April 19, 2024, 7:16 pm

Những vẻ đẹp của thơ dưới góc nhìn thẩm mỹ mới

Cái Mới của Thơ bắt nguồn từ sự mở rộng biên độ cảm xúc của nhà thơ truớc cuộc sống hiện tại, từ Chủ nghĩa anh hùng mở rộng sang quỹ đạo Chủ nghĩa nhân đạo. Hình như đó là con đường đi chung của văn học Việt trong lịch sử qua nhiều thế kỷ khi đất nước từ thời chiến chuyển sang thời bình. Lòng yêu nước vẫn là một nội dung quan trọng, nhưng những chủ đề đạo lý, thế sự cũng như những vấn đề riêng tư cá nhân ngày càng được lưu ý.

 

Thơ Viêt đang bước qua những lối mòn để tiếp cận đời sống một cách sinh động đa chiều, gia nhập một cách tự tin vào quỹ đạo nghệ thuật thế giới

 

Có tác giả cho rằng: Nền nghệ thuật ta mới hội nhập vào “sân chơi” thế giới khoảng ba bốn thập kỷ nay với “vẻ đẹp đích thực của ngôn từ” chứ không bằng “chính sách ngoại giao”1, ấn tượng này cho đến nay vẫn còn khá rõ vì so với cuộc sống dân tộc thì văn học ta trong sự hội nhập với thế giới vẫn chưa tương xứng. Chúng tôi không nghĩ đên sự khác nhau giữa các nền văn hóa hay tài năng các thế hệ tác giả mà nghĩ đến phương thức sáng tạo, cách nhìn nhận về đối tượng thẩm mỹ cũng như sự sáng tạo về thủ pháp nghệ thuật vẫn chưa thật bắt kịp với sự đa dạng của đời sống đương đại.

Trong quan niệm học thuật cũng như thực tiễn sáng tác còn không ít tác giả quen với lối mòn thể hiện cái đẹp kiểu cũ chi phối nhiều bởi góc nhìn đạo lý, cái đẹp thể hiện nặng về tính hướng thượng, ít chú ý những vẻ đẹp đa dạng, những phẩm chất thẩm mỹ mới khác trong đời sống đương đại, nên hình tượng nghệ thuật trong các sáng tác ít sức hấp dẫn, chưa thật thích hợp nhu cầu thẩm mỹ công chúng. Như vẻ đẹp tâm linh, một vẻ đẹp được biểu hiện khá nổi bật trong thi ca truyền thống, một thời bị hiểu sai đẩy về phía duy tâm, tôn giáo; như “cái bi” - phạm trù thẩm mỹ quan trọng trong văn học thế giới lại có vẻ “kiêng kị” trong văn học XHCN, hình tượng thơ bởi vậy chưa thật đa dạng sinh động hài hòa với đời sống.

Trong không khí đổi mới, các nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh,Vũ Quần Phương, Nguyễn Quang Thiều, Thanh Thảo... và một số tác giả trẻ trong những chùm thơ mới so với  thơ thời chống Mỹ đã có nhiều đổi thay khi thể hiện cái đẹp, cái xấu, đặc biệt cái bi tráng trong đời thực và trong cả tâm linh, tất cả in dấu một cách viết đầy cách tân mà trong đó có thể tìm thấy khá rõ dấu ấn một nhãn quan thẩm mỹ mới, tác động tới bạn đọc khá đa dạng, phong phú.

Khi thể hiện một phẩm chất khá phổ biến của nghệ thuật, đó là cái đẹp, nhiều tác giả vượt qua những hạn chế cũ hướng tới sự thể hiện thật đầy đặn, phong phú và đa dạng cái đẹp với những sắc thái mới. Phải có một cách tiếp cận tinh tế với đời sống thơ mới có hình ảnh trọn vẹn đầy sức hấp dẫn chân thật về tính đa dạng của cái đẹp như là hoài bảo vươn tới của trí tuệ, là khao khát hòa nhập cõi thực và tâm linh là tình yêu trọn vẹn với cuộc đời trong một cảm thông vị tha hòa hợp. Chỉ có nhà thơ với sự mở lòng với cuộc đời nhiều góc cạnh mới mang đến hơi thở mới cho sự tiếp nhận đầy rung động của độc giả. Đại địa văn chương tùy xứ kiến (Trên mặt đất nơi nào chẳng có văn chương - Nguyễn Du), cả những miền hiển hiện, cả những vùng bí ẩn. Cuộc đời như hạt gạo, hạt ngọc của trời gieo xuống sẽ thành thơ khi biến thành hơi rượu trong tâm hồn thi sĩ. Có những dòng thơ như những “sát na” của giây phút mà nhà thơ (họa sĩ) “đốn ngộ” trước chân lý... lặng im/ và vẽ/ Những đối cực/ đã tuyệt vời hài hoà trên mặt vải (Ý Nhi - Đắc đạọ). Có những dòng thơ giàu suy tư, bên cạnh là những dòng thơ hiện thưc, một hiện thực tỉnh táo mà rất cảm động, được diễn đạt bằng một ngôn ngữ dung dị, đời thường. Những câu thơ tưởng đạm mà rất nồng trong dòng thơ hiện đại vốn ưa trau chuốt ngôn từ, những câu thơ mang một phẩm chất thẩm mỹ mới. Nói cái điều đơn giản ai cũng thấy nhưng chỉ tác giả mới nói một cách đơn giản chân thật mà rung động, mà quá chừng sâu sắc:

… Cuộc sống đón nhận tôi/ những mái nhà đang roãng ra khoảng cách/ những cuộc đời còn mất/ bao năm rồi khâu vá chưa xong/ những người lính cũ/ thấp thỏm lo con một suất đi làm/ tôi nâng tay má/ chiều ngậm ngùi trên những bậc nghĩa trang (Hữu Thỉnh - Qua phà Rạch Miễu-2018)

Người ta hay nói đến những “điểm sáng” trong thơ, đó là những chi tiết làm đọng lại những ấn tượng nổi bật của chủ đề tạo những dư vị sâu xa trong tâm hồn người đọc, ở đây nhà thơ nói đến những khỏang cách , những chênh vênh trong thực tại bằng các chi tiết “những người lính cũ/ thấp thỏm lo con một suất đi làm”, “những mái nhà đang roãng ra khoảng cách/ những cuộc đời còn mất bao năm rồi khâu vá chưa xong”. Nỗi đau lớn nhất của một cộng đồng, một dân tôc, không chỉ là nghèo đói mà còn là sự chia cách, là những hố sâu trong tâm hồn. Có những câu thơ cứ gồng lên chữ nghĩa nhưng thoảng qua như làn gió nhẹ ngoài da, có những câu thơ tác giả viết khơi khơi nhưng lại gây một ấn tượng xốn xang trong lòng người đọc! Những câu thơ thuần phác, rất mộc, rất thật nhưng “đượm cái tình người, tình đời”.

Sự kết hợp hài hòa giữa hiện thực và tâm linh: giữa nhốn nháo đa tạp của đời sống, thơ đưa đến cho ta sự yên bình của tâm hồn, sự hòa nhập thiên nhiên và cuộc đời. Hơi thơ rất hiện đại mà vẫn mang cốt cách truyền thống: Thu hết mọi tiếng chuông thành một sắc áo vàng/ Mây lót ổ chim gù bên kinh kệ. Hoa xứ Phật dặt dìu hương nhập thế/ Người giữa đời thổn thức muốn thành sư (Hữu Thỉnh - Xứ Phật).Tác giả của những vần thơ trên theo chúng tôi, không làm mới thơ bằng cách “chạy trốn vào từ ngữ” như ông từng nói mà làm mới thơ bằng sự thâm nhập tận gốc rễ vào đời sống thực tiếp cận những mầm mống cái mới nơi đó.

Một khuynh hướng làm mới thơ bằng sự tự nghiệm của những hồn thơ từng trải. Khi ta đọc các câu thơ của tác giả Tâm sự của một người yêu nước mình, từng cảm nhận một vẻ đẹp thuần phác của những tâm hồn đẹp tựa pha lê ở những con người ăn rau  rìu, rau éo, rau trai nuôi lớn người những ngày đi mở đất. Để rồi nay lại có thể xúc cảm trước một vẻ đẹp khác của những thân phận trên “trang giấy buồn” hôm nay.

… Trang giấy buồn/ Tôi xin đọc lời di chúc phúng điếu tôi/ Bên dòng sông này/ Cùng cây cỏ/ Cùng anh em tôi… Một nỗi cô đơn lẻ bóng và yên phận/ mà sao chân thành và suy tư đến thế (Trần Vàng Sao - Người đàn ông 43 tuổi nói về mình). Hay những nỗi niềm tự đáy lòng sâu thẳm: … Tôi phải đốt lên một cái gì/ Cho sáng rực giữa chênh vênh vực thẳm/ Dẫu bao lần người làm tôi thất vọng/ Tôi vẫn yêu người lắm lắm người ơi/ Tình yêu tôi như một tiếng chuông dài. (Lưu Quang Vũ - Có những lúc…). Tâm tình nhà thơ đối với hiện tại, không thể nói lúc nào cũng có thể cất lời ca ngợi cảm khái hào hùng mà nhiều khi chứa đựng nỗi buồn, nỗi thất vọng, sự bất lực của chính bản thân trong hiện tại so với quá khứ nó mang một vẻ đẹp đáng trân trọng: … Sông Hương, Sông Hương ơi!/ Người còn nguồn với bể/ Còn ta 25 tuổi/ Trôi cạn trên mặt đường/… Bao giờ giọt nước mắt chảy xuống má/ Không phải gạt vội vì xấu hổ (Nguyễn Khoa Điềm).

Trên góc nhìn của nghệ thuật thì “nỗi buồn nhân thế” cũng mang một màu sắc thẩm mỹ, nó nằm trong quĩ đạo của cái đẹp. Nỗi buồn này nó thể hiện sự băn khoăn của con người trước cuộc đời, mà theo cách nghĩ của triết gia người Anh Alan Wats thì chính “sự băn khoăn và biểu hiện của nó trong thi ca nghệ thuật là một trong những phẩm chất quan trọng nhất giúp phân biệt con người với động vật khác hay phân biệt người thông minh tinh tế với kẻ ngu đần” (Biết ta đích thực là ai).

*

Đề tài chiến tranh trong văn chương hiện đại, có nhiều khuynh hướng, nhà văn Pháp Antoine Compagnon cho rằng có một số tác phẩm miêu tả chiến tranh như là “Sự phi lý của thời đại. Không còn muốn nghe nỗi khùng khiếp của chiến hào”2. Hoặc khủng khiếp hóa tạo nên bi kịch phi lý, hoặc anh hùng hóa chiến tranh, hoặc giảm nhẹ bình thường hoá khung cảnh lửa đạn, chiến tranh trong con mắt nhìn hiện đại đều khác xưa. Với một một sự trải nghiệm đầy thử thách qua hai cuộc chiến tranh, cộng hưởng một bề dài chống giặc giữ nước mấy ngàn năm lịch sử, Thơ ca Việt góp vào đề tài chiến tranh một sắc điệu riêng, một triết lý riêng. Hai trường ca  Đường tới thành phốTrường ca Biển (Hữu Thỉnh), các trường ca Ngã ba Đồng Lộc (Nguyễn Ngọc Phú), Chiến tranh, chín khúc tưởng niệm (Nguyễn Thái Sơn), Trường ca Trường Sơn (Nguyễn Anh Nông), tạo được một ấn tượng khá sâu sẳc trong lòng độc giả về con đường chiến đấu hy sinh xương máu để bảo vệ đất đai, bờ cõi, bảo vệ quyền sống, quyền tự do, độc lập dân tộc “Quê hương đi đến đâu máu đi theo đến đẩy, Máu chẳng bao giờ cũ”. Làm điểm hội tụ cho mạch triết lý đó là hình tượng ngưòi lính - hiện thân cho lực lượng tiên phong thực hiện sứ mệnh mà dân tộc giao phó.

Sự hy sinh của người chiến sĩ. Vẻ đẹp nguời lính từng được thơ ca cách mạng nói nhiều ở phẩm chất anh hùng, thời gian lắng lại giờ đây cho phép nhà thơ nói đến một phương diện khác, cái bi tráng. Chất bi tráng trong các tác phẩm nổi lên như một phẩm chất thẩm mỹ mới, nó chứa đựng vẻ đẹp những cuộc đời, những tính cách hy sinh cho lý tưởng, sự hy sinh đó gợi một cảm xúc mạnh mẽ trong tâm hồn người đọc. Văn chương một thời dừng lại ở bi kịch của những tính cách cao đẹp tiêu biểu cho một lực lượng tiến bộ, nhưng do hạn chế lịch sử, nên nhận “sự hy sinh như một tất yếu định mệnh” (Hegel). Ngày nay trong văn chương chất bi tráng thể hiện sự hy sinh cần thiết của sức mạnh chính nghĩa trên đường chiến thắng đưa lại một phẩm chất mới cho cái bi, tạo một hiệu ứng thẩm mỹ mãnh liệt, những cảm xúc cao thượng thanh lọc tâm hồn người đọc. Các tác phẩm viết về chiến tranh, chất bi tráng thể hiện khá thành công. Nổi bật là các trường ca Con đường của những vì sao, Biển mặn (Nguyễn Trọng Tạo), Đường tới thành phố (Hữu Thỉnh), Trường ca Sư đoàn (Nguyễn Đức Mậu), Những người lính của làng (Nguyễn Quang Thiều)… và rất nhiều thi phẩm khác! Hình tượng thơ vượt qua bút pháp tả thực vươn tới những biểu tượng đầy tính lãng mạn, tâm linh. Trường ca Chân đất (Thanh Thảo) nói về sự hy sinh của những người lính biển: ... có những người lính đảo/ đã chết theo vòng tròn/ tay họ giăng ra và siết chặt vào nhau/ như một tràng hoa biển. Tư thế hy sinh của những người lính biển quả thật hào hùng và rất đẹp. Hình ảnh cái chết gợi một ấn tượng bất tử, một xúc cảm cao cả giàu yếu tố tâm linh truyền thống, “tràng hoa biển” gợi liên tưởng đến những ngày rằm tháng bảy người sống thả những vòng hoa cầu hồn trên sông tưởng vọng người đã khuất. Hay trong trường ca của Nguyễn Quang Thiều, vẻ đẹp bất tử được thể hiện trong sự ra đi của những người lính với một âm hưởng lãng mạn: Người ngã xuống máu thấm vào gạo trắng […] Mãi mãi về sau dù trên mặt đất này/ Không súng đạn/ Không buồn đau quá khứ/ Gió vẫn thổi/ Và trăng vẫn sáng/ (Những người lính của làng).  Sự hy sinh để chiến thắng - những môtíp “bi kịch lạc quan” xuất hiện ngày càng nhiều trong trường ca cũng như thơ ca đương đại như là sự nhận thức lại chiến tranh và đề tài người lính, để sự hy sinh từ một phẩm chất đạo lý trở thành một phẩm chất thẩm mỹ, cùng hòa quyện làm phong phú thêm nền văn học cách mạng.

Thực tại nhiều sự tương nghịch, cái hài trong cuộc sống hôm nay nảy sinh trong sự tương nghịch đó, nổi bật là cái giả dối, nó len lỏi đến nhiều mặt đời sống từ kinh tế đến văn hóa, từ cái nhỏ đến cái lớn, cái nguy hại không phải ở chỗ mất tiền của, mất quyền lợi mà là ở chỗ đảo lộn bực thang các giá trị nhân bản, khi thật giả, trắng đen lẫn lộn, xã hội rối loạn từ đó. Thơ Vũ Quần Phương thể hiện khá tinh tế. Sự giả dối, cái rổng không khoác áo hào hoa đã có từ thời Nguyễn Ái Quốc viết Con rồng tre. Ở bài thơ Cửa hàng gốm sứ, ông lập tứ bằng lối ẩn dụ nói bóng gió, lấy vật nói người, lấy xưa nói nay, sự so sánh ngược (nghịch dụ) tương phản bên ngoài bên trong, hình thức và nội dung. Từ chiếc khánh đất, cái lọ men kiêu sa, từ cô gái quan họ Kinh Bắc lưng thon, tóc đuôi gà, từ con cọp đang gầm, chú hề cười đại đao sáng quắc, từ vua quan sĩ tử rầm rập ngựa voi đến tướng tá, công nương oai vệ, phong lưu, kiêu hùng..., tất cả trong cửa hàng gốm sứ đều Từ đất/ Bàn tay thô trau chuốt mà thành, là tương phản giữa nội dung và hình thức. Nó là của giả! Thời gian trôi đi, lịch sử qua đi, tất cả chỉ là mảnh sành ngoài bụi tre (Cửa hàng gốm sứ). Quả thật trong đời sống có nhiều hiện tượng chứa đựng nhiều nghịch lí, nhiều giả dối, một căn bệnh khá phổ biến của xã hội bây giờ là sự giả dối, lừa mị lẫn nhau cả trong việc chung lẫn việc riêng, cả những vấn đề của thực tại cũng như tâm linh, nhà thơ cảnh tỉnh người đời một cách nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu xa về cảm xúc thẩm mỹ.

Tình yêu và tình dục, vấn đề trước đây trong văn chương nói chung và thơ ca nói riêng tuy không phải hoàn toàn cấm kỵ nhưng vì các yêu cầu khác của đời sống bức thiết hơn nên các tác giả dè dặt không tiện nói đến nhiều cái dục tính (sexuality) trong tác phẩm, thì nay đã là một mảng khá đậm trong thơ ca nói riêng và văn học nói chung, những tác phẩm loại này ít nhiều làm thay đổi lối đọc cũ, tạo được một mỹ cảm mới nơi người đọc (thơ Vi Thùy Linh và một số tác giả trẻ). Từ cái “sex” hơi mờ ảo đạo lý của văn chương trung cổ, qua cái “sex” bay bướm của cảm xúc tự do cá nhân thời văn chương lãng mạn cho đến cái “sex” mạnh mẽ hài hòa tình cảm và bản năng thời nay, đó là con đường đi của yếu tố nhục cảm trong thơ ca Việt Nam từ trung đại đến đương đại! Yếu tố sex trong tác phẩm, ngoài việc đáp ứng nhu cầu phản ánh hiện thực đời sống, còn góp phần nâng cao hiệu ứng thẩm mỹ cho nền văn chương đương đại!

Hài hoà truyền thống, bản sắc dân tộc với  cái chuẩn lớn mà thế giới hướng đến tạo nên sức sống mới của nghệ thuật, thơ ta trong hướng đi tới bằng những hình thức tổng hợp thẩm mỹ giàu tính cách tân, đã tránh được sự lạc vào ngõ rẽ chịu ảnh hưởng một bề của các du thuyết ngoại lai, với những thành phẩm lãng mạn  mới, đó là “sự lẩn trốn vào ngôn từ” hay  chạy vào “cảm giác” vào “thế giới bên trên siêu thực”.

Thơ Viêt bước qua những lối mòn, hoá giải cái khoảng cách mà trên kia chúng ta đã nói đến để tiếp cận đời sống một cách sinh động đa chiều góp phần thỏa mãn và nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cộng đồng, gia nhập một cách tự tin vào quỹ đạo nghệ thuật thế giới!                                                                                         

________

1. Nguyễn Quang Thiều -Thông điệp về Cái đẹp và Tự do - Tham luận trình bày ở Hội thảo Thơ Đông Á trong thời đại toàn cầu hóa tổ chức tại làng Manhea, Hàn Quốc 2002.

2. Antoine Compagnon - Chiến tranh đã đóng góp cho tính hiện đại của văn chương Văn nghệ Trẻ số 34/ 2014

Nguồn Văn nghệ số 51/2020


Có thể bạn quan tâm