April 26, 2024, 6:35 am

Những sinh thế văn chương Việt từ góc nhìn đương đại

 

Là một trong số những cây bút nghiên cứu phê bình nữ chuyên nghiệp sau năm 1986, đến nay, ngoài hơn 20 công trình in chung, Lý Hoài Thu đã xuất bản riêng 4 công trình. Số lượng công trình không nhiều so với chặng đường 40 năm cầm bút của chị. Nhưng, công trình nào cũng để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn đọc. Trong đó, chuyên luận Thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám - 1945 (Nxb Giáo dục, 1997) đã được tái bản nhiều lần. Đây là một sự kiện hiếm hoi đối với lĩnh vực nghiên cứu phê bình – mà trong suốt cuộc đời cầm bút không phải ai cũng có được cơ duyên ấy. Sau chuyên luận về thơ Xuân Diệu, ở 3 tiểu luận – phê bình: Đồng cảm và sáng tạo (Nxb Văn học, 2006), Văn nhân quân đội (Nxb Văn học, 2015) và Những sinh thể văn chương Việt (Nxb Văn học, 2018), chị đã có sự nới rộng hơn về đối tượng nghiên cứu phê bình. 25 bài viết trong “Những sinh thể văn chương Việt” là những ký hiệu, những sinh thể được đặt trong sự vận động của hệ hình lý luận hiện đại/ hậu hiện đại, khơi lộ những giá trị mới tưởng chừng như đã bất di bất dịch trong quá khứ.

Những sinh thể văn chương Việt chia làm hai phần. Phần 1 có 14 bài viết về thơ. Phần 2 có 11 bài viết trình bày một số vấn đề lý luận và các thể loại khác. Trước đây, một số ý kiến cho rằng nghiên cứu phê bình Lý Hoài Thu thiên về thi pháp học và thơ là mảnh đất màu mỡ để chị vực dậy vẻ đẹp tiềm tàng của những ngôn ngữ đặc biệt. So sánh tương quan hai phần của Những sinh thể văn chương Việt, thơ vẫn là đối tượng nằm lòng của Lý Hoài Thu. Song, nhìn một cách tổng thể, chủng loại nghiên cứu phê bình trong Những sinh thể văn chương Việt rất đa dạng. Từ thơ, trường ca, truyện ngắn, tiểu thuyết, bút kí, hồi ký, phê bình, tản văn, kịch,… cho đến việc nghiên cứu một trào lưu, một giai đoạn,… đều được giải mã một cách cẩn trọng, không trùng lặp. Bên cạnh kiểu phê bình thi pháp học, chị còn đưa vào các bài viết kiểu phê bình ấn tượng, phê bình sinh thái, phê bình phong cách học, phê bình phân tâm học, phê bình ký hiệu học, phê bình hậu hiện đại, mỹ học tiếp nhận,… Nếu nhìn qua như vậy thì xem ra ngòi bút phê bình của chị cũng na ná như các tác giả khác. Nhưng, theo tôi, điểm khác biệt và cũng là điểm làm nên phong cách của Lý Hoài Thu chính là cách thức vận dụng các hướng nghiên cứu phê bình trên nền tảng phê bình thi pháp học. Hay nói cách khác, thi pháp học là nền móng, là trụ chính, còn các thủ pháp khác như vật liệu phụ trợ để tạo dựng nên ngôi nhà phê bình – mang thương hiệu Lý Hoài Thu. Như chúng ta đã biết, các phương pháp nghiên cứu phê bình chỉ phát huy giá trị của nó khi đánh thức được “phần chìm” của văn bản. Mỗi nhà phê bình có quyền chọn lựa các hướng nghiên cứu, tuỳ theo sở trường sở đoản của anh ta. Nhưng, nhà phê bình cũng như người sáng tác, cần khẳng định được tiếng nói khác lạ. Nếu không tạo cho mình một văn phong riêng thì nhà phê bình khó đảm đương được tính chuyên nghiệp. Vì thế, tôi cho rằng, Lý Hoài Thu thiết kế thi pháp học làm nền móng vững chắc cho các bài viết của mình là một việc làm thể hiện ý thức cao về cái khác và đảm bảo tính khoa học, chuyên nghiệp trong phê bình. Các bài nghiên cứu phê bình trong Những sinh thể văn chương Việt của chị đều được xử lý rất chắc chắn, bài bản và hệ thống. Nói như thế, không có nghĩa văn bản nào chị cũng thực nghiệm theo hướng thi pháp học, mà luôn có sự gia giảm giữa các phương pháp nghiên cứu phê bình. Trong 14 bài nghiên cứu phê bình về thơ ở phần 1, hầu hết chị đều thoả hiệp với thi pháp học theo nguyên tắc: lõi chính. Chẳng hạn, trong chùm bài viết về thơ Xuân Diệu, triển khai trên cái khung thi pháp học nhưng mỗi bài vẫn đảm bảo một vẻ riêng. Nếu Dấu ấn truyền thống qua Thơ thơ và Gửi hương cho gió của Xuân Diệu biểu thị những mối quan hệ tương đồng và dị biệt giữa tác gia Xuân Diệu trong gặp gỡ với văn hoá Đông - Tây, với truyền thống - hiện đại, với dân tộc - hiện đại; Xuân, hạ, thu, đông và hệ ký hiệu mùa trong Thơ thơ và Gửi hương cho gió của Xuân Diệu là những chuyển động của thời gian và tâm hồn yêu thiên nhiên của thi sĩ qua kho kí hiệu mùa – màu, xuân – hồng, hạ - đỏ, thu – vàng, đông – xám; thì bài viết Cái cô đơn mang tên Xuân Diệu là những mảng ghép, “ô màu lập phương” tạo nên mối quan hệ khăng khít giữa thơ và đời của thi sĩ. Các mảng khối về Xuân Diệu ở trong 3 bài viết được Lý Hoài Thu lẩy ra thông qua những đặc sắc ngôn ngữ thơ, hệ thống ký hiệu, rồi dính kết chúng lại với nhau bằng chất keo tình yêu sinh thái của thi sĩ Xuân Diệu. Ở bài viết Tiểu thuyết hải ngoại – tha hương và thân phận, vừa có dấu ấn phê bình phân tâm học, biểu hiện qua những lát cắt như: phạm trù lưu đày (bi kịch của kẻ ngụ cư), cảm thức cô đơn, cảm thức “đi tìm bản thể”, hoài niệm,… vừa có dấu ấn của phê bình hậu hiện đại: dòng ý thức, hình thức giấu mặt, mảnh vụn, đa cốt truyện. Hai hướng nghiên cứu này được chị xâu chuỗi trên cái nền thi pháp học (không gian, nhân vật, phương thức trần thuật). Đọc nghiên cứu phê bình của chị, ngòi bút của Lý Hoài Thu rất linh hoạt và tinh nhạy, chứ không phê bình kiểu áp đặt khiên cưỡng theo một lý thuyết nào đó. Với cách thức nghiên cứu phê bình tạo trụ, tạo lõi này, chị dễ dàng chỉ ra được những vi mạch ẩn giấu trong văn bản cũng như những đánh giá, nhận định thấu đáo về một tác giả, một thể loại, một giai đoạn, một trào lưu văn học.

Điểm thứ hai làm nên sự khác biệt trong văn phong phê bình của Lý Hoài Thu là hầu hết các bài viết đều xuất phát từ góc nhìn đương đại. Làm phê bình bao giờ cũng phải đi liền với vận mệnh của thời cuộc. Nhưng không phải cứ chăm chắm vào đời sống văn học đương đại có nghĩa là anh đã hoàn thành trách nhiệm của người viết nghiên cứu phê bình. Lý Hoài Thu đa phần nghiên cứu những tác giả, văn bản giai đoạn 30-45, 45-75 và một số cây bút trưởng thành từ 1975. Với những cây bút đã khẳng định tên tuổi, sự nghiệp, chị đánh giá, thẩm định lại bằng cách dựa vào tri thức, phương pháp tiếp cận đương đại, phù hợp cảm quan thẩm mỹ đương đại. Nhờ đó, những đối tượng văn học của quá khứ tưởng như đã đóng băng, nhưng dưới tâm thức đương đại của chị, chúng được bồi đắp thêm sức sống và vẫy gọi tính đồng sáng tạo. Kiểu đọc văn bản như thế giúp chị kiến tạo những con đường khai thông các kết cấu chìm đầy lý thú mà bản thân tác giả đôi khi không nhận ra. Đánh giá về thơ Hữu Thỉnh, chị đan xen phê bình thi pháp học với phê bình sinh thái để khẳng quyết biểu tượng cây “như là sinh mệnh thứ hai của thơ Hữu Thỉnh”. Thi pháp học là gốc rễ, là thân, là cành, còn góc nhìn sinh thái làm nên sinh khí, sự quyện giao theo nguyên tắc điều bình giữa con người và thiên nhiên. Trong chỉnh thể chỉn chu ấy, kí hiệu “cây” trở thành một biểu tượng độc đáo của riêng Hữu Thỉnh:“biểu tượng cây trong thế giới thơ Hữu Thỉnh thực sự là cả một cõi nhân gian, cõi người với bao vui – buồn, sướng – khổ, được – mất…” (tr.196). Hai bài viết Thơ Lưu Quang Vũ – gió và tình yêu thổi trên đất nước tôiLưu Quang Vũ và chặng đường kịch Việt Nam cuối thế kỷ XX được Lý Hoài Thu khảo sát chủ yếu ở điểm nhìn thi pháp học, kí hiệu học và sinh thái. Nhưng trong sự giao thoa giữa các phương pháp ấy, chúng ta còn thấy sự vấn vít khéo léo của phê bình chân dung văn học, phê bình phân tâm học. Tìm được điểm nối giữa đời tư với tác phẩm trong sự nghiệp thơ – kịch của Lưu Quang Vũ, Lý Hoài Thu đã có những nhận định xác đáng: “Thơ tình của anh có đủ vị mặn, ngọt, chua, cay của một thân phận tình yêu nhiều nếm trải” (tr.164), “con đường nghệ thuật mà Lưu Quang Vũ đã đi qua là lối đi chung cho nhiều người, đồng thời là sự lựa chọn của riêng anh, in đậm dấu ấn những đam mê và thăng trầm của đời anh” (tr.412). Tiếng nói trong thơ, kịch của Lưu Quang Vũ không đơn giản chỉ là tiếng nói cuộc đời của anh mà còn là tiếng nói biểu trưng tính thời cuộc. Như vậy, những thay đổi hệ hình trong nghiên cứu phê bình giúp Lý Hoài Thu luận giải hợp lý những văn bản, nhận định đã có cuộc đời riêng trong quá khứ. Ngay nhan đề của một số bài viết cũng thể hiện tinh thần đương đại ấy rồi: Nhìn lại chức năng giải trí của văn học nghệ thuật, Cuộc tranh luận Thơ mới, thơ cũ – nhìn từ đương đại, Hồi ký và bút ký thời kỳ đổi mới,… Xem lại Tìm hiểu thơ Hồ Chủ Tịch (ra đời năm 1976), một công trình nghiên cứu vốn dĩ đã “nhất quán” phong cách của Giáo sư Hoàng Xuân Nhị (chủ nghĩa duy vật biện chứng, tư tưởng triết học và mỹ học Marx-Lenin), nhưng Lý Hoài Thu vẫn chỉ ra được cách đọc khác, cách đọc dưới góc độ văn hoá và mỹ học tiếp nhận, nhằm xoá nhoà khoảng cách văn hoá và tạo ra không gian tiếp nhận mới.

Việc tìm và phân rã hệ thống biểu tượng, ẩn dụ, kí hiệu, cốt truyện, cấu trúc, nhân vật, thời gian, không gian,… ở các đối tượng, nếu không khéo léo thì Lý Hoài Thu khó lòng cài cắm và bật điểm sáng cho những phương pháp khác. Lý Hoài Thu không những đã làm được mà còn làm rất tốt. “Tư duy khoa học” và “nghệ thuật trực giác” đan quyện, dính kết một cách uyển chuyển, mềm mại trong văn phong phê bình của chị. Những lý thuyết phê bình văn học mà Lý Hoài Thu vận dụng trong các bài viết luôn ẩn đằng sau trực giác nghệ thuật, do đó, đọc cả tập sách, chúng ta không có cảm giác bội thực và khô cứng bởi hệ thống lý thuyết. Với những đối tượng mà chị luận bàn lại, bao giờ chị cũng bộc lộ cá tính, luận kiến và bản lĩnh của mình. Tất cả dung hợp nên tiếng nói phê bình Lý Hoài Thu tài năng, sắc sảo và trí tuệ.

Trong sáng tạo, xây dựng cho mình một cõi riêng là điều cần thiết và quan trọng. Lĩnh vực phê bình cũng thế! Nếu chỉ “ăn theo” những món nghề mà người khác đã điểm mặt chỉ tên, thì anh ta chưa phải là người làm nghề chân chính. Văn bản ôm chứa trong nó những bí ẩn, là một hệ thống mở, cho nên, mỗi phương pháp đọc, tiếp cận, nếu tinh tế, vẫn có được những giải đáp thoả đáng. Vùng đất mà Lý Hoài Thu thể nghiệm phần nhiều thuộc về những tác giả, tác phẩm đã thành danh trước năm 1986, nhưng chị biết tổ chức, sắp xếp để thăng hoa quyến rũ đặc quyền bí mật của ngôn từ. Tóm lại, cái chân đế thi pháp học của Lý Hoài Thu không chỉ lôi cuốn người đọc trước một văn phong phê bình tế vi mà còn có giá trị khai phá và là cái khung vững chãi cho những thủ pháp khác.

Nguồn Văn nghệ số 14/2019

 


Có thể bạn quan tâm