai (Cẩm Xuyên) cho biết.

Đối với những trường ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, do mưa lũ gây sạt lở, nên bị chia cắt. Theo thông tin từ thầy Hoàng Đức Hòa, Hiệu trưởng trường PTDT nội trú Bố Trạch, Quảng Bình, hiện nay, trường vẫn bị cô lập, vì tuyến đường đi qua 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch vẫn chưa thông. Tuyến đường vào hang Tám Cô bị ngập, km 19 bị sạt lở khoảng 100m, cầu Cà Roong 1 đi qua trường Tiểu học bị xé trôi cầu phía Nam. Đường lên bản 61, Troi, Tuộc sạt lở. Sân trường nội trú chưa được bê tông hóa. Mưa ngập như ruộng bừa. Gần 400 giáo viên, học sinh đi lại trên sân trường bị ghẻ nước. “Hiện trường bị chia cắt, nếu không được tiếp tế, nhà trường sẽ khó khăn trong nguồn lương thực, thực phẩm dự trữ cho học sinh”. Thầy Hoàng Đức Hòa lo lắng.

Đã từng chung sống với lũ, nên tôi bất an, lo lắng khi xé đêm là tiếng kêu cứu từ Lệ Thủy, Quảng Bình hay Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Những ông già, bà già, thức trắng đêm hốc hác. Những cô giáo thầy giáo ngâm nước lũ da bợt bạt, xanh xao. Những em học sinh vùng rốn lũ đói khát, lạnh giá… Và đau đớn hơn, thủy quái khổng lồ đã cướp đi người thân. Tang thương, xót xa khi những vành tang trắng quấn trên đầu giữa mênh mông nước bạc. Trên trăm người mất trong lũ có thầy giáo, học sinh và có những người là chồng của các cô giáo.

Năm giờ chiều ngày 11/10, thầy giáo Nguyễn Văn Hoàng (Trường THCS A Vao, huyện Đak Rông) trên đường trở về trường, đến cầu tràn Tà Rụt bị lũ cuốn. Phải 6 ngày sau, đồng đội và lực lượng cứu hộ mới tìm được thi thể. Được biết, thầy giáo Hoàng đã 17 năm công tác tại trường A Vao vô cùng khó khăn này. Năm 2007, thầy kết hôn với cô giáo dạy cùng trường. Đã 13 năm chung sống, nhưng hai vợ chồng vẫn chưa có con. Hai vợ chồng dự tính hết năm học, vào kỳ nghỉ hè, cùng vào Bệnh viện Huế để lo tương lai: “Ước nguyện không thành rồi. Đau xót quá anh ơi!”. Vợ thầy Hoàng đau đớn, nức nở.

Nỗi xót xa, xen lẫn ân hận khiến cho chị Nguyễn Thanh Hằng, Mẹ của cháu Nguyễn Quỳnh Chi (3 tuổi,  tổ dân phố Tân Hà, phường Hưng Tri, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cạn nước mắt vì con mất tích trong lũ.  Được biết, cô Hằng mới sinh con một tuần, nên chiều ngày 19/10, không biết bé Quỳnh Chi ra ngõ chơi, không ngờ nước lũ ào ạt đổ về, dâng cao, cuốn trôi cháu. Mãi đến 21/10, thi thể cháu mới tìm thấy dạt ở cánh đồng cách nhà một cây số...

Ai oán hơn, hai chị em Lê Như Quỳnh (Học sinh lớp 6, THCS Lê Hồng Phong, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) và Lê Quỳnh Giang (Học sinh lớp 3 trường tiểu học Trường Sơn) vất vả vì tuổi thơ mồ côi mẹ, giờ  bố cũng bỏ chị em ra đi. Tang thương ấy đến với chị em trong lũ. Nhìn hai chị em ngơ ngác bên thi hài người bố xấu số, thầy cô giáo, bà con hàng xóm đứt từng khúc ruột! Khổ nhất là hai đứa bé tay trắng không có tiền để mua vải vóc khâm liệm cho bố. Chiều 21/10, thầy cô giáo, bà con chòm xóm xúm vào lo tang cho bố hai cháu….

Biển nước mắt của  những người cha, người mẹ, người vợ, người con suốt dải đất miền Trung này không chỉ đổ xuống trong chiến tranh, mà ngay cả trong thời bình, trước bão lũ, nước mắt đau đớn chia li không ngừng chảy. Chưa kịp lau nước mắt khóc cho thân phận 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh ở thủy điện Rào Trăng 3, thì lại nức nở trước 22 cán bộ chiến sĩ  thuộc đoàn 337, Quân khu 4 bị đất vùi lấp. Họ ra đi để lại đau thương mất mát không chỉ cho Tổ quốc nhân dân, mà cho gia đình, nhất là những người thân yêu ruột thịt bố mẹ, vợ con…

Trong số những người vợ, những người con mất bố, thì có những cô giáo chịu nỗi đau tang kép.

Nỗi đau tang kép

Cô Châu Thị Huệ Huyền (Giáo viên mầm non Tân Hợp, Hướng Hóa, Quảng Trị) vợ Trung úy Lê Hương Trà, nghe tin chồng hy sinh mấy lần ngất xỉu. Bà Hà Thị Thu (mẹ vợ Trung úy Lê Hương Trà) nghẹn ngào: “Đêm hôm đó, mẹ nó (cô Huyền) thức trắng đêm vì cháu thứ 3 ba tuổi sốt cao. Đến 5 giờ sáng thì nhận được tin chồng mất. Đau đớn quá! Mẹ ngất xỉu. Quê nó ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Nhà nội nghèo lắm. Hai vợ chồng bàn tính tiết kiệm lương về quê chữa nhà cho ông bà nội, mà không kịp rồi! Trời ơi!”.

Cô Lê Thị Huyến (Giáo viên mầm non trường Hướng Linh, Hướng Hóa, Quảng Trị) cùng một lúc mất chồng và em trai trên đường từ rừng trở về nhà bị lũ cuốn trôi. Cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên trường tiểu học Cương Gián 1, Nghi Xuân, Hà Tĩnh có chồng là Thiếu tá Nguyễn Cao Cường, là một trong 22 cán bộ chiến sĩ thuộc đơn vị 337 (Quân khu 4) hy sinh do sạt lở đất xẩy ra rạng sáng 18/10 tại  Hướng Hóa, Quảng Trị. “chồng mất, nửa đường đứt gánh đã đành, mà còn thương hơn, vì chưa đầy một tháng, người đàn bà  nhỏ bé ấy đã chịu ba cái tang: Tang mẹ, tang anh trai và bây giờ là tang chồng. Cô ấy không còn nước mắt để khóc”. Cô Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng trường tiểu học Cương Gián 1 chia sẻ.

Cháu Nguyễn Minh Huyền (con út)  ôm mẹ trong dàn dụa nước mắt: “Mẹ ơi! Bố hứa sẽ đưa con vào cơ quan, như bố đã từng đưa con đi trại sáng tác tại tỉnh Hà Giang, mà bố đột ngột ra đi bố ơi!”.

 

Học sinh Trường tiểu học Hương Tràm Hương Khê quyên góp giúp đồng bào vũng lũ

 

Gạt nước mắt đứng lên

Trong tang tóc, khổ đau, những người vợ, người mẹ, người con đã gạt nước  mắt đứng dậy: “Anh ấy ra đi, nhưng còn con cái, những giọt máu của anh để lại còn bao nhiêu lo lắng cho người thân nên, tôi cũng phải nguôi ngoai sống, tiếp tục làm những gì mà chồng tôi chưa kịp làm”. Cô Hoa nghẹn ngào nói

Trên dải đất miền Trung lắm mất mát đau thương nói riêng mà trên dải đất chữ S nói chung, càng hoạn nạn càng hiểu tấm lòng nhau. Những tấm lòng đồng bào đùm bọc yêu thương chia sẻ.

Trong những ngày này, tại gia đình của  Cô Huyền, cô Huyến (Quảng Trị), cô Hoa (Hà Tĩnh), không chỉ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhân viên nhà trường sở tại mà bà con nhân dân đã đến động viên, an ủi, chia sẻ nỗi đau thương và mất mát. Hơn thế, từ trong lũ lụt, các tổ chức, cá nhân trường học đã dấy lên tinh thần thiện nguyện “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Nhiều cá nhân đã đứng lên vận động quyên góp, đến tận vùng rốn lũ cứu trợ cho bà con nhân dân. Từ các cô giáo trường mầm non Sơn Kim 1 giáp biên giới Việt Lào miền núi phía Tây Hà Tĩnh, từ các em học sinh trên địa bàn huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, đến các thầy cô giáo trường THPT Nguyễn Du, Hồng Lĩnh, Hà Huy Tập, Nguyễn Đình Liễn (Hà Tĩnh) THPT Đồng Hới (Quảng Bình), các thầy, cô giáo, học sinh, phụ huynh  trên địa bàn  Nghệ An bằng tấm lòng yêu thương đã gom góp kịp thời chuyển đến bà con vùng lũ. Món quà họ mang đến là tấm bánh, can nước, tấm áo, manh quần, quyển vở, quyển sách, cây bút, lọ thuốc, gói mì, bát gạo, lọ mắm, gói bánh… với tinh thần “một miếng khi đói, bằng một đọi khi no”.

Hậu quả của thiên tai, địch họa còn nặng nề. Khắc phục hậu quả đó không chỉ ngày một ngày hai. Vì vậy, miền Trung đã dũng cảm, kiên cường càng phải dũng cảm kiên cường, dẻo dai hơn. Mặt khác, miền Trung rất cần đến những tấm lòng vàng từ khắp nơi đồng hành cùng nhân dân trong cuộc chiến cam go này.

Nguồn Văn nghệ số 44/2020


Có thể bạn quan tâm