Những tấm gương nữ liệt sĩ trong thơ

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, những tấm gương nữ liệt sĩ đã gây xúc động và cảm phục cho nhiều người. Trong số họ, có người đã đi vào thơ ca và trở thành những hình tượng thơ đặc sắc, kỳ vĩ! Có thể kể ra những bài thơ hay, thành công khi viết về họ như: Bà má Hậu Giang của Tố Hữu, Núi Đôi của Vũ Cao, Quê hương của Giang Nam, Bài thơ về hạnh phúc của Bùi Minh Quốc, Khoảng trời – Hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ, Cô gái Bạch Long Vĩ của Xuân Thiêm

Nhân vật nữ liệt sĩ trong bài thơ Bà má Hậu Giang của Tố Hữu là một má già trung trinh với cách mạng. Giữa lòng địch má vẫn gan dạ bám trụ để nấu cơm cho bộ đội ăn. Khi mọi người đi sơ tán, má lần lữa không đi, vẫn ở một mình trong túp lều con: Rừng một dải U Minh tối sớm/ Má lom khom đi lượm củi khô.

Bị giặc phát hiện, đánh đập, dọa dẫm, má vẫn không sợ: Má ngã xuống bên lò bếp đỏ/ Thằng giặc kia đứng ngó trừng trừng.

Trước lũ giặc như hùm sói, má bật dậy chỉ tay vào mặt chúng và thét lớn: Má thét lớn: tụi bây đồ chó/ Cướp nước tao, cắt cổ dân tao/ Tao già không sức cầm dao/ Giết bây, có các con tao trăm vùng.

Hình ảnh người má già ngã xuống trước lưỡi gươm của giặc khiến chúng ta vô cùng thương xót và đau đớn, đồng thời cũng vô cùng căm phẫn lũ giặc bất nhân đã giết hại một người mẹ Việt Nam yêu nước: Một dòng máu đỏ lên trời/ Má ơi, con đã nghe lời má kêu!

Có lẽ bà má Hậu Giang là nữ liệt sĩ đầu tiên bước vào thơ ca cách mạng!...

*

Nhân vật nữ liệt sĩ trong bài thơ Núi Đôi của Vũ Cao là một cô du kích có người yêu đi bộ đội. Tình yêu của họ thật hồn nhiên, người đọc thật khó quên hình ảnh đôi uyên ương những tháng ngày yêu nhau qua việc miêu tả của nhà thơ: Lối ta đi giữa hai sườn núi/ Đôi ngọn nên làng gọi Núi Đôi/ Em vẫn đùa anh: sao khéo thế/ Núi chồng núi vợ đứng song đôi.

Đang quấn quýt bên nhau như thế, song họ vẫn sẵn sàng chia tay, làm nhiệm vụ cứu nước. Người con trai lên đường vào bộ đội. Người con gái ở lại hoạt động du kích. Rồi bỗng có trận công đồn, người con gái bị giặc giết trong tư thế hiên ngang bất khuất, trung thành với cách mạng, thủy chung với người yêu: Dân chợ Phù Linh ai cũng bảo/ Em còn trẻ lắm, nhất làng trong/ Mấy năm cô ấy làm du kích/ Không hiểu vì sao chẳng lấy chồng!

Mất người yêu, người con trai cảm thấy hẫng hụt và đớn đau: “núi vẫn đôi mà anh mất em”. Đương nhiên, không vì thế mà anh bi lụy; anh hiểu sự hy sinh của người yêu của mình là vì dân vì nước: “Đã chết vì dân giữa đất này. Người yêu của anh “sẽ là hoa trên đỉnh núi/ bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm.

*

Nhân vật nữ liệt sĩ trong bài thơ Quê hương của Giang Nam cũng là một nữ du kích có người yêu đi bộ đội, song ở giai đoạn chống Mỹ. Khi còn nhỏ, mỗi lần nhìn thấy bạn trai mình bị “đòn”, cô gái nép sau cánh cửa cười khúc khích. Khi chia tay họ chưa kịp nói với nhau lời yêu. Giữa đường hành quân bất ngờ được gặp nhau, cô gái nhìn chàng trai lại cứ vẫn cười khúc khích, để lại “đôi mắt đen tròn” lưu luyến khó quên trong lòng chàng trai. Và rồi có lần chàng trai đưa ra “chuyện chồng con” ướm hỏi, cô gái vẫn thẹn thùng “khó nói lắm anh ơi”, mặc dù vẫn để yên bàn tay của mình trong bàn tay người yêu: Tôi nắm bàn tay em nhỏ nhắn ngậm ngùi/ Em vẫn để trong tay tôi nóng bỏng.

Ai ngờ, lần cầm tay ấy là lần duy nhất họ được thổ lộ tình yêu với nhau! Người con gái bị “giặc bắn, quăng mất xác”; còn người con trai thì “đau xé lòng anh, chết nửa con người”. Anh tự an ủi mình: “Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm/ Có những ngày trốn học bị đòn roi/ Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi...

*

Nhân vật nữ liệt sĩ trong bài thơ Bài thơ về hạnh phúc của Bùi Minh Quốc khác với hai nữ liệt sĩ ở hai bài thơ trên. Chị chính là nữ nhà văn Dương Thị Xuân Quý, vợ của nhà thơ. Nén lòng yêu thương con, chị đã gửi đứa con nhỏ mới mấy tuổi ở lại hậu phương để cùng chồng vào chiến trường miền Nam. Với tư cách là nhà báo, nhà văn, chị chấp nhận mọi gian khổ của chiến trường: “Có mùa mưa đói quay đói quắt/ Mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng”. Hình ảnh chị hiện lên trong thơ khiến người đọc hết sức cảm động: Em xanh gầy, gùi sắn nặng trên lưng/ Môi tái ngắt, mái tóc mềm đẫm ướt/ Bao dốc cao em cần cù đã vượt/…../ Giữa hai cơn đau em ngồi ghi chép/ Con sông Giằng gầm réo miên man/ Nước lũ về… trang giấy nhỏ mưa chan/ Em vẫn viết: lòng dạt dào cảm xúc/ Và em gọi đó là hạnh phúc…

Chị Xuân Quý bị giặc giết trong một trận càn và mãi mãi nằm lại với đất Duy Xuyên, để lại đứa con thơ dại, để lại trong người chồng thi sĩ của mình hình ảnh khó quên: Em ra đi chẳng để lại gì/ Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi/ Và anh biết khi bất thần trúng đạn/ Em đã ra đi với mắt cười thanh thản/ Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai.

*

Nhân vật nữ liệt sĩ trong bài thơ Khoảng trời – Hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ là một cô gái thanh niên xung phong làm nhiệm vụ mở đường. Để đánh lạc hướng quân thù, cô đã cầm ngọn đuốc chạy lệch hướng con đường hút máy bay giặc ném bom về phía mình, bảo đảm sự an toàn cho con đường và đoàn xe ra trận. Cô đã anh dũng hi sinh. Nhà thơ gọi ngọn đuốc trên tay cô là “ngọn lửa tình yêu Tổ quốc”. Nhà thơ cảm nhận về cái chết của cô gái như là sự biến hóa kỳ diệu từ thân thể cô thành khoảng trời xanh. Khoảng trời đó chính là tâm hồn của cô với những vì sao lung linh tỏa sáng trong đêm, là làn mây trắng giữa nền trời biếc ban ngày, là mặt trời chói nắng tượng trưng cho trái tim của cô. Tìm thấy điều bất diệt về sự hi sinh của cô gái, Lâm Thị Mỹ Dạ đã hạ bút viết: “Cái chết em xanh khoảng trời con gái”. Đây là ý tưởng độc đáo, riêng có của Mỹ Dạ. Nhà thơ kính cẩn nghiêng mình trước tấm gương liệt nữ: Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em.

*

Nhân vật nữ liệt sĩ trong bài thơ Cô gái Bạch Long Vỹ của Xuân Thiêm là một nữ dân quân trên đảo Bạch Long Vỹ với “đôi bàn chân thoăn thoát/ chuyển đạn nhanh như tên”, khi bị bom giặc dội sập hầm, bàn tay vẫn siết chặt cây súng, nhả đạn vào máy bay giặc Mỹ. Cái chết của cô đã trở thành bất tử: Tên em thành bài ca/ Thông xanh mồ liệt sĩ.

Qua các bài thơ, các nhân vật vừa kể trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng: hình tượng các nữ liệt sĩ trong thơ được các nhà thơ khắc họa với tình cảm kính yêu, chân thành. Họ được sống lại qua thơ, được bạn đọc nhớ mãi. Phải chăng vì cuộc đời họ mặc nhiên đã là những bài thơ đẹp nên khi vào thơ họ làm cho người đọc cảm kích, xúc động? Nói như thế không có nghĩa là coi nhẹ lao động nghệ thuật của các nhà thơ! Bởi vì từ các nguyên mẫu ngoài đời, qua lao động nghệ thuật của các nhà thơ, các nữ liệt sĩ đã trở thành những hình tượng văn học đặc sắc.

Cùng với cả dân tộc, những người phụ nữ Việt Nam đã đi vào cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc với một tinh thần yêu nước không gì lay chuyển, và không ít người trong số họ đã anh dũng hy sinh cho tổ quốc. Ngoài những bài thơ nổi tiếng nêu trên, văn học còn có Trường ca Võ Thị Sáu của Phùng Quán viết về nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, trường ca Khúc hát người anh hùng của Trần Đăng Khoa viết về anh hùng liệt sĩ Mạc Thị Bưởi, trường ca Con đường của những vì sao của Nguyễn Trọng Tạo viết về những cô gái anh hùng ở ngã ba Đồng Lộc. v.v… Các trường ca này là tác phẩm dài hơi, đã tái hiện đầy đủ, sinh động cuộc đấu tranh gian khổ của dân tộc để giành độc lập tự do, tái hiện lại cuộc đời hoạt động cách mạng đầy anh dũng của các nữ anh hùng liệt sĩ đã được toàn dân tôn vinh, ngưỡng mộ.

Nguồn Văn nghệ số 30/2020


Có thể bạn quan tâm