March 29, 2024, 1:13 am

Núi rừng thương bóng mẹ gầy

                                                                                               

Theo thống kê mới nhất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đến nay cả nước ta có trên 8,8 triệu người có công, chiến gần 10% dân số, trong đó có hơn 117 nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong số ngàn vạn “bà mẹ nghìn năm của nước non” (thơ Huy Cận) ấy, có không ít những bà mẹ người dân tộc thiểu số đã tiễn chồng con ra trận, bình thản đón nhận sự mất mát hi sinh và khắc khoải sống đơn côi cho tới ngày khuất bóng. Chẳng nỗi đau nào giống nỗi đau nào, như cuộc đời của các mẹ khuất lấp giữa bốn bề núi giăng sương phủ và cũng trầm lặng như sự ra đi của các mẹ nơi núi rừng. Xin viết về các mẹ như một tri ân…!

I: NỖI ĐAU GỬI ĐẤT SAO TUA

Theo lời giới thiệu của nhà văn Trầm Hương, đầu năm 2013, chúng tôi khởi hành lên Sơn La để tìm gặp người mẹ nơi bản vắng ấy. Tôi tự nhủ đặt tên cho tác phẩm của mình là “Bà mẹ bản Sao Tua” với nội dung là cuộc đời và sự hi sinh của mẹ Việt Nam anh hùng Mùi Thị Dậu. Nhà văn Trầm Hương cũng giáo trước với chúng tôi rằng, nếu chỉ đơn giản là gặp mẹ Dậu thì chỉ cần đến trung tâm thành phố Sơn La bởi từ năm 1996, mẹ đã được Khách sạn Công đoàn tỉnh Sơn La đón về phụng dưỡng, nhưng nếu các bạn muốn quay phim về mẹ thì phải đến tận bản Sao Tua, xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu, đường đi vất vả vô cùng, nên cần phải chuẩn bị kĩ càng. 

Đến Khách sạn Công đoàn tỉnh Sơn La, tôi được cô lễ tân khách sạn đưa vào gặp mẹ ở khu nhà phía sau khách sạn. Cô bảo mẹ Dậu về đây cũng đã mười mấy năm, sức khỏe tốt nhưng mẹ lúc nào cũng lặng lẽ như cái bóng, giấu diếm mọi tâm sự trong đôi mắt đã dần mờ đục. Mỗi khi chiều xuống là mẹ lại lần ra ban công nhìn về phía quê nhà, gương mặt tĩnh lặng nhưng đôi tay cứ miết mải trên mặt tường xi măng đã cho thấy lòng mẹ bồn chồn nhiều lắm. Biết mẹ nhớ rừng, nhớ bản nên lâu lâu đơn vị lại cử người đưa mẹ về quê một chuyến cho thỏa lòng. Tôi nhẩm tính năm nay mẹ đã 93, không biết có đủ sức khỏe để vượt chừng ấy đường đất cùng chúng tôi nữa hay không?

Và bước đi của mẹ Dậu khi tiến lại gần tôi cũng thật là, dẫu con đường bằng phẳng được lát gạch men nhưng dáng mẹ cứ tấp tềnh, gò lưng xuống mà đi như đang đi đường núi vậy. Cô lễ tân bảo tôi từ khi mới xuống đây, mẹ bảo đi đường rừng quen rồi, giờ đi đường bằng thấy nó cứ sao sao, chung chiêng thế nào. Tôi nghe mà chạnh lòng khi nghĩ đến những người phụ nữ vùng cao như mẹ, cái dáng đi cả đời tất bật, cứ con cón cắm mặt xuống đất và lao bổ về phía trước để giữ thăng bằng khi lên dốc. Vậy mà các mẹ, những người phụ nữ bình dị cả đời không bước chân ra khỏi bản nghèo ấy đã dâng hiến biết bao đứa con của mình cho đất nước.

Mẹ Mùi Thị Dậu là người dân tộc Mường là mẹ của liệt sỹ Mùi Văn Chính. Anh nhập ngũ năm 1966, năm 1969 hy sinh tại chiến trường Mường Sủi, tỉnh Xiêng Khoảng, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Năm 1995 mẹ Mùi Thị Dậu được phong danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng và cũng đã được vinh dự đón nhận Huân chương kháng chiến hạng 2, Huy chương vì sự nghiệp Xây dựng và phát triển Sơn La cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhưng đó là những thông tin tôi có được khi tham quan bảo tàng tỉnh Sơn La, còn trong câu chuyện bên mẹ, mẹ chỉ kể quê mẹ cách đây gần 200 cây số nằm bên dòng Đà giang nước xanh biêng biếc. Muốn về bản Sao Tua thì phải đi thuyền bởi đường bộ ô tô chưa vào được. Ở đó mẹ còn có một nếp sàn nhỏ, có bàn thờ ông bà, tổ tông và vợ chồng đứa con gái nuôi mẹ nhận khi cậu con trai độc nhất của mẹ lên 8 tuổi.  Cái cộng đồng bé nhỏ nơi xa xôi ấy đã gắn bó, hòa quyện với nhau bao đời luôn là miền ký ức trong trẻo của mẹ, là nơi lưu giữ niềm vui lẫn nỗi đâu của mẹ.

Chồng mất sớm, một mình nuôi con nhỏ… tôi hình đung người mẹ nơi bàn Mường xa xôi ấy đã oằn lưng trên cánh đồng cấy lúa, đã thức thâu đêm bên bếp lửa xay lúa, đã dệt từng tấm vải, chắt chiu từng hạt lúa, củ khoai, củ mài nuôi con… Khi chàng thanh niên Mùi Văn Chính được lệnh nhập ngũ, lên đường đi chiến đấu, lòng mẹ đầy giằng xé, trăn trở bởi mẹ biết, khi đất nước bị xâm lược, chia cắt, con trai mẹ phải lên đường đi cứu nước, như bao chàng trai Mường năm xưa đã từng đi chiến đấu để giữ yên bản Mường. Nhưng nơi chiến trường hòn tên mũi đạn, biết con trai mẹ có được yên bình trở về?!.

Bên mẹ, chìm trong miền ký ức của mẹ cũng đủ giúp tôi hình dung thêm về người con trai duy nhất ấy đã vội vàng tu sửa nếp sàn, cày tơi thửa ruộng, dặm lại hàng rào trước khi từ biệt mẹ mà đi. Đôi chân trần của anh cùng những trai bản khác lội qua mấy con suối, mấy dòng sông, mấy ngọn núi mới ra đến huyện tòng quân, mới có mặt nơi chiến trường C ác liệt phía Mường Sủi… Và dự cảm của người mẹ đã đúng. Anh Mùi Văn Chính đã không trở về. Anh Mùi Văn Chính vĩnh viễn nằm lại nơi mặt trận phía Tây…

Mặt trận phía Tây là ở đâu?! Tờ giấy báo tử từ chiến trường về Hà Nội rồi ngược chừng ấy đường đất để đến với bản nghèo khuất nẻo Mộc Châu chỉ vỏn vẹn có chừng ấy thông tin. Từ bản Mường Sao Tua xa xôi, mẹ làm sao biết đất nước mình dài rộng chừng nào, làm sao theo dấu chân con mình trên đường đánh giặc. Mẹ đành chiều chiều ngồi quay sợi ở đầu sàn, mắt dõi về phía Tây để được thấy gần con nơi một chút. Và điều đau lòng hơn cả là chừng ấy năm, mẹ vẫn chưa được gặp lại con mẹ,  dù đó là  nắm hài cốt được đưa về nghĩa trang… Mơ ước lớn nhất của mẹ là đi thăm Bác Hồ và đưa anh Chính về. Mẹ đã được đi thăm Bác Hồ còn anh Chính thì chưa về với mẹ. Trong bữa cơm thường ngày, mẹ vẫn dành phần cho con trai.  Đó là món nợ mà anh Vũ Tiến Quân, giàm đốc Khách sạn Công đoàn tỉnh Sơn La cùng tập thể khách sạn - nơi nhận phụng dưỡng mẹ quyết thực hiện.

Niềm đau đáu ấy của mẹ đã khởi đầu cho một hành trình hành trình khó nhọc, xuyên qua những lớp bụi thời gian, kiên trì, dũng cảm vượt qua bộ máy quan liêu, với 23 nhóm văn bản, với những nhầm lẫn và cố chấp… Anh Vũ Tiến Quân kể cho chúng tôi về hành trình ấy với vẻn vẹn mấy chữ trong giấy báo tử và hồ sơ liệt sĩ của Mùi Văn Chính… “Anh Mùi Văn Chính sinh năm 1946, nhập ngũ tháng 7 năm 1966. Cấp bậc thượng sĩ. Chức vụ Trung đội phó, thuộc C6, Đ2, E174, F316. Anh hy sinh ngày 14/11/1970 khi đi trinh sát cao điểm 1325…”

Anh Quân đã gặp được những người đồng đội của anh Mùi Văn Chính. Trong số họ, có người quả quyết rằng, tháng 9 năm 1969, anh Mùi Văn Chính hy sinh tại bản Son, cách thị xã Xiêng Khoảng một ngày đường đi bộ… Người đồng đội ấy còn nhớ rất rõ trước khi anh Chính làm nhiệm vụ chiến đấu, ông và anh Chính đã gặp nhau. Hai người còn kể những kỷ niệm về quê hương… Còn Đại tá Vi Văn Thiện – nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 174, Sư 316 thì cho rằng đã có sự nhầm lẫn giữa hài cốt anh Mùi Văn Chính và anh Nguyễn Trung Chính, giờ đang được đưa về nghĩa trang Kim Sơn huyện Gia Lâm… Sự việc thực sự trở nên nhạy cảm bởi gia đình liệt sỹ Nguyễn Trung Chính quyết không thừa nhận sự nhầm lẫn.  Vậy là tỉnh Ủy Sơn La đã nhận trách nhiệm với mẹ Mùi Thị Dậu, đưa hài cốt anh Mùi Văn Chính về quê hương…

Không được cùng mẹ về Sao Tua, không ghi lại được những hình ảnh của người mẹ nơi bản nghèo xa ngái ấy, chúng tôi đành tiếp tục hành trình lên Điện Biên để tìm thăm một bà mẹ núi rừng khác. Không lâu sau đó, tôi nhận được tin mẹ Mùi Thị Dậu đã mất và được đưa về an táng tại quê nhà bản Sao Tua xã Tân Hợp. Để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những đóng góp của gia đình mẹ Việt Nam anh hùng Mùi Thị Dậu, công trình quy tập mộ gia đình mẹ Dậu đã được hoàn thành với tổng mức đầu tư trên 130 triệu đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Nơi an nghỉ của gia đình mẹ Việt Nam anh hùng Mùi Thị Dậu sẽ là địa chỉ đỏ để giáo dục cho các thế hệ trẻ huyện Mộc Châu về truyền thống lịch sử và những đóng góp, hi sinh của mẹ Việt Nam anh hùng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc.

Tôi thầm mong, yên nghỉ giữa lòng đất quê hương, bà mẹ Việt Nam anh hùng dân tộc Mường ấy sẽ sớm gặp lại con trai, để tiếng  pí thui- cây sáo đặc biệt của người Mường thường cất tiếng trong đêm khuya vỗ về cho những hi sinh của mẹ

 

II: MẸ ANH HÙNG SINH CON DŨNG SỸ

           

Từ Sơn La, chúng tôi vượt “đèo Pha Đin anh gánh chị thồ, dốc Lũng Lô anh hò chị hát” để tìm về xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Ở đó có một bà mẹ VNAH, một liệt sĩ đã khuất núi từ những ngày chống Pháp, nhưng sự nghiệp cách mạng của mẹ cùng con trai mẹ mấy mươi năm qua luôn là khúc ca tráng tuyệt nơi núi rừng Tây Bắc mù xa. Nếu mẹ VNAH Sùng Thị Blây là niềm tự hào của phụ nữ Mông thì con trai mẹ, anh hùng Vừ A Dính chính là tấm gương sáng của tuổi trẻ Việt Nam.

Xin mượn câu thơ “Anh hùng đâu cứ chỉ mày râu…” của nhà thơ Tố Hữu để nói về bà mẹ người Mông can đảm Sùng Thị Blây mà chúng tôi chỉ có thể gặp qua câu chuyện từ người thân của mẹ. Mẹ sinh năm 1901 ở bản Khó Pua, xã Pú Nhung huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu. Lập gia đình với người trai Mông Vừ Chống Lầu ở bản Đề Chia cùng xã, mẹ đã cùng chồng tham gia kháng chiến chống Pháp và trở thành người phụ nữ Mông đầu tiên ở Pú Nhung đến với cách mạng…

Con trai cả của mẹ, ông Vừ Gà Lử cũng một cựu chiến binh chống Pháp và nhiều năm liền làm chủ tịch UBND xã Pú Nhung. Là người duy nhất sống sót trong đại gia đình 10 người bị giặc Pháp thủ tiêu, khi gặp tôi, ông đã tròm trèm 90 nhưng sự minh mẫn và cách nói chuyện của ông mạch lạc, hồn hậu đến bất ngờ. Trong ký ức của người con, mẹ Sùng Thị Blây có vóc người cao lớn, khỏe đi rừng và miệt mài se từng sợi lanh, nhuộm màu, dệt vải… Nhiều đêm thức giấc giữa chừng, ông và các em thấy thật yên tâm khi có bóng mẹ hắt trên vách gỗ, ấy là bởi mẹ đang nghiêng nghiêng bên bếp lửa khâu quần áo cho chồng con. Những khi cả bản thiếu đói, giặc Pháp cắt phân bổ muối, mẹ lại lên rừng tìm lá giang, lá cọ về đun rồi gạn nước để đồ mèn mén.

Đồng chí Hồng Dương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lai Châu khi nói về vùng đất Pú Nhung và mẹ Sùng Thị Blây đã biểu lộ những cảm xúc chân thành. Ông bảo, ngày theo các đồng chí lãnh đạo về Pú Nhung tuyên truyền cách mạng, ông đã có cảm nhận rằng nơi đây sẽ là địa chỉ tin cậy để gây dựng phong trào, là ngọn đuốc dẫn đường cho phong trào cách mạng ở vùng đất cuối trời Tây Bắc này. Và suốt gần 10 năm, rừng núi Pú Nhung đã trở thành quê hương thứ hai của những cán bộ người Kinh lên miền núi, trụ lại nơi rừng núi hoang vu, hẻo lánh, cùng ăn ở với người Mông, được đồng bào che chở, ủng hộ cả về vật chất lẫn con người để đoàn kết cùng nhau làm cách mạng, cùng nhau giành lại độc lập, tự do…

Ông cũng đặc biệt kể lại sự nhiệt tình của mẹ Sùng Thị Blây  khi nhận nhiệm vụ tiếp tế, mua giấy, bút cho cách mạng. Mỗi lần gùi hàng lên núi cho cán bộ, mẹ phải vượt qua nhiều chốt chặn của địch nhưng không vì thế mà mẹ nao núng. Mỗi lần gùi hàng tiếp tế là một lần mẹ đấu trí với kẻ thù, một lần mẹ miệt mài bám chân trần trên đá sắc để vượt núi, vượt rừng… Năm 1949, địch càn vào Pú Nhung, nghi ngờ mẹ tiếp tế cho Việt Minh,  bắt mẹ  cùng với bố chồng và bảy người con gồm chị gái và các em của Vừ A Dính mang về giam và bắt làm phu dịch tại đồn Bản Chăn…

Ông Vừ Gà Lử kể lại: “Rất may hôm ấy tôi lên núi núi nên không bị bắt. Còn em Vừ A Dính được đơn vị phái xuống tìm cách liên lạc và nắm tình hình địch để chuẩn bị cho bộ đội đánh đồn. Khi nắm được tin giặc Pháp chuẩn bị đưa quân lên đánh khu du kích ở Pú Nhung, mẹ đã trốn trại ra bìa rừng gặp Vừ A Dính, cấp báo tin này. Mẹ còn chuyển cho Vừ A Dính hơn 100 viên đạn lấy trộm được của giặc. Trên đường trở về trại giam, một tốp lính đi tuần phát hiện ra mẹ. Không tìm thấy gì nhưng chúng vẫn nghi mẹ liên lạc với Việt Minh nên đã khám nơi giam cầm mẹ và phát hiện ra nhiều đạn mà mẹ và mọi người đã lấy trộm. Giặc Pháp đã lôi cả 22 người trong trại giam ra bắn, trong đó có ông nội, mẹ, chị gái và các em tôi... Sau đó không lâu, em Vừ A Dính cũng bị  giặc bắt, còn bố Vừ Chống Lầu, bị tra tấn đến chết trong nhà ngục Lai Châu.”

Mẹ Sùng Thị Blây được Đảng và Nhà nước truy tặng Liệt sĩ ngày 14-10-1964. Mẹ đã được Chủ tịch Nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đợt đầu tiên (năm 1994) vì có chồng, con ngã xuống cho núi rừng Tây bắc và bản thân mẹ là liệt sĩ. Tìm hiểu về anh hùng Vừ A Dính, chúng tôi đã đọc được những dòng tóm tắt về anh trong cuốn “Cẩm nang cho người phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh” do Nxb Giáo dục ấn hành năm 2003 như sau:

“Vừ A Dính là con một gia đình dân tộc Mèo ở xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu. Lúc 13 tuổi, Vừ A Dính đã hăng hái xin gia nhập đội võ trang và ngày ngày làm nhiệm vụ canh gác, liên lạc, tiếp tế gạo, muối cho nhân dân bị địch bao vây…  Một hôm vừa đi công tác về bị địch vây bắt, đánh đập dã man, bắt chỉ đường đi bắt cán bộ và đồng bào. Vừ A Dính bày mưu bắt chúng làm cáng khiêng anh đi một ngày đường để lại trở về nơi cây đào là nơi xuất phát mà chả tìm được gì. Căm tức, giặc treo Vừ A Dính lên cành đào rồi bắn chết.Ghi công Vừ A Dính, Đảng và Nhà nước ta đã phong tặng danh danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

        Còn người già ở Pú Nhung thì kể cho con cháu nghe về người anh hùng thiếu niên của dân tộc mình giản dị thế này: Ngày xưa, Pú Nhung luôn bị giặc đột kích vào cướp bóc, đốt nhà, bắt người. Vì thế dân làng phải cử người canh gác để phát hiện giặc. Lúc còn nhỏ, Vừ A Dính đã xung phong được đi canh gác như các anh chị lớn. 13 tuổi Dính đã thoát ly gia đình trở thành đội viên liên lạc của đội vũ trang huyện Tuần Giáo, hoạt động trên địa bàn từ châu Điện Biên ra châu Tuần Giáo rồi ngược lên châu Tủa Chùa. Cái chân đã quen đường rừng, thạo rông núi nên lần nào nhận nhiệm vụ Dính cũng hoàn thành trước thời hạn và đảm bảo an toàn. Đã vậy, anh rất ham học, lúc nào trong ngực áo cũng cuộn một cuốn sách để tranh thủ học. Rồi Dính còn có sáng kiến chặt ngang thân cây chuối rồi khoét ruột cây chuối để lấy nước cho đơn vị sinh hoạt vào mùa khô…

Vừ A Dính hi sinh khi vừa tròn 15 tuổi! Câu chuyện về người thiếu niên anh hùng ấy đã được truyền đi khắp các bản làng Tây Bắc, trở thành nguồn động lực soi đường cho thanh niên, trai tráng người Xá, người Thái, người Mông khắp vùng tìm đến cách mạng, tìm đến con đường giải phóng cho toàn dân tộc. Mãi đến khi Điện Biên Phủ toàn thắng, huyện đội Tuần Giáo đã đưa hài cốt của anh về  an tang tại nghĩa trang liệt sĩ của huyện. Năm 1952, Chính phủ đã truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba cho Vừ A Dính - chiến sĩ liên lạc nhỏ tuổi của đội vũ trang huyện Tuần Giáo. Lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Lịch sử Đội TNTP Hồ Chí Minh đã ghi nhận Vừ A Dính là một trong những thiếu nhi anh hùng tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng đất nước.

Khi thăm bia anh hùng liệt sĩ xã Pú Nhung, chúng tôi thấy tỏa bóng che mát cho bia là một gốc đào cổ thụ. Băn khoăn không rõ đó có phải là cây đào thấm máu của người anh hùng nhỏ tuổi Vừ A Dính hay cây cháu chắt của nó, nhưng lại tự nhủ, có hề gì bởi trên bản Mông này đã có biết bao thiếu niên đã trưởng thành và đi khắp nơi góp phần dựng xây đất nước theo gương Vừ A Dính, như những cây đào thay nhau nở hồng núi rừng. Cây đào ấy gắn liền với bản anh hùng ca về người anh hùng trẻ tuổi Vừ A Dính, về Mẹ VNAH  Sùng Thị Blây, cùng những anh hùng liệt sỹ đã hi sinh trên mảnh đất Tuần Giáo. Để Mỗi mùa hoa đào nở, người dân Pú Nhung nhắc nhau ghi nhớ Người anh hùng tuổi trẻ đã chọn một cái chết đẹp - được chết trên cành đào để giữ gìn khí tiết cộng sản!

 

 

III: NGƯỜI MẸ BẢN KA LĂNG

 

Tỉnh lộ 127 uốn mình theo triền sông Đà dẫn chúng tôi đến Mường Tè xa xôi vào một ngày cuối năm 2013. Ở thị trấn vùng biên này, chúng tôi đã gặp gặp Mẹ Việt Nam Anh hùng Lý Khờ Pớ, tại thị trấn Mường Tè. Khi ấy, 97 tuổi đời, mẹ vẫn còn khỏe mạnh, tinh anh và đang sống cùng người cháu tên Lù Hà Chê - nhân viên ngành viễn thông ở Mường Tè, Lai Châu, trong ngôi nhà tình nghĩa. Con trai duy nhất đã hy sinh, chồng mẹ cũng đã qua đời cách nay gần 40 năm, nhưng mẹ không cô đơn.

Biết có khách đến thăm, nên mẹ đã bảo đứa cháu dâu mặc cho bộ quần áo truyền thống của người Hà Nhì rồi ngồi đợi sẵn bên cửa võng. Mẹ nói tiếng Hà Nhì, còn người cán bộ vận động quần chúng đi cùng tôi thì kiêm luôn phiên dịch. Mẹ bảo, quê mẹ ở bản Lò Ma, xã Ka Lăng, cái vùng đất bé như bàn chân trâu nhưng xa hút tít nơi đầu nguồn con nước sông Đà. Muốn đến bản từ Mường Tè cũng phải mất một ngày đi xe.

Truyền thuyết kể rằng xa xưa có một con voi đã đi qua vùng này, thấy đồi núi nhấp nhô nhưng khí hậu mát lành thì dừng lại đằm mình trong một vũng nước. Khi nó đứng dậy bỏ đi thì vũng nước đằm trở thành một khu ruộng trũng phì nhiêu, nuôi lớn cây lúa cây đậu trở thành nguồn sinh tồn cho người Hà Nhì sống trong vùng. Và người Hà Nhì ở Ka Lăng cũng luôn tự hào về vùng đất được kết tinh nguyên khí ấy đã cho họ dung dưỡng cho dân tộc này những người đàn ông gan dạ, đàn bà đảm đang. Đồng bào nơi đây còn có câu nói truyền lại qua nhiều thế hệ, rằng dân tộc Hà Nhì chỉ biết cúi đầu bái lạy tổ tiên chứ chưa bao giờ chịu cúi đầu khuất phục kẻ thù.

Sự giác ngộ cách mạng của đồng bào dân tộc Hà Nhì ở Ka Lăng, Mường Tè, trong đó có gia đình mẹ Lý Khờ Pớ có một phần nguyên nhân là do vùng đất heo hút này một thời bị thực dân Pháp biến thành chốn lưu đầy, quản thúc các nhà chính trị cộng sản. Bản Giẳng, cách bản Lò Ma quê mẹ Pớ không xa từng là nơi quân Pháp lưu đầy Luật sư Nguyễn Hữu Thọ vì tội “phát tán truyền đơn bất hợp pháp”.

Cụ Pờ Chớ Chừ, bậc trưởng thượng của bản Giẳng kể lại: “Khi ông Thọ bị Pháp đày lên đây. Ông được đưa đến ở trong nhà bà On. Lúc đó tôi còn nhỏ, khoảng chừng 14 - 15 tuổi gì đó. Đám trẻ con chúng tôi hay đến chơi với ông, nghe ông kể chuyện và rất háo hức với những điều mới mẻ ấy. Ông Thọ còn dạy đám trẻ con chúng tôi nói tiếng Kinh, học chữ và khơi dậy cho chúng tôi về tình yêu quê hương đất nước, về khát vọng no ấm, tự do, bình đẳng giữa các dân tộc miền núi và miền xuôi. Năm 1986, khi ông về thăm lại bản, chúng tôi cũng đã rất vui mừng đón tiếp ông. Khi đó dù đang là cán bộ lãnh đạo cao cấp của nhà nước, nhưng ông rât giản dị, hoà đồng với bà con dân bản”.

Như bao người phụ nữ Hà Nhì khác, cuộc đời mẹ quanh năm đói khổ, phải đào củ mài, củ nâu kiếm cái ăn. Mẹ sinh được 2 con nhưng chỉ nuôi được mình anh Lý Hừ Po. Sinh con đã khó, nuôi con còn khó nhọc gấp nhiều lần. Mẹ nhớ những ngày con đau ốm, mẹ lên rừng hái lá thuốc. Đói vàng mắt nhưng mẹ vẫn dành cho anh những bắp ngô non, những hạt gạo hiếm hoi… Mẹ nhớ lúc anh Lý Hờ Po còn nhỏ, mẹ cho anh đi học. Mỗi ngày, mẹ gói cơm vào lá chuối, lá dong cho anh mang theo đi học. Sáng anh đi, vượt qua đường rừng, tối về. Nhờ vậy mà anh biết chữ, sáng cái bụng ra…  Nhờ con chữ thắp sáng, anh Lý Hờ Po biết được Tổ quốc Việt Nam trải dài từ những mỏm đá vùng Tây Bắc đến mũi Cà Mau. Nhờ những con chữ, chàng trai Hà Nhì nơi xứ sở Ca Lăng mù sương xa xôi biết đất nước Việt Nam gồm mấy mươi dân tộc anh em. Và nửa đất nước còn đang bị xâm lược…

Truyền thống kiên cường chảy trong huyết quản Hà Nhì, lòng yêu nước được nuôi dưỡng từ câu hát ru của mẹ, từ câu chuyện của người già, những con chữ kể về một đất nước lầm than đang cần thanh niên xả thân cứu nước đã thôi thúc chàng trai người Hà Nhì Lý Hờ Po làm đơn xin vào bộ đội. Anh muốn được đi chiến đấu để nước Việt Nam liền một dãy, để đất nước không còn bị chia cắt, để mấy mươi dân tộc anh em cùng là một trong ngày hội non sông, mừng ngày hòa bình thống nhất… Trong ký ức mẹ, anh Lý Hừ Po là một chàng trai khỏe mạnh, đẹp trai, vui tính, cởi mở, chịu thương, chịu khó. Anh có yêu một cô gái tên là Hà Pứ nhưng đã dứt khoát tạm dừng chuyện kết đôi để lên đường giữ nước.

Khi ấy, nhiều kẻ xấu đi rỉ tai các bà mẹ ở Ka Lăng rằng, người Hà Nhì ở đây yên ổn, có đất đai rộng lớn phì nhiêu, có suối nước trong lành, có rừng đầy hoa trái sao lại bỏ tổ tiên, bỏ quê hương đi xứ lạ đánh nhau. Đừng ai cho con đi bộ đội, cứ ở nhà sẽ có người mang gạo, muối, vải ... đến cho. Lúc đầu mẹ Lý Khờ Pớ cũng băn khoăn lắm nhưng chứng kiến những cán bộ cách mạng về bản gắn bó cùng nhân dân, nói lời đĩnh đạc, làm việc thẳng ngay chứ không lén lút như kẻ xấu nên mẹ dần yên cái bụng. Vậy là mẹ chuẩn bị hành trang cho con lên đường vì nghĩa lớn. Không những thế, mẹ Pớ còn vận động bà con trong bản không nghe bọn xấu xúi giục, phải cho con đi bộ đội để đánh đuổi kẻ thù. Thấy mẹ Pớ chỉ có một con trai mà còn dám cho đi cầm súng đánh giặc, vậy là dân bản nghe theo, nhà nào có con trai đều cho con xung phong ra chiến trường.

Từ vùng biên xa ngái, năm 1967, người trai Hà Nhì Lý Hừ Po đã chiến đấu và hi sinh xứng đáng với tình yêu thương, lòng kỳ vọng của người mẹ vùng biên. Để lại tuổi thanh xuân trên mặt trận Tây Nam của nước bạn Lào đầu năm 1971, khi giấy báo tử của anh Po được cán bộ mang về, mẹ hỏi: “Thế con trai tôi đang nằm ở đâu?”. Không ai trả lời. Mẹ đành tự an ủi: “Nó chẳng thể cô đơn bởi xung quanh còn đồng đội”. Nỗi đau mất con trùm nặng căn nhà đất, nhưng vì không muốn bà con trong bản có con đang cầm súng nao núng, mẹ đã cắm một cành cây xanh trước cửa như đồng bào Mông vẫn làm để thông báo với dân bản rằng: Xin đừng ai buồn nỗi buồn của mẹ.

Vâng “Xin đừng ai buồn nỗi buồn của mẹ”. 45 năm đã trôi qua, chúng tôi không được tận mắt thấy chùm lá xanh buộc trước cửa nhà, nhưng ai nấy đều rưng rưng nước mắt khi nghĩ về nỗi đau và sự can trường của mẹ. Tấm bằng Tổ quốc ghi công được treo trang trọng trong gian phòng khách chỉ có vài thông tin giản lược: “Liệt sĩ Lý Hờ Po sinh năm 1949. Nhập ngũ tháng 12.1967. Hy sinh ngày 14.4.1971, ở Mặt trận phía Tây”. Anh hi sinh mà chưa kịp có một tấm ảnh để thờ, cũng không còn để lại vật kỷ niệm nào. Mẹ bào hồi anh Po đi bộ đội cũng có viết thư về cho mẹ, mẹ giữ gìn cẩn thận cùng quần áo, sách vở của anh. Nhưng có bận nhà ở Ka Lăng bị cháy nên chẳng còn lại thứ gì.

Anh Lù Hà Chê, cháu gọi mẹ là dì ruột, làm cán bộ huyện Ka Lăng tiếp lời mẹ. Rằng sau khi anh Po hi sinh được dăm năm, chồng mẹ cũng mất nên anh đã bàn bạc với gia đình đón mẹ xuống thị trấn ở cùng để tiện chăm sóc. Năm 1995, sau khi được nhận danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, Nhà nước dã xây tặng mẹ căn nhà tình nghĩa ngay trong thị trấn. Gia đình anh cũng dọn về ở cùng cho mẹ vui và cũng tiện bề chăm sóc. Khi có điều kiện, anh đã cùng chính quyền địa phương tổ chức đi tìm mộ liệt sĩ Lý Hờ Po để mẹ yên lòng nhưng vẫn chưa có thông tin nào hữu ích. Còn mẹ thì vẫn tự an ủi mình và mọi người bằng câu nói đã từng nói cách đây 45 năm, rằng “Nó chẳng thể cô đơn bởi xung quanh còn đồng đội”.

Nguồn Văn nghệ số 30/2019


Có thể bạn quan tâm