April 19, 2024, 2:45 pm

Nóng và nguội


PHẠM ĐƯƠNG

Việc tân Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Đinh La Thăng, công khai số điện thoại riêng của mình đồng thời cung cấp số điện thoại cố định, được gọi là “đường dây nóng” để người dân TP Hồ Chí Minh phản ảnh những bức xúc của họ là việc không mới.

Trước đó, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố khác như Bí thư TP. Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Xuân Đông, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang) Phạm Văn Nghiệp… cũng đã công khai số điện thoại của mình trên các phương tiện truyền thông để người dân biết và phản ảnh những bức xúc của họ. Có khác chăng là, ngay sau khi thiết lập “đường dây nóng” ấy, các số điện thoại của Bí thư Đinh La Thăng lập tức… nghẽn mạng. Mỗi ngày có đến cả ngàn cuộc gọi của người dân, chứng tỏ những bức xúc của họ là có thật, sự gửi gắm và kỳ vọng của họ về người đứng đầu thành phố là có thật. Trước khi quyết định thiết lập “đường dây nóng” và công khai số điện thoại di động của mình, hẳn ông Đinh La Thăng cũng đã nghĩ đến việc mình phải đối mặt với hàng loạt những bức xúc của người dân mà người lãnh đạo cao nhất của TP Hồ Chí Minh như ông  phải “giải quyết nóng”, song chắc chắn ông không nghĩ mỗi ngày phải tiếp nhận trên một ngàn cuộc gọi như thế.

Với mức độ dày đặc cuộc gọi như vậy mà cuộc nào người gọi cũng mong được “giải quyết ngay” thì quả là điều không tưởng. Thực tế là, người đứng đầu thành phố cũng đã chỉ đạo xử lý một số vụ việc được gọi là “bức xúc” khiến người dân phần nào tin tưởng về sự “nóng” của “đường dây nóng”.

Tuy nhiên, không phải “đường dây nóng” nào mà các vị lãnh đạo ở các địa phương công khai trên các phương tiện truyền thông ấy cũng “nóng”. Trang thông tin điện tử soha.vn vừa có cuộc trắc nghiệm rất thú vị về các “đường dây nóng” này. Theo đó, sau khi nhắn tin phản ảnh những bức xúc vào số máy của các vị lãnh đạo nói trên, chỉ có ông Lê Viết Chữ, Bí thư Quảng Ngãi; ông Phạm Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc; ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Hà Giang là “trả lời ngay”, những vị còn lại, dù đã nhắn tin hai lần, trong hai ngày khác nhau, người nhắn chỉ nhận được sự im lặng. “Đường dây nóng” mà các vị ấy công khai để dân phản ảnh, giờ thành “đường dây nguội”. Lập “đường dây nóng” là để người đứng đầu địa phương ấy sâu sát dân hơn, thấu hiểu dân hơn chứ không phải để “làm màu”.

Cũng phải chia sẻ với những người đứng đầu các tỉnh, thành phố ấy là, không phải cuộc gọi nào của người dân đến “đường dây nóng” cũng mang tính đại diện cho cộng đồng. Đôi khi, các cuộc gọi chỉ mang tính sự vụ vụn vặt hoặc những vấn đề quá lớn, đòi hỏi phải có thời gian lâu dài mới xử lý được. Vì vậy, để các đường dây ấy khỏi nguội lạnh hoặc “nóng không đúng chỗ”, nên chăng người đứng đầu ở mỗi quận/ huyện, xã /phường cũng cần công khai các đường dây nóng của mình để xử lý sự việc trong quyền hạn cho phép. Có như vậy, “đường dây nóng” của người đứng đầu tỉnh/thành phố mới không bị quá tải. Các vụ việc “nóng” sẽ được xử lý “nóng”. Và như vậy, các “đường dây nóng” sẽ không bao giờ nguội lạnh như các trường hợp mà trang thông tin điện tử soha.vn đã dẫn trên đây.

Nguồn Văn nghệ số 10/2016


Có thể bạn quan tâm