April 25, 2024, 12:22 pm

Nỗi niềm chân quê*

Nguyễn Thế Tường vừa làm báo vừa viết văn. Ông tham gia nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện ký, bút ký phóng sự… Ở mảng nào, ông cũng có những đóng góp nhất định. Tập tản văn Và, gió heo may… là cuộc thử sức mới của Nguyễn Thế Tường.

Sinh ra và lớn lên ở Lệ Thuỷ - một vùng quê sông nước hữu tình, địa linh, giàu nhân kiệt. Năm tháng tuổi thơ nơi đây liên tục làm nóng những trang tản văn của Nguyễn Thế Tường. Sau này, kể cả lúc ông đi học ở Hà Nội, lúc tham gia chiến trường, lúc an trú ở thành phố biển,… hương vị quê hương vẫn ấm nồng, thổn thức. Cái dân dã mà nằng nặng, cái chân chất mà tinh tế của đất và người Lệ Thuỷ cứ thế lan toả, neo đậu vào câu chữ. Từ những cảm giác “rét mướt” khi mùa đông về, vũ khúc của mùa xuân, của giêng hai, hiệu ứng của gió Lào, thanh âm của mùa hạ,… đến những hình ảnh thân quen như bến sông quê, cây mưng, cây cừa hai bên bờ sông,…; những sinh hoạt bình dị của người dân quê như chăn trâu, gặt lúa, tát/ bắt cá,… thức quà, trò chơi ấu thơ như kẹo l.chó, đánh bi,…; những nét đẹp truyền thống như gói bánh ngày tết, hát hò khoan, hội bơi thuyền mừng tết độc lập,…; được Nguyễn Thế Tường tô đậm bằng nỗi niềm rưng rức, bằng giọng điệu “rặt” miền Trung nhưng vẫn đảm bảo chất triết luận và chất thơ cho tản văn. Nói về thức quà kẹo l. chó, ông thưởng thức với tất cả tâm hồn của một kẻ nhớ quê da diết, ấm áp tình người, thưởng thức với tấm lòng trân trọng, nâng niu giá trị truyền thống. Thức quà dân dã, phồn thực từ cái tên gọi này chứng thực đặc trưng văn hoá ẩm thực của chợ Thùi. Bao nhiêu năm rời xa, lưu lạc, thức quà ấu thơ là điểm tựa đưa nhà văn trở về với cố hương - một nguồn suối yêu thương không khi nào vơi cạn. Những sôi nổi, nhộn nhịp trong ngày hội đua thuyền, những sâu lắng, diết da và dung dị của giai điệu hò khoan đêm trăng trên quê hương Đại tướng được nhà văn tự sự với tất cả lòng tự hào, như muốn cùng người đọc hướng về cội nguồn của dân tộc. Nhiều làng quê Việt tổ chức đua thuyền, nhưng không phải nơi nào cũng có không khí sôi nổi, hừng hực, khí thế như sông nước Lệ Thuỷ.

Nguyễn Thế Tường đi nhiều và viết nhiều. Nơi nào ông đến, đều ghi dấu với tấm lòng trìu mến, thiết tha. Ngoài chốn sinh thành, Đồng Hới, Tuyên Hoá, Đà Lạt, Huế, xứ Thanh,… cũng khơi gợi nhiều trở trăn, nét đẹp riêng khác. Đồng Hới phổng phao nhưng vẫn còn một góc quê kiểng, đủ để những bông hoa Zành zành mỏng manh bung nở sắc trắng muốt. Ở huyện Tuyên Hoá, vẫn còn một làng Thạch Hoá yên bình, đẹp đẽ như cổ tích. Huế vẫn “thương” với những phương ngữ chính hiệu. Di tích văn hoá xứ Thanh vẫn lắng sâu trong những kỉ niệm mênh mang ngày hè, trong những câu hò vời vợi. Những kỉ niệm đơn giản thế thôi nhưng “khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn”. Quyến luyến và thăm thẳm nỗi niềm.

Song hành cùng những trang văn viết về văn hoá Lệ Thuỷ, là chân dung một số nhân vật lịch sử, văn nghệ sĩ và những con người đời thường dung dị. Họ là nhân chứng gắn liền với các vết dấu văn hoá. Để thấy những thăng trầm của lịch sử và giá trị vĩnh cửu của cụ Mưng ven bờ sông Kiến Giang, Nguyễn Thế Tường nhắc lại những cuộc mở cõi về phía Nam, tạo ao, tạo mương, tạo hói của vua Lê Đại Hành (931), Lý Thường Kiệt (1969, 1975), Trần Nhân Tông (1301, 1306), Hồ Hán Thương (1402), Lê Thánh Tông (1471), Nguyễn Hoàng (1558)... Thông qua cuộc đối thoại giữa nhân vật tôi và con sông Kiến Giang, chúng ta thêm phần tự hào về vùng đất “Mâu sơn vi bút - Hạc Hải vi nghiên - Trường Sa vi bản” - quê hương của tiến sĩ triều Mạc Dương Văn An, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Gs.Ts Võ Hồng Anh, quê hương của nhiều nhà thơ, nhà văn nổi tiếng… Và khung cảnh chiều chiều, các mẹ, các chị, các em ra sông giặt giũ, tắm táp, tập bơi... vẽ nên bức tranh thanh bình, tươi vui biết bao! Cuộc sống cận kề sông nước, ruộng nương, chợ búa ấy tuy có nét hao hao với một số làng quê khác, nhưng dễ gì có được cái tình đượm nồng, thao thiết mà Nguyễn Thế Tường gửi gắm vào trong đó. Đặc biệt, tấm lòng yêu thương vô bờ bến và sự hi sinh thầm lặng của Mạ (mẹ) được nhà văn khắc họa lặp đi lặp lại nhiều lần: chuyện mạ gói bánh chưng, bánh tét ngày tết, đi chợ bán đậu ván, giặt áo quần bên bến sông, ra đầu ngõ ngóng con về, đưa con vào lớp một... hay chi tiết nhà văn dỗi hờn, làm nũng, ngóng Mạ đi chợ về, đòi kẹo... là thước phim đẹp nhất, bình dị nhất, chân chất nhất về tình mẫu tử, mà trong cuộc đời, không dễ gì chúng ta có được và không bao giờ lặp lại lần thứ hai. Hình ảnh người con gái thuở mười sáu, khuôn mặt trái xoan, ngồi bên khung dệt, cùng với lời hẹn ước trên bến sông cũng là nguồn cảm hứng đẹp tươi mãi trong trái tim người lính Nguyễn Thế Tường. Bóng hình em - người con gái bên kia sông xuất hiện lúc đậm lúc nhạt, dẫu không phải là nhân vật trung tâm trong các tản văn của Nguyễn Thế Tường, nhưng là trung tâm cảm xúc, tác động lên những cơn địa chấn lòng của tác giả. Từ mạch tình với em (người con gái), nhà văn dẫn dắt người đọc quay về ngày tháng non tơ, quê hương mặn mà và đúc rút cho mình những nghiệm suy về cuộc đời, mối quan hệ giữa người với người. Mặt khác, hình tượng người con gái còn khẳng định, vĩnh cửu tình yêu nguồn cội của nhà văn.

Lồng kiến thức lịch sử vào các địa danh, thông qua đó, Nguyễn Thế Tường ký thác, gửi gắm những u hoài của mình trước những giá trị cổ xưa đã một đi không trở lại. Đặt Chợ Thùi dưới góc nhìn lịch sử, Nguyễn Thế Tường vừa làm sống lại không gian văn hoá thuở nào, vừa cho thấy những biến thiên dữ dội của lịch sử, vừa cảm nhận những hụt hẫng, nuối tiếc hôm nay của ông. Ông còn khám phá, tiếp cận địa danh thông qua những cứ liệu lịch sử của chính các nhân vật lịch sử. Nói đến phá Hạc Hải, ông mượn lời nhà nho yêu nước Dương Văn An trong Ô Châu cận lục, lời nhà bác học Lê Quý Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục mà xác thực vẻ đẹp và tầm quan trọng của nó. Đặc biệt, những khái lược, tập hợp về các nhân vật, sự kiện lịch sử đã bổ sung những kiến thức lịch sử căn bản về vùng đất linh thiêng cho người đọc.

Như thế, những dấu ấn văn hoá trong tản văn của Nguyễn Thế Tường bồi đắp kiến thức về lịch sử, năng lượng sống và vẻ đẹp tâm hồn cho con người. Học cách trân quý cội nguồn cũng chính là động lực để trân quý con người, cuộc sống và thiên nhiên. Bài học vỡ lòng cùng thầy giáo già ở đình làng, thu gom quần áo cũ chia sẻ với người nghèo, thổn thức trước mớ rau tạp tàng của Mệ, nâng niu “vũ điệu giêng hai” của bầu,… trong tản văn Và, gió heo may... giúp con người sống nhẹ nhàng, hài hoà và nhân hậu hơn. Đó cũng là sự nhắc nhở khéo léo của ông, cần có một ứng xử văn minh, nhân đạo trước mọi mối quan hệ, sống dung hoà với thiên nhiên và sự chung tay gìn giữ, bảo tồn nét đẹp truyền thống.

Là một người lính lái xe tăng cấp I, từng kinh qua chiến trường đẫm “máu và hoa” ở Quảng Trị, những con chữ của Nguyễn Thế Tường hẳn nhiên thấm đẫm không gian, kí ức của chiến tranh. Trong đó, nổi bật là kiểu kết cấu đối lập, tương phản giữa xưa và nay, chiến tranh và hoà bình, sống và chết, còn và mất, sâu đậm và nhạt phai… Sợi dây nối giữa các kết cấu ấy là tình yêu, nỗi nhớ và lòng hoài cảm của tác giả. Quá khứ của những năm tháng đau thương, mất mát ám ảnh từ những cảm nhận đổi mùa, những sắc màu, dáng vẻ bình dị của các loại hoa, loại quả, tiếng chim gọi hè, luỹ tre già, cho đến cái bến bên sông, ngôi nhà của người thầy dạy sử… đã thiết kế nên cấu trúc buồn miên man, dai dẳng trong tản văn của Nguyễn Thế Tường. Soi vào cấu trúc này, chúng ta thấy những biến đổi “đau lòng” của các giá trị văn hoá truyền thống trước sự xâm nhập của đời sống đô thị, hiện đại. Cụ Mưng hàng trăm năm tuổi bị bứng về cho một đại gia nào đó. Chợ Thùi nay chỉ còn lại cái tên đắp nổi trên một bức tường kiên cố. Phá Hạc Hải bao la, lộng gió, lẫn khuất nơi nao? Phà Long Đại một thời bom đạn, nay đâu? “Cảm nhớ quê hương từ da thịt”, nên Nguyễn Thế Tường như đau thêm lần nữa. Mà sự đời càng đau càng mạnh mẽ. Ông phục chế các giá trị xưa qua hồi ức trẻ thơ, hồi ức binh nhì, kiếm tìm những cảm giác thân quen, “thật đẹp, thật mát”, “ngòn ngọt”, “thanh thanh”. Do vậy, tản văn của ông luôn phối hợp nhịp nhàng giữa các điểm nhìn, giữa các không gian và thời gian. Đi để trở về. Trở về để tiếp tục đi. Những câu văn đồng vọng, dư âm nuối tiếc cứ chậm rải, ngân nga, vẫn mãi thanh xuân với sông nước gió Lào.

Tư duy triết lí sâu sắc về con người và cuộc đời xâu chuỗi, vận hành qua những va đập giữa quá khứ - hiện tại, truyền thống - hiện đại, cũ - mới... Những vấn đề riêng tư như kỉ niệm với hoa Zành zành, Giêng giếng, Thạch Thảo, lời hẹn bên bến sông... cho đến những vấn đề mang tính tập thể, cộng đồng như chuyện lính, làm từ thiện, euro cup, lễ hội đua thuyền, hò khoan... dưới ngòi bút của Nguyễn Thế Tường, đều được kiến giải hết sức thấu đáo. Nguyễn Thế Tường đưa tấm lòng, nỗi niềm của người lính ra mà tỏ bày, đưa cái tình vô bờ bến với quê nhà ra mà thổ lộ, nên, những đúc rút, suy tư trong tản văn luôn gần gụi, đau đáu và nhức nhối. Thời gian vùn vụt trôi. Quá khứ ngày một lùi xa. Nhưng đôi khi, với Nguyễn Thế Tường, chỉ một chút tinh khiết của loài hoa bé nhỏ cũng đủ làm chúng ta bùi ngùi, xuyến xao về những tháng ngày tít tắp (Hoa Zành zành). Trong cuộc đời, ai cũng có nơi chốn để ước ao tìm về hay khát thèm những khoảnh khắc thanh tịnh, yên bình. Bao lần xa quê, trở lại, rồi tiếp tục quày quả, thậm chí có lúc thuyền đi ngang ngõ nhà, thấy mẹ ngồi giặt bên bến, Nguyễn Thế Tường chỉ biết nuốt nỗi nghẹn ngào vào trong... tất cả như cứa sâu vào miền kí ức, vào cảm thức vô bờ của nhà văn, để rồi tạo nên nguồn sống mạnh mẽ, vươn đến những điều tốt đẹp nhất. Không cao siêu mà mộc mạc, tự nhiên, chất triết lí, chiêm nghiệm trong văn Nguyễn Thế Tường vì thế dễ đi vào lòng người, hấp dẫn, lý thú đối với bạn đọc.

Tính địa phương trong tản văn của Nguyễn Thế Tường thể hiện qua cách sử dụng nhiều nguyên âm có trường độ dài như: trôốc (đầu), trôổng (lối), thơơng đợ (nâng đỡ), khoông (không), bôộc (bột), nôốc (thuyền)... Bắt nguồn từ tiếng Việt cổ, trong giao tiếp, người Lệ Thủy hiện nay vẫn sử dụng lớp từ này. Tiếng nói nghe nằng nặng này, có lẽ, xuất phát từ đặc điểm “ăn sóng nói gió”, “chặt to kho mặn” của người miền Trung. Cái nằng nặng riêng biệt, giản dị này, nhiều khi, cũng làm người đọc xuyến xao... Nguyễn Thế Tường còn chêm vào tản văn những lớp từ địa phương miền Trung như Mạ, eng, tui, chi, trẹo, ni, mô, răng, rứa, hè... Sự cộng hưởng giữa cảm xúc với đặc tính địa phương trong những trang viết của ông đã truyền sang mọi người theo cách ấy. Khi chậm rãi, thong dong, khi buông thả, bông lơi, khi ngẫm ngợi, triết lí, khi dân dã, sơ nguyên,...

Giàu có về tuổi thơ, giàu có về những năm tháng gắn bó với quê nhà, chiến trận,... đã đành, ngòi bút mang nhiều cảm xúc, trần tình của người lính Nguyễn Thế Tường còn tinh nhạy gắn kết, giao thoa giữa hiện tại và quá khứ, giữa tự sự và trữ tình, giữa chiêm nghiệm và đời thường trên cái nền sử liệu, cho nên Và, gió heo may... có màu áo riêng, không lẫn trộn với bất kì ai...

_______

* Và, gió heo may..., tập tản văn của Nguyễn Thế Tường, Nxb Hội Nhà văn, 2020.

Nguồn Văn nghệ số 12/2021


Có thể bạn quan tâm