April 18, 2024, 8:06 pm

Nói ngược trong tục ngữ, ca dao

Trong đời sống thường nhật, ta gặp rất nhiều cách “nói một đằng, hiểu một nẻo”, “nói zậy mà không phải zậy”… Ca dao, tục ngữ là kết tinh lời ăn tiếng nói của nhân dân trong giao lưu, sinh hoạt rất đa dạng, phong phú, bởi vậy hiện tượng trên cũng khá phổ biến; có trường hợp nghe cái hiểu ngay, cũng có trường hợp kín đáo, lại diễn đạt thông qua hình ảnh nên rất khó nhận biết. Có thể nói việc tìm ra nội dung đích thực của nhiều câu ca dao, tục ngữ nói ngược còn là việc làm khá lâu dài và cần thiết, lí thú. Bài viết ngắn này chỉ là mấy nét suy nghĩ rút ra từ kho tàng phong phú nói trên mà việc đúng sai dĩ nhiên vẫn là điều rất cần được trao đổi.

Về loại nhận biết dễ dàng có thể kể như mấy câu:

Bao giờ cho đến tháng ba

Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng

Hùm nằm cho lợn liếm lông

Một chục qủa hồng nuốt lão tám mươi

Nắm xôi nuốt trẻ lên mười

Con gà mâm rượu nuốt người lao đao…

Loại khó nhận biết một chút, như câu:

Đàn ông nông cạn giếng khơi

Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu.

Điều đáng nói là nhiều câu ngọn gió thời gian vẫn chưa vén lên tấm màn bí mật của nó, phải trải nhiều trăn trở, va chạm với thực tế đời sống mới hiểu được một cách đúng đắn, mới thấy hết vẻ sâu sắc tiềm ẩn bên trong không dễ gì nắm được ngay, thậm chí có khi nhận ra rồi vẫn trong tâm trạng chơi vơi, nửa tin nửa ngờ. Câu tục ngữ “Ăn Bắc, mặc Nam” là một trường hợp.

Xưa nay vẫn cho câu này đúc kết về thế mạnh chuyện “ăn” chuyện  “mặc” của hai miền; rằng người miền Bắc biết nấu nhiều món ngon, rất sành cách ăn, còn ở miền Nam thì mặc đẹp, trưng diện bảnh bao. Giải thích như thế là không đủ cơ sở thuyết phục, nhưng câu tục ngữ cứ tồn tại trong dân gian; mãi gần đây mới có ý kiến rất có lí, rằng đó là một câu nói nghĩa ngược hoàn toàn: “Ăn thì miền Nam, mặc thì miền Bắc”. Ngẫm kĩ, rõ ràng hiểu thế đúng hơn, bởi người Nam bộ đâu đâu cũng có những bữa nhậu “tới bến” dân dã vô cùng đã đời, sung sướng, ăn thế mới gọi là ăn; còn dân Bắc hình như chú ý đến phục sức hơn, mùa nào áo ấy, nhất là vào mùa thu và mùa đông được gọi là mùa trưng diện mà xứ nắng Nam bộ không thấy nói tới. Dĩ nhiên đó chỉ là câu nói khái quát mang tính tổng thể một thời, và ngày nay trong giao lưu rộng rãi thì mọi chuyện đã thay đổi nhiều.

Dân gian lại có câu đúc kết “Ra đường hỏi bà già, về nhà hỏi con trẻ”.

Cho đến nay chưa ai có ý kiến nghi ngờ gì về câu này, vẫn cho rằng cần nắm bắt chuyện ngoài xã hội tốt nhất là hỏi các bà già, còn mọi chuyện trong một gia đình thì nên đi hỏi con trẻ; riêng chúng tôi thấy có lẽ đây cũng là một câu nói ngược. Ta thử tìm hiểu từ thực tế xem sao. Bà già là “nội tướng”, thường quanh quẩn trong nhà, coi trong ngó ngoài, lo chuyện bếp núc, con gà con lợn, lo quét dọn giặt giũ “quanh năm không ra khỏi ba hòn núc bếp” cho con cháu đi làm chứ mấy khi ra đường, bởi tai nghễng ngãng, mắt kèm nhèm, trí não mụ mị làm sao hiểu. Ngược lại bọn trẻ lại chẳng bao giờ chịu ngồi nhà, nếu không đến trường cũng rong chơi, mọi ngõ ngách xó xỉnh ai làm gì, nơi nào có lễ hội, nơi nào có sự cố… là nó biết sớm nhất, còn như hỏi coi trong nhà cái gì để đâu, của nả cất đâu làm gì biết, may ra chỉ biết đồ chơi của mình chỗ nào mà thôi. Như vậy thì mọi chuyện trong nhà cần hỏi phải hỏi các bà già, còn ngoài đường phải hỏi bọn trẻ; hai thế hệ đó có hai môi trường hoạt động khác nhau, tuỳ thuộc lứa tuổi, tính nết, công việc không thể thay thế cho nhau. Mở rộng khái niệm đường nhà ra, khái quát hơn, thì rõ ràng lớp người già không phải lực lượng lao động chính nữa rồi, làm sao nắm bắt được mọi chuyện quốc gia đại sự, chuyện sôi động ngoài xã hội, đó là lớp người bước bên lề đường đời rồi; trong lúc mọi việc trên lại là công việc, là gánh vác của thế hệ trẻ; còn chuyện nhà là chuyện đời sống một thế giới, một tập thể nhỏ, có khi rất sâu kín, đó không phải chuyện dành cho con nít.  Ngày xưa, khi giao lưu hạn hẹp, đi lại khó khăn, đời sống thấp đã thế; bây giờ cuộc sống càng tốc độ hơn, sôi động hơn trong xu thế rất năng động, thì câu trên càng đúng với nghĩa: “Về nhà hỏi bà già, ra đường hỏi con trẻ”.

Trên tờ báo Ngôn ngữ & đời sống có dạo có cuộc trao đổi về câu:

 Gái thương chồng đang đông buổi chợ

 Trai thương vợ nắng quái chiều hôm.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là câu nhằm ca ngợi tình cảm thuỷ chung, cao đẹp của hai đối tượng Vợ và Chồng trong những hoàn cảnh khác nhau; rằng giữa chợ đông, người vợ rất nhớ thương chồng ở nhà lo toan trăm việc cho mình đi chợ; còn người chồng, chiều chiều, nhìn nắng quái mà thương người vợ lam lũ… Chúng tôi thấy vấn đề có vẻ không đơn giản như thế. Trước hết cần chú ý tới các chủ thể. Cần thấy ở đây không phải “Vợ thương chồng” mà là “gái”, và cũng chẳng phải “Chồng thương vợ” mà là “trai”! Ý tứ nội dung nằm ngay ở cách gọi đó, chứ nếu là vợ, là chồng thì còn gì bàn nữa. Cái cô vợ và anh chồng nào đó ở đây đã thoát khỏi vai trò vợ, chồng của mình mất rồi, và vào vai gái, trai nặng về ám chỉ tính dục trong quan hệ không hay như theo trai, nuôi trai trong nhà, rồi theo gái, dại gái, đem tiền cho gái hay như gái lẳng trai lơ, “trai trên gái dưới”… Hai chữ gái, trai ở đây không mang nghĩa giới tính hoặc mang vẻ đẹp trai thanh gái lịch (Trai hiền bạn với gái đồng trinh – Nguyễn Bính) nữa.

Ta thử đi vào cụ thể. Trước hết nói về vị trí của cái Chợ và nhân vật Gái. Xưa có câu “Gái chọn chồng ra đồng mà chọn/ Trai tìm vợ ra chợ mà tìm”; lại có câu “Trai khôn chọn vợ chợ đông/ Gái khôn chọn chồng lên thác Tam Lu”. Không đâu bằng chợ, vốn là nơi hẹn hò, làm quen nhau, rồi nên vợ nên chồng; thậm chí là nơi gặp lại người tình cũ. Chợ tình Khau Vai và nhiều chợ tình ở nhiều vùng khác vốn nói rõ điều này; biết bao buồn vui trong các phiên chợ tình. Đến mức như chuyện “Bà già đi chợ cầu Đông/ hỏi xem thầy bói lấy chồng lợi chăng?”, đằng sau chuyện chơi chữ ta thấy thì chợ quả là nơi kiếm tìm hạnh phúc và cũng là nơi người ta dễ quên gia đình để buông thả sau nhiều trói buộc. Người đàn bà đến chợ, cởi tấm áo làm vợ trong nồng nàn bao ánh mắt tiếng cười, quên chồng con ở nhà trước đám đàn ông cũng đang hau háu tìm một bóng dáng khát khao. Cho nên ở thời điểm ấy có người vợ quên chồng thì đúng hơn là thương, còn nếu nói thương là theo kiểu “thương cái xương không còn” thôi! Vì sao không “thương” chồng nơi nào, lại “thương” giữa chợ đông người, vốn là nơi nhiều li tán hạnh phúc sau đó hay xảy ra đã được thực tế chứng minh?

Còn nhân vật Trai. Anh ta không có mặt nơi đông người, mà ngồi ở một vị trí khác, cô đơn trong tâm trạng của một gã trai có vợ khi nhìn ngọn nắng quái chiều hôm sắp tắt. Thấy gì trong cái ánh nắng không đẹp đẽ kia? Tình cảm dành cho vợ của gã có lẽ độc địa, ma quái như cái thứ ánh nắng sắp tàn ấy! Anh ta thoát khỏi vai làm chồng, trở lại là một gã trai đang nghĩ đến gái nào rồi với bao tính toan đen tối. Tại sao không ai gọi gã là “chồng” đã đành, cũng không là chàng trai, mà là trai một cách trần trụi, đó chính là cái nhìn của người quan sát đánh giá đối tượng: gã trai kia đang nghĩ về người vợ trong con mắt nhìn qua vạt nắng quái chiều sắp tắt độc địa chứ chẳng hay hớm gì! Sau suy nghĩ đó sẽ là gì? Phải chăng quan hệ của họ sẽ rơi vào bóng đêm như nắng chiều tàn nhanh, mặt trời khuất núi? Vì sao không để người chồng ngồi nghĩ tới người vợ dưới ánh nắng ban mai trong lành đầy sức sống ấm áp như có anh chồng thuỷ chung từng xem Nhất vợ nhì trời, mà là một “trai” với tâm địa ngổn ngang, chán chường trong hấp hối nắng chiều quái dị đang lụi tàn? Sự thiếu chung thuỷ của hai nhân vật Gái Trai trong câu quả là “kẻ tám lạng người nửa cân” rất đôi lứa xứng đôi! Bối cảnh – chợ, nắng quái chiều hôm, và các nhân vật – Gái, Trai, chính là chìa khoá mách bảo cho người đọc nghĩa chìm của câu nói.

Song thất lục bát là một thể thơ uyển chuyển, trữ tình; nhưng nếu hai câu bảy chữ cứ treo lơ lửng khi không có cặp lục bát sau đó, sẽ là một sự cố ý của tác giả, thường khiến gây ức chế, tưng tức, nó báo trước một nội dung không bình thường, có khi rất tréo ngoe. Mặt khác, nghệ thuật gieo vần cho thấy hai câu có quan hệ vần lưng (chợ-vợ) vốn để chỉ sự ngang trái, gồ ghề, nổi cộm hơn là xuôi chèo mát mái như những câu sử dụng vần chân khác (Trống Tràng thành lung lay bóng nguyệt/ Khói Cam tuyền mờ mịt thức mây). Ta gặp không nhiều các câu song thất đứng lẻ, vần lưng trong thơ dân gian, cần thấy đó là những câu cực hay, như câu “Quan cần nhưng dân không vội/ Quan có vội quan lội quan sang”… Nhà thơ dân gian tinh tế lắm: nội dung nào, nghệ thuật ấy chứ đâu phải vô tình dùng chữ nghĩa, vần luật, thể cách tuỳ tiện.

Tóm lại nếu muốn hiểu đúng hai câu trên, ngoài việc hiểu hai chữ gái trai ở đây, người nghe phải “cảnh giác” với nội hàm chữ “thương” trong đó, nó không còn bình thường như trong những văn cảnh khác nữa. Phải tĩnh trí gác lại nội dung hiển ngôn của cái chữ “thương” ở đây vốn là cái bẫy, cụ thể là hoàn toàn phải hiểu ngược lại, nói “thương” tức là “ghét”, là “quên”! Mấu chốt hai câu nói nằm ngay chỗ này. Đó là một câu nói ngược không dễ nhận ra: trong một bối cảnh nào đó, một không gian nào đó con người ta dễ thoát khỏi mình với tâm trạng riêng tư sâu thẳm. Có câu thơ “Có những phút giây ngoài vợ ngoài chồng” ngày nay ai cũng biết và cũng chấp nhận thậm chí thích là như vậy, đó là lúc con người, vốn phức tạp, sâu sắc, nhiều khả năng phân thân tự giải phóng khỏi ràng buộc vợ chồng mà có lẽ người hiền lành nhất, thuỷ chung không ai bằng, chắc chắn ít nhất trong đời cũng đã hơn một lần nghĩ tới. Rõ ràng hai nhân vật Gái Trai ở đây chẳng tốt đẹp gì (lý do thì không rõ, ai mà biết gia cảnh của họ kia chứ). Những trường hợp như vậy, vốn không hiếm, xã hội giao lưu rộng rãi càng nhiều hơn; chúng ta vừa giận song cũng nên dành cho họ một chút thông cảm, tha thứ vì nó cũng không nằm ngoài tính người, vì thế nên câu nói dân gian trên là một câu hay và mãi mãi sẽ vẫn còn; tuy vậy, đằng sau sự cảm thông, thì cao hơn, cần thiết hơn là từ thái độ, tâm trạng của đôi trai gái đáng phê phán này, rất nên xác định một thái độ sống lành mạnh, thuỷ chung, nhất là với lớp trẻ văn minh, có học, tiếp xúc rộng trong môi trường cởi mở xô bồ xấu tốt ngày nay.

Nguồn Văn nghệ số 15/2021


Có thể bạn quan tâm