April 19, 2024, 11:47 am

Những nỗi buồn lộng lẫy

 

Khi đọc một tập thơ, tôi thường vừa đọc vừa ghi chép hoặc đánh dấu những đoạn thơ, những câu thơ nào đó và những suy nghĩ của mình. Nhưng đọc tập thơ này của nhà thơ Khánh Chi, tôi đọc trong một tinh thần khác, giống như người đánh một tiếng chuông rồi bỏ đi thật xa để nghe tiếng vọng của nó, như người ngắm một bông hoa trong nắng rực rỡ rồi đi vào bóng tối để thấy được màu sắc của nó. Và lúc này, tôi tin rằng: những câu thơ của Khánh Chi là những bước chân trần của một người đàn bà đang đi trên một con đường xuyên qua đời sống đầy đá sắc để tìm đến một bông hoa nở đâu đấy trong cái “sa mạc sống” này. 

Trong đêm ta mở ngọn đèn soi vào những trang viết nhàu

Những con chữ, những nghĩ suy dẫn dắt ta vượt qua sa mạc sống

Ta tiết kiệm từng giây của những giờ phút một mình đối diện với chính mình ta tìm ta, xác định ta, yêu thương, giận hờn, tha thứ cho chính mình

Và ngửng lên thấy một bình minh đã lại tươi xanh

Lúc này trong tôi chợt hiện lên một căn phòng xa xôi như ở nơi cuối cùng của thế gian. Một người đàn bà trở lại đứng trước căn phòng ấy. Những ngón tay gầy mảnh, trắng xanh đưa lên gõ vào cánh cửa căn phòng đời mình. Rồi cánh cửa sẽ mở ra và tôi luôn mang cảm giác tiếng cánh cửa ấy mở ra sẽ làm tôi ngạt thở. Tiếng gõ cửa mơ hồ nhưng mạnh mẽ cứ vang lên và những cánh cửa của chính người đàn bà ấy cứ mở ra và mở ra mãi mãi. Thơ ca xuất hiện và với quyền lực tối thượng của nó đã mở ra một không gian bất tận không bờ bến trong tâm hồn người đọc là tôi.

Chợt hiện lên một nhà ga trong một hoàng hôn như của ngày thu thứ nhất. Thơ ca đã biến một nhà ga thông thường ấy thành nhà ga cuộc đời và biến con tàu thành vật chất ấy thành con tàu của số phận. Người đàn bà đứng trên gân ga không phải đợi một hành khách mà đợi chính những câu hỏi buồn bã, đau đớn và thương yêu vang lên từ chính trái tim mình. Và từ đó đến nay, trong tôi luôn hiện lên nhà ga ấy, người đàn bà ấy, hành khách ấy và muôn vạn đường ray chạy từ quá khứ tới tương lai và ngược lại. Nếu không có thơ ca, không ai tìm được một nhà ga và một con tàu như thế cho cuộc đời mình. Và như thế, chúng ta sẽ bất động trong một không gian hẹp bằng đúng hai bàn chân ta đặt xuống và chúng ta sẽ chết trong sự bất động vô cảm này. Chúng ta sẽ chẳng tìm được gì ngoài thân xác của chúng ta mỗi ngày một tàn úa và dần dần biến mất.

Chợt hiện lên một ngôi nhà trong đêm phủ đầy bóng tối. Nhưng rồi ánh sáng được thắp lên từng chút, từng chút một bởi những cánh sen trắng đang âm thầm rụng xuống. Sự ra đi của những cánh hoa trong thẳm sâu đêm tối mới thực sự thắp lên ánh sáng của hoa. Có lẽ lúc này những bông sen mới thực sự nở trong tinh thần cao cả nhất của nó. Những cánh sen ra đi trong bóng tối giống như những vẻ đẹp đi qua cuộc đời trần tục đầy vô cảm, thô bạo và giả dối này và để lại ánh sáng trên đường đi của nó. Người đàn bà đứng đó. Chị là một bông sen và mỗi một ngày của chị ra đi lại thắp lên một chút sáng. Những câu thơ của chị thực sự đã minh chứng cho điều ấy.

Những câu thơ của Khánh Chi đã dựng lên một thế gian ngổn ngang, giả dối, đầy bất trắc, đầy nước mắt nhưng ngập tràn yêu thương khắc khoải và những vẻ đẹp mong manh. Và trên thế gian ấy, một người đàn bà mang tên Khánh Chi vừa đi vừa cất lên những câu hỏi về ý nghĩa của đời sống thế gian và tự trả lời những câu hỏi ấy. Khánh Chi là một người đàn bà của đắm đuối, một người đàn bà của run rẩy, của những giấc mơ xa xôi, của những giày vò đau đớn, của những yêu thương đến kiệt sức, của những suy tưởng... Những câu thơ chị viết là bản lý lịch chính xác nhất của tâm hồn chị. Chị tự nguyện viết bản lí lịch đó và cũng là người xác nhận bản lí lịch đó trong một cảm giác của đau đớn và kiêu hãnh.

Hãy nhìn vào tận đáy của đời sống và ta sẽ nhận thấy đời sống chính là một vẻ đẹp u huyền với một tia sáng mong manh nhưng không gì có thể dập tắt. Và người đàn bà mang tên Khánh Chi với những câu thơ sinh ra từ chính cuộc đời mình là vẻ đẹp u huyền ấy và là tia sáng mong manh ấy.

Và lúc này đây, khi tôi đã rời xa những văn bản thơ của chị lại là lúc đang vang lên rõ nhất câu nói như từ chốn nào đó vọng xuống trong sự mệt mỏi và bất trắc của kiếp người dằng dặc: “Có những nỗi buồn rạng rỡ như sớm mai. Đấy là những nỗi buồn của người đàn bà mang tên Khánh Chi. Đấy là nỗi buồn của thi ca. Và chỉ những nỗi buồn như vậy mới làm thi ca hiện ra trong bản chất muôn thuở của nó.

Nguồn Văn nghệ số 5/2021


Có thể bạn quan tâm