March 29, 2024, 11:58 am

Những thông điệp “thầm lặng”

 

Nhiều bạn đọc đã biết nhà văn Mỹ gốc Việt Viet Thanh Nguyen với tác phẩm nổi tiếng The Sympathizer (Cảm tình viên) đoạt giải Pulitzer 2016; Angie Chau cũng thuộc lớp nhà văn Việt Nam thứ hai tại Mỹ như Viet Thanh Nguyen, nhưng Những người thầm lặng vừa được dịch, là tác phẩm đầu tiên ra mắt bạn đọc trong nước. Tác phẩm này cũng đã được giải thưởng ở Mỹ, tuy không danh giá bằng Pulitzer. Dù vậy, có thể nói ngay, Những người thầm lặng đã góp vào dòng văn học Việt hải ngoại một tác phẩm thật ấn tượng.

Lấy bối cảnh một đại gia đình di cư sang Mỹ, trải qua 3 thế hệ, Angie Chau viết 11 truyện ngắn, mỗi truyện là một tác phẩm độc lập, nhưng xâu chuỗi lại thành một tiểu thuyết thể hiện sinh động “về cuộc sống của những người Việt Nam di dân, cách thức họ tranh đấu, vật lộn để hòa nhập với cuộc sống mới…”. Thực ra, chủ đề này và cả kiểu gắn kết nhiều truyện ngắn thành một tiểu thuyết không hẳn là mới, nhưng Những người thầm lặng hấp dẫn bạn đọc nhờ tác giả, với văn phong đậm nữ tính, “trầm tĩnh, có vẻ thản nhiên như chuyện của một ai khác” nhưng lại tạo dựng được những nghịch cảnh độc đáo, khi hài hước, khi dữ dội, đau đớn, khiến độc giả bất ngờ, cảm xúc luôn “đổi chiều” với những cung bậc khác nhau và từ đó, chuyển tải được nhiều thông điệp.

Xin dẫn một cảnh trong truyện Cấm đoán: Khi Elle, con gái Hương bị cảm, cô nấu nồi nước xông: “Cô cho thêm vào nồi một củ gừng be bé và vài nhánh sả cây. Nồi nước được đun sôi đến khi mùi hương thảo mộc bay khắp nhà. Mùi lá xông như mang cô trở về với hơi ẩm của miền nhiệt đới…”.

Sau khi bảo chồng sát trùng đồng xu, Hương “rải rác tinh dầu lên lưng Elle, và dùng đồng xu lướt trên lưng con gái… Cô kéo từng đường thật mềm mại, nhưng không quá nhẹ, để dầu và hơi lá xông có thể thẩm thấu vào da…. Tác giả di cư sang Mỹ từ lúc 4 tuổi, miêu tả cách nấu nồi lá xông và “cạo gió” rất chi tiết cũng là điều bất ngờ, nhưng quan trọng hơn, chi tiết này là biểu tượng văn hoá Việt đã “sống” trên đất Mỹ như thế nào? Bạn đọc càng bất ngờ hơn khi Angie Chau miêu tả nhân viên “Hiệp hội Bảo vệ trẻ em” đến “điều tra” Hương vì “giáo viên của Elle lo ngại là con bé đang bị bạo hành vì có rất nhiều vết bầm dọc ngang trên lưng nó”! Bạn đọc có thể sẽ bật cười trước chuyện hiểu lầm “ngộ nghĩnh” này, hoặc là cảm phục việc bảo vệ quyền trẻ em ở Mỹ; còn Hương thì đau đớn vì bị xúc phạm, sau khi tung các thứ dùng “cạo gió” để “minh oan”, cô “cảm thấy phấn khích, cảm giác chiến thắng. Cô tự nhủ lòng đã đánh bại được quỷ dữ ngày hôm nay. Với đôi tay còn run rẩy… cô ném mạnh đồng xu và chai dầu bằng chút sức lực cuối cùng. Chai dầu lăn xuống nền nhà vỡ vụ từng mảnh”.

Có thể nói, câu chuyện này là một chi tiết “đắt giá”, không dễ nhà văn nào cũng tìm thấy. Những người thầm lặng cũng là chuyện của vợ chồng Hương-Việt, nhưng bi kịch lại từ phía Việt. Là giáo sư triết học, “hai mươi năm trước, Việt là chủ tịch danh dự một trường đại học”, nay thì đang lo kiếm chân kế toán… Bất ngờ hơn, “Không thể tin được Việt Trần đã từng giết người. Bạn bè hồi ở Việt Nam của anh thường miêu tả anh là người hiền lành, tốt bụng, trí thức, hợp với thú chơi cờ tao nhã… là người không bao giờ sát sanh, kể cả một con nhện…”. Việt nhớ lại hồi ức kinh khủng này khi anh suýt rút dao đâm chết một đồng sự người Mỹ, do hắn buông lời sàm sỡ đứa con gái tuổi thiếu nhi của anh. Việt đã buộc phải giết người trên chiếc tàu di tản, khi Hương sắp bị tên cướp biển làm nhục và tước sạch vàng bạc đem theo. Việt được bà con trên tàu xem như một anh hùng, nhưng anh “trầm buồn, đau khổ nhiều ngày sau đó, cuộc sống quá mong manh, anh đã cướp đi một mạng sống… Anh chỉ là một con người tầm thường, thô tục như tất cả mọi người, không thể có một cuộc đời không bạo lực mà anh lý tưởng…”. Nỗi đau của vị cựu giáo sư triết khiến bạn đọc nghĩ đến những điều rất sâu xa…

Với giọng văn đa thanh, Những người thầm lặng của Angie Chau vừa miêu tả được những cảnh dữ dội, những bi kịch ghê gớm của con người, đồng thời lại không thiếu những trang dí dỏm, tế nhị về trò chơi con trẻ, về tình yêu vợ chồng… Nhờ thế, Những người thầm lặng gửi đến bạn đọc khá nhiều thông điệp có ý nghĩa. Đọc Những người thầm lặng vào dịp kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước và 25 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, chúng ta hiểu sâu hơn cái giá của chiến thắng, càng trân quý hơn những ngày tháng hòa bình hôm nay, đồng thời nhận rõ công cuộc hòa hợp dân tộc còn đòi hỏi nhiều nỗ lực từ các phía. Mặt khác, Những người thầm lặng cũng chứng tỏ sức sống kỳ diệu của người dân Việt, kiên cường vượt qua nghịch cảnh, để có thể thích ứng với cộng đồng dân cư nơi xứ người mà không đánh mất nét đẹp của văn hoá dân tộc… Nói một cách bao trùm, thân phận hàng triệu người Việt phải sống xa xứ sau 1975 là một vấn đề mang tính nhân văn rất đáng quan tâm…

Nguồn Văn nghệ số 20/2020


Có thể bạn quan tâm