March 29, 2024, 2:56 am

Những trang văn đẹp, đầy ắp nghĩa tình

 

Những ngày trước năm 1975, khi nhắc về các anh em của mình ở miền Bắc, ba tôi luôn nói với sự tự hào đặc biệt, nhất là khi nói về cô Tân Nhân (ca sĩ nổi tiếng với ca khúc “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ), hay chú Trương Quang Ngô, Trương Quang Đệ, con của ông Trương Quang Phiên, em ruột bà nội tôi. Không chỉ vì các cô chú đó là anh em cô cậu, bạn dì với ba, là dòng dõi gia thế (trí thức tiến bộ, giác ngộ cách mạng sớm) và ông Trương Quang Phiên là chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Quảng Trị sau cách mạng tháng 8-1945; mà các cô chú đó, vẫn luôn siêng năng học hành, công tác, hòa vào dòng chảy của cuộc kháng chiến một cách tự nhiên, thuần hậu. Ba tôi nói các cô chú đẹp về nhiều nghĩa, từ thể chất tới tâm hồn…

Sau này, đất nước thống nhất, chúng tôi mới gặp lại các cô chú và thấy lời ba tôi nói quả là chí lý. Riêng với chú Trương Quang Đệ, chúng tôi còn có sự ngưỡng mộ và gần gũi hơn khi chú xuất thân dạy Toán, được nhà nước cử qua châu Phi dạy học, nhiều năm sống và làm việc ở Pháp, chủ biên bộ sách giáo khoa tiếng Pháp chương trình phổ thông trung học, dịch giả tiếng Pháp của nhiều tác phẩm triết học, văn học nghệ thuật. Sau năm 1975 chú về Đại học Sư phạm Huế làm chủ nhiệm khoa Ngoại ngữ rồi chuyển vào TP Hồ Chí Minh công tác. Ở đâu chú cũng được quý mến, kính trọng vì tính tình điềm đạm, khoan hòa, vì tài năng, đức độ. Đặc biệt, chú cũng là một văn nhân với những tác phẩm có giá trị, đầy tình yêu quê hương sâu đậm qua những thân phận con người, mà điển hình gần nhất là tập truyện “Tiểu thư khuê các thời loạn lạc” – NXB Phụ Nữ Việt Nam.

Ngay từ những dòng dẫn của truyện “Man mác tình thương”, bạn đọc đã nhận ra sự dịu dàng tỏa lan từ những truyện ngắn ngọt ngào, thi vị của Alfonse Daudet, nhất là những truyện quen thuộc với bao thế hệ người Việt như “Những vì sao”, “Thư viết từ chiếc cối xay gió”… Nhưng tác giả dẫn ta về câu chuyện “Những người già”, buồn man mác, kể về chàng trai ham vui, ham việc đã 10 năm rồi không về thăm ông bà của mình. Người cháu không quá vô tâm khi nhờ Alfonse Daudet thăm các cụ thay mình vào một ngày đẹp trời, các cụ cảm động đón cháu của bạn và mỗi chi tiết cuộc sống người cháu (mà Daudet bịa ra phần lớn) như liều thuốc bổ cho những tâm hồn yêu thương, nhạy cảm. Từ đó, tác giả dắt đưa ta đến câu chuyện của mình, nơi ngày nhỏ được ông bà Bích, người bà con xa bên bà nội, chăm sóc. Một thời gian dài xa cách, ông bà vẫn dành tình cảm cho tác giả, quan tâm từng đổi thay tốt đẹp trong đời sống. Trước lúc có chuyến đi dài sang Pháp, tác giả ghé về thăm ông bà và nhận ra trong mắt họ nỗi buồn sâu thẳm. Rồi thư từ ít dần, họ đi vào lãng quên và về cõi vĩnh hằng.

Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết. Từ Hà Tĩnh, tác giả cùng một nhóm bạn học đi bộ dọc theo Trường Sơn suốt 12 ngày để về quê nhà Quảng Trị. Trên đường trở lại trường học, câu chuyện những người bạn kể về gặp một số người làng của tác giả, họ đã kể về gia đình tác giả với rất nhiều yêu thương cho những người bạn này nghe. Còn tác giả, những ngày ở quê là những tháng ngày tươi đẹp, dù ngắn ngủi bên các chị dân công. Sau năm 1975 trở về, ở làng chỉ còn một người trong nhóm dân công ngày ấy, là chị Châu. “Dù ai làm việc gì hay ở đâu, mỗi lần nghĩ đến em là họ thấy sung sướng rồi”, chị Châu nói với nỗi buồn sâu thẳm.

Đôi vợ chồng già, những người bạn, nhóm nữ dân công – họ đi qua và ở lại trong cuộc đời tác giả, ngỡ nhẹ nhàng mà nặng trĩu, man mác mà sâu đằm.

“Thăm thẳm nét mặt buồn” dẫn vào bằng lời thư: “Hẹn em 8 giờ tối nay, đài phun nước ngã năm bờ hồ, để bàn việc hệ trọng. Anh”. Bức thư này viết ra với ý định đoạn tuyệt một mối tình 4 năm chưa có tiến triển tốt đẹp vì gia đình cô gái (An) còn do dự và nghe tin An ra ngoài với một người chú cùng một người mới nào đó. Với sự vị kỷ, nhân vật tôi không đến chỗ hẹn mà vào hiệu sách cũ, về nhà đọc sách, nghe radio. Nhưng rồi bàng hoàng thấy mình cư xử không phải, đồng hồ điểm đã hơn 11 giờ, anh vội chạy ra chỗ hẹn. An vẫn ngồi chờ anh ở đó, nét mặt buồn sâu thẳm. Thấy anh, nét mặt buồn dịu đi, thay bằng nụ cười rạng rỡ. “Rồi chúng tôi sống hạnh phúc như bao người khác. Nhưng hôm đó việc gì sẽ xảy ra nếu tôi không trở lại đài phun nước?”, câu hỏi bỏ lửng, dành câu trả lời cho người đọc.

“Lênh đênh sông nước” đưa bạn đọc về với dòng sông Thạch Hãn của quê nhà Quảng Trị với những chuyến ngược xuôi, thời gian là những ngày kháng chiến chống Pháp, không gian trải từ vùng chiến khu về tỉnh lỵ nơi Pháp chiếm đóng. Bốn người trên chiếc thuyền: bác Kha chèo thuyền, anh Thanh, chị Yến và chú bé xưng tôi, lênh đênh trên sông tránh giặc càn, đọc sách, học hát. Rồi chị Yến bị sốt, bệnh trở rất nặng. Anh Thanh lên bờ tìm được y sĩ Phan và nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba. Với tờ giấy có lời giới thiệu của y sĩ Phan, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện tỉnh. Biết y sĩ Phan theo kháng chiến nhưng phía Pháp vẫn luôn nể trọng và muốn lôi kéo ông về, nhưng ông vẫn một lòng với cách mạng. Bức thư gửi bác sĩ người Pháp, giám đốc bệnh viện tỉnh có đoạn: “Tôi gửi đến bệnh viện ông một nữ bệnh nhân mà tôi nghi mắc chứng thương hàn. Ông biết rõ rằng với những phương tiện ít ỏi, trong một vùng hẻo lánh, việc chữa bệnh thương hàn không thực hiện được. Vậy tôi tin tưởng, giao phó cho ông, cho trái tim thầy thuốc của ông trường hợp này, mong ông cứu chữa thích hợp”…

Chị Yến đã được cứu sống và tác giả trở về với quê nhà, bên dòng sông, trong vòng tay của ngoại, kết thúc những ngày lênh đênh vừa thi vị vừa đầy hiểm nguy rình rập.

“Một chuyện gần như cổ tích” đúng nghĩa là câu chuyện đẹp. Những năm 1971-1972, khoa tiếng Pháp của một trường đại học sơ tán về miền quê ở tỉnh Hưng Yên. Một sinh viên tên là Pha đột nhiên ngã bệnh, tác giả và thầy giáo đồng nghiệp đưa đi gặp thầy lang, rồi gặp mẹ và em gái của Pha. Cách đó hai hôm, mẹ Pha nằm mộng thấy con mình ốm, nên bà cùng với em đi tìm và may mắn mẹ con gặp được nhau. Tuy nhiên, mẹ Pha có dáng vẻ bên ngoài không giống người xứ này về màu da, màu mắt. Sau mới biết mẹ Pha là vợ của một sĩ quan Pháp, viên sĩ quan tử nạn vì mìn của du kích gài, người vợ bị thương. Anh du kích là bố của Pha đã cứu bà đầm, bà sống nhưng mất hết trí nhớ và như một đứa trẻ học lại từ đầu. Bà sinh cho bố Pha hai người con, không có nét Tây, khỏe mạnh, giỏi giang. Một câu chuyện thời chiến tranh, có nhiều thứ để bận tâm hơn chuyện đời tư, nên trôi dần vào quên lãng. Bà đầm, sau này đặt tên Việt là Đan, nay đã hơn 94 tuổi, đã có một cuộc đời khác, của một phụ nữ nông dân Việt Nam nhân hậu, hiền lành…

Truyện quan trọng nhất, làm tựa đề cho cả tập, “Tiểu thư khuê các thời loạn lạc” kể về những phận đời của những tiểu thư, con nhà khá giả, có học thức, do  những đẩy đưa của thời cuộc mà có số phận long đong, đầy rẫy nhọc nhằn. Song hầu hết đều đã vượt lên, bằng ý chí, tài năng và nghị lực cùng sự may mắn, để kể lại những câu chuyện đẹp của đời mình qua từng trang sách. Tác giả, với tâm thế của người trong cuộc, kể với giọng ưu ái, viết với sự chân thành, tràn đầy yêu thương.

Đó là thời cải cách ruộng đất, năm 1953 ở Hà Tĩnh, thầy Hoàng Quê dù là gia đình địa chủ nhưng vẫn được dạy học nhờ hưởng quy chế cán bộ thoát ly. Ba cô em gái xinh đẹp của thầy là Giáng Hương, Diễm Tuyết và Thu Hà phải bỏ học, về nhà, chịu sự quản lý của đội cải cách. Rồi bạn Minh Lệ, có bố là phó trưởng ty giáo dục, bị đấu tố, mất liên lạc. Lệ đưa mẹ và hai em lên vùng cao lánh nạn, sau lưu lạc ra tận Quảng Ninh làm công nhân mỏ than…

Bên sông Ngàn Phố có vị y sĩ Đông Dương tên là Hiển, chuyên chữa bệnh từ thiện cho mọi người. Nhóm bạn học đưa người bạn bị bệnh thương hàn đến nhờ ông cứu chữa. Quỳnh Như - cô con gái duy nhất về sống cùng cha, phải ra đội cải cách trình báo, xin phép. Người bạn được y sĩ Hiển cấp thuốc điều trị, được cứu sống. Sau năm 1975 gặp lại bạn học cũ, tác giả được biết Giáng Hương và Minh Lệ được hai sĩ quan quân đội cưu mang và sau đó kết hôn với các tiểu thư khuê các này. Quỳnh Như mất sớm vì bệnh phổi sau ngày trở lại Hà Nội học đại học ngoại ngữ, còn y sĩ Hiển làm giám đốc một trung tâm chữa bệnh phong ở Nghệ An.

Còn Giáng Hương (tên ngoài đời là Liên Hoa), sau khi bị đuổi học vì có ông nội là địa chủ và cha là quan lại (tham tán tòa Khâm sứ ở Vientiane), đưa cả nhà ra Hà Nội. Liên Hoa làm gia sư, các em đi làm thuê ở các nhà hàng. Đoạn đời thời cải cách ruộng đất được kể lại đầy ám ảnh: Bị đấu tố, bị đuổi ra khỏi nhà, chăn trâu, cấy thuê sống qua ngày… Sau đó, kiếm cớ xin đưa mẹ đi chữa bệnh, cô đã đưa các em ra được Hà thành. May mắn gặp được nhiều người quen giúp đỡ, cuộc sống dần ổn định và lập gia đình…

Cứ thế, những trang viết của Trương Quang Đệ dẫn người đọc qua từng cảnh đời, số phận. Những đoạn ông đặc tả cảnh “quan đội” cải cách ruộng đất hạch sách người dân và cửa quyền khi hành xử công việc; đoạn Giáng Hương làm việc với cán bộ tổ chức trường nông lâm, ông ta hỏi han, nghe cô trả lời về gia cảnh rồi đưa quyết định buộc thôi học vì khai man lý lịch; cũng như việc chồng cô bị giáng chức, đi lao động cải tạo vì gia đình thuộc diện tiểu tư sản lại lấy vợ con nhà địa chủ - cho thấy sự ấu trĩ, cực đoan của một thời, khiến cho bao nhiêu gia đình, số phận phải lao đao. Cũng những dòng chữ như reo vui khi nhân vật chính vào học trường sư phạm, mẹ cô được nhà nước đền bù khoản tiền lớn sau sửa sai, chuyện cô phát triển kinh tế gia đình để có cuộc sống vững vàng…, xem như là kết thúc có hậu cho những tiểu thư khuê các một thời.

Qua những trang viết, từng giai đoạn lịch sử của quê hương, đất nước, nhiều vùng miền được tái hiện. Tâm và tình của tác giả cứ ngồn ngộn sau những câu chữ, bởi đó cũng là phần đời ông đã trải, nhất là những tháng ngày hoa niên tươi đẹp và tuổi trưởng thành cống hiến cho sự nghiệp chung của dân tộc. Nay tuổi cao nhưng ông không ngơi nghỉ, vẫn bền bỉ lao động sáng tạo, vẫn cho đời những trang văn đẹp, đầy ắp nghĩa tình.

Theo nhà báo Jacques Cortes, Chủ nhiệm Tạp chí Synergies (Pháp): “ Trương Quang Đệ đúng là một kiểu người bâng khuâng, một kiểu người luôn trăn trở với mọi thứ trên đời. Là nhà giáo, ông lo lắng về cách giảng dạy, về hệ thống giáo dục, Là nhà ngôn ngữ, ông băn khoăn về chuyện xưng hô còn khập khiễng hiện nay. Khi cầm bút, ông sống trong hạnh phúc với những tình yêu cao cả và đau buồn với những cái ác đủ sắc màu. Cái bâng khuâng của ông đến từ đầu óc tỉnh táo thuần lý trí nhưng có khi xen lẫn với cái nông nổi, cái hoang tưởng. Cái bâng khuâng đó khi thì khô khan, khi thì bay bổng như những lời thơ. Đọc ông ta liên tưởng tới Nietszche với những điều trái ngược nhưng bổ sung cho nhau


Có thể bạn quan tâm