April 25, 2024, 5:59 am

Nói trạng một “đặc sản” xứ Nghệ

Nói trạng hay chuyện trạng thực chất cũng như chuyện tiếu lâm, chuyện khôi hài mà mọi vùng miền trong nước hay trên thế giới đều có. Nhưng chuyện trạng (nói trạng) của người xứ Nghệ có nét đặc sắc hơn, nên vì thế chúng tôi tạm gọi là một đặc sản xứ Nghệ.

Thứ nhất, cùng là chuyện phịa (bịa đặt ra), nghĩa là không có thật trong thực tế nhưng chuyện khôi hài hay chuyện tiếu lâm nói chung khi kể ra người nghe nhận ngay ra là chuyện phịa, không tin là có thật và chỉ chấp nhận mục đích mua vui, hài hước mà thôi. Còn chuyện trạng khi kể xong người nghe không phân biệt được thực hư, phần đông nghĩ là có thực bởi các yếu tố trong chuyện trạng khá hợp lý, hợp tình đã thuyết phục người nghe tin là thực.

Xin được lấy chuyện trạng Con cá gỗ của ông đồ Nghệ làm minh chứng. Chuyện Con cá gỗ hẳn nhiên là chuyện phịa, các nghệ nhân dân gian đã sáng tạo ra để nói về đức tính tằn tiện của cụ đồ nho ngày trước; đồng thời cũng đề cao đức tính vượt khó vươn lên trong học hành, khoa cử của các nho sỹ xưa. Đã là nho sỹ, cụ đồ thì ai chẳng từ nghèo khó vươn lên. Đó là điểm rất hợp tình, hợp lý. Và đức tính tằn tiện, tiết kiệm cũng vốn là đức tính chung của mọi nhà nghèo nói chung, người Nghệ nói riêng. Từ những nét hợp tình hợp lý ấy khiến hầu hết người nghe chuyện trạng Con cá gỗ của cụ đồ Nghệ đều tin là chuyện có thật.

Đặc điểm thứ hai của chuyện trạng là thể hiện rất rõ đặc trưng tính cách người Nghệ, chẳng hạn như đặc tính nói thẳng, nói thật, kể chuyện một cách bộc trực không vòng vo xa xôi, không bóng bẩy hay nói vống lên, cường điệu hóa như trong các chuyện tiếu lâm thường thấy. Cũng là chuyện phịa, chuyện khôi hà mà lại được kể với thái độ nghiêm túc, với các tình tiết hợp lý, người nghe khi đã bật lên tiếng cười vẫn nghĩ là chuyện thật. Nói cách khác, yếu tố gây cười có tố chất trí tuệ, phịa mà như thật. Mặt khác, nếu thừa nhận đặc trưng tính cách của người Nghệ là tính cực đoan và bảo thủ thì trong chuyện trạng xứ Nghệ, chúng tôi nhận ra tính cực đoan rất rõ. Chẳng hạn trong chuyện Con cá gỗ, kể về ông đồ Nghệ tạc con cá bằng gỗ giống con cá nướng phơi khô, đến bữa ông giở cá ra để xin ít nước mắm ăn với cá nhưng thực ra do không có tiền mua thức ăn nữa nên dùng nước mắm ăn với cơm cho qua bữa. Cách đây mấy năm, người viết bài này từng đã nêu vấn đề chuyện “Con cá gỗ” có liên hệ từ sự tích cá chép vượt Vũ môn hóa rồng. Nhiều chứng cứ khẳng định rằng, các cụ đồ xưa ai đã từng đi học, đi thi (nghĩa là đến cửa Khổng sân trình) đều tôn thờ cá chép như vị thần cá, thể hiện ước mơ sẽ vượt thác Vũ môn hóa rồng. Thư viên Nghệ An hiện đang lưu giữ một số di tích Con cá gỗ được chạm khắc tinh xảo, trên thân con cá có chạm chữ Phúc, chữ Lộc… và rất nhiều đình, đền chùa, nhà thờ họ trên đất Nghệ cũng có bức chạm hoặc câu đối nói về hình tượng cá chép hóa rồng. Điều đó chứng tỏ hình tượng cá chép hóa rồng rất linh thiêng. Nhưng từ chuyện linh thiêng là có thật nói trên khi đi vào chuyện trạng đã kể lại rất đời thực, đó là thể hiện đặc tính cực đoan của người xứ Nghệ. Từ đặc tính này để khẳng định chuyện trạng là đặc sản của người xứ Nghệ; là di sản văn hóa quí giá cần được bảo tồn. Chúng tôi nhận thấy hiện nay hầu như chưa có công trình khảo cứu nào về chuyện trạng (hay nói trạng) của xứ Nghệ bao quát hết đặc điểm, giá trị của loại hình văn hóa dân gian độc đáo này. Bước đầu chúng tôi nêu lên một vài đặc điểm của chuyện trạng xứ Nghệ xem như những gợi mở ban đầu. Và thật bất ngờ, chúng tôi nhận thấy chuyện trạng không chỉ trong loại thể chuyện kể dân gian như chuyện Con cá gỗ kể trên mà còn thể hiện cả trong thơ ca dân gian (ca dao, hò vè…) nữa. Xin được lấy một vài câu ca dao sưu tầm được ở vùng Quỳnh Lưu, Diễn Châu… làm dẫn chứng. Vùng Bãi ngang ven biển Quỳnh Lưu có câu ca dao sau đây chứa đựng cả chuyện trạng: “Trăng lên đỉnh núi Mu Rùa/ Cho anh đ. chịu đến mùa trả khoai”. Vế trên nhắc đến địa danh núi Mu Rùa, tên tục gọi là Hòn Ói, tên chữ gọi là Quy Lĩnh, nơi có đền Quy Lĩnh linh thiêng, cũng là nơi phát tích của tục chạy Ói trong Lễ hội Đền Cờn đứng đầu về linh thiêng nhất trong 4 ngôi đền lớn xứ Nghệ (nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng). Còn vế sau lại rất trần tục, rất đời thường thể hiện tính cực đoan trong tính cách người xứ Nghệ. Vế sau rõ ràng ẩn chứa một chuyện trạng, là chuyện phịa để gây cười nhưng tình tiết đưa ra lại rất hợp lý, hợp tình (cho chịu chờ đến mùa trả khoai). Bên cạnh tính cực đoan giữa vế trên, vế dưới (giữa sự linh thiêng, nghiêm cẩn với sự trần tục, đời thường) và sự đối lập cực đoan này cũng là yếu tố hài hước gây cười. Ở vế sau còn thể hiện rõ đặc trưng tính cách người Nghệ là nói rất thẳng thắn, bộc trực (cả liều lĩnh nữa). Và ở đây tính cách người xứ Nghệ càng thể hiện rõ, người con trai thì thẳng thắn, chân thật và liễu lĩnh bao nhiêu thì người con gái lại cả nể, cả tin bấy nhiêu (người ta hẹn đến mùa trả khoai mà cũng tin, cũng xiêu lòng). Có phải xuất phát từ sự cả tin, cả nể này không mà Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương – một nữ sỹ quê hương Quỳnh Lưu đã có những câu thơ: “Cả nể cho nên sự dở dang/ Nỗi niềm chàng có thấu chăng chàng/ Duyên thiên chưa chắp nhô đầu dọc/ Phận liễu sao đà nẩy nét ngang” (Không chồng mà chửa). Cũng như thơ của Bà chúa thơ Nôm, chuyện trạng xứ Nghệ phần lớn cũng có yếu tố tục và dâm trong đó. Chúng tôi trong bài viết này không có điều kiện bàn sâu về vấn đề này, bởi điều này lâu nay đã có nhiều người đã bàn sâu. Nhưng chúng tôi cho rằng, yếu tố được cho là tục và dâm trong chuyện trạng xứ Nghệ là cũng thể hiện rõ đặc trưng tính cách người Nghệ, nghĩa là đặc tính nói thẳng, bộc trực và đây cũng là yếu tố để gây cười (cốt lõi của chuyện trạng).

Tuy chưa có điều kiện khảo sát đầy đủ, có hệ thống về chuyện trạng (nói trạng) của xứ Nghệ, nhưng chúng tôi nhận định rằng phần lớn chuyện trạng (cả thơ ca dân gian có yếu tố nói trạng) của xứ Nghệ đều có yếu tố tục và dâm. Số chuyện trạng có tính nghiêm túc như chuyện “Con cá gỗ” là chiếm phần ít hơn. Nhân đây cũng nói thêm rằng, ngoài chuyện trạng Con cá gỗ, ở xứ Nghệ còn có chuyện trạng khác cũng lấy mô típ này, nghĩa là cũng khôi hài về tính tằn tiện, tính sỉ diện và vượt khó của các cụ đồ nho. Xin kể chuyện trạng Cụ ăn bánh đỗ làm dẫn chứng. Chuyện kể một cụ đồ nho trên đường đi học (đi thi) đói quá vào quán hàng, trong quán có bán cơm, khoai lang luộc, bánh đỗ và nhiều đồ ăn uống khác nhưng vì ít tiền và để tiết kiệm, cụ chọn mua một đĩa khoai luộc ăn lót dạ, cụ bóc vỏ khoai ăn xong rồi vẫn thấy đói, cụ lấy đám vỏ khoai bóc ra lúc nãy vo tròn lại rồi bỏ vào miệng nhai ngon lành, đúng lúc cô hàng ra để tính tiền hỏi cụ ăn gì vậy? Với bản tính sĩ diện của ông đồ, cụ bảo đang ăn bánh đỗ, thế là bị tính thêm tiền bánh đỗ.

Để minh chứng cho điều tục và dâm trong chuyện trạng xứ Nghệ, xin được dẫn thêm một chuyện trạng ẩn chứa trong thơ ca dân gian xứ Nghệ, đó là câu ca: “Chồng chết mới được ba ngày/ Mồng đóc đã dựng như chày đâm vưng”. Chày đâm vưng (tiếng địa phương có nghĩa là chày giã vừng) để nói rằng câu ca này là của xứ Nghệ. Cũng như trường hợp đã dẫn trước, câu này cũng thể hiện rõ tính cực đoan của người Nghệ. Vế trên rất nghiêm túc, tỏ sự chia sẻ cảm thông với hoàn cảnh mất mát đau buồn (chồng chết mới được ba ngày) nhưng vế sau là một cách nói trạng, gây một tiếng cười nhưng thật oái ăm là cười trên sự mất mát, đau khổ của người góa phụ ấy. Ở đây chúng tôi nhận thấy người nghệ sỹ bình dân sáng tạo ra câu ca có vế nói trạng này thật hóm hỉnh và thâm thúy. Rõ ràng qua câu ca ta hình dung người góa phụ ở đây là còn trẻ và người chồng chết trẻ, người góa phụ bên cạnh sự mất mát người chồng còn phải chống chọi với sự khao khát dục tình của tuổi xuân thì. Vậy mà hầu hết những người góa phụ ấy đều chọn con đường ở vậy thờ chồng nuôi con, ngày đêm kìm nén ngọn lửa chính trong bản thân mình, nghĩa là họ thêm một lần mất mát hy sinh, họ thật là những người phụ nữ vĩ đại giữa đời thường. Phía sau nụ cười thâm trầm của chuyện trạng là những thông điệp hết sức sâu sắc, nghiêm nghị và chí nghĩa chí tình. Như đã nói ở trên, trong thơ của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương cũng như chuyện trạng xứ Nghệ có chung một đặc điểm tạm gọi là tục và dâm; cả hai đều sống mãi với thời gian, với cộng đồng. Điều chắc chắn là chuyện trạng xứ Nghệ nói riêng, văn học dân gian nói chung là có trước từ xưa đến nay, lẽ dĩ nhiên Bà chúa thơ Nôm chịu ảnh hưởng nhiều của kho tàng văn hóa dân gian này. Hay nói một cách khác, văn hóa dân gian xứ Nghệ nói chung, chuyện trạng xứ Nghệ đã ảnh hưởng trực tiếp và là nguồn quan trọng góp phần lớn vào việc hình thành nên đặc điểm, phong cách thơ của Hồ Xuân Hương. Tuy mới là suy nghĩ ban đầu, song chúng tôi vẫn cho rằng, nếu trong các công trình nghiên cứu về thơ Hồ Xuân Hương thiếu đi yếu tố ảnh hưởng từ chuyện trạng xứ Nghệ là thiếu tính toàn diện, khách quan và khoa học.

Cũng như văn hóa dân gian xứ Nghệ nói chung, chuyện trạng xứ Nghệ thể hiện rất rõ đặc trưng tính cách người xứ Nghệ, là thể hiện cốt cách, bản lĩnh của người nơi đây nhằm “phản kháng lại” thực tại đầy cam go, khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên và lịch sử - xã hội vùng đất này. Điều này cũng tương đồng với phẩm chất thơ Hồ Xuân Hương, ấy là tiếng nói của người phụ nữ dù bị đẩy dưới đáy xã hội cũ vẫn vang lên tiếng nói phản kháng mạnh mẽ về sự bất công, bất bình đẳng của người phụ nữ, đến lượt sự “phản kháng” mạnh mẽ này cũng là đặc trưng tính cách người xứ Nghệ trong thơ Bà chúa thơ Nôm vậy. Do thời lượng có hạn, mong sẽ có dịp được bàn sâu thêm về vấn đề này. Chẳng hạn cũng như tính cách người Nghệ, chuyện trạng (hay nói trạng) của người Nghệ có mặt dở (hay thiếu tích cực) hay không? Xin nói ngay rằng, chắc chắn là có (đó là tính hai mặt của một vấn đề), chỉ riêng xuất phát từ tính cực đoan trong tính cách người Nghệ (và cả trong chuyện trạng) đã có mặt dở, mặt hạn chế của nó. Có ý kiến cho rằng, do có truyền thống nói trạng mà người Nghệ có thể đưa một vấn đề lớn, nghiêm túc thành chuyện trạng (hoặc tầm phào, hài hước, bông đùa). Chuyện thật như giả, như đùa… và ngược lại. Nhưng đó là cả một vấn đề lớn xin dành một dịp khác.

Nguồn Văn nghệ số 14/2021


Có thể bạn quan tâm