April 25, 2024, 3:13 pm

Nữ nhà thơ Olga Tokarczuk - Nobel văn học 2018: “CHÚNG TA ĐANG SỐNG TRONG THỜI KỲ THAY ĐỔI MÔ HÌNH”

 

Trước khi đến gặp Olga Tokarczuk, chủ nhân mới của giải thưởng Nobel văn học 2018, nữ phóng viên báo Nga Năm văn học Ariadna Rokossovskaya đã mua cuốn tiểu thuyết Những người tị nạn của bà để xin chữ ký. Lúc bấy giờ chị chưa biết rằng ý tưởng của cuốn sách này của nữ văn sĩ Ba Lan xuất hiện ở Moskva...

Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện giữa nữ văn sĩ Olga Tokarczuk và phóng viên Ariandna Rokossovskaya. 

Olga Tokarczuk, chủ nhân mới của giải thưởng Nobel văn học 2018. Ảnh Internet

* Ngày 10/10/2019, khi được tin bà nhận giải Nobel, một số phương tiện thông tin đại chúng ở Nga viết rằng bà nhận giải về thơ. Vậy thơ ở đâu? Tôi không tìm thấy một bài thơ nào của bà cả.

- Không, không, không, hãy để thơ ở lại nơi nó đã sinh ra trong suốt những năm đó. Tôi nghĩ rằng thời trẻ bạn cũng đã làm thơ. Ai mà chẳng làm thơ. Điều đó không nói lên gì cả. Bạn thấy đấy, tôi không bao giờ có khí chất của một nhà thơ. Tôi thích kể chuyện hơn. Khi còn là một cô bé mới tập viết văn, bao giờ tôi cũng viết thể văn ngắn. Và nếu trong đời tôi đã từng làm thơ, thì có lẽ chỉ vì không có thời gian cho văn xuôi. Còn khi có thời gian tôi bắt đầu in trên tạp chí với bút danh Natasha Borodina.

 

* Tại sao lại là Natasha Borodina?

- Từ nhỏ tôi rất mê văn học Nga. Có lẽ, tôi thích nhất Chekhov, nhưng tất nhiên, giống như tất cả mọi người, tôi say sưa đọc Lev Tolstoy...

 

* Natasha Rostova phải không?

- Vâng! Cả Borodino nữa! Tôi pha trộn hai cái tên đó, và cảm thấy mình đã nghhĩ ra được một bút danh rất lạ và đồng thời rất văn chương...

 

* Nhưng tên Olga cũng không tiêu biểu đối với Ba Lan...

- Tên tôi liên quan tới một câu chuyện mà độc giả Nga chắc rất thích. Mẹ tôi là giáo viên văn học Ba Lan, và cũng như bố, bà đọc rất nhiều. Mẹ tôi mê Pushkin nên lấy tên hai nữ nhân vật trong tiểu thuyết thơ Yevgeny Onegin đặt cho tôi và em gái. Tôi là Olga, còn em gái là Tatyana

 

* Trong cuốn “Bieguni” (Những người tị nạn)[1] bà viết: “Chuyến bay Irkutsk - Moskva. Máy bay cất cánh từ Irkutsk lúc 8 giờ sáng và hạ cánh ở Moskva đúng lúc đó - 8 giờ sáng cùng ngày. Đó là lúc mặt trời mọc, vì vậy bạn luôn luôn bay trong bình minh. Bạn treo lơ lửng trong một khoảnh khắc...”

- Tôi chưa bao giờ đến Irkutsk. Có ai đó kể cho tôi nghe về điều đó. Tôi không thể khoe khoang rằng mình biết nhiều về nước Nga. Tôi luôn luôn mơ ước được ngồi tàu hỏa xuyên Sibir và đi qua đất nước các bạn. Còn Moskva thì tôi đã đến 3 hay 4 lần gì đó và có rất nhiều ấn tượng. Một lần tôi đến Moskva với một người bạn, nhà triết học quá cố Caesar Vodzinsky. Chúng tôi nói nhiều về Chính thống giáo, tôi bao giờ cũng thích đề tài này. Chúng tôi nói về các giáo phái và Caesar kể cho tôi nghe về “những người tị nạn”, họ tin rằng nếu ở nguyên một chỗ, con người có thể bị ma quỷ tấn công, còn sự di chuyển liên tục giúp cứu rỗi linh hồn. Hơn nữa, ông còn nói rằng cho đến nay họ vẫn tồn tại. Đó là những người đương thời, họ đi tàu điện ngầm Moskva để luôn luôn di chuyển. Câu chuyện này khiến tôi ngạc nhiên đến mức tôi bắt đầu mua vé và đi khắp các tuyến đường tàu điện ngầm, quan sát, nhìn chăm chú vào từng khuôn mặt, cố đoán xem ai trong họ... Quả thật, trên tàu điện ngầm Moskva có thể gặp rất nhiều người kỳ lạ, họ ngủ ở đấy, không lên một bến nhất định, mà đi đường vòng... Chính từ đó tôi tìm được ý tưởng cho tiểu thuyết Những người tị nạn.

 

* Được biết, bà nhận tin mình được trao giải Nobel trên đường sang Đức. Bà luôn luôn ở trên đường. Bà kịp viết văn vào lúc nào?

- Đi đâu tôi cũng đều mang theo giấy để ghi chép. Thực ra, những chuyến đi mang đến cho tôi rất nhiều cảm hứng. Việc di chuyển liên tục cho phép nắm bắt những ý tưởng, ý nghĩ, những cuộc trò chuyện với mọi người. Bạn nhìn thấy điều gì đấy, đọc được điều gì đấy. Nhưng, tất nhiên, đến một thời khắc, tôi phải ngồi vào một địa điểm nhất định, tập trung suy nghĩ, và chỉ lúc đó tôi mới bắt đầu viết.

 

* Địa điểm đó phải như thế nào?

 - Thuận tiện cho việc sáng tác. Nói chung, hoạt động chính của tôi là đọc và viết. Điều đó bắt buộc phải ở một mình, tập trung, yên tĩnh. Và ngôi nhà của tôi phải bảo đảm tất cả điều đó. Tôi thấy hơi ngạc nhiên khi một số nhà văn thích chuyển đến sống tại các thành phố lớn, tôi cảm thấy họ đang phung phí sức lực. Hơn nữa, trong thế giới hiện nay, nơi có internet và thông tin lan truyền với tốc độ chóng mặt, địa điểm cư trú thực tế không có ý nghĩa. Đơn giản là tôi không thuộc típ người cần quen biết rộng. Điều đó không giúp cho sự tập trung cần thiết để viết văn.

 

* Điều gì thôi thúc bà viết cuốn tiểu thuyết đầu tay “Con đường của những người tìm sách”?

 - Tôi còn quá trẻ. Tôi đến London học tiếng Anh và đồng thời làm hầu phòng trong một khách sạn. Mặc dù có rất ít thời gian rỗi, chính lúc bấy giờ tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc viết sách. Còn ý tưởng thì đã có từ thời đi học. Nói chung tôi mang trong mình, như trong một cái giỏ, nhiều ý tưởng, và đến một thời điểm, tôi nhặt một ý tưởng trong số đó ra và bắt đầu viết. Lúc bấy giờ cũng vậy. Tôi về nước, xin thôi việc và bắt tay vào viết sách. Cuốn sách mang lại cho tôi giải thưởng của các nhà xuất bản Ba Lan, nhưng tôi không thích lắm, nó quá đơn giản.

 

* Tác phẩm lớn nhất của bà, ít ra là về dung lượng và tên gọi, là tiểu thuyết “Những cuốn sách của Jakub, hay Cuộc hành trình vĩ đại qua 7 biên giới, 5 ngôn ngữ và 3 tôn giáo lớn” kể về cuộc đời đầy phiêu lưu của kẻ dị giáo Jakub Frank tự xưng là Đấng Cứu Thế giữa thế kỷ XVIII. Còn gì nữa không?

- Khi tìm được câu chuyện này, tôi hết sức ngạc nhiên vì nhìn chung chưa ai biết nó, ngoài một nhóm nhỏ các nhà khoa học ở các trường đại học chuyên nghiên cứu về Do Thái học hay lịch sử Ba Lan. Tôi nghĩ nhiều về điều đó và hiểu ra rằng đây là kết quả của quá trình “xóa bỏ ký ức”, ít nhất là vì ba nguyên nhân. Thứ nhất, bản thân những người Do Thái chính thống không muốn nhớ lại Jakub Frank, vì đối với họ ông ta là kẻ phản bội. Thứ hai, nhà thờ Công giáo có liên quan tới câu chuyện này, họ đã xét xử và giam Frank ở Częstochowa. Và thứ ba, hậu duệ của Frank, những người đã bị đồng hóa hoàn toàn trong xã hội Công giáo Ba Lan, trên tinh thần hoài nghi và bài Do Thái, không muốn trở về cội nguồn Do Thái của họ, vì vậy họ không quan tâm đến câu chuyện này. Về Frank người ta đã viết một số bài báo và một cuốn sách chuyên khảo, ngoài ra, còn có sách của các tín đồ của Frank vẫn được lưu giữ, tôi đã thu thập, dành nhiều năm để đọc và tái hiện toàn bộ câu chuyện này từ đầu đến cuối. Tôi cảm thấy cuốn sách này rất cấp thiết hiện nay. Nếu bạn hỏi tôi nó nói về điều gì, tôi sẽ nói rằng về một giai đoạn lịch sử của châu Âu, rất giống với giai đoạn hiện nay. Giống như họ, chúng ta đang sống trong thời kỳ thay đổi mô hình. Ngoài ra, cuốn sách này nói về vấn đề cởi mở đối với người xa lạ. Đây không chỉ là câu chuyện của Ba Lan. Có thể nói, đây là câu chuyện ẩn dụ về lịch sử châu Âu, một châu Âu không ngừng thu hút những người xa lạ, hoàn thiện ngôn ngữ và văn hóa.

 

* Xin bà cho biết độc giả nên đọc cuốn sách nào của bà để hiểu Olga Takarczuk là ai, và vì sao bà được tặng giải Nobel?

- Tôi nghĩ rằng đó là cuốn Những người tị nạn. Trong cuốn sách này, tôi mạnh dạn phát minh ra một hình thức kể chuyện mới, vì vậy nó rất độc đáo, có một chút thử nghiệm. Câu chuyện của cuốn sách diễn ra khắp mọi nơi, và mỗi người sẽ tìm thấy ở đó một cái gì đấy của riêng mình. Tôi cũng nghĩ rằng tác phẩm này là một thách thức đối với bạn đọc, bởi vì nó cần được khám phá và trải nghiệm bằng cách nào đấy.

 

* Cách đây không lâu, Ủy ban Nobel đã ghi nhận tác phẩm của nữ văn sĩ Belarus Svetlana Alexievich, còn bây giờ giải thưởng được trao cho bà. Phải chằng điều đó có nghĩa là hiện nay khu vực Đông Âu đang "cầm cân nảy mực" trong văn học?

- Vâng, thực sự như vậy. Tôi đã nghĩ về điều đó. Trong suốt cuộc đời tôi, năm nay tôi đã 57 tuổi, tôi đã chứng kiến ​​bốn giải thưởng Nobel văn học của Ba Lan: Czesław Miłosz, Wisława Szymborska, tôi, và Isaac Bashevis Singer. Vâng, đất nước chúng tôi không có tên lửa vũ trụ, mỏ dầu, ngôi sao nhạc rock nổi tiếng thế giới, nhưng chúng tôi có bốn giải thưởng Nobel văn học trong hơn năm mươi năm. Tôi không biết một đất nước thứ hai như vậy. Và dường như đây không phải là ngẫu nhiên.

Đất nước chúng tôi với lịch sử đau thương, bất hạnh của mình đã tập trung toàn bộ tiềm lực cho văn hóa để bảo vệ mình, bất chấp tất cả.

 

* Mỗi cuốn sách của bà được viết với một ngôn ngữ hơi khác. Còn các bản dịch thì sao? Theo bà, liệu độc giả có thể hiểu được những gì bà muốn nói không?

- Sách của tôi đã được dịch ra 40 ngôn ngữ. Tôi biết các dịch giả của tôi là những người tuyệt vời. Ví dụ, dịch giả quá cố Ksenya Staroselskaya, người đã dịch một số cuốn sách của tôi ra tiếng Nga, gọi tôi là cô con gái Ba Lan của mình. Thỉnh thoảng có người tìm thấy sai sót trong bản dịch, nhưng hiện tại người ta vẫn đọc sách của tôi, nghĩa là không phải mọi chuyện đều tồi tệ. Tôi biết rằng khu vực chúng ta gắn bó đặc biệt với ngôn ngữ. Chúng ta suy nghĩ thông qua ngôn ngữ, nó giúp chúng ta nhận thức thực tại. Vâng, ngôn ngữ là một phần quan trọng trong hoạt động trí tuệ của chúng ta, nó là bộ lọc nhận thức của chúng ta, nhưng tôi tin rằng văn học không chỉ là ngôn ngữ, mà còn là hình tượng được chuyển tải qua ngôn ngữ. Vì vậy tôi rất vui sướng khi có người nói với tôi: “Thưa bà Olga, đọc sách của bà, tôi cảm thấy như đang xem phim”...

 

Trần Hậu (Theo Godliteratury.ru)


[1] Tên tiếng Anh là “Flights” (Những chuyến bay)

Nguồn Văn nghệ số 51/2019


Có thể bạn quan tâm