April 19, 2024, 6:31 pm

Những thay đổi tiến bộ

Ngày 15/5/2021, Nghị định 40/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc xét phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú chính thức có hiệu lực. Đây là Nghị định thay thế nghị định 89/ 2014/ NĐ-CP với những điều chỉnh có lợi cho những cá nhân đối tượng đề nghị được xét, phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ Ưu tú.

Đầu tiên là quy định thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của nghệ sĩ. Nếu như trước đây, thời gian được tính bằng quá trình tham gia hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục liên tục đủ 15 năm cộng dồn, hay 10 năm đối với loại hình nghệ thuật Múa, Xiếc (danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú) thì nay được thay thế bằng thời gian tính từ khi cá nhân đủ 18 tuổi, hoạt động tại một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ tặng danh hiệu tại hội đồng cơ sở. Cũng tại Nghị định 40, việc rộng cửa cho cá nhân có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc, nhưng thiếu giải thưởng theo quy định, sẽ được hội đồng các cấp đánh giá là trường hợp đặc biệt và được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Điều này có lợi cho những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, ít có dịp tham gia các hội thị, hội diễn để gặt hái huy chương, để cộng dồn cho đủ cơ số một cách may móc hay nói đúng hơn là hoàn toàn cơ học, phục vụ công tác xét, phong tặng danh hiệu. Và điểm mới thứ ba được xem là có lợi của Nghị định 40, chính là tỷ lệ phiếu đồng thuận của Hội đồng tham gia xét, phong tặng danh hiệu đã giảm xuống còn 80% thay vì tỷ lệ 90% số phiếu đồng thuận (của các thành viên tham dự cuộc họp) trước đây. Ngoài ba điểm có lợi trên, Nghị định 40 còn có nhiều điều chỉnh phù hợp đến từng lĩnh vực, chuyên ngành và được đánh giá là khá sát với đời sống hoạt động nghệ thuật đang khá sôi động hiện nay. Đơn cử, tại những loại hình nghệ thuật tuyền thống, các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực này thường theo hướng truyền nghề, do đó họ sẽ không thể có tên một cơ sở đào tạo chuyên nghiệp nào để kê khai vào lý lịch học tập của mình. Đây cũng là nút thắt mà nhiều năm liền các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật dân gian chưa thể tham gia quy trình xét giải. Gỡ vướng về mặt cơ chế, nới lỏng hơn về những quy định mang tính bắt buộc về số năm, huy chương, Nghị định 40 đã không đóng khung các tiêu chuẩn, theo hướng làm khó cho các ứng cử viên, buộc họ phải tìm kiếm mọi cơ hội để trở thành Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú.

Đổi mới thì đã rõ, song vẫn cần có thời gian để những đổi mới tạo nên sự khác biệt. Nhưng ai có thể chắc chắn rằng, sau Nghị định 40 người đứng đầu Hội đồng xét. phong tặng danh hiệu cấp quốc gia sẽ không còn nhận được những lá đơn hay những bức tâm thư bày tỏ sự thất vọng, luyến tiếc của một cá nhân nghệ sĩ nào đó bị “trượt” trong đợt xét, phong tặng hằng năm, vì thiếu những điều a, khoản b nào đó của quy chế, mà bản thân họ thấy mình xứng đáng. Những bức tâm thư như vậy, mùa xét, phong tặng danh hiệu năm nào cũng có và cuối cùng thì những kết thúc có hậu cũng đến với một vài cá nhân cụ thể. Điều này vô hình chung khiến dư luận xã hội không chỉ đặt dấu hỏi về quy trình và năng lực của Hội đồng xét, phong tặng danh hiệu ở 3 cấp Hội đồng (trước khi trình lên Chủ tịch nước) mà còn cho thấy “quy chế” vẫn có thể có những vận dụng cho phù hợp. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận một điều, nếu tình trạng cá nhân không được phong tặng có đơn, tâm thư gửi Chủ tịch nước, sẽ tạo ra những tiền lệ không có lợi cho quy trình xét phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú và hơn cả là giảm uy tín của danh hiệu vốn được xem là nấc thang cuối cùng, ghi nhận sự cống hiến của người nghệ sĩ.

Sự ghi nhận đó có chính xác hay không và cá nhân được phong tặng có lấy đó làm động lực để tiếp tục cháy hết mình trên con đường nghệ thuật, có lẽ vẫn cần được kiểm chứng qua mùa xét, phong tặng danh hiệu năm 2021 với những điểm mới có lợi từ Nghị định 40.

Nguồn Văn nghệ số 24/2021


Có thể bạn quan tâm