April 26, 2024, 4:30 am

Nước mắt đá

Hắn đến thị xã X một mình, lang thang trên phố vắng mờ sương, chờ đợi dài cả cổ bởi đã có “hợp đồng” mua mấy chục khối gỗ quý của một “chủ gỗ” thuộc hàng đại gia ở vùng này. Con đường như những tiếng thở dài của người đô thị phả vào rừng núi. Núi cao chất ngất chập chờn trong mưa và mây. Các cửa hàng vắng teo, chưa đến mùa du lịch, chủ cửa hàng ngồi đếm mưa rơi ngoài hiên nhà. Lễ tân của khách sạn là một gã trai chải chuốt, từ đỉnh đầu đến gót chân bóng tấng. Áo quần đều hoa lá chim cò sặc sỡ. Giọng nói nhẽo nhợt, ướt át, the thé:

Minh họa của ĐÀO QUỐC HUY

- Sao anh lên thị xã X vào mùa này? Vẫn “đánh” lâm thổ sản về xuôi như mọi khi hả anh? Lại còn đi một mình thì lạnh và buồn lắm. Hế hế. Anh giai trông đô con thế. Em nhìn mà còn nuốt nước dãi…

- Không. Anh chán thì lên đây thôi. Cũng có lúc muốn đi một mình.

- Cứ phải mang theo “hàng xách tay” anh ạ. Còn không thì bảo em, ở đây toàn “rau sạch”. Đảm bảo ngon, bổ, rẻ, hế hế…

Cười nhạt cho qua chuyện, hắn lên phòng, mở cửa sổ, ngao ngán nhìn cả thị xã đang chìm trong mưa. Nhà thờ cổ kính buông hồi chuông chiều thăm thẳm. Nom nhà thờ giống một thiếu phụ u trầm, hướng nội, ngồi nhìn người qua lại với ánh mắt rầu rầu. Có phải tiếng chuông kia cũng là tiếng thở dài của Chúa khi phải nhìn loài người điên cuồng, vật vã trong cuộc mưu sinh đầy dục vọng và khát vọng? Hắn là giáo viên bỏ nghề chuyển sang buôn gỗ quý. Vợ hắn sống trong nhung lụa, lại bỏ đi theo một thằng cha “họa sĩ” ngồi hè phố kẻ vẽ các loại biển quảng cáo, nghèo kiết xác. Thật đời chẳng biết thế nào mà lần! Giờ đây ở trong ngôi nhà đồ sộ, đầy đủ tiện nghi như một “nấm mộ” sang trọng dành cho một kẻ vật vờ là hắn, sống chẳng ra sống, chết chẳng ra chết, ngoài bốn mươi tuổi tưởng đã có tất cả, giờ đây nhiều lúc không hiểu mình vắt kiệt sức kiếm tiền để làm gì, cho ai, rồi sẽ đi đến đâu?

Trời tối nhanh quá, mưa đã tạnh. Ở đây mưa nắng thất thường như tính khí phụ nữ. Nhiều sương giăng bảng lảng như giấc mơ của loài người, đẹp mà khó nắm giữ trong bàn tay? Nhìn đời, nhìn người qua sương có lẽ đỡ trần trụi hơn? Hắn xuống phố, cứ thả bước lang thang, vô định. Nhiều khi trong đời cứ phải bước đi, nào có biết sẽ đến đâu? Nhưng vẫn đi như một thói quen, vì mọi người đều như thế. Rồi một mùi hương thân thuộc gọi hắn, hình như mùi hương này thơm từ kí ức mờ xa. Phải rồi, mùi ngô nếp nướng! Kia rồi, dưới mái che của một trung tâm thương mại có hàng ngô nướng, lò lửa cháy đỏ, than hồng rực, một bàn tay thô kệch xoay đều những bắp ngô. Hắn cất tiếng chào. Chả ai chả lời. Cầm bắp ngô nóng hổi lên gặm từng hạt dẻo thơm, nóng bỏng, nhìn rồi giật mình: - Cô gái H’Mông bán ngô xinh quá, mặt tròn và trắng, rạng rỡ như trăng rằm, lông mày đen rậm, ngực tròn căng sau làn áo Thổ cẩm, đặc biệt miệng cười rất tươi với môi trên hồng thắm lúc nào cũng cong lên như hờn dỗi. Chỉ xấu xí ở đôi bàn tay to, thô rám, nứt nẻ. Chợt có đôi trai gái người Anh sà vào mua ngô nướng. Nào ngờ em bán ngô bắn tiếng Anh như súng liên thanh, phát âm cực chuẩn. Hắn ngỡ ngàng nhìn em. Cô gái nhìn lại thật nghiêm nghị, mắt to, lòng đen thật lớn, lòng trắng lại ngả màu phớt xanh như men gốm Lam Ngọc thời Lý. Còn ngỡ ngàng hơn vì đôi mắt đang nói bao điều: - Anh là ai? Đừng bỡn cợt và lợi dụng. Tôi không thích thế. Đừng nghĩ giàu có thì coi rẻ người nghèo... Sao hắn lại nghe được thứ ngôn ngữ vô thanh ấy?

Hắn trở về khách sạn, rùng mình vì trời chuyển lạnh nhanh quá. Có vài bông tuyết đầu mùa dịu dàng chạm vào tóc. Đưa tay lên hứng, màu trắng tinh khôi ấy tan mau lắm. Hình như mọi sự trắng trong tinh khiết đều như thế? Làm gì cho hết đêm dài ở nơi này? Đành qua phòng lễ tân, thầm thì:           

- Ở đây có gái không? Gọi cho anh một em. Chân dài hay ngắn không quan trọng. Miễn là phải “sạch”.

- Hơi hiếm anh ơi. Mùa này các em dạt về đâu hết cả. Chỉ còn một chỗ nhưng hơi khó tính. Nhìn không thích thì tiền nhiều cũng không đi. Anh cho em chụp ảnh anh gửi cho người ta xem mặt trước.

Gã lễ tân lấy điện thoại chụp ảnh, gửi ảnh đi rồi nhắn tin nhoay nhoáy, vài phút sau đã cười hế hế:

- Ok rồi. Em này bán chuyên nghiệp. Nhà nghèo, lúc nào túng quá thì làm thêm thôi. Em đã nhắn số phòng. Anh cứ về chuẩn bị. “Tàu nhanh” có 500k thôi. Còn thưởng cho thằng em bao nhiêu thì tùy đại ca. À em này tên là Giàng Thị Say nhé, “ngon” lắm, hế hế…

Hắn về phòng tắm táp xong rồi lên giường nằm, không biết em này “sạch” đến đâu, bán chuyên nghiệp chắc cũng không đến nỗi nát như xơ mướp?

Một lát sau có tiếng gõ cửa phòng mạnh và dứt khoát, hắn uể oải ra mở cửa rồi sững sờ: - Hóa ra là em gái bán ngô! Sao chiều tối em nhìn nghiêm nghị thế? Thì ra cũng chỉ là loại gái đứng đường trá hình bán ngô thôi...

 Nhìn nụ cười khẩy của hắn, cô gái hất tóc, vênh mặt đầy kiêu hãnh:

- Anh cười cái kiểu gì đấy? Khinh bỉ chứ gì? Xin lỗi nhé. Nếu em tôi không ốm nằm bệnh viện thì tôi không thèm vào đây. Chào.

Cô gái quay ngoắt ra cửa, môi cong lên đầy thách thức. Vội vã cầm tay em níu lại, xin lỗi mãi không xong, đành đánh con bài cuối cùng:

- Anh đã xin lỗi rồi mà. Thôi thế này, đêm nay mình không làm gì cả, anh trả tiền em chỉ để nói chuyện thôi, được không? Nếu sợ bị lừa, em cứ cầm sẵn con dao gọt hoa quả kia, anh mà không giữ lời thì cứ xiên một nhát như xiên ngô để nướng ấy.

Cô gái bật cười. Rồi hai người hai ghế, trò chuyện ban đầu nhấm nhẳn, sau dần thân tình hơn. Hắn mang chai rượu ra, mời cô uống rượu nhắm với lương khô. Sau chục chén, cô bảo:

- Ngồi ghế rét lắm. Lên giường trùm chăn nói chuyện thú vị hơn.

Rồi chả biết do trời lạnh hay do rượu, chỉ một lát thôi hai người đã cuốn lấy nhau, sợi sắn dây là hắn quàng vào thân hình con trăn gió nóng hôi hổi là em, rồi chuyện thầm thào tuôn như nước chảy. Hắn chỉ lạ một điều, dù đã làm tình, cô dứt khoát không cho chạm vào ngực, hỏi han dỗ dành mãi, mới thỏ thẻ:

- Hồi trước không có ngực. Bố mẹ nuôi mãi mới có. Đấy là của bố mẹ. Không cho được. Còn chỗ kia tự có, của mình mà. Thích ai thì mình cho thôi.

Rồi câu chuyện của cô về bản người H’Mông cheo leo trên đỉnh núi đá làm hắn ngày càng tò mò. Cha cô làm thầy cúng kiêm thầy thuốc, mẹ đã mất từ lâu. Em trai đi nương, trèo lấy Phong lan rừng ngã xuống gãy cả hai chân đang nằm trong bệnh viện. Cô đi bán ngô nướng và thổ cẩm để nuôi em. Bỗng hắn giật mình khi nghe cô kể một câu chuyện lạ lùng đến khó tin:

- Vách đá màu đen sau nhà em cao đến hơn hai chục mét. Mỗi năm nó “đẻ” ra khoảng trên dưới ba mươi cái đĩa đá màu trắng. Anh bảo có lạ không? Đã vài trăm năm rồi, dân bản làm lễ cúng ở đấy vào mùa đông. Cúng xong thì đá đẻ. Nếu trên ba chục cái thì năm ấy ngô lúa được mùa, trâu bò dê đẻ nhiều, mau lớn. Còn dưới ba chục cái thì đói to anh ạ.

- Lạ nhỉ? Nhưng sao vách đá màu đen lại đẻ ra đĩa đá màu trắng? Mà nó đẻ thế nào? Vách đá làm gì có sản môn?

 Cô đấm anh, cười khinh khích mãi mới nói được:

- Em cũng không biết. Chỉ thấy từ những kẽ nứt của vách đá, các đĩa đá chui ra rồi rơi xuống thôi. Còn mẹ đen xì đẻ con ra trắng tinh cũng đầy. Còn do người bố chứ.

- Thế chồng vách đá là ai? Nó làm tình thế nào mà đẻ được? Quái dị thật.

- Chịu. Em làm sao biết được. Chỉ nghe bố nói từ thời cụ kị ông bà đã thế rồi.

Sự tò mò trỗi dậy, mà có khi đây là một vụ làm ăn tuyệt vời cũng nên? Số đĩa đá trắng ấy mà mang được về thành phố, rồi quay một video về hiện tượng đá đẻ này làm mồi nhử, chẳng bán đắt hơn tôm tươi?

Sáng sớm hôm sau, cô gái vùng dậy, hớt hải nói phải vào bệnh viện thăm em. Hắn đưa cho cô hai triệu đồng. Cô dứt khoát chỉ cầm một triệu rồi nói:

- Đúng là ngủ qua đêm là hai triệu. Nhưng em thích anh, chỉ lấy một triệu thôi.

- Anh bảo này, thế cũng được, nhưng giờ vào bệnh viện thăm thằng em đã, sau đó cho anh về thăm nhà em được không? Anh muốn giúp đỡ cha em (chứ không phải giúp em đâu nhé) , ít nhiều. Đừng từ chối để rồi phụ tấm lòng chân thành của một gã vừa gặp em đã bị “tình yêu sét đánh”.

- “Tình yêu sét đánh” là gì cơ?

- Là gặp bao nhiêu người khác vẫn dửng dưng, nhưng vừa gặp nhau đã choáng váng, yêu nhau ngay tức khắc ấy, như hai đứa mình chẳng hạn.

Em ngẫm nghĩ một lát rồi đỏ mặt:

- Công nhận là em cũng có tí sét đánh với anh thật. Anh trân trọng em. Đàn ông khác không thế đâu. Họ đểu lắm.

Sau khi vào bệnh viện, cả hai thuê xe ôm về bản em. Đi hơn nửa ngày thì hết đường cho xe chạy. Chỉ lên núi cao dựng đứng, em bảo:

- Phải bước bộ đến ba, bốn tiếng đấy! Anh trèo được không?

- Trèo tốt! Hồi đi lính, anh còn vác cột bê tông ngược dốc cả ngày kia.

Trèo đến tối mịt thì đến bản em, chỉ vài chục nóc nhà lơ thơ như ai vãi một vốc đậu đen tung tóe vào sườn núi. Thở không ra hơi, đã tưởng được nghỉ ngơi, nào ngờ em cười tủm tỉm:

- Chưa đâu. Phải một tiếng nữa. Nhà em ở chỗ kia kìa!

Trời ơi! Mệt đứt ruột. Nhìn lên chỗ kia kìa chỉ thấy tối đen. Thôi đã trót thì trét, đâm lao phải theo lao chứ biết làm sao.

 Nhà em gần đỉnh núi, biệt lập với cả bản, ba gian, vách bằng gỗ thông, mái lợp fibro - xi măng thủng lỗ chỗ. Nhà thấp tối om, ngọn đèn dầu tù mù, sương trắng hay mây ùa vào nhà lạnh buốt. Cô gái líu lô như chim hót với ai đó đang ngồi trong bóng tối. Hắn cúi đầu chào rồi giật mình khẽ lùi lại. Người đàn ông đứng tuổi ấy cũ kỹ và có phần kì quái, gương mặt thô kệch như mặt tượng nhà mồ đẽo vội, đôi mắt sáng quắc nhìn thấu tâm can của người đối diện. Vội vã đặt quà tặng lên bàn, tính hắn vốn chu đáo và sòng phẳng, không muốn để thiệt cho bất cứ ai: Một chai rượu ngoại xịn, một cây thuốc lá, hai chục hộp thịt, cá, cơ man là bánh kẹo... Ông cụ người H’Mông vẫn điềm nhiên và có phần lạnh lùng, nói bằng tiếng Kinh rất sõi:

 - Anh ngồi đi. Say pha chè Shan Tuyết đi con! Leo lên đến tận đây là anh cũng giỏi đấy.

- Dạ, thưa bác! Trước cháu ở bộ đội trinh sát. Leo núi là chuyện thường ngày.

- Anh quen con Say lâu chưa?

 Say đang nấu cơm lanh lảnh chen ngang:

- Chúng con thân nhau lâu rồi bố ạ. Khiếp! Bố hỏi cứ như công an hỏi cung tội phạm ấy.

Ông cụ đanh giọng:

- Tao không hỏi mày! Để cho anh ta trả lời.

Say cười hi hí, nói nhỏ với hắn:

- Bố em là thầy tướng số đấy!

- Dạ. Cháu với Say mới biết nhau được hai ngày mà như đã thân quen lâu rồi. Vả lại cháu vốn tính tò mò, nghe kể về vách đá đẻ đĩa đá, mong được một lần chứng kiến chuyện lạ trong đời.

Bất ngờ ông cụ cười to thật sảng khoái, đầu gật gật:

- May vừa rồi anh nói thật. Nếu không tôi đã mời anh xuống núi ngay trong đêm rồi. Tướng mạo anh cho thấy cái tốt với cái xấu trong anh đang vật lộn với nhau. Sâu xa anh là thằng đàn ông tin được. Nhưng cuộc đời đang làm hỏng anh rồi. Tiếc thay... Thôi đi ăn cơm đi, đói quắt ruột rồi còn gì…

Hắn nhìn mâm cơm rồi ngạc nhiên. Một bát to đùng nấu rau cải với mì tôm để giữa mâm, đĩa cá nướng cùng một bát to ớt tươi dầm muối. Chõ mèn mén nghi ngút khói đặt bên cạnh. Chẳng lẽ chỉ có thế thôi sao? Đã mang biếu nhiều cá hộp, thịt hộp, sao không mang ra ăn? Như hiểu ánh mắt của hắn, Say khẽ thì thào: - Trong ngày đầu tiên, bố không cho dùng quà của khách. Nếu phát hiện ra là người xấu, sẽ đuổi thẳng cổ, ném quà theo chân khách. Bố em là thế đấy.

Mỗi người tự múc canh vào bát của mình bằng thìa gỗ dùng chung, rồi ăn với mèn mén cùng rất nhiều ớt. Vừa ăn vừa ho sặc sụa, hắn nói mà nước mắt nước mũi vẫn giàn giụa:

- Bác ơi. Mái nhà mình thủng mất rồi. Cháu lại đang rỗi và cũng thạo nghề lợp mái nhà. Bác cho phép ngày mai cháu gọi chở tấm lợp, rồi tự tay lợp nhà giúp bác. Kinh phí cháu lo hết ạ.

- Nếu anh làm thế để lấy lòng con Say thì không cần đâu. Nhìn mắt nó tôi biết. Nó quý anh hơn bố nó rồi.

Say cúi mặt đỏ ửng hai má, vừa húp canh sì sụp vừa khẽ khàng: - Thì đúng mà...

- Không! Cháu giúp tự tấm lòng của cháu. Ngay bây giờ Say đuổi cháu đi thì vẫn giúp. Làm xong cháu đi ngay.

Cả ông già và Say cũng bật cười. Cả ba uống hết hơn hai lít rượu ngô thì đêm đã khuya. Ông già vừa đi vào buồng vừa nói với lại:

- Đi ngủ đi không mệt. Mai làm gì kệ anh. Say lấy chăn đệm của khách ra, lạnh đấy.

Hắn cầm tay em nói nhỏ:

- Anh ngủ cùng em. Chẳng cần chăn đệm đâu.

Cô rút tay lại, sợ sệt nhìn lên bàn thờ tối om:

- Ở nhà không được đâu. Ma núi vật chết tươi. Anh ngủ ở buồng kia. Đêm không được ra chỗ bàn thờ. Chết đấy...

Hắn loay hoay không ngủ được. Trời gần sáng lạnh khủng khiếp. Mà phía bàn thờ có vật gì cứ sáng rực lên. Rồi từ chỗ ấy phát ra âm thanh kì dị, nghe dựng tóc gáy. Âm thanh như có cả tiếng khóc cười, tiếng kể chuyện rì rầm, thi thoảng lại có tiếng thét kinh hoàng...

 Sáng sớm dậy muộn vì gần sáng ngủ thiếp đi, dụi mắt ngạc nhiên khi thấy bố Say khoác áo thầy cúng đang nhảy múa, gõ thanh la xoang xoảng, tiếng khấn khứa rì rầm buồn như tiếng máng nước chảy một mình ngoài vách núi trong đêm đông. Cúng xong thì mang từ bàn thờ xuống một khối đá hình bán nguyệt màu huyết dụ, trong đó có rất nhiều chấm đỏ màu máu tươi, nhấp nháy liên tục. Ông cụ bọc hòn đá vào miếng vải có in hình bát quái, cất vào trong hòm gỗ, khóa cẩn thận rồi mới bảo hắn:

- Đây là đĩa đá thiêng chữa được một số bệnh hiểm nghèo cho hàng chục bản làng biên giới này. Có người trả trăm cây vàng tôi không bán. Bọc vào vải bát quái thì không sao. Nhìn lâu vào nó là nổ con ngươi. Giờ thì lợp mái nhà mới được rồi.

Hắn nhờ Say gọi xe chở tấm lợp tới bản, thuê thanh niên khênh lên tận nơi, rồi tự mình trèo lên lợp mái nhà, vừa làm vừa hỏi cô:

- Đĩa đá cổ kia có từ bao giờ? Nó có công dụng chữa bệnh thật sao? Có hòn đá ấy sao mẹ em vẫn ốm chết?

- Nghe bố bảo từ mấy trăm năm trước vách đá thần vốn chỉ đẻ ra đĩa đá trắng, bỗng sinh ra đĩa đá màu huyết dụ này. Nhà em năm đời làm thầy, cũng phải biết cúng và biết cách dùng thì hòn đá này mới chữa được bệnh cho người tốt. Người xấu thì không chữa được đâu. Còn mẹ em thì...

 Cô cúi mặt không nói, thở dài mãi không thôi, hai giọt nước mắt chảy lặng lẽ xuống gò má đỏ hồng như quả lê chín. Hắn xua tay:

- Em không muốn nói cũng không sao. Anh tiện miệng hỏi thế thôi.

- Em coi anh là người yêu rồi. Không muốn giấu đâu. Mẹ lấy trộm đĩa đá bỏ nhà theo một người Kinh làm nghề buôn đá quý. Rồi cả hai ngã xuống vực mà chết. Cha xuống đem đá về. Từ đó hay uống rượu say rồi khóc.

- Sao đêm qua đá vọng ra những âm thanh kinh dị nghe sợ quá?

- Đá chữa bệnh cho nhiều người lắm rồi, hút vào trong nó bệnh tật và cả những buồn đau của người ta.

Hắn dừng búa, mãi không đóng được chiếc đinh nào vào tấm lợp, mắt nhìn chăm chăm xuống dòng sông ở chân núi, nơi ấy có thuyền và mấy tấm mảng tre, thít bằng dây mây chắc chắn. Cô vẫn kể thầm thào, không quan tâm hắn có nghe hay không, lời kể như tuôn trào từ vô thức:

- Đá thiêng biết khóc đấy. Ngày mẹ chết nó đã khóc. Cứ một người phải chết là đá khóc. Cha bảo nước mắt của đá ít lắm. Khóc cho mỗi người mấy giọt thôi, đỏ, nóng bỏng...

 Mái nhà đẹp và chắc chắn đã xong xuôi, bữa cơm có thêm đồ hộp hắn mang biếu, vui như tết. Năm ngày trôi nhanh như tên bắn. Có hôm hắn theo ông lão vào rừng hái thuốc Nam. Có hôm cùng Say xuống sông câu cá, rồi đi tìm măng rừng. Buổi chiều ngày thứ năm ở lại làm khách nhà Say, khi đã câu được một giỏ cá nặng, cả hai khỏa thân tắm trong dòng suối nhỏ, trong, ấm, có khói bốc lên nghi ngút, hắn đã yêu em điên cuồng trên tảng đá. Cô gái gào thét, cắn vào vai hắn một vết thật sâu, rồi thè lưỡi liếm từng giọt máu đỏ tươi trên bờ vai nâu bóng, khỏe khoắn kia. Cô hổn hển bảo:

- Lần này là có em bé đấy. Em linh cảm thế.

- Chúng mình làm thế này có sợ ma núi vật không?

- Không được yêu nhau trong nhà, trước đá thiêng đâu. Còn ở ngoài rừng thì thoải mái.

Năn nỉ mãi, cô mới liều dẫn hắn luồn rừng đến vách đá thần. Đó là một vách đá đen sì, cao vút, phẳng lì như mặt gương, tuyệt nhiên không có một loài cây cỏ nào mọc được trên mặt đá. Các loài chim cũng không dám đậu xuống. Cô nói run run:

- Em cũng liều vì anh. Luật lệ của tổ tiên đã ghi rõ: Không cho bất cứ người ngoại tộc nào đến đây. Nếu vi phạm thì sẽ bị trừng phạt. Em sợ lắm…

- Các cụ dọa thế thôi. Đừng sợ. Thế kỉ XXI rồi. Em mê tín vừa vừa thôi.

Lén chụp mấy kiểu ảnh bằng điện thoại, kiểm tra lại thì kinh ngạc: các bức ảnh đã chụp chỉ thấy trắng phau. Kì lạ quá. Dưới chân vách đá, hàng nghìn đĩa đá trắng tinh xếp lên nhau theo thứ tự thời gian, ngăn nắp, chặt chẽ tạo ra một quần thể đá có hình dáng hao hao một trái tim vỡ. Cô gái lại thì thào:

- Nghe bố kể ghềnh đá đĩa trong Nam là đá mồ côi. Xưa kia cũng có vách đá mẹ ở đấy. Nhưng con người làm mẹ giận bỏ đi xuống đáy biển. Để lại một đàn con bơ vơ ngàn năm trước sóng gió. Đàn đá con buồn quá, khóc mãi, rồi già đi, từ màu trắng phau chuyển thành màu đen đấy…

Hắn lại gần, đưa tay gõ thử. Mỗi điểm chạm vào vách đá phát ra một âm thanh khác nhau. Gõ dồn dập, một giai điệu ngậm ngùi, ai oán vang vọng, rồi như tiếng khóc của vách đá bay đến những cánh rừng cổ thụ bị chặt hạ tan tành, những con suối ngập rác, những nương bãi bị lũ quét tràn qua chỉ còn trơ sỏi đá. Âm thanh ấy bỗng chuyển sang căm giận, như những ngón tay sắt liên tục xuyên vào ngực trái của hắn, đau buốt không sao chịu nổi.

 Khi trở về, hắn kín đáo gọi tay xe ôm thân thiết hôm nọ, hẹn đón vào hai giờ sáng đêm ấy. Bữa cơm chia tay đầm ấm, có thêm món cá sông nấu măng và con gà rừng nướng. Hắn nằn nì được mở chai rượu ngoại đắt tiền đã biếu, để uống trong bữa cơm đặc biệt này. Uống hết chai rượu ấy thì bố con Say đều say mềm. Đợi cả nhà ngủ say, hắn rón rén đến bên bàn thờ, khẽ khàng nâng đá thiêng bọc vào tấm vải bát quái, bỏ vào ba lô, luồn xuống cầu thang rồi lần ra bờ sông, lấy con thuyền gỗ, chèo xuôi dòng về xuôi. Một lúc sau, có tiếng gào thét giận dữ, rồi đuốc cháy rừng rực, đèn pin sáng lòa khua loạn xạ, cả bản đuổi theo đường bộ, Say gọi và tay xe ôm thật thà kể ngay hắn hẹn đón ở bến xe ôm dưới chân núi. Cả bản đuổi theo về hướng ấy, vừa đuổi vừa lùng sục từng bụi cây hốc đá. Trên thuyền, hắn vừa giữ lái cho thuyền trôi vùn vụt, vừa cười nhạt: - Làm sao đọ trí thông minh với lính trinh sát dầy dạn chiến trận, lại còn là tay buôn gỗ khét tiếng một vùng? Có hòn đá này, về thành phố, có ngồi chơi không đến già cũng không hết tiền.

Rồi hắn bùi ngùi, chạnh lòng khi nghĩ tới ông già H’Mông kia: - Chẹp! Có hay không có đá thiêng, ông vẫn nghèo thế, toàn chữa bệnh không lấy tiền. Đấy hôm kia, có bà cụ đưa con đến chữa xơ gan cổ chướng, bệnh viện đã trả về chờ chết. Chỉ có nửa ngày áp đá vào bụng, lầm rầm đọc thần chú là khỏi. Ra về biếu thầy thuốc có hai quả bí đỏ. Trời ạ. Lấy công cải tử hoàn sinh bằng bí đỏ. Ông là người ngu nhất thế giới. Phải tay tôi thì... Còn em nữa, xinh và tốt thật. Nhưng nếu thông minh, biết sử dụng đá thiêng để kiếm tiền thì đã không phải bán ngô nướng, rồi bán thân nữa. Chao ôi. Sao họ tốt thế và dốt thế? Sau này dùng đá thiêng để kiếm tiền, giàu rồi, sẽ quay lại trả nghĩa cho họ là được chứ gì? Nhưng nghĩ cho cùng mình cũng khốn nạn thật. Họ đã yêu quý và tin mình đến thế? Vậy mà mình lại lừa họ. Không. Mình không lừa! Mình chỉ mượn đá thiêng vài năm để kiếm tiền thay họ. Rồi sẽ trở lại, trả cả vốn lẫn lãi. Chứ đá thiêng ở đấy, đâu có làm ra tiền? Chỉ toàn làm phúc. Ở đời này, khi đồng tiền lên ngôi, ta làm phúc cho người, vậy ai sẽ làm phúc cho ta? Thuyền thuận nước xuôi dòng nên đi nhanh lắm. Ngày hôm sau hắn đã lên bờ ở một thành phố khác. Vào khách sạn tắm rửa thỏa thuê, gọi đồ ăn lên tận phòng, ngủ nghỉ thêm một ngày, hôm nay hắn mới quyết định trở về nhà. Nhưng sao vết răng em gái H’Mông cắn trên vai hắn cứ đau nhói thế này? Và trong ba lô có tiếng khóc nức nở. Vội vã bê đá thiêng ra, mở tấm vải bát quái, đá thiêng đang khóc, nước mắt đỏ như máu trào ra nóng bỏng, sôi sùng sục. Trời ơi. Ai chết đây? Ông già H’Mông? Hay là Say? Hắn buộc chặt tấm vải, bê đá thiêng cho vào ba lô, giấu vào trong tủ gỗ. Tiếng khóc vẫn như mũi dùi nung đỏ xuyên vào tai, vào ngực. Hắn bịt chặt tai, rồi lấy bông nhét kín hai lỗ tai. Không xong. Tiếng khóc như một thanh nứa sắc cứa đi cứa lại trong tim hắn, đau đớn không sao chịu nổi. Đêm ấy hắn mơ thấy Say bị trôi sông. Cô bị trói trên bè tre, một con rắn khổng lồ từ dưới sông ngoi lên mổ liên tục vào ngực cô, máu phun cao tới lưng chừng núi rồi bốc cháy. Dân bản dùng tên tẩm độc bắn liên tục vào hai bố con. Cha của cô bay lên, xòe tay, lấy thân mình che chắn. Hàng ngàn mũi tên đen xì cắm vào người ông như lông nhím. Rồi cả ông lão và Say bay đến quỳ bên giường, nhìn hắn bằng những đôi mắt đỏ lòm máu, miệng gào thét: - Phản bội! Đồ phản bội!

Hắn hét to rồi vùng dậy, mồ hôi và nước mắt đầm đìa trên mặt, khoác ba lô lên vai, xuống phố gọi một chiếc taxi, chạy không nghỉ, gần hai ngày đêm mới về tới chân núi. Vừa khóc vừa chạy vừa bò lên đỉnh núi. Nhà Say mở toang cửa, trên bàn thờ có di ảnh của cô đang cười buồn bã. Hắn hú gọi ba hồi. Không ai trả lời. Chạy ra nghĩa địa, không có ngôi mả mới nào. Trong ba lô, đá thiêng bỗng nói trong tiếng nấc:

- Đáy sông. Cô ấy ở đáy sông.

 Hắn chạy theo bờ sông, gào thét gọi tên cô. Kia rồi, cô gái từ từ nổi lên, nhìn hắn đầy trách móc. Đeo cả ba lô, nhảy ùm xuống sông, bơi vùn vụt, ôm choàng lấy em mà khóc nghẹn ngào:

- Anh sai rồi! Sai thật rồi! Em sống khôn thác thiêng hãy tha thứ cho anh.

 Hắn rùng mình, thân hình em như bằng sương khói tan vỡ trong vòng tay hắn.

Bỗng đá thiêng trong ba lô phát ra một tiếng nổ lớn rồi bay lên không trung. Người con gái ấy lướt thướt từ mặt nước bay lên cao, nhìn hắn ai oán, hai tay ôm đá thiêng vào ngực, dòng máu đỏ tươi từ miệng cô vọt ra, phủ toàn thân bằng sắc đỏ kinh hoàng. Đá thiêng rỏ xuống mặt hắn mấy giọt nước màu đỏ sậm, bỏng như axit đậm đặc. Hắn ôm mặt gào rú từng cơn, cảm nhận rõ lỗ thủng trên mặt đang phá rộng, khoét sâu dần. Bất ngờ nỗi đau đớn biến mất, vết bỏng dịu mát dần, ngẩng lên nhìn mới biết nước mắt của Say hòa cùng máu của cô đang chảy xuống gương mặt bắt đầu biến dạng của hắn có tác dụng như một loại thuốc thần kì. Mưa rừng ào ạt tới, sông nổi sóng dữ dội, mưa cùng gió núi đưa cô gái về với vách đá thần. Sóng đẩy hắn vào bờ. Đưa tay lần sờ, những vết thương rúm ró đã thành sẹo ngay tức khắc như có phép màu trên mặt, hắn ngửa cổ tru một hồi dài thảm thiết, như tiếng chó sói cô độc, hú lên tiếng hú cuối cùng trước khi bị đuổi khỏi bầy đàn của nó. Tiếng gào thét ấy đập vào vách đá thần, hồi âm vọng lại làm dựng tóc gáy những ai nghe thấy:

 - Trả giá! T - R - Ả - G - I - Á…

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2020


Có thể bạn quan tâm