April 20, 2024, 8:17 pm

Niềm vui từ “Nghị quyết 3 nhiều”

Cũng như lần đến cách đây 5 năm về trước, lần này đến Phúc Sen người đầu tiên tôi tìm gặp vẫn là ông Lương Văn Khang, nguyên Chủ tịch MTTQ huyện Phục Hòa. Biết tôi lần này về Phúc Sen là để viết về công tác trồng rừng và bảo vệ những cánh rừng nghiến đại ngàn của quê hương, ông liền hào hứng:

- Ờ! Viết về rừng nghiến cũng hay đấy vì cả tỉnh có nơi nào có rừng nghiến đẹp như Phúc Sen này đâu. Nhưng theo tôi, ông viết luôn về “Nghị quyết ba nhiều’’ đi, chắc sẽ tha hồ phóng bút!

 

Với 157 lò rèn, 2 hợp tác xã chuyên rèn dao, búa đã giải quyết việc làm cho gần 500 lao động ở Phúc Sen, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng vạn sản phẩm

 

Nghe nói đến cụm từ “Nghị quyết ba nhiều’’ tôi không khỏi ngỡ ngàng, vì nó quá lạ, quá hấp dẫn. Đem cái sự bị hấp dẫn ấy đến gặp gỡ, trò chuyện cùng các đồng chí trong Thường trực Đảng ủy xã thì tôi mới “vỡ òa’’ về “Nghị quyết ba nhiều” là trồng nhiều cây, nuôi nhiều con, làm nhiều nghề để Phúc Sen nhanh chóng về đích trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Ngẫm nghĩ về “Nghị quyết ba nhiều”, không hiểu vì sao tự nhiên những ấn tượng đẹp về Phúc Sen từ thuở thiếu thời lại ùa về trong tôi. Vì từ những ngày mới chập chững từ nhà đến trường làng tôi đã được nghe các cụ cao niên của quê tôi ca ngợi về những điều tốt đẹp của Phúc Sen, nào là dao, búa, lưỡi cày Phúc Sen “chỉ có nhất”; làm phẩm nhuộm chàm mà không có vôi Phúc Sen thì coi như không làm; các thầy mo, thầy tào viết những tờ sớ bằng chữ nho mà không có giấy bản Phúc Sen thì coi như tờ sớ đó chỉ đẹp một nửa và thiếu cả sự linh thiêng... Vậy là từ thuở xa xưa những “cái nhất” của Phúc Sen đã lan tỏa khắp vùng. Và phải chăng “Nghị quyết ba nhiều” của Đảng bộ Phúc Sen cũng là một cái nhất ở Cao Bằng trong thời đổi mới, hội nhập?...

Khi dòng suy tư của tôi đang cuốn về quá khứ thì Bí thư Đảng ủy xã Nông Văn Chung bỗng sôi nổi:

- Anh biết không, người “đẻ ra’’ “Nghị quyết ba nhiều” này là Bí thư Đảng ủy Linh Văn Phù lúc đó đấy. Dù nghỉ hưu đã lâu nhưng già, trẻ, gái, trai người Nùng An, Phúc Sen vẫn coi anh ấy như là một thần tượng, vì nhờ có “Nghị quyết ba nhiều”, cuộc sống của người Nùng An, Phúc Sen mới được như bây giờ đấy!

Là người con của quê hương, sinh ra và lớn lên giữa bốn bề đá núi, ruộng rẫy thì ít, thung sâu thì nhiều, nói như các cụ ở đây là “Rẩy cặm phja/ Nà cặm đan” (Rẫy thì vướng núi ngàn trùng/ Ruộng kề vách đá tận cùng khó thay), nên Linh Văn Phù từ lâu đã trăn trở về cái đói, cái nghèo của quê hương mình. Cả 10 xóm với 419 hộ, gần 2.000 miệng ăn mà chỉ có trên 300ha đất canh tác, trong đó ruộng cấy lúa một vụ chỉ có 98ha, lại phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời, nên lúc nào người dân cũng nơm nớp lo bị đói. Thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, lo toan này, sau khi rời quân ngũ về địa phương anh tham gia lãnh đạo xã, với bản chất là “Bộ đội Cụ Hồ” thời đánh Mỹ anh càng đau đáu về cách thoát nghèo cho bà con. Đến khi được Đại hội Đảng bộ xã bầu làm Bí thư Đảng ủy là anh nghĩ ngay đến việc từ bỏ lối canh tác cũ là mỗi nhà chỉ chăm chắm vào vài đám ruộng, đám rẫy, nuôi vài con trâu, con bò cày kéo và nuôi vài con lợn, con gà để lo dựng vợ, gạ chồng cho con và duy trì cuộc sống tự cấp, tự túc. Làm gì và làm như thế nào để vẫn diện tích ấy, con người ấy mà làm ra nhiều của cải vật chất để nhà nhà có của ăn, của để. Từ suy nghĩ sâu xa ấy anh đã chuyển hóa thành “Nghị quyết ba nhiều” cho cả xã thực hiện.

Vậy là từ năm 2001 đến nay, với 300ha đất canh tác, đồng đất Phúc Sen không chỉ xanh lúa, xanh ngô và đỗ tương mà bốn mùa xuân, hạ, thu, đông mùa nào cũng có cây trồng mùa ấy như lạc, đậu xanh, đỗ nho nhe, mạch ba góc và các loại rau, củ, quả khác được luân canh gối vụ “Không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta’’, tạo ra một phong trào thi đua sôi nổi trên đồng ruộng nên gần 20 năm qua, năm nào Phúc Sen cũng đạt năng suất lúa từ 42-46 tạ/ha/vụ, đưa mức ăn bình quân từ 350kg/người/năm trước đây lên 700kg/người từ năm 2015 trở lại đây, một con số kỷ lục về sản lượng lương thực của xã. Cũng nhờ đó mà các mặt hàng nông sản bày bán trong các ngày chợ phiên Quảng Uyên thì ngô, đỗ tương và các loại rau, củ, quả của Phúc Sen chiếm phần lớn, làm cho tiếng thơm của người Nùng An, Phúc Sen thêm lan tỏa, bay xa... Điều dễ nhận biết nữa là trong vòng 5, 6 năm trở lại đây du khách đi du lịch vào Thác Bản Giốc, Ngườm Ngao hay vào cửa khẩu quốc tế Tà Lùng khi quay trở về qua vùng Xinh Mình (Phúc Sen) thì không thể không xuống xe mua vài ký khoai lang hoặc củ cải, xu hào, cải bắp về làm quà, vì các loại rau, củ, quả này đều được trồng trên đất đá vôi và chỉ bón phân chuồng, là rau, củ “sạch” chính hiệu, có vị thơm ngon rất đặc trưng mà mẫu mã cũng rất bắt mắt.

Cùng với việc giỏi đồng áng, thâm canh tăng vụ lúa, ngô bảo đảm cái ăn thì Phúc Sen cũng là miền quê giỏi trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng, bảo đảm cân bằng sinh thái. Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, Phúc Sen đã là địa phương đi đầu của tỉnh Cao Bằng trong việc thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ: “Mùa xuân là tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân’’. Cứ sang mồng 2 tết là làng trên, xóm dưới già, trẻ, gái, trai lại tay dao, tay cuốc hò nhau bằng những điệu lượn “Hẹo phươn” lắng lòng để cùng nhau lên núi, xuống khe tìm cây nghiến con về trồng, điều mà ít gặp ở trên đất nước này. Nhiều hộ gia đình gánh đất từ các thung lũng lên đổ vào các hốc đá, khe đá ở lưng chừng núi để trồng cây nghiến. Nhờ sự kiên trì, nhẫn nại ấy, đến nay cả xã đã có tới 10ha nghiến trồng đang đua cành, xanh lá cùng 887 ha rừng nghiến tự nhiên đã có thể làm cột, làm kèo cho việc dựng nhà mới. Trong phong trào trồng nghiến gây rừng này thì các hộ Nông Minh Nhật, Nông Văn Chiến, Nông Văn Bình là tiêu biểu nhất, mỗi hộ trồng trên dưới 1ha. Riêng gia đình ông Nông Minh Nhật, nguyên Bí thư Đảng ủy xã còn trồng xen cả giảo cổ lam và đã cho thu hoạch để tăng thêm nét phấn chấn, mặn mà trong các cuộc vui với anh em, bè bạn. Tôi nhớ mãi hôm cùng phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Sạch Văn Long đến nhà ông thì ông vừa rót trà giảo cổ lam mời khách, vừa chỉ tay ra cót thóc vàng óng phơi ngoài sàn, ông bảo: Tất cả những thứ này đều từ “Nghị quyết ba nhiều” mà ra đấy! Vậy là không cần phải nhiều lời nữa, “Nghị quyết ba nhiều” đã thực sự vào cuộc sống, là cứu cánh của người Nùng An, Phúc Sen.

Chương trình “Trồng nhiều cây’’ thì đa dạng, phong phú và mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt là vậy, còn chương trình “Nuôi chiều con” do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, cả 10 xóm đều lọt thỏm giữa bốn bề đá núi, không có dòng sông, ngọn suối nào đi qua, thậm chí vào mùa khô hạn, nước uống cho trâu bò cũng còn khó khăn nên ngoài việc phát triển đàn gia súc, gia cầm, một số gia đình chỉ nuôi thêm vài con thỏ, vài đôi chim bồ câu chứ chưa nhân rộng ra thành phong trào. Nhận rõ những khó khăn ấy, Đảng ủy chỉ đạo sát sao việc tăng mạnh đàn trâu, bò, lợn, gà bằng cách vận động các gia đình trồng xen đỗ nho nhe vào toàn bộ diện tích ngô và tận dụng từng thẻo đất ở các bìa rừng, bờ đường, bờ mương để trồng cỏ voi bảo đảm nguồn thức ăn xanh cho trâu, bò. Những ngày đông tháng giá thì cho ăn thêm cháo, cám để tăng nhanh đàn bò sinh sản. Nhờ vậy đến nay đàn trâu, bò của xã đã lên tới trên 1.000 con, đàn lợn 3.000 con và trên 19.000 con gia cầm, vừa tăng nguồn thu cho gia đình vừa tăng nguồn phân bón cho các loại cây trồng. Vì thế đất trồng ở đây dù tỷ lệ quay vòng lớn nhưng không hề bị nghèo kiệt, trồng cây gì cũng mơn mởn xanh, cho nên đến Phúc Sen vào những ngày này dù khô hanh, lạnh giá nhưng bốn bề vẫn tràn trề mầu xanh cây lá và đây đó trên sườn non, bên các mỏ nước những cành đào đã chúm chím khoe sắc thắm như chia sẻ niềm vui về “Nghị quyết ba nhiều”.

Trong các nghề truyền thống của mình thì rèn dao, búa vẫn là nghề được Phúc Sen giữ gìn, bảo tồn lâu đời nhất. Với kỹ thuật tinh xảo, in nổi hai chữ N.L (Nông Lương - Ông tổ nghề rèn Phúc Sen) trên mỗi con dao, chiếc búa thì từ lâu dao, búa Phúc Sen đã khẳng định thương hiệu của mình. Niềm tự hào ấy càng được thăng hoa khi “Nghị quyết ba nhiều’’ nói rõ trên cơ sở phát triển nghề rèn là chủ đạo, Phúc Sen cần mở mang thêm các loại hình dịch vụ như khai thác đá, nung vôi, đặc biệt là xây dựng làng du lịch sinh thái Pác Rằng nhằm giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa độc đáo cửa người Nùng An, Phúc Sen. Đi liền đó là sẽ mở mang thêm các loại hình dịch vụ khác nhằm đáp ứng nhu cầu của khách tham quan mà tăng thêm thu nhập cho bà con. Riêng đối với nghề rèn nghị quyết được thực thi thực sự là “một cú hích” kích thích nhiều nhóm thợ trước đây đã nằm yên nay tiếp tục nhóm lò, nổi lửa, đêm ngày ánh lửa lò rèn của các xóm lại lấp lóa... lấp lóa... in rõ ánh mắt, nụ cười của những người thợ trong tiếng quai búa púp páp... púp pát... tăng thêm nhịp điệu khẩn trương, hối hả của vùng quê núi đá ven miền biên viễn này. Với 157 lò rèn, 2 hợp tác xã chuyên rèn dao, búa đã giải quyết việc làm cho gần 500 lao động, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng vạn sản phẩm. Tiếng lành đồn xa, nhiều thương lái đã đặt mua với số lượng lớn mang đi bán tận các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên và sang cả các huyện Nà Po, Long Châu (Trung Quốc) tạo ra một nguồn thu đáng kể, có nhiều gia đình mỗi năm thu lãi gần 200 triệu đồng... Khi đến thăm xưởng rèn của anh Long Chiến - một xưởng rèn có biển hiệu hẳn hoi, được kẻ vẽ khá hấp dẫn treo ngay chỗ khúc cua ngoặt rẽ vào xóm du lịch sinh thái Pác Rằng, anh vừa khoe chất lượng dao, búa của mình vừa cất lên câu “hẹo phươn”: “Mầy lếch xạu mầy khang/ Rạu tú ràn má tặng” (có sắt và có gang/ mình sẽ cùng nhau rèn). Chỉ nghe một câu “hẹo phươn” vậy thôi cũng đủ để cho ta thấy nghề rèn đã được những người thợ nơi đây làm cho thăng hoa như thế nào...

Nhờ trồng nhiều cây, nuôi nhiều con, kết hợp phát triển mạnh nghề rèn và các loại hình dịch vụ, thương mại khác, trong vòng 5 năm trở lại đây Phúc Sen thật sự khoác lên mình một tấm áo mới. Các con đường liên thôn, liên xóm đều được bê tông hóa hoặc nhựa hóa phẳng phiu, ô tô, xe máy bon bon vào đến tận chân cầu thang mỗi nhà. Hầu như nhà nào cũng có ti vi, tủ lạnh, xe máy, một số gia đình đã sắm được cả ô tô để vận chuyển dao, búa, thóc, ngô đi bán tại các chợ huyện trong vùng. Các cơ sở hạ tầng như trạm bưu điện, nhà văn hóa xã cũng đã được nâng cấp, đầu tư trở lại. Hai bên quốc lộ 3, đoạn bắt đầu từ cánh đồng Xinh Mình đến trụ sở xã không còn hoang sơ, vắng vẻ như trước đây nữa, bởi một loạt nhà cao tầng khang trang đã và đang tiếp tục mọc lên, đi liền đó là các quầy hàng, cửa hiệu tạp hóa, giải khát song hành cùng cac quầy hàng dao, búa các loại, ngày đêm rộn rã tiếng nói, tiếng cười…

Vậy là sau gần 20 năm thực hiện “Nghị quyết ba nhiều”, Đảng bộ và nhân dân xã Phúc Sen (huyện Quảng Uyên - Cao Bằng) đã thực sự tạo ra những chuyển động diệu kỳ. Cuối năm 2016 xã đã về đích nông thôn mới, làm rạng danh thêm xã anh hùng thời kỳ đổi mới.

Tạm biệt Phúc Sen giữa tiếng quai búa rộn ràng bên ánh lửa lấp lóa của các lò rèn, tôi thật sự phấn chấn, xốn xang bởi “Nghị quyết ba nhiều” đã và đang nhân lên những niềm vui mới cho các xóm, bản. Lòng lâng lâng theo điệu “hẹo phươn’’ ca ngợi về những nét tươi mới của xã mà tình cờ tôi nghe được có câu thơ: “Rèn dao, rèn búa, rèn người/ Bản làng đổi mới nụ cười thiết tha...”.

Nguồn Văn nghệ số 13/2020


Có thể bạn quan tâm