April 19, 2024, 5:18 pm

NS Đỗ Hồng Quân: Phát huy vai trò nghệ sĩ - công dân trong sáng tạo âm nhạc

 

 “Âm nhạc vang lên và trở thành loại hình nghệ thuật mũi nhọn của các khía cạnh đời sống, chính trị, ngoại giao, quân sự… Đây là truyền thống văn hóa tốt đẹp, được hun đúc qua nhiều thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ của Việt Nam”, PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Phóng viên (PV): Ông đánh giá thế nào về tính nhạy bén, sự chủ động vào cuộc của các nhạc sĩ Việt Nam?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Âm nhạc có vai trò, vị trí ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trong các thời kỳ lịch sử của nước ta. Âm nhạc cách mạng Việt Nam luôn đồng hành với lịch sử hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ Việt Nam đã sáng tác những bài ca, hành khúc đầu tiên từ sự kiện trọng đại của đất nước, như: Ca khúc “Cùng nhau đi hồng binh” của nhạc sĩ Đinh Nhu viết năm 1930 chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập; “Hành quân xa” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết năm 1953 góp phần cổ vũ tinh thần bộ đội và nhân dân, khơi dậy niềm lạc quan, quyết tâm vượt qua gian khó làm nên thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ; “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” của nhạc sĩ Huy Thục viết trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước…

PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.

Trong thời kỳ phát triển, hội nhập của đất nước, âm nhạc vẫn luôn phát huy vai trò của mình. Từ cuộc vận động sáng tác về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhiều tác phẩm âm nhạc viết về Đảng, Bác Hồ, sự nghiệp, tư tưởng của Người; về quân đội, công an và nhiều lĩnh vực khác ra đời. Bên cạnh đó, các sáng tác về chủ đề biển, đảo, quê hương, nông thôn mới… tạo sức lan tỏa trong xã hội.

Gần đây, trong đợt cả nước chung sức phòng, chống dịch Covid-19 đã xuất hiện nhiều bài hát của các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ, trong đó nhiều tài năng trẻ rất nhạy bén và nhanh chóng nhập cuộc. Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã đi đầu trong việc phát động sáng tác để có những ca khúc, tác phẩm âm nhạc ra đời và được dàn dựng thành chương trình nghệ thuật cổ vũ tinh thần các lực lượng tuyến đầu cũng như nhân dân trong phòng, chống dịch Covid-19. Hàng trăm bài hát ra đời, được livestream, phổ biến MV, clip trên internet, trên truyền hình… Điểm qua để thấy sự nhanh nhạy của nhạc sĩ, nghệ sĩ rất tích cực, ý thức công dân của nghệ sĩ rất cao, trách nhiệm nghề nghiệp đối với đất nước ở mọi thời điểm, mọi sự kiện.

PV: Âm nhạc Việt Nam hiện nay có thể nói rất đa dạng về thể loại, phong phú về cách thể hiện cũng như sự nhiệt huyết đổi mới của các nhạc sĩ, nghệ sĩ. Nhưng để có tác phẩm giá trị và "nằm lòng" công chúng thì không phải là điều dễ dàng, thưa ông?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Nhạc sĩ, nghệ sĩ sở hữu “vũ khí” tinh thần sắc bén là lời ca, tiếng hát. Thời gian qua xuất hiện thêm nhiều người trẻ làm việc ở ngành nghề khác yêu thích, có năng khiếu âm nhạc, họ đã góp phần vào phong trào sáng tác, góp hơi thở mới, làm cho âm nhạc phong phú và nhiều màu sắc hơn. Với âm nhạc Việt Nam, mỗi giai đoạn lịch sử có các tác phẩm âm nhạc đại chúng, có tác phẩm đỉnh cao. Nhưng để tác phẩm có ý nghĩa lâu dài, thì ngoài giá trị nghệ thuật, tác phẩm phải có sự thẩm định của công chúng, được công chúng yêu thích.

Các nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: CHÂU XUYÊN.

Những ca khúc của các thế hệ nhạc sĩ đi trước được gọi là “bài ca đi cùng năm tháng” là bởi được phát nhiều lần, thậm chí liên tục trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, đăng trên các trang báo, tạp chí… có sự tiếp nhận, sàng lọc. Để tác phẩm âm nhạc hay văn học-nghệ thuật được công chúng yêu mến, "nằm lòng" đòi hỏi phải có thời gian, quảng bá tuyên truyền sâu rộng. Nhưng cũng có những tác phẩm, chẳng hạn bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, ngay khi ra đời lập tức được công chúng đón nhận bởi bài hát thể hiện tiếng nói, tiếng lòng của công chúng, của toàn thể nhân dân. Hiện nay, chúng ta đang rất thiếu những ca khúc, bản nhạc có hiệu ứng giá trị nhanh chóng như vậy. Có không ít tác phẩm âm nhạc thu được hàng trăm nghìn, hàng triệu lượt người nghe, người xem trên mạng xã hội, nhưng đó là tín hiệu mang tính bề nổi chứ chưa đánh giá chất lượng nghệ thuật đích thực. Tính giá trị của tác phẩm nghệ thuật góp phần hữu hiệu vào đời sống tinh thần của nhân dân phải được minh chứng qua thời gian.

PV: Sự nhập cuộc của các nhạc sĩ, nghệ sĩ trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 có tạo nên giá trị và sức bền vững cho tác phẩm, thưa ông?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Hiện nay, điều kiện để làm nghề, quảng bá và lan tỏa các loại hình âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh... trên các phương tiện truyền thông, truyền hình, mạng xã hội rất thuận lợi, thậm chí toàn cầu xem được, nghe được. Ngôn ngữ, nghệ thuật không còn cách xa, bởi âm nhạc không cần phiên dịch. Nhưng sự hiện đại của công nghệ, kỹ thuật cũng đang làm nhiễu chất lượng của nghệ thuật đích thực, vơi đi sáng tạo của người nghệ sĩ và thay vào đó là vấn nạn copy, “nhái” sản phẩm với mục đích "câu" view vì muốn nổi danh, háo danh… Tuy nhiên, tôi luôn tin rằng, nghệ thuật hướng đến công chúng, cần công chúng bởi công chúng ngày nay rất thông minh. Đó chính là điều mà những người sáng tạo đang bị áp lực. Áp lực này là điều tốt, để công chúng đến được với anh thì anh phải làm nên sản phẩm nghệ thuật hấp dẫn, có giá trị.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

VƯƠNG HÀ (thực hiện)

Nguồn QĐND


Có thể bạn quan tâm