April 25, 2024, 8:41 pm

Nước mắt hoa đào

 

Chiều muộn, không có hoàng hôn. Cả vùng trời lạnh lẽo bao la, đang xỉn dần sang màu xám loãng. Những quả đồi câm lặng còn cố giương tàn lực cuối cùng bởi chút sắc đỏ kiêu hãnh, trước ánh sáng nhợt nhạt lúc cuối ngày của một cuộc đông tàn.

Dần dà, khoảng không trung xám ngắt nhanh chóng co lại, hối hả nuốt đi những bụi cây ngổn ngang dưới chân đồi, vài nếp nhà cô đơn màu trắng nhạt, sau cùng là con đường ngoằn ngoèo trước mắt toán người đã mệt nhoài vì rét cóng và đói lả.

Đã thế, gió và mưa phùn lạnh thấu xương vẫn còn mơn trớn giả dối bằng những cái lưỡi của từng đợt bụi nước giăng giăng mờ mịt, càng lúc càng riết róng.

Giữa im lặng, một tiếng nói khàn khàn chợt cất lên:

- Sắp tết rồi mà trời vẫn rét. Thế này thì đào nào chả nghẹn, bung hoa sao nổi. Bọn mình chắc hốc xịt thôi.

- Hay bọn mình về đi. Thực uổng công mệt xác. Có thể một bọn nào đó đi trước đã khoắng hết cả rồi. Thôi chịu ăn Tết suông vậy.

Rét quá, gã nói trong lúc hai hàm răng khua lập cập. Đáp lại, tiếng nói của một gã khác vốn luôn lầm lì suốt chặng đường:

- Đứa nào bỏ cuộc cứ việc. Nếu càng khó mà kiếm được thì mới ăn đủ. Tao kiên quyết phải lùng cho kỳ thấy để khuân về, có một lão trọc phú đã đặt tiền tao trước rồi.

- Thảo nào mà mày hăng hái thế, xộc vào cả những nơi thâm sơn cùng cốc.

- Chuyện! Bụng đói đầu gối phải bò.

Chuyện phiếm mới nhen lên đã lịm tắt ngay, toán người lại câm lặng, lầm lũi đạp những cái xe cà khổ, mong cho hết con đường, để đến một xóm nhỏ miền sơn cước tìm chỗ nghỉ đêm trước khi trời tối mịt.

Một cụ già nghèo tốt bụng đã cho bọn họ tá túc bằng cách kiếm rơm, quây một cái ổ tập thể trong góc nhà.

Tôi cũng là một trong đám người khát tiền ấy. Có điều, tôi không đi buôn đào như họ. Tôi có một thú vui kỳ quặc rằng đào cắm tết phải do mình tự tìm mua, tự tay chặt và chở về với bao công sức kỳ phu thì mới khoái. Để ngày tết, cùng vài bạn tâm giao ngồi quanh gốc đào, trong phảng phất chút hương trầm thơm ngát, tôi sẽ kể cho họ nghe về cuộc hành trình tìm kiếm đào. Bởi vậy, tôi không cảm thấy nỗi khổ sở đè nặng như những người bạn đồng hành kia.

Mọi năm, tiết xuân thuận hòa, những cuộc viễn du tìm đào của tôi quả là thú vị. Tôi có thể được hưởng thụ không khí rộn rịp nơi phố phường và hương vị xuân nồng ấm luôn ẩn mình kín đáo, không phô phang diệu vợi, nơi các vùng thôn dã xa xôi.

Sau khi nhờ lửa nấu cơm xong, chúng tôi ngốn ngấu bữa ăn đạm bạc cho chóng vánh. Mấy gã trai trẻ chui vội vào ổ rơm, co quắp nằm úp thìa rồi ngủ ngay tắp lự. Tôi cố nán lại bên bếp lửa giữa nhà nói chuyện với cụ chủ. Khi biết chúng tôi đi tìm mua đào, cụ cười khà khà:

- Năm nay rét muộn, đào không nở kịp để phục vụ dân hàng tỉnh đâu. Nếu các anh cố tìm may ra kiếm được vài cành thôi.

Chúng cháu đã đi ba ngày rồi ạ.

- Ngày mai, các anh đi sâu vào hướng này, cách chừng hai con dao quăng, sẽ tới một thung lũng nhỏ, rồi hỏi vườn nhà chị Tẹm chắc sẽ có đào nở. Hai hôm trước tôi đi rừng bẫy được con gà lôi, rẽ qua cho mấy đứa trẻ, có nhìn thấy vậy.

Nghe cụ nói, lòng tôi phấp phỏng lắm, dù mệt, tôi chỉ muốn ngồi mãi nói chuyện với cụ. Thực tình, giữa vùng đồi hoang vắng này, trong đêm khuya buốt giá, được nói chuyện với cụ già chất phác đôn hậu, bên bếp lửa ấm cúng và ăn sắn nướng thơm phức, quả là thú vị.

Những câu chuyện không có đầu cuối, không phải đắn đo dè chừng bởi thủ đoạn, không hàm ý thời sự chính trị gì. Nó đưa con người vào thế giới những kỷ niệm quá khứ, lúc mượt mà êm dịu, lúc trúc trắc khổ đau, tưởng như chẳng có chỗ đứng trong văn đàn thơ phú, nhưng lại là xương sống cốt tử tạo nên vóc dáng cuộc đời.

Quá nửa đêm, thấy tôi ngáp liền mấy cái, ông cụ thôi không nói chuyện nữa và giục tôi đi ngủ.
Sáng bảnh mắt, cụ mới gọi chúng tôi dậy và mời ăn lưng rổ sắn luộc. Chúng tôi rất cảm động và bàn nhau biếu cụ chút tiền. Cụ khảng khái từ chối với lời lẽ mộc mạc:

- Được giúp các anh là tuổi già này thêm phúc rồi. Chẳng mấy khi các anh cơ nhỡ. Tôi cũng vậy thôi. Cầm tiền rồi nó mất chữ tình, tiếc lắm, phải không nhỉ?

Nghe cụ nói vậy, chúng tôi cảm thấy lúng túng, ngượng nghịu.

Theo sự hướng dẫn, chúng tôi đi tiếp vào hẻm núi. Cũng may trời bớt lạnh, không còn rét căm căm và mưa phùn như chiều qua nữa. Chưa thấy tia nắng mặt trời nhưng không gian ngời lên một khối trong vắt, khiến có thể nhìn rõ từng đường nét các lùm cây xa. Không gió thổi, không có sương mờ bốc lên từ hẻm núi như mội khi. Không gian yên ắng lạ kỳ. Bởi vậy, tiếng hót hiếm hoi của con chim họa mi nào xa lắm, nghe lảnh lót véo von như lời vẫy gọi.

Sau đêm nghỉ, cơ thể chúng tôi trả lại sự sung mãn, cộng với thời tiết đẹp, đặc biệt có tia hy vọng về hoa đào, cả bọn hăm hở lên đường.

Dễ chừng đến tiếng đồng hồ, chúng tôi vẫn chỉ thấy đường đồi ngoằn ngoèo, hai bên rặt các loại cây sim mua lúp xúp cùng những bụi cây dại, phủ quanh nó là đây leo nhằng nhịt như rắn bò. Không thấy một nóc nhà dân nào cả. Một gã quay sang tôi hỏi như chế giễu:

- Này anh bạn, mấy trăm con dao quăng rồi?

            Cả bọn cười khúc khích. Tôi trả lời chống chế:

- Cụ nói vậy chứ tôi có hiểu “dao quăng” là gì đâu. Thôi khắc đi khắc đến.

Quả nhiên, vừa hết tầm khuất của chân ngọn đồi thì nhìn thấy làn khói bếp uốn lượn trên một xóm nhỏ chừng dăm móc nhà. Có thể là thứ khói của củi cháy để sưởi ấm trong mùa rét mướt này. Cả bọn mừng rỡ cuống quýt đạp xe tới. Chúng tôi hỏi, một phụ nữ chỉ tiếp vào con đường mòn hơi dốc lên nhà chị Tẹm.

Chẳng e dè giữ ý, cả bọn dựng xe vào hàng giậu ruối rồi chen nhau bước tới ngôi nhà. Đó là một túp lều to. Mái lợp rạ cũ ải. Tường trình đất núi lâu ngày, đã bị mưa gió xối khiến bong tróc từng mảng nham nhở. Mấy cửa sổ tùm hum như lỗ châu mai, khiến ngôi nhà trở nên bí mật khi không có bóng người nào. Chúng tôi đánh tiếng gọi, chỉ thấy một con chó gầy còm xồ ra sủa ông ổng. Mọi người chựng lại chờ đợi.

- Đào kia chứ đâu nữa. Trúng quả rồi… Một gã xoắn những ngón tay vào nhau, reo lên vui sướng.

Nhiều quá, đúng là vườn đào đang độ ngậm nụ. Không biết thực hay mơ đây?

- Này các ông tướng, cứ từ tốn bình thản thôi. Đừng rối toáy lên như vậy, nhỡ họ không bán thì sao?

Mươi phút trôi qua, chẳng có ai xuất hiện. Con chó không dám xô vào đám người đang giữ thế thủ. Nó sủa nhát gừng rồi lùi về phía cửa nhà. Miệng nó thì gừ gừ còn ánh mắt thì ánh lên vẻ gườm gườm cảnh giác, dáng điệu chó nhà nghèo. Tôi phải quay ra nhờ người đàn bà khi nãy đẫn vào. Tới sân, mới biết chủ nhà đi vắng, chỉ có ba đứa trẻ ngồi nép vào góc cửa. Có lẽ quan sát thấy bọn tôi râu tóc tua tủa nên chúng sợ không dám trả lời. Một đứa chực mếu. Nghe thấy có tiếng hàng xóm, đứa lớn mới ngó đầu ra:

- Mẹ cháu vào núi chưa về đâu.

Thấy chúng sợ người lạ, tôi cất giọng thân thiện:

- Các chú chỉ muốn hỏi mẹ cháu có bán cành đào không. Cháu đừng ngại.

Người đàn bà hàng xóm bảo chúng tôi chịu khó ngồi chờ rồi trở ra.

Từ nền cao nhìn xuống vạt đất thoai thoải trước nhà, tôi chẳng thấy có thứ cây gì đáng giá ngoài mấy gốc mít, một vài bụi chè tươi và dăm cây hồng hạt già cỗi đã trút hết lá, trơ ra những cành khẳng khiu, đen nhẻm, trên đó đong đưa mấy búi tầm gửi cùng vài tổ kiến rừng, treo lủng lẳng thu lu như những cái nồi đất. Nhưng đặc biệt, ngay cạnh mép sân trở xuống là vạt đào rừng mọc chen nhau. Trên các cành cao, một vài nụ đã hé sắc hồng tươi thắm. Dù nhỏ nhoi là vậy nhưng nó đủ sức sưởi ấm lòng những kẻ đang thất vọng ê chề như bọn tôi. Nó làm sáng láng bầu không gian lạnh lẽo ở cái nơi thâm sơn cùng cốc này. Nó là men rượu xuân cảm tác bởi hồn trời giao hòa với đất. Nếu nhìn kỹ, ta thấy lác đác của mầm xanh của chồi lá mới nhú. Hình như chúng mới nứt mắt vào nửa đêm vừa rồi. Các cành đào uốn lượn dáng thế thiên tạo hoang dã khiến cả lũ chúng tôi ngẩn người. Chẳng bù cho vài ngày qua, bọn tôi đi qua không biết bao nhiêu chặng đường, ghé mắt vào bao nhiêu gốc đào, nhưng chỉ được nghênh tiếp bằng sự câm nín đến thất vọng. Hầu như đa số cây đều không có ruồi hoa, chứ đừng mong chồi nụ. Thế mà ở đây, không hiểu do bí mật của chất đất hay địa thế vườn đào mọc nơi kín gió ấm áp nhưng vẫn được tráng nắng, nên nụ hoa đồng loạt nẩy đều đến thế.

Trong khi chờ đợi, bọn tôi quyết định sục sâu hơn nữa để thăm dò địa thế vùng này. Sau mấy tiếng đạp xe rạc cẳng, chúng tôi không phát hiện gì thêm đành quay lại. Cụ già đã nói đúng: duy nhất vườn chị Tẹm có hoa đào nở. Thế mà chầu hẫu đến quá trưa vẫn chưa thấy chị về.

Đang mải ngắm, cả bọn không để ý người chủ nhà gánh mấy hốc sắn còn bám củ đã xuất hiện sau lưng. Con chó từ nãy gầm gừ hậm hực trong xó nhà, bây giờ lao ra vẫy đuôi mừng quýnh.

Người đàn bà gầy nhong, đen nhẻm. Cả bộ ngực phẳng lỳ nép sau tà áo mầu đất thó cũ mèm. Cái nón mê che nửa khuôn mặt mang dáng đấp không tự chủ khi nhìn thấy đông người lạ, mà toàn là đàn ông hiện diện trước nhà mình, không báo trước. Đôi cẳng chân cứng đơ, lộ trơ gồ mắt cá còn dính đất và cái quần đen nhàu nhọ được xắn cao gần đầu gối. Thấy chúng tôi, chị dừng lại đặt gánh, e thẹn cúi xuống phủi đất và tháo nếp gấp của ống quần ra thì lại để lộ một lỗ rách chưa được khâu vá. Nhằm tránh sự lúng túng của chị, tôi hỏi luôn:

- Chị là chị Tẹm?

- Vâng, các anh là…?

- Thấy vườn nhà chị có hoa đào nở, Chúng tôi muốn mua. Chị bán không?

Từ giữa quầng buồn u tối nơi hốc mắt, một ánh mừng rực lên, chị nhìn nhanh bọn tôi để khẳng định lời yêu cầu của tôi có đúng không. Có vẻ không tin việc chúng tôi lặn lội từ xa đến đây chỉ làm mỗi việc ngớ ngẩn là bỏ tiền ra mua rồi è cổ vác cành đào. Chị dè dặt:

- Mời các anh vào nhà… Khổ quá… Mong các anh thông cảm… Đến bộ ghế đón khách cũng khập khiễng chẳng ra gì. Các anh uống tạm nước chè xanh hâm trong ấm đất nhé.

Thấy người đàn bà vui vẻ, bọn tôi hồ hởi nói theo:

- Khỏi phiền chị ơi. Nếu chị đồng ý bán thì chúng ta thỏa thuận. Còn không thì chúng tôi đi luôn kẻo muộn. Mùa này rét mà chóng tối.

Một thoáng băn khoăn, ngần ngừ hiện ra nơi chị. Bọn trẻ con từ nãy đến giờ trố mắt theo dõi câu chuyện, nghe thấy người lạ hỏi mua đào, trừ đứa bé nhất oặt oẹo bên hông chị nó, hai đứa còn lại cùng cất tiếng:

- Mẹ ơi, chúng con ứ bán cây đào đâu.

Chị Tẹm quay ra tần ngần nhìn các con rồi lại nhìn bọn tôi, thái độ có vẻ không quả quyết. Mấy đứa chúng tôi cùng đưa mắt nhìn nhau, lòng phấp phỏng, chỉ lo chị không bán. Tôi bèn từ tốn:

- Nếu chị đồng ý, bọn tôi không để chị thiệt đâu.

Chị cắn môi nghĩ ngợi, mãi một lúc mới bật ra lời ướm hỏi:

- Các anh định mua thế nào?

- Chúng tôi mua cả vườn đào.

Mua hết?... Các anh trả bao nhiêu tiền?

- Giá cả do chị đưa ra. Nhưng đắt quá thì chúng tôi chịu. Bởi chúng tôi là những người buôn đào.

- Nếu là con gà hay chục trứng em còn biết giá chứ bán đào thì em chịu. Ở vùng em người ta chỉ xin nhau thôi, chưa thấy ai bán nên khó nói quá.

Chị cứ nói chúng tôi mới biết giá mà trả.

Chị đưa tay gãi gáy, cười thỏn thẻn rồi hỏi như nửa đùa nửa thật:

- Liệu có được mươi cái bánh chưng và mỗi cháu một cái áo mới không các anh?

- Thế theo chị bao nhiêu thì đủ?

Chị ngập ngừng:

- Cũng khoảng… khoảng trăm ngàn.

Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau thở phào vì không ngờ giá rẻ đến thế. Chưa đáng một bữa “bia cỏ”đãi nhau của hạng thừa tiền bên phố. Sợ chị đổi ý, tôi xăm xắn móc túi rút tiền đếm và đưa chị. Tôi thoáng nhận ra mấy ngón tay run run của chị lúc nhận tiền. Tôi không hiểu cảm giác đó khi đọc một nét buồn mơ hồ xa xăm còn vương trên khuôn mặt khó đoán nổi tuổi của chị. Có một pha trộn niềm vui và nỗi lo sợ nào đấy. Nếu vì một trăm ngàn để mừng đến phát run lên thì chỉ có ở một người quá nghèo khổ. Còn lo sợ thế nào được bởi chị là chủ nhân trồng ra nó. Đó chỉ là cảm nhận thoáng qua, tôi không mất công tìm hiểu làm chi cho mệt.

- Chị cứ đếm cẩn thận và tôi muốn mượn con dao.

- Các anh nên xem kỹ rồi quyết định chặt cũng chưa muộn.

Tôi hơi cười thầm vì chị thật thà đến như vậy:

- Chị khỏi lo. Chúng tôi muốn làm nhanh vì sợ đường xa rét mướt.

Chị vào bếp lấy ra một con dao to bản đưa tôi. Rồi mặc bọn tôi muốn làm gì tùy ý, chị bắt đầu lóng ngóng đếm tiền. Chị đếm mãi. Mấy đồng tiền rơi ra theo gió bay đi. Chị đuổi theo vồ lấy như một đứa trẻ, rồi lại đứng đếm như không biết quanh mình có còn ai nữa. Một lúc chị lại tưởng như thiếu, lúc lại tưởng như thừa. Mấy đứa trẻ thấy mẹ chúng đếm tiền bèn chạy ra bám quấn lấy. Cả mấy mẹ con chị đều bừng lên sự vui vẻ.

Trước lúc lên đường, chính tôi là kẻ bày ra kế gom nhiều tiền lẻ nhưng mới để xếp dầy cộm lên. Những người nghèo thường thích đếm nhiều tiền. Chúng tôi đã đánh trúng tâm lý họ. Giờ đây, duy chỉ có tôi đứng lại với mẹ con chị, dĩ nhiên tôi chứng kiến sự hoàn hảo ở mưu kế tâm lý của mình. Bất giác, tôi cảm thấy lương tâm bị hoen ố bởi cái chất lọc lõi quá xoàng xĩnh của mình trước mẹ con người phụ nữ khốn khổ và thật thà quá, ở nơi xó rừng này. Tôi chợt rùng mình vì hổ thẹn.

Những người đồng hành của tôi đang hối hả thay phiên nhau hạ gục các cây đào. Tiếng dao chặt chí chát và tiếng nói cười râm ran, suýt xoa trầm trồ làm huyên náo khoảng không gian trước đây mấy phút còn im lìm buồn tẻ. Như một sự ăn năn, tôi không muốn cho những người bạn biết khi dúi vào tay đứa con lớn của chị thêm một ít tiền:

- Bác mừng tuổi trước cho cháu để mua sách. Cháu học lớp mấy rồi?

Đứa trẻ không dám cầm, đáp lí nhí:

- Cháu không đi học. Mẹ cháu cấm không cho nhận tiên ở người lạ, sợ hư thân.

Thấy tôi xởi lởi vậy, chị bèn giục con:

- Mẹ đồng ý đấy. Con đưa hai tay ra xin bác đi. Bác đây tốt quá.

Tôi càng thấy đỏ mặt xấu hổ vì lời khen của chị. Số tiền kia quả không thấm tháp gì. Tôi chợt liên tưởng tới những lần bố thí cho kẻ khất thực và tự đay nghiến mình: “Ta có gì đâu mà tốt. Chẳng qua ta mua lại sự yên tĩnh của mình với giá quá rẻ thôi”.

Dù sao, lòng tôi cũng nhẹ nhõm khi thấy mẹ con chị vui vẻ. Tôi mãn nguyện vì sự vất vả ở cuộc đi này đã được đền bù xứng đáng: Tết này, trong căn phòng ấm cúng, giản dị của tôi sẽ có một cành đào đẹp. Tôi thầm biết ơn mẹ con chị.

Chẳng khó khăn gì, cả bọn tôi đều nhẩm tính sơ qua khoản lãi nếu khuân hết về phố và bán trong dịp tết này. Chắc chắn năm nay, số cành đào đẹp nở hoa sẽ không nhiều. Điều đó gây niềm hưng phấn đặc biệt với cả bọn. Chúng tôi hì hục chặt chém, khuân vác đến mướt mồ hôi, quên cả đói mệt cùng rét buốt. Dễ chừng đến tiếng đồng hồ, công việc mới tạm xong. Giữa sân nhà chị, đống cành đào được xếp lồng khồng đầy lên. Tuy mải mốt nhưng chúng tôi rất ý thức giữ gìn vì sợ gãy nhánh, rụng hoa. Việc còn lại là làm sao chằng buộc cho gọn gàng, chắc chắn để di chuyển hết số đào này về đích cuối cùng là thành công.

Lại chiều muộn. Trên một khoảng trời còn có thể gọi là thoáng đãng bởi không bị các mỏm đồi và những lùm cây cao che khuất. Tầng mây màu chì xám ngoét sà thấp làm cho vòm trời xệ xuống. Không hề có lấy một tia nắng đơn côi nào. Khí trời về chiều nơi núi đồi lạnh ngọt. Những giọt mưa li ti quái ác lại bắt đầu rơi. Chúng tôi không thấy lạnh vì thằng nào cũng mải mốt sắp xếp, chằng buộc cho mau chóng để đi. Động tác này thế mà tốn công gớm. Chỉ có dân buôn đào sành sỏi nhiều năm mới thực hiện mau lẹ, thành thạo. Thậm chí họ còn lường trước việc dựng xe khi nghỉ dọc đường sao cho thuận tiện nhất.

Tuy nhiên, vấn đề nảy ra không đơn giản chút nào: Nếu phải buộc từ sân dắt xe ra, chúng tôi sẽ bị vướng vì không qua nổi các bụi cây rườm rà, mọc vô lối ven đường vào nhà chị. Các nhánh đào sẽ gãy và nụ hoa bị xước rụng hết. Sau lúc đắn đo, chúng tôi lại mất công tháo các nút dây, hạ cành xuống, để dắt xe ra trước. Mọi người phải lần lượt nhấc từng cành rút xuôi chiều một cách khéo léo mới đưa qua hẻm lối nhà chị được. Có như thế mới bảo vệ được chúng. Ra đến hết đường mòn, chúng tôi sẽ buộc lại sau.

Công việc hết sức khẩn trương vì trời đã tối sầm sập. Khi quay vào sân để vác nốt mấy cành cuối cùng, chúng tôi thấy mẹ con chị đứng nép vào nhau với một vẻ sững sờ. Niềm vui lúc nãy của họ bay đâu mất. Tất cả lặng câm nhìn đống đào bị chặt và sắp khuân đi đến cành cuối cùng. Khi nãy mải làm cho xong việc, chúng tôi chỉ nghĩ chào mẹ con chị rồi đi vì tiền nong đã thanh toán xong. Bây giờ quay lại nhìn toàn cảnh, tôi không ngờ vườn cây tan hoang xác xơ đến thế. Nó không đẹp đẽ ấm áp như khi chúng tôi mới đến. Gốc đào còn đó nhưng các vết chặt chém nham nhở, câm lặng, như giương mắt nhìn lên bầu trời xám đục với một câu hỏi không rõ rệt. Vạt đất trở nên trống trải tiêu điều. Một cái gì rầu rĩ xâm choán hết thảy không gian, khiến cho một con chim nhỏ nhoi lạc đàn, lẻ loi gọi bạn, vọng tới từ rất xa trong ngàn cây, bỗng trở thành thê lương ảo não.

Người đàn bà thẫn thờ như mất vật gì quí giá lắm. Chị hết nhìn vài cành đào còn lại giữa sân rồi lại nhìn ra mảnh vườn tan nát. Cuối cùng, chị ôm mặt khóc. Lúc đầu chỉ thấy đầu, ngực chị rung lên từng đợt qua hai bàn tay ôm mặt. Về sau chị ngồi xuống rũ rượi, khóc tức tưởi. Chúng tôi cùng nhau nhìn lạ lùng trước sự việc bất ngờ ấy, chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao cả. Phần vì muộn, phần vì mệt, chúng tôi đầu tiên còn lạ, sau chuyển sang cáu bực. Tôi nghĩ rằng bọn này có ăn hiếp hay lừa lọc mẹ con chị đâu. Chúng tôi rất đường hoàng, sòng phẳng. Cũng may nơi này không có ai khác chứng kiến, nếu không bọn tôi sẽ rơi vào tình thế cực kỳ bối rối, biết đâu mang vạ cũng nên. Tôi ra hiệu bảo mấy người bạn đừng vội khuân nốt chỗ đào còn lại. Bọn trẻ thấy mẹ khóc cũng hoảng sợ khóc theo. Quả là ghê người khi giữa nơi hoang lạ vào lúc chiều tà rét buốt này, phải nghe tiếng khóc mấy mẹ con người đàn bà sống giữa cô đơn heo hút, bất giác tôi đứng nhìn mà không khỏi ngậm ngùi. Cảnh vật ngầm mách cho tôi biết ở đây vắng bóng một người đàn ông chủ sự. Nào là mái rạ mục lâu ngày không lợp, cho đến bức tường vách đã sụt lở nham nhở. Mấy chiếc cào cuốc sún mẻ hoặc nằm chỏng gọng, hoặc dựa hờ vào vách. Mấy củ sắn nâu xì nằm tênh hênh cạnh nền sân. Cái chổi bó bằng tàu cau đã cùn lủn… Chao ôi là buồn với cảnh nghèo khốn khó. Tôi chậc lưỡi lấy lại bình tâm rồi tiến đến bên chị:

- Làm sao mà chị khóc thế? Chúng tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Thấy chị ta vẫn gục đầu âm thầm khóc, tôi nén lòng:

- Hay chị không muốn bán đào cho bọn tôi?

Một gã trong bọn hơi mất bình tĩnh nói xen vào:

- Ô hay cái nhà chị này, bọn tôi đi mua thế này cũng khổ lắm, sướng gì đâu cơ chứ. Bỏ bao công sức, lội bao đường đất, may ra mới kiếm được vài đồng bạc. Nếu chị không muốn thì bảo ngay từ đầu, bọn này khỏi mất công. Chị làm thế này, nhỡ có ai trông thấy, tưởng chúng tôi bắt nạt mẹ con chị thì khốn. Đào đã chặt rồi. Nếu chị đổi ý, chúng tôi xin trả lại.

Gã tuôn ra một thôi một hồi những lời bỗ bã, khiến chị dừng khóc. Có lẽ xấu hổ, chị vội chùi nước mắt, nhân tiện ôm luôn mấy đứa trẻ vào lòng, bảo chúng cùng nín. Chúng tôi bối rối nhìn mẹ con chị. Một lát chị quay lên nhìn tôi. Đó là ánh mắt rỡ ràng chứ không hề pha chút oán cừu. Thậm chí chị định thanh minh một điều gì ấy. Tôi ngờ ngợ nghĩ rằng hay người đàn bà này dở hơi. Quả là một dạng thức tình cảm vớ vẩn của con người không sao hiểu nổi. Tôi chờ đợi chị lau khô nước mắt. Một nụ cười ngượng nghịu thay cho vẻ rầu rĩ:

- Khổ quá, em có lỗi vì làm cho các anh bận tâm. Các anh đến tận đây mua là may cho nhà em lắm. Em mừng quá mà khóc, chứ chẳng dám nghĩ đắt rẻ gì đâu. Các anh còn cho các cháu thêm tiền nữa mà. Mẹ con em biết ơn lắm…

Chị nói một mạch nhưng hơi lẫn lộn cảm xúc. Nửa như phân bua lấy lòng chúng tôi, nửa như che giấu điều gì ẩn khuất. Chị tiếp:

- Tết này các cháu có manh áo mới và mấy cái bánh chưng rồi. Em toại nguyện lắm. Thế là trút được nỗi lo âu buồn khổ từ mấy tháng nay khi áo quần các cháu đã rách hết mà chưa biết trông vào đâu. Nhưng… - Chị nghẹn lời dừng lại.

Đến lượt chúng tôi ngạc nhiên, chỉ biết nhìn nhau dò hỏi xem điều gì sẽ xảy ra. Tôi bật lời ướm hỏi:

- Chiều muộn rồi, lại mưa nữa, chúng tôi chuyển nốt chỗ cành đi nhé?

Chị nhẹ nhàng:

- Vâng, các anh cứ việc. Em có cản trở gì đâu.

Ngưng một lát chị lại tiếp:

- Thôi em chẳng giấu khiến các anh băn khoăn. Em khóc là vì không cầm lòng khi nghĩ tới nhà em… Anh ấy mất được gần năm rồi, lúc em mới sinh cháu cuối cùng kia. Trông nó như con chuột vì bị còi xương, nhưng giống bố như đúc… Sở dĩ em buồn vì trông thấy mấy cây đào bị chặt, tan hoang và xót xa quá.

Khi còn sống, chồng em rất thích có vườn đào quanh nhà để thưởng thức hoa mỗi độ xuân về. Anh ấy mê hoa đào và thơ văn lắm. Những cây đào kia là do tay nhà em trồng mà chưa thấy được hoa, rõ tội nghiệp. Nhưng chắc rằng ở nơi chín suối, anh ấy cũng ngậm cười, đồng ý bán đi để lấy tiền sắm tết cho các cháu. Đó là ý nguyện vong hồn anh ấy muốn bán chứ đâu phải em. Các anh đừng chấp nê những ý nghĩ lẩn thẩn của em. Em thực ái ngại vì làm cho các anh đi muộn. Sang năm qua nữa, nếu đào mọc nhanh, các anh trở lại vẫn có thể chặt bán được đấy. Từ nay mẹ con em sẽ chăm bón và trồng thêm nhiều nữa.

Chị ấy cứ lảm nhảm nói trong trạng thái thần kinh không ổn định. Cuối cùng thì chúng tôi phải quyết định mau chóng chuyển hết đào ra phía ngoài để chằng buộc và lên đường trước khi trời sập tối.

Tôi là người vác cành to và đẹp nhất ra sau cùng. Bất giác tôi quay lại nhìn mẹ con chị và từ biệt bằng ánh mắt và cái gật đầu mà không nói. Khi tôi cất bước, chị cũng ngước lên nhìn rồi xịu mặt xuống, gục đầu khóc.

Đời quân ngũ khiến tôi đứng trước nhiều cảnh đau thương hãi hùng bởi các trận đánh. Từ lâu tôi cố quên và bằng mọi cách làm cho vết thương lòng mau thành sẹo. Hôm nay, tiếng khóc người đàn bà bất hạnh như lưỡi dao sắc cứa vào tim tôi, bắt nó rỉ máu.

Tôi nhìn nhanh mái rạ xác xơ, vật vờ mấy cọng mục nát, bị làn gió lạnh lùng phũ phàng bứt đi từng đợt dưới ánh chiều sắp tắt. Bên dưới là mẹ con người đàn bà gầy đét cũng xác xơ như cọng rạ, đang run rẩy khóc thầm. Xung quanh là mảnh vườn bị đốn chặt tàn nhẫn, chỉ vì sự cần thiết phải có một trăm ngàn – Số tiền quá bèo bọt khi dám so với bữa tiệc xoàng của các “sếp”đãi nhau ở nhà hàng Trọng Khách. Những gốc đào trơ trụi như ứa máu. Không còn gì toát ra sinh khí mùa xuân cả. Chúng tôi giục nhau hối hả bước nhanh, như chạy trốn.

Lòng rối bời bao cảm xúc, vừa đi, tôi vừa bâng quơ liên tưởng: Cách đây gần hai ngàn năm, khi Chúa Giê-su bị giải đi hành hình trên cây thập ác do chính ông phải vác lên núi Gô-gô-tha. Sức nặng của nó có so được với cành đào tôi đang mang trên vai đây không?

Tôi thấy nó nặng quá chừng!

Nguồn Văn nghệ số 52/2019


Có thể bạn quan tâm