April 26, 2024, 2:15 am

Những sắc màu của Múa đương đại Việt Nam

 

Múa đương đại là nghệ thuật được xây dựng từ ngôn ngữ hình thể nhằm chuyển tải đến người xem những thông điệp, câu chuyện về thế giới và về cuộc sống đang hiện hữu xung quanh chúng ta theo cách của các nghệ sĩ múa.

 

Vở múa đương đại  Tích Tắc". Ảnh internet

BẢN SẮC VIỆT TRONG MÚA ĐƯƠNG ĐẠI

Trước Lễ hội Múa đương đại quốc tế X Position O lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam vào trung tuần tháng 11/2019, nhiều người trong giới nghệ thuật nói riêng và công chúng yêu nghệ thuật nói chung đều nhìn Múa đương đại với con mắt tò mò, thậm chí có phần e ngại khi cho rằng: Múa đương đại… chỉ như múa đại cho xong. Nhưng khi Lễ hội Múa đương đại Quốc tế X Position O được diễn ra thì những quan điểm e ngại hay hiểu lầm về Múa đương đại dần được sáng tỏ.

Được coi là loại hình sinh sau đẻ muộn của nghệ thuật múa Việt Nam (1988), múa đương đại không được công chúng đón nhận một cách nồng nhiệt như chào đón và tiếp nhận những trào lưu nhạc trẻ như Vpop, Kpop… nên mức độ cọ sát, khả năng tiếp cận công chúng của múa đương đại vô hình chung bị bó hẹp, chưa đủ để có được một hình hài hay một chương trình biểu diễn ra tấm ra món. Chính vì vậy mà mỗi khi có cơ hội được biểu diễn múa đương đại thì đó là niềm hạnh phúc của các nghệ sĩ múa để khán giả hiểu, cảm nhận và dần dần yêu thích bộ môn này hơn. 

Múa đương đại xuất hiện lần đầu trên thế giới từ khoảng những năm 1900, đến 1988 mới du nhập vào Việt Nam, nhưng sau đó loại hình nghệ thuật này chỉ tồn tại giống như một dòng chảy âm thầm bên cạnh múa truyền thống, thoảng hoặc đôi khi xuất hiện trong các chương trình ca nhạc đình đám, nhưng chỉ trong vai trò là những lát cắt phụ họa cho những ca khúc của ca sĩ, nên trong một chừng mực nhất định, giấc mơ về nghệ thuật Múa đương đại Việt vẫn rất xa vời. Cho đến năm 2016, Nón, một vở múa đương đại do biên đạo, diễn viên múa Vũ Ngọc Khải thực hiện, biểu diễn tại Hội nghị Bộ trưởng văn hóa các nước tại châu Âu đã thực sự đem đến một cái nhìn mới mang tính tiên phong của Múa đương đại Việt Nam. Nón không chỉ gây bất ngờ cho các đại biểu tham dự hội nghị về những vũ điệu hình thể kết hợp với nón mang đậm chất văn hoá Việt mà còn làm xôn xao giới sân khấu múa Việt Nam về một loại hình nghệ thuật chỉ dùng ngôn ngữ cơ thể để chuyển tải những giá trị văn hoá nhất định. Sau Nón, tác phẩm khác mang tên Đáy giếng cũng được Vũ Ngọc Khải ra mắt khán giả Việt Nam vào ngày 28/6, trong chương trình Hanoi Dance Fest 2019 do Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) phối hợp với Viện Goethe và Trung tâm văn hóa Pháp - L’Espace tổ chức. Đáy giếng với trang phục dân tộc và những vũ đạo uyển chuyển của cơ thể đã thực sự “hớp hồn” người yêu nghệ thuật Múa và tạo nên những hiệu ứng nhất định cho Múa đương đại Việt. Từ những liên hoan nghệ thuật, công chúng yêu nghệ thuật đã bắt đầu có cái nhìn thiện cảm hơn với Múa đương đại. Đây cũng là lý do thôi thúc không ít các biên đạo múa, diễn viên xuất ngoại để tầm sư học đạo. Những cái tên như NSND Hà Thế Dũng, Trần Ly Ly, Ðỗ Hoàng Thy Ngọc, Phúc Hải, Quách Phượng Hoàng, Lê Vũ Long (Pháp), Phúc Hùng, Ngọc Khải (Hà Lan), Tấn Lộc (Nhật Bản)..., đã thực sự trở thành những người tiên phong khi đưa những trường phái múa đương đại trên thế giới về Việt Nam.

 

NHỮNG SẮC MÀU MỚI

Các ý tưởng liên kết đến cuộc sống hàng ngày chính là điểm nhấn và làm nên sức hấp dẫn của mỗi vở Múa đương đại, từ đó dẫn dắt người xem đến những suy nghĩ tích cực, hay những gợi ý để đạt được những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Nhiều nghệ sĩ múa cho rằng, sự phát triển của Múa đương đại sẽ tác động không nhỏ đến múa truyền thống. Tuy nhiên những lo lắng này nhanh chóng được giải đáp khi Múa đương đại có biên độ ảnh hưởng và những chủ thể nhất định trong tiếp nhận ngôn ngữ múa. Và nếu như những người có suy nghĩ cực đoan cho rằng, Múa đương đại chính là những động tác múa vung vãi nhưng thật ra không hề... múa đại chút nào. Do đây là sự lao động nghiêm túc và tập trung cao độ của những nghệ sĩ múa. Cuộc sống hiện đại đưa mọi người tới nhiều suy nghĩ phức tạp hơn, nhất là giới trẻ muốn bộc lộ cảm xúc của mình.

Múa đương đại tiếp bước theo ballet kinh điển, qua một quá trình học tập, chúng ta đã bước đầu xây dựng được những nét cơ bản nhất, để từ đó hướng tới một nền nghệ thuật múa đương đại của người Việt. Và trong dòng chảy Múa đương đại, các nghệ sĩ múa Việt Nam đã nương theo đó để phát triển và tìm ra bản sắc riêng của mình với nhiều tác phẩm đương đại thuần Việt. Tiến sĩ Danny Tan, Giám đốc Điều hành Lễ hội X Position O, khi nhận xét về múa đương đại Việt đã không ngần ngại cho rằng, nghệ sĩ múa Việt không chỉ có tài năng mà còn có khát khao được giới thiệu mình với thế giới.

Định hình nhưng phát triển không quá ồn ào của Múa đương đại được giới phê bình nghệ thuật cho rằng là động thái cần thiết để các nghệ sĩ múa có thể điều chỉnh và lắng nghe thị hiếu của người xem, song đó cũng là yếu điểm khiến cho Múa đương đại, chưa thực sự gần gũi với đại bộ phận công chúng yêu nghệ thuật… Và với Hanoi Stardust, tác phẩm múa hợp tác giữa Arco Renz, biên đạo múa người Đức từng giành nhiều giải thưởng, cùng đoàn múa Kobalt Works với 5 diễn viên múa của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), hai diễn viên múa độc lập Nguyễn Duy Thành và Vũ Ngọc Khải đã được xem là tác phẩm đột phá đầu tiên cho sự hợp tác quốc tế trong Múa đương đại. Tác phẩm lần đầu tiên ra mắt công chúng trên sân khấu Liên hoan “Múa đương đại – Châu Âu gặp Châu Á” 2014, “Stardust” tạm dịch là bụi sao, là thứ gì đó khó chạm tới. Đó có thể là một giấc mơ, một điều gì đó ta luôn hướng tới, và đó nhất thiết phải liên quan tới cái đẹp, tới ước mơ trở nên nổi tiếng... Đó được xem như không gian thứ ba để người ta bước vào đó khám phá bản thân và tự điều chỉnh mình. Tuy không dễ dàng nhưng đó là cần thiết để giải quyết những mâu thuẫn trong cuộc sống.

Sau Hanoi Stardust, Múa đương đại Việt còn có thêm nhiều vở diễn mới là sản phẩm của sự hợp tác giữa các đạo diễn Việt Nam và quốc tế. Đa phần là những vở diễn gần gũi với khán giả Việt Nam qua những tác phẩm văn học, vở diễn balett nhưng đã được làm mới ở những góc độ khác nhau cho phù hợp hơn với hơi thở đương đại. Và cũng chính vì vậy, múa đương đại không phải chú ý quá nhiều đến vấn đề phong cách, mà là để trải nghiệm. NSUT Trần Hoàng Yến chia sẻ: Mỗi lần đứng trên sân khấu trình diễn múa đương đại là được là chính mình và thường phải mất vài ngày sau mới thoát ra khỏi cảm xúc đó.

Đau đáu với nghề, toàn tâm toàn ý với nghề nhằm đem đến cho công chúng những vở diễn đỉnh cao thông qua ngôn ngữ hình thể 100% không chỉ là niềm hạnh phúc và tâm huyết của các nghệ sĩ múa đương đại, mà đó còn là giấc mơ đưa Múa đương đại Việt thoát vượt tầm châu lục vươn ra thế giới. Và hơn lúc nào hết, đã đến lúc Múa đương đại cần có được vị trí xứng đáng trng dòng chảy nghệ thuật Múa Việt Nam, thay vì loé sáng tại các kỳ liên hoan hay những vở diễn được sắp xếp cho có trên các sàn diễn nghệ thuật hiện nay.

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2020


Có thể bạn quan tâm