April 20, 2024, 7:06 am

“Niềm vui lớn nhất là thấy học trò trưởng thành”

“Bền bỉ và cầu toàn. Tận tâm và nhân hậu” - Đó là những gì tôi thường được nghe mọi người nói về PGS.TS. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Trọng Cơ, Giám đốc Học viện Tài chính. Cuộc đời và sự nghiệp của thầy là một chuỗi tích lũy các kiến thức về cuộc sống một tấm lòng yêu nghề, say mê nghiên cứu khoa học. Sự giản dị trong cách sống và một lòng vì công việc, vì các thế hệ sinh viên của thầy đã để lại trong những lớp lớp sinh viên và các cán bộ, công nhân viên của Học viện sự tin yêu, mến phục về một người thầy mẫu mực, người quản lý đức độ vừa có tâm vừa có tầm.

 

PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ

Yêu nghề, say mê nghiên cứu khoa học 

Nhắc đến thầy là nhắc đến một nhà giáo tâm huyết và say mê với nghề. Dù bận rộn với công việc quản lý, trên cương vị là Giám đốc Học viện kiêm Bí thư Đảng ủy, PGS.TS. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Trọng Cơ vẫn luôn dành thời gian để đứng lớp và nghiên cứu khoa học. Chỉ tính riêng trong 5 năm gần đây, thầy đã đạt loại giỏi 5 đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ và cấp học viện. Cùng với đó, thầy còn là người chủ biên, chủ trì nhiều giáo trình, sách chuyên khảo về ngành Tài chính. Các đề tài khoa học, các giáo trình, sách nghiên cứu của thầy đều có những đóng góp tích cực cho công tác nghiên cứu, giảng dạy theo hướng luôn tích cực cập nhật, tiếp cận kiến thức mới. 

PGS. TS Nguyễn Trọng Cơ chia sẻ: “Suốt bao nhiêu năm làm công tác đào tạo nghiên cứu khoa học, tôi vẫn tâm đắc nhất với đề tài nghiên cứu sinh mang tên “Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính trong doanh nghiệp cổ phần phi tài chính”. Đề tài này được thầy thực hiện khi nắm bắt rõ xu hướng vận động của các đơn vị kinh tế trong xã hội Việt Nam - khi đó bắt đầu có sự xuất hiện của các công ty cổ phần. Có thể thấy đề tài đã góp phần làm phong phú thêm lý luận về phân tích tài chính đồng thời đo lường, đánh giá được sức khỏe tài chính của doanh nghiệp hiện tại và dự báo năng lực tài chính trong tương lai.

Một công trình nghiên cứu khác cũng cần nhắc đến là cuốn Giáo trình “Phân tích tài chính doanh nghiệp” mà PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ là người đồng chủ biên với Giáo sư Ngô Thế Chi. Cuốn giáo trình này đã được đánh giá xếp loại xuất sắc và thầy cũng rất tâm đắc. Cuốn giáo trình đã được ra đời trong hoàn cảnh vào những năm đầu thế kỷ 21, cùng với việc đổi mới nội dung chương trình đào tạo, Học viện Tài chính là cơ sở đào tạo đi tiên phong trong việc phát triển tự giảng dạy phân tích hoạt động kinh tế, phân tích hoạt động kinh doanh đến phân tích tài chính. Vì thế có thể xem đây là một trong những công trình đầu tiên xây dựng khung lý thuyết về phân tích tài chính có hệ thống và tương đối hoàn thiện lúc bấy giờ. Cùng với sự phát triển của cuộc sống kinh tế, giáo trình này hiện nay cũng liên tục được bổ sung, cập nhật và hoàn thiện.

Với tư cách là phóng viên theo dõi lĩnh vực giáo dục, đào tạo, tôi vẫn được nghe các bạn trẻ là học viên cao học, nghiên cứu sinh và cả sinh viên trong Học viện Tài chính bày tỏ: Mỗi bài giảng của PGS. TS Nguyễn Trọng Cơ là cả một thế giới quan sinh động. Khi hướng dẫn nghiên cứu khoa học, thầy rất nghiêm túc và đòi hỏi sự chính xác rất cao.

Mỗi năm PGS. TS Nguyễn Trọng Cơ tham gia giảng dạy cho nhiều đối tượng như: Chính quy, tại chức dài hạn, ngắn hạn, các lớp hoàn chỉnh kiến thức, liên thông đại học, đại học văn bằng 2, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, bồi dưỡng kế toán trưởng, bồi dưỡng giám đốc/thành viên hội đồng quản trị, giảng dạy sau đại học, giảng dạy đại học cho nước bạn Lào. Cùng với đó, thầy còn tham gia hướng dẫn cho nhiều học viên cao học viết luận văn thạc sĩ và bảo vệ thành công đạt loại giỏi và xuất sắc; hướng dẫn nghiên cứu sinh hoàn thành theo tiến độ trong đó có nhiều nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Còn với nghiên cứu khoa học, thầy luôn tận tình hướng dẫn, chỉ bảo từng li từng tí. Thậm chí, thầy luôn sẵn sàng truyền lửa cho học trò khi mong muốn học trò tiếp tục phát triển những đề tài khoa học mà thầy đã từng nghiên cứu như đề tài phân tích về tài chính trong doanh nghiệp. Và, thầy luôn có một nguyên tắc trong công tác nghiên cứu khoa học là tất cả đều phải lấy sự nghiêm túc và chính xác làm thước đo. Vì với thầy, ở khoa học không bao giờ có chỗ của sự dễ dãi, cẩu thả và thiếu chính xác…

Trong công tác chuyên môn là thế, còn trong đời sống hàng ngày, PGS. TS Nguyễn Trọng Cơ luôn quan tâm gần gũi, cởi mở với mọi người. Thầy luôn lắng nghe ý kiến của người khác để rồi cùng chia sẻ và tìm ra hướng giải quyết trong niềm mong mỏi mái ấm Học viện Tài chính ngày càng đào tạo được nhiều nhân tài quản lý tài chính cho đất nước. 

 

Tận tụy với nghề

Ít ai biết rằng PGS. TS Nguyễn Trọng Cơ vốn không phải con “nhà nòi” của ngành Tài chính. Cha thầy là bộ đội, mẹ là nông dân nghèo, lam lũ. Vì thế, tuổi thơ của thầy gắn liền với những tháng ngày chân trần cùng mẹ lặn lội kiếm sống nơi ruộng đồng. Thế nhưng, chưa khi nào cậu bé Nguyễn Trọng Cơ ấy thôi khát vọng được học để trưởng thành và cống hiến cho đất nước.

Thầy kể rằng, thầy không nghĩ mình thi vào Đại học Tài chính mà chỉ “chăm chắm” tìm một trường kỹ thuật nào đó có ngành vô tuyến để trở thành kỹ sư vô tuyến.Vì vậy, thầy đã chọn thi Đại học Thông tin liên lạc chứ không phải Đại học Tài chính. Thế nhưng qua gợi ý của một người bạn thân là thi vào Đại học Tài chính xem sao, khiến “máu” ham học toán trong cậu học trò Nguyễn Trọng Cơ năm nào nổi lên – vì cậu rất thích chứng minh các bất đẳng thức - nên gật đầu đồng ý. Thật là cơ duyên ngẫu nhiên mà ngành Tài chính đã gắn bó bền chặt với cả cuộc đời thầy như thế.

Còn chuyện về những tháng ngày làm giảng viên trong bao nỗi khó khăn, nhọc nhằn của đời sống, để bám trụ với giảng đường hôm nay, cũng giống như bao đồng nghiệp khác, thầy cũng phải vừa cố gắng dạy tốt vừa cố gắng chăm lo cho gia đình nhưng, với nghề, thầy luôn tận tụy, chu đáo. Những bài giảng của thầy vẫn ăm ắp những kiến thức mới mẻ. “Nói thực là ban đầu tôi cũng không chọn nghề sư phạm. Tôi đã làm việc theo tâm lý, phải làm thật tốt để người khác tôn trọng mình chứ không hẳn vì đam mê. Thế rồi, “mưa dầm thấm lâu”, những gì tôi đã cố gắng làm để không ai chê trách được ấy đã chuyển sang niềm đam mê như hôm nay”- Thầy Nguyễn Trọng Cơ nói.

Và khi đã đam mê rồi thì trong Thầy là cả sự cháy bỏng luôn sẵn sàng dốc hết tâm sức để cống hiến cho nghề. Bởi vậy, thầy đã được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba do Đảng, Nhà nước trao tặng cũng như nhiều Bằng khen của Bộ Tài chính và danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở hoặc toàn ngành. Và đặc biệt, Thầy được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú và giảng viên cao cấp. Bằng ánh mắt tươi sáng, PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ, Giám đốc Học viện Tài chính nói: “Với tôi, trong cuộc đời làm thầy, không niềm vui nào lớn bằng niềm vui được cống hiến công sức xây dựng đất nước và được thấy học trò trưởng thành”.

Nguồn Văn nghệ số 29/2020


Có thể bạn quan tâm