April 26, 2024, 12:43 am

Nợ công và lỗi lo của Chính phủ

 

Lâu nay vẫn thường nghe “ Nợ công chính phủ chạm ngưỡng mất an toàn”, hay  cụ thể hơn là “Nợ công lên tới 94,8 tỷ USD”; và nếu lấy số liệu này chia trung bình trên tổng số dân hiện có thì mỗi người dân Việt Nam đang gánh khoản nợ khoảng 23 triệu đồng không khỏi khiến người dân lo lắng, thậm chí hồ nghi về khả năng điều hành nền kinh tế của Chính Phủ.

Tuy nhiên, mới đây, theo số liệu mới nhất của Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), tính đến năm 2016, nợ công đã bằng 64,7% GDP, gần chạm ngưỡng 65% GDP, ngưỡng Quốc hội cho phép. Năm 2018, nợ công dự kiến sẽ ở mức 64,7% GDP, và từ năm 2019 trở đi nợ công sẽ giảm dần và năm 2020 dự kiến còn 63,7% GDP… số liệu trên phần nào đã giải toả được những băn khoăn và  tạo cho người dân tâm lý khá yên tâm về nợ công Chính Phủ, và về những kịch bản sẽ được Chính phủ xây dựng nhằm đảm bảo nợ công ở mức an toàn.

Tuy nhiên, nhiều lo ngại về sự vượt trần nợ công không phải đã hếtm, nhất là khi Luật Quản lý nợ công sửa đổi thay thế cho Luật Quản lý nợ công năm 2009. Một trong những vấn đề mấu chốt là cơ quan nào quản lý nợ công đến nay vẫn chưa thống nhất. Mặc dù, theo thông lệ quốc tế, ngưỡng nợ công tối ưu (nhằm đảm bảo nợ công là động lực giúp tăng trưởng kinh tế) thông thường cho các nước phát triển là 90%, các nước đang phát triển có nền tảng tốt là 60% và có nền tảng kém là 30-40%. Vì vậy, mức ngưỡng nợ công/GDP được Quốc hội đề ra là 65% như hiện nay là phù hợp với thông lệ quốc tế; và nếu để vượt ngưỡng tối ưu có thể tiềm ẩn rủi ro. Song do chưa thống nhất đơn vị quản lý nợ nên số liệu có độ chênh là không tránh khỏi.

Trên thực tế, Bộ Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư khẳng định nợ công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ đảm bảo trong giới hạn cho phép nhưng Thủ tướng trong phiên họp mới đây với cơ quan này đã nhắc lại việc tỷ lệ nợ công tăng rất nhanh, mức tăng trung bình 5 năm qua là 18,4%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế và việc “nếu tính đủ thì nợ đã vượt quá trần cho phép”. Do đó, người đứng đầu Chính phủ đã cảnh báo về “việc không tránh khỏi sự sụp đổ nền tài khoá quốc gia” nếu không chấm dứt được tình trạng trên.

Ngay sau cảnh báo của Thủ tướng, nhiều giải pháp thắt chặt chi tiêu công đã được các Bộ, ngành cấp tập thực hiện. Nếu như những năm trước đây, đầu tư công được thực hiện theo phương thức dàn trải với cơ chế xin- cho thì nay đã chuyển sang đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Mục đích chính là nhằm tập trung vốn đầu tư cho những công trình trọng điểm quốc gia mang lợi ích thiết thực phục vụ đời sống dân sinh. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng rà soát lại những dự án đầu tư chậm triển khai, thiếu vốn, chậm giải phóng mặt bằng hoặc đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, cương quyết không dùng ngân sách để cứu cấc dự án thua lỗ. Đây cũng chính là những giải pháp cần thiết, phù hợp để nền kinh tế có thể đối mặt với sự khắt khe của những chính sách tiền tệ mà Ngân hàng thế giới (World Bank), hay các tổ chức tín dụng thương mại áp dụng cho Việt Nam khi đã vượt ra khỏi ngưỡng các nước có mức thu nhập trung bình thấp,

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, khi bàn đến nợ công và chi tiêu công, nhiều đại biểu quốc hội đã trăn trở với những khó khăn mà nền kinh tế sẽ phải đối mặt trong những tháng cuối năm 2018 và tiếp đến là 2019. Khi những khoản vay ưu đãi, hay vay không hoàn trả từ các tổ chức tín dụng thương mại, các khoản viện trợ Chính phủ thông qua vốn ODA, hay của ngân hàng thế giới giành cho Việt Nam sẽ không còn nữa, do đó có tiếp tục đầu tư hay dừng lại?

Và câu trả lời đã có, Chính phủ vẫn sẽ duy trì đầu tư công đối với những công trình thực sự cần thiết cho sự phát triển của đất nước. Nhưng cũng phải đảm bảo dự án đó, công trình đó phải được thực hiện công khai, minh bạch trong đấu thầu và giám sát thực hiện trên cơ sở  cân đối các nguồn lực để đảm bảo nợ công trong ngưỡng an toàn

Hiện có hai dự án đường cao tốc Bắc-Nam, Dự án sân bay Long Thành được coi là trọng điểm, Chính phủ đang cân nhắc đầu tư, dầu biết đây là hai công trình trước hay sau đều phải làm để có thể đi tắt, đón đầu nền kinh tế. nhưng yếu tố minh bạch trong đầu tư, ngân sách rất cần được chú trọng. Và khi và chỉ khi Chính phủ làm tốt những yêu cầu nói trên thì sự đồng thuận trong dân sẽ tự đến mà không cần thương tuyết, đàm thoại như trường hợp Thủ Thiêm vừa qua khiến báo giới và công luận phải tốn nhiều giấy mực, còn người dân thì mất lòng tin vào các cơ quan công quyền của thành phố.

Minh bạch trong đầu tư, xin thưa đó chính là chìa khoá để đầu tư công có thể đi được đến đích, và nợ công của Chính phủ mới không thể vượt qua ranh giới của sự mất an toàn.


Nguồn Văn nghệ số 48/2018


Có thể bạn quan tâm