April 20, 2024, 9:11 pm

Nơi nỗi đau thành huyền thoại

Tôi gọi hang Hỏa tiễn ở xã Quỳnh Thiện, Thị xã Hoàng Mai, Nghệ An, cách đường Quốc lộ gần 1 km là Hang khăn trắng. Bởi trong Hang này, thuộc dãy núi đá vôi sừng sững địa đầu xứ Nghệ đã có 33 Thanh niên xung phong tuổi còn rất trẻ, chưa có gia đình đã ngã xuống nơi đây vì Tổ quốc! Máu và thân thể của họ đã hòa lẫn vào đất, đá ở núi rừng, biến đổi tên Hang đá thành huyền thoại theo nỗi đau cùng thời gian!

Họ là quân số TNXP của Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam chi viện cho ngành GTVT với chủ trương khai thác triệt để thế mạnh của tuyến vận tải đường sắt trong điều kiện địch đánh phá ác liệt, sự kiện Vịnh Bắc Bộ (5/8/1964) hòng cắt đứt các tuyến giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngày 27/4/1965, Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập đơn vị C271 đội 27, gồm 150 đồng chí, chuyển giao cho Tổng cục Đường sắt, đáp ứng nhu cầu bảo vệ tuyến đường sắt huyết mạch và sản xuất nguyên liệu đá đáp ứng kịp thời cho công tác đảm bảo giao thông khu vực Thanh Hóa - Vinh, trong đó tập trung tăng cường cho mặt trận Hoàng Mai ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đơn vị C217 được chia thành nhiều tổ, đội, mỗi tổ đội đảm nhiệm một nhiệm vụ khác nhau: nạo vét kênh nhà Lê; bốc dỡ hàng hóa tại ga Hoàng Mai; bảo vệ an toàn đường sắt, đường bộ từ khe Nước Lạnh vào cầu Hoàng Mai… 

 

Hang Hỏa Tiễn và bia tưởng niệm các liệt sỹ TNXP

Tổ 4 có 36 cán bộ và chiến sĩ, gồm 22 nữ, 14 nam, với nhiệm vụ khai thác đá để kịp thời khắc phục các sự cố trên tuyến đường sắt khi bom Mỹ đánh phá. Họ là những thanh niên đang ở độ tuổi mười tám đôi mươi, xuất thân từ vùng quê nghèo ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở ra phía Bắc! Họ tình nguyện nhập ngũ, đối mặt với bom mìn, bảo vệ mặt đường đầy gian khổ, con người đầy đủ bản lĩnh, gan góc, lam lũ, chịu thương, chịu khó và thủy chung như người Nghệ quê tôi. Nơi trú ấn, sinh hoạt của tổ 4 gói gọn ở hang, khi chưa có người đến, khỉ ở từng đàn nên gọi là Hang Khỉ. Gọi là hang, chứ thực chất chỉ là một khoảng trống ngắn, hẹp tự nhiên được hình thành trong khối dãy núi đá vôi do sự bào mòn hóa học. Trong chiến tranh, ta tận dụng thành nơi trú ẩn tạm thời cho các chiến sỹ chống trả quân thù. Hang ngắn, chật hẹp, tối, ẩm ướt, nước ri rỉ chảy ra từ khe đá, không khí ban ngày ầm ĩ vì bom đạn, nhưng buổi tối lại lành lạnh âm u. Các TNXP sống lâu thành quen với từng đàn khỉ hái hoa quả thiên nhiên mang vcùng sinh sống hòa thuận vui vẻ. Hang trú ẩn dần dà gọi là Hang Tổ 4. Hang chia thành hai lối, một bên nam, một bên nữ! Mọi sinh hoạt riêng biệt, thiếu thốn vất vả đủ điều! Việc làm của các anh chị hàng ngày ra mặt đường đọ sức, đối mặt với bom đạn quyết tâm giữ đường vô cùng ác liệt, đã có các câu khẩu hiệu nổi tiếng: “Đường chưa thông không tiếc máu xương”. “Địch phá đường ta đắp, ta lại đi”,

Ngày ấy, hình ảnh các TNXP bảo vệ con đường đã nổi lên như một tấm gương: tình cảm với quê hương, tinh thần kiên quyết bám trụ địa bànđến cùng. Nhân cách của họ, tên tuổi của họ, ánh sáng của họ, sau chiến tranh có thể một lúc nào đó có đám mây đen vô tình lướt qua trong chốc lát khiến hình ảnh có thể mờ đi. Nhưng còn trời, còn đất, còn bao nhiêu nhân chứng của chiến tranh đang sống: “Trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”

Tên Hang Tổ 4 lại được đổi thành tên Hang Hỏa tiễn vào sáng ngày 28/4/1966 khi giặc Mỹ nhào tới bắn Rocket trở thành lịch sử. Chín giờ sáng hôm ấy, các đội viên TNXP đang làm ở hiện trường, nghe báo động, chạy về hang trú ẩn thì máy bay đã ném bom làm rung chuyển cả khu vực đá vôi. Bụi đá vôi tung lên như khói, cây gãy, đá lở lăn ào ạt. Và nữa, ngoài ném bom, máy bay còn bắn đạn rocket, trúng ngay miệng hang. Cửa hang tổ 4 bị đánh sập hoàn toàn, tảng đá lớn sập xuống che kín, bịt hẳn lối vào hang. Chiều tối hôm đó, bọn Mỹ ngừng ném bom, các đồng đội TNXP, bộ đội, các công nhân khai thác đá, tập trung về cửa hang dùng các phương tiện có được, như: cuốc, xẻng, xà beng khẩn trương tìm kiếm, đào bới lật đá quyết tâm tìm kiếm với hy vọng đồng đội còn sống sót. Và đã đưa ra ngoài được 6 chiến sĩ. Trong lúc đồng đội đang n lực tìm kiếm bạn bè thì bọn Mỹ lại kéo đến ném bom lần nữa. Việc đào bới bị ngừng trễ. Mãi đến sáng hôm sau, một phần cửa hang được khai thông. Anh em tìm kiếm không tin vào mắt mình nữa, rụng rời chân tay, chết lặng người khi thấy 33 thân thể bạn bè không còn ai nguyên vẹn, nằm ngổn ngang lẫn lộn với đất, đá và máu. Các chiến sỹ ra đi tuổi đời còn non trẻ, bầm dập tả tơi hoang tàn giữa bom đạn….

Lại nói về cái buổi các đồng đội đã khai thông cửa hang, tìm thấy thân thể các chiến sỹ đã tắt thở được đưa ra ngoài khâm liệm chờ sáng hôm sau làm lễ truy điệu, và an táng ở các sườn đồi cách cửa hang không xa. Nhưng thật lạ lùng, trong 33 chiếc quan tài các liệt sỹ đang chìm trong nước mắt của đồng đội, bỗng có tiếng người yếu ớt vọng ra từ quan tài của chị Đặng Thị Toán. Hóa ra chị Toán đã tỉnh lại lúc trời có cơn mưa đột ngột! Đồng đội mừng vô kể với điều kỳ diệu đã xẩy ra, vội vàng đưa chị Toán về lán và hôm sau chuyển ra Hà Nội điều trị!... Vậy là ngay trước Hang Hỏa tiễn, trên các sườn đồi không xa có 32 nấm mồ rải rác của các TNXP đã hy sinh. Bốn tháng nữa, liệt sỹ Trần Thị Loan mất tại bệnh viện vì bệnh quá nặng. Tổng số TNXP đã hy sinh ở Hang Hỏa tiễn là 33 người. 32 liệt sỹ thờ cúng tại Nghĩa trang Đường sắt. Còn liệt sỹ Trần Thị Loan gia đình an táng và thờ cúng tại quê nhà! 

*

Tôi là thế hệ sau, qua báo chí, nghe những nhân chứng của lịch sử còn sống trên địa bàn kể lại, mà rưng rưng, không kiềm được nước mắt. Ai quên được buổi sáng khủng khiếp ngày 28/4/1966! Ngày đó trở thành giỗ chung của 33 liệt sỹ hy sinh tại Hang Hỏa tiễn! 

52 năm trôi đi, tính cho đến ngày hôm nay, nhưng nhiều chuyện bộn bề do chiến tranh để lại vẫn còn âm hưởng… Trên con đường đến hang Hỏa tiễn và Nghĩa trang Đường sắt rẽ từ Quốc lộ 1, đi qua Công ty mỏ đá Hoàng Mai gần một cây số, đường khô, hẹp, ngập trong bụi cát mù mịt như thời nguyên thủy, ngoằn nghoèo như sợi chỉ, mặt đường tạm bợ bị xe tải chở đá đi lại băm nát. Bên đường, các loại cỏ mọc tốt tươi, cây của rừng gỗ tạp lấn ra đường; tôi như đi ngược về quá khứ, ngược về nơi âm hồn của các TNXP đã hy sinh để thông tuyến đường cho xe chở hàng hóa, và các đoàn quân vào Nam đánh Mỹ. Con đường nhỏ không xa, nhưng tôicảm giác như mình đang đi thăm thẳm heo hút trong tâm tưởng, mong đợi sốt ruột nôn nóng muốn biết về sự thật vì sao lại có thái độ, ứng xử với các TNXP đã hy sinh như vậy? Chiến tranh đã lùi xa, chớp mắt của một đời người, 32 liệt sỹ nằm trong các nấm mồ lúp xúp ở các sườn đồi xung quanh Hang Hỏa tiễn vẫn chưa được yên ổn, bình yên, thanh thản! Linh hồn của họ, hàng chục năm trời phảng phất ở các sườn đồi, mà nhân dân gọi là bãi tha ma! Ai nghe mà không trào nước mắt!

Chuyện kể lại rằng, qua mưa gió và thời gian đã xói mòn các nấm mồ, hở cả quan tài và hài cốt của các liệt sỹ trôi ra ngoài theo mưa. Thực hư ra sao? Thì cũng chỉ nghe, tôi không nhìn thấy! Nhưng gắn những thông tin đó với thời gian, qua thực tế, các nấm mồ nhỏ bé phơi mưa gió bão bùng quá lâu dễ bị xói mòn, lở lói, và có thể xẩy ra mọi chuyện như lời đồn đại lắm chứ?

Lại nghe người già sống trên địa bàn gần trận địa kể: Những đêm thanh vắng, trăng sáng vẫn còn nghe tiếng TNXP văng vẳng í ới gọi nhau đi họp, tiếng hát trong veo

 

Nghĩa trang Đường sắt

*

Năm 2001, vào dịp 35 năm diễn ra sự kiện đau thương nói trên, hài cốt của 32 liệt sỹ từ trong các nấm mồ mới được Xí nghiệp mỏ đá Hoàng Mai quy hoạch, và xây dựng thành Nghĩa trang liệt sỹ Đường sắt đơn sơ. Hang đá Hỏa tiễn được tôn tạo lại, xây bia tưởng niệm trước cửa. Hai năm sau, năm 2003, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội mới công nhận 33 TNXP Tổ 4, C217 là liệt sỹ và cấp bằng Tổ quốc ghi công… Nhưng phải đến năm 2011, nghĩa là sau 45 năm, Bộ Văn hóa-Thể Thao và Du lịch mới có Quyết định công nhận Hang Hỏa Tiễn và Nghĩa trang liệt sĩ Đường sắt là Di tích lịch sử Quốc gia. Thế nhưng từ đó đến nay quang cảnh nơi an nghỉ của 33 liệt sỹ TNXP vẫn lạnh lùng hiu hắt… 

Cách Hang Hỏa tiễn mấy chục cây số là Truông Bồn, ngã ba Đồng Lộc, nơi đó có hàng chục TNXP đã ngã xuống, và họ đã được tôn vinh, không như 33 liệt sĩ ở Hang Hỏa tiễn. Tổ quốc đã ghi nhận công lao cho họ, chính tại nơi ấy người ta đã cho xây dựng một khu tưởng niệm hoành tráng, chăm sóc Di tích lịch sử với các ngôi mộ xếp hàng thẳng tắp, trang nghiêm. Còn ở đây, dường như chẳng ai nhớ đến mảnh đất nơi địa đầu Xứ Nghệ này hơn nửa thế kỷ trước từng có một lớp thanh niên tuổi đời còn rất trẻ đã ngã xuống vì Tổ quốc

 

Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cùng lãnh đạo Thị xã Hoàng Mai thắp hương tri ân các liệt sỹ tại hang Hỏa Tiễn ngày 27/7/2018

*

Sáng ngày 4 tháng 8 năm 2018, thứ 7, tôi vào Hang Hỏa tiễn có ông Võ Văn Dũng- Bí thư thị ủy Hoàng Mai; ông Nguyễn Hoàng nguyên là giám đốc mỏ đá Hoàng Mai, người đã quy hoạch xây dựng Nghĩa trang tập kết 32 liệt sỹ về một nơi năm 2001; ông Đậu Ngọc Kim là cựu chiến binh quản trang của Nghĩa trang Đường sắt; và một số cán bộ của Thị ủy, bạn bè, công nhân cùng đi thắp hương cho các liệt sỹ. Ông Nguyễn Hoàng trầm ngâm: Trong chiến tranh, bộn bề bao việc, bao vấn đề đã xẩy ra, có ai tính toán chế độ gì khi đi đánh giặc, chỉ biết gìn giữ bảo vệ Tổ quốc là hàng đầu. Ngày ấy, các TNXP được Trung ương đoàn tăng cường, chi viện cho ngành Giao thông vận tải, các anh chị nhận nhiệm vụ là đi với tinh thần vì Tổ quốc thân yêu! Và họ đã hy sinh. Chiến tranh kết thúc, có một số ý kiến đánh giá, quan điểm nhìn nhận chưa đúng bản chất sự việc xy ra ở Hang Hỏa tiễn, coi 33 TNXP hy sinh ở hang không phải là... chiến trường, trong tay không cầm vũ khí! Nên mãi 37 năm sau các TNXP hy sinh ở Hang mới được cấp bằng Tổ quốc ghi công!

Ông Võ Văn Dũng chia sẻ nỗi lòng về những điều đang trăn trở: Chiến tranh kết thúc lâu rồi, mọi việc đã qua, phải nhìn lại vấn đề cho thấu đáo! Làm sao cho các liệt sỹ không bị thiệt thòi, cách ứng xử với sự hy sinh của các anh chị phải ở tầm cao hơn bây giờThị xã Hoàng Mai tách riêng ra từ huyện Quỳnh Lưu năm 2013, bộn bề gian khó, vạn sự khởi đầu nan, nhiều việc phải làm bắt đầu từ số 0. Khi bắt tay vào quy hoạch đô thị, chúng tôi cũng đã nghĩ nhiều nơi đây sẽ xây dựng thành một di tích lịch sử, văn hoá tâm linh, một địa chỉ nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau, một điểm nhấn văn hoá, du lịch nơi địa đầu xứ nghệ với quy mô hơn 80 ha. Thị xã còn non trẻ, việc hiện thực hoá quy hoạch với nguyện vọng của nhân dân là một thách thức không đơn giản. Mong rắng sẽ sớm hiện thực khát khao này. 

Nghe Bí thư Thị xã Hoàng Mai nói vậy, biết hướng của Thị xã về sau sẽ như vậy, thấy nhẹ lòng hơn! Nhưng tất cả việc làm cũng đang ở phía trước. Hy vọng quy hoạch Đô thị sẽ sớm thành hiện thực, để Di tích Hang Hỏa tiễn không còn hiu hắt trong nỗi buồn của quá khứ như những năm tháng vừa qua!

                                                                        

 

 

 

Có thể bạn quan tâm