April 19, 2024, 8:58 pm

Nộp tiền tham nhũng để giảm án?

Tại hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (2012-2022) tổ chức cuổi tháng 6 vừa qua, ông Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao - đã kiến nghị lãnh đạo Đảng và Nhà nước giao cho Ban Nội chính Trung ương hoặc Viện KSND Tối cao nghiên cứu đề xuất cách làm theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm nộp tiền tham nhũng khắc phục hậu quả. Theo lý giải của ông Trí, thì làm như vậy sẽ thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, thất thoát và việc khắc phục hậu quả sẽ tốt hơn, do chủ thể vi phạm sẽ chủ động khắc phục để họ không bị xử lý hình sự nữa. Như vậy, “cách làm này vừa hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN-TC) vừa nhân văn và thuyết phục” - ông Trí nói.

TAND Tối cao tại Hà Nội đã giảm án cho bị cáo Nguyễn Đức Chung từ 8 năm tù xuống 5 năm tù, sau khi gia đình ông Chung nộp 25 tỉ đồng tiền khắc phục hậu quả

Trước đó khoảng 1 tuần, kết thúc phiên phúc thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND Tp Hà Nội, cùng các đồng phạm về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, TAND Tối cao tại Hà Nội đã giảm án cho bị cáo Nguyễn Đức Chung từ 8 năm tù xuống 5 năm tù, sau khi gia đình ông Chung nộp thêm 15 tỉ đồng, nâng tổng số tiền đã nộp lên 25 tỉ đồng. Số tiền này đúng bằng với con số mà tòa sơ thẩm buộc ông Chung phải bồi thường. Tương tự, các bị cáo khác cũng được giảm án sau khi đã nộp thêm tiền khắc phục hậu quả vụ án.

Hai sự việc trên đây đã thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều luồng ý kiến khác nhau. Chung qui có 3 loại quan điểm: Một là đồng tình theo cách lý giải trên đây của người đề xuất. Hai là phản đối vì tham nhũng là trọng tội phải được xét xử theo luật hình, việc khắc phục hậu quả chỉ là tình tiết xem xét lượng hình theo qui định của pháp luật. Ba là đồng tình nhưng việc khắc phục phải tùy từng thời điểm trong quá trình tố tụng để làm căn cứ giảm án; và chỉ là “giảm” chứ không phải “tha bổng”.

Đề xuất trên đây của Viện KSND Tối cao là có căn cứ lý luận và thực tiễn công cuộc PCTN-TC. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng chế tài “nộp tiền chuộc tội” hoặc đóng tiền để được bảo lãnh tại ngoại. Nghị quyết TƯ 3 khoá X đã nêu rõ: “Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng; áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng; nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với những người đưa hoặc người nhận hối lộ nhưng đã tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện; chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng”. Kết luận số 21- KL/TW của Trung ương Đảng năm 2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cũng yêu cầu các cơ quan chức năng: “Sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng tăng hình thức phạt tiền, miễn hoặc giảm hình phạt khác đối với những đối tượng có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả”. Đồng thời, pháp luật hiện hành cũng có những điều khoản chi tiết. Cụ thể tại Điều 40, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: giảm hình phạt tử hình xuống thành tù chung thân đối với trường hợp chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý... Đặc biệt, đề xuất trên đây của VKSND Tối cao được cho là giải pháp khả thi trong bối cảnh công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự tham nhũng, thời gian gần đây rất khó khăn. Theo báo cáo của các ngành chức năng, trong 10 năm qua (2011-2021) đã thu hồi 61 nghìn tỷ đồng, chỉ đạt 34,7% số tiền phải thu hồi theo các bản án tham nhũng đã tuyên. Hiện tại còn hơn 80 nghìn tỷ đồng chưa thu hồi được. Đấy là một con số không hề nhỏ!

Tuy nhiên, luồng ý kiến phản đối đề xuất “nộp tiền để giảm án” cũng có những lý lẽ thuyết phục. Sau khi đề xuất trên đây được công bố, một tờ báo điện tử đã mở chuyên mục thăm dò (điều tra xã hội) và chỉ sau 3 ngày cho thấy: có 69% độc giả tham gia thăm dò đã ủng hộ xử lý hình sự, buộc bồi hoàn tiền theo án đã tuyên; 26% muốn phạt gấp nhiều lần tiền tham nhũng, nếu không sẽ phạt tù. Lý lẽ của phái đa số là: Đã gọi tham nhũng là “quốc nạn”, là “giặc nội xâm” là tội phạm nghiêm trọng… thì không thể cho dùng tiền để giảm nhẹ hình phạt. Luật pháp nghiêm minh và văn minh ở chỗ: không nên hình sự hóa các quan hệ dân sự, nhưng cũng không thể hành chính hóa quan hệ hình sự. Nếu nộp tiền để được bỏ qua hình thức xử lý hình sự thì không còn là pháp luật nữa. Pháp luật nghiêm minh và văn minh đòi hỏi không bỏ lọt tội phạm và cũng không xét xử oan sai. Đã có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, thì phải xử lý hình sự.

Về việc xem xét giảm nhẹ hình phạt đối với những trường hợp ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả, hợp tác với các cơ quan tố tụng, thành khẩn khai báo… thì còn phải tùy thuộc vào mức độ của hành vi và thời điểm “nộp lại”. Ví dụ, chủ động nộp tài sản tham nhũng trước khi bị phát hiện khác với nộp lại tài sản tham nhũng sau khi khởi tố vụ án. Không những phải nộp tất cả số tiền đã tham nhũng, mà còn phải bị phạt, bị nộp thêm cả lãi suất… Không có tiền thì bán tài sản mà trả, không thể có trường hợp đã bị xử tù, chưa nộp đủ tiền mà vẫn còn những biệt thự! Hoặc như thực tế một số tội phạm tham nhũng sau khi mãn hạn ra tù, vẫn sống xa hoa phè phỡn bằng số tiền tham nhũng chưa bị thu hồi vì rất nhiều lý do, trong đó có lý do là chúng được nguy trang, được “hợp pháp hóa” rất tinh vi xảo quyệt.

Pháp luật hiện hành xử phạt nghiêm minh tội tham nhũng còn vì hệ lụy của tham nhũng, tiêu cực là quá lớn để có thể bù đắp bằng vật chất và mục đích của việc PCTN-TC, ngoài thu hồi tài sản, còn nhằm răn đe tội phạm tham nhũng, bảo vệ lợi ích công, bảo vệ sự liêm chính của bộ máy công quyền và củng cố lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Vì vậy, muốn áp dụng cơ chế kinh tế, cho phép dùng tài sản để chuộc lại lỗi lầm thì cần có thời gian để nghiên cứu và phải căn cứ vào phong tục, đặc điểm, tâm lý xã hội và nhất là thực tế công cuộc PCTN-TC hiện nay. Bất cứ ai cũng phải đi trên “đường ray pháp luật”. Tham nhũng là hành vi đã được quy định trong Bộ luật Hình sự thì phải chịu trách nhiệm pháp lý. Do đó, không thể dùng bất cứ biện pháp khắc phục nào để giảm trách nhiệm hình sự. Điều 31 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 chỉ rõ: “Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới…”. Đồng thời trong tình hình hiện nay, nếu nộp tiền để được giảm án hình sự sẽ gây ra tâm lý cứ tham nhũng xong nộp một khoản tiền (ít hơn thực tế số tiền tham nhũng) là không bị ngồi tù. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tham nhũng nhiều hơn và mạnh hơn.

Công cuộc PCTN-TC của Đảng và Nhà nước ta đang đạt được những kết quả rất to lớn. Chính sự kiên quyết xử lý mạnh tay của Ban Chỉ đạo Trung ương PCTN-TC là một trong những yếu tố dẫn đến những kết quả đó. Tuy nhiên, do quy định về hình phạt đối với tội tham nhũng vẫn còn những kẽ hở, đặc biệt trong quá trình truy tố, xét xử đối với tội phạm này vẫn chưa có những hình phạt đủ mạnh nên tội phạm tham nhũng vẫn “chưa biết sợ”. Không thể để tội phạm tham những dùng tiền để đổi lấy hình phạt tù, không được để tình trạng “hy sinh đời bố, củng cố đời con” có đất để tồn tại được. Riêng với mục đích thu hồi tài sản tham nhũng thì phải có những chế tài nghiêm ngặt về kê khai tài sản khi đương chức; phong tỏa, kể biên khi phạm tôi, làm sao để không tẩu tán được tài sản… Đặc biệt, cần có cơ chế để cán bộ tự giác nộp lại tài sản tham nhũng trước khi bị phát giác, nhằm tăng tỷ lệ thu hồi tài sản cho nhà nước. Thực tế hiện nay, các cơ quan chức năng “đi sau” người vi phạm, chỉ kê biên tài sản khi đối tượng bị áp dụng biện pháp về tố tụng, nên tài sản tham nhũng đã kịp tẩu tán, hoặc ngụy trang rất kín đáo. Việc nhiều quan chức vừa hô hào chống tham nhũng, vừa công khai giàu có xa hoa một cách bất thường, ai cũng thấy nhưng không xử lý được vì đồng tiền tham nhũng được nguỵ trang khôn khéo. Làm sao để mỗi đồng tiền bất chính không còn được nguỵ trang, không có ai dám vừa hô hào chống tham nhũng vừa sống vương giả bằng tiền tham nhũng, thì niềm tin của xã hội mới được củng cố, tạo động lực cho công cuộc PCTN-TC.

Công cuộc PCTN-TC đang được toàng Đảng, toàn dân tiếp tục đẩy mạnh với tinh thần “không ngừng, không nghỉ”. Tại Hội nghị tổng kết công tác PCTN-TC giai đoạn 2013-2020 tổ chức cuối năm 2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đi đôi với tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng cũng được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm “không thể, không dám, không muốn, không cần” tham nhũng”. Đáng tiếc là đến nay, cơ chế ấy vẫn chưa được hoàn thiện ở mức đủ đáp ứng các yêu cầu của cuộc đấu tranh PCTN-TC.

Nguồn Văn nghệ số 35/2022


Có thể bạn quan tâm