March 29, 2024, 2:48 am

Những nỗ lực bảo tồn tranh dân gian Hàng Trống

 

Tranh Hàng Trống là một trong những dòng tranh dân gian phát triển mạnh vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Tranh đã phần nào đi sâu vào đời sống tình cảm và ước vọng của người dân trong suốt một khoảng thời gian dài, trở thành một phần không thể thiếu trong kho tàng Mỹ thuật dân gian Việt Nam. Thế nhưng thời điểm hiện tại, để có thể chiêm ngưỡng hay tìm mua một bức tranh Hàng Trống lại là một việc khó, ngay cả khi đã đặt chân đến Phố Hàng Trống, Hàng Nón của Hà Nội - nơi đã khai sinh và đưa dòng tranh này đến với đông đảo người yêu tranh cả nước. Tranh dân gian Hàng Trống giờ chỉ còn được biết đến tại số ít bảo tàng hay trong tài liệu, sách giáo khoa của học sinh phổ thông và một số sách chuyên khảo của những người trong nghề.

Tranh Hàng Trống là một trong những dòng tranh dân gian phát triển mạnh vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Ảnh internet

Qua thông tin trên các trang mạng, tôi tìm đến nhà nghệ nhân duy nhất còn làm tranh Hàng Trống - nghệ nhân Lê Đình Nghiên, tại số 22A Phố Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Lê Đình Nghiên là truyền nhân thế hệ thứ 3 với nghề làm tranh Hàng Trống. Trước là bố ông, cụ Lê Đình Liệu và ông nội của ông là cụ Lê Xuân Quế. Ngôi nhà của ông nằm sâu phía sau một con hẻm nhỏ, đường vào khá ẩm thấp. Bên trong ngôi nhà, trên vách tường phía bên trái cửa vào là một số bằng khen và giấy chứng nhận được ông treo trang trọng. Các vách tường còn lại, phần lớn diện tích được treo những bức tranh Hàng Trống đầy màu sắc do ông vẽ với đủ thể loại và kích thước khác nhau, tạo nên một không gian đầy cảm hứng nghệ thuật. Phía trên căn phòng là gian gác nhỏ nơi ông làm việc, để lưu giữ những bản khắc gia truyền. Trong số những bản khắc được lưu giữ, một số có tuổi thọ lớn hơn cả tuổi của ông.

Qua trao đổi trực tiếp từ nghệ nhân Lê Đình Nghiên và một số tài liệu viết về tranh dân gian cho thấy cách làm tranh Hàng Trống hiện nay của ông gần như không có thay đổi đáng kể. Quy trình thực hiện một bức tranh được thực hiện qua bốn công đoạn.

Thứ nhất, công đoạn sáng tác mẫu tranh. Công đoạn này do nghệ nhân trực tiếp thực hiện. Mẫu tranh cần vẽ trực tiếp bằng bút lông, mực nho lên giấy bản mỏng để khi dán sấp mặt gỗ, nét vẽ thấm ra mặt sau tờ giấy, từ đó thợ khắc mới khắc hình vẽ lên gỗ. Do đó nét vẽ cần phải rõ ràng, mạnh lạc, không được quá nhiều chi tiết, dễ dẫn đến thiếu sót, in không đẹp.

Thứ hai, công đoạn khắc ván. Thường do những người thợ có tay nghề chạm khắc giỏi phụ trách. Ván in tranh Hàng Trống thường làm từ gỗ thị, gỗ mỡ hay gỗ lòng mực, là loại gỗ bền rắn, thớ dẻo, mịn. Khi tiếp xúc với nước không bị nở thớ, nét thẳng không bị gẫy. Để lâu ván không bị cong vênh.

Thứ ba, công đoạn in tranh. Tranh Hàng Trống có cách in khác với tranh Đông Hồ và một số dòng tranh dân gian khác. Bản khắc được đặt ngửa phía trước mặt người in, sau khi được quét đều một lớp màu đen, người nghệ nhân đặt giấy lên ván in, rồi dùng xơ mướp xoa đều mặt sau tờ giấy. Sau khi xoa đều, bóc tờ giấy lên, phần giấy được in nét đen chưa có màu.

Thứ tư, công đoạn vẽ màu (“vờn màu”). Người nghệ nhân dùng cọ và chọn màu để tô lên màu cho tranh. Hình thức vờn màu theo lối “cản màu”, nét cọ được thể hiện một cách điêu luyện. Đường nét vẽ được thực hiện uyển chuyển, bên đậm bên nhạt, tạo không gian và hình khối cho đối tượng trong tranh.

Tranh dân gian Hàng Trống xưa được người dân đón nhận thông qua nét đẹp tổng hòa giữa các yếu tố, tạo nên sự cân bằng bởi đường nét, màu sắc và bố cục. Nội dung và hình ảnh trong tranh mang đậm yếu tố dân gian, theo lối ước lệ. Một tác phẩm được hoàn thành phải trải qua khá nhiều công đoạn với bao công sức, trí tuệ và tâm huyết của các nghệ nhân.

Tìm hiểu thêm được biết hiện nay một số bạn trẻ đã có những ý tưởng sáng tạo nhằm lưu giữ và bảo tồn các nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, đặc biệt là với thể loại tranh dân gian xưa cũ. Bằng cái tâm với nghề và cái duyên với dòng tranh dân gian mang đậm hồn dân tộc, các bạn đã cùng nhau thực hiện một số dự án hướng đến việc phục hồi và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống...

Nguyễn Xuân Lam, tác giả của dự án “Vẽ lại tranh dân gian” với mục tiêu hướng đến việc truyền cảm hứng, thông qua các bức tranh phiên bản do bản thân anh vẽ lại. Tranh của anh được vẽ lại bằng tay cẩn thận sau đó vận dụng kỹ thuật đồ họa tô màu giúp cho tranh trở nên tươi mới hơn. Xuân Lam hy vọng thông qua việc giới thiệu các bức tranh phiên bản tại một số cuộc triển lãm sẽ kích thích sự tò mò của người xem, từ đó giúp họ có thêm cảm hứng và động lực để có thể tìm hiểu thêm về các giá trị truyền thống gắn với dòng tranh dân gian xưa.

Các tác phẩm dân gian lại được tiếp thêm đôi cánh qua bàn tay của Nguyễn Việt Nam – Giám đốc Mỹ thuật Tired City. Nam đã tiếp nối ý tưởng từ những tranh vẽ của Xuân Lam, đồng thời chuyển thể thêm các họa tiết, hoa văn in sao cho phù hợp hơn với việc trang trí trên nhiều vật dụng khác nhau như: In bìa cho các quyển sổ tay, mặt túi sách, áo thun hay áo khoác với những mẫu in Gà Đại cát, Lợn đàn… Sản phẩm được thế kế một cách trẻ trung và phù hợp hơn với thị hiếu của giới trẻ thông qua kiểu dáng của sản phẩm và các vật dụng, kết hợp với hình ảnh, họa tiết dân gian.

Nhóm “S River” do nhà thiết kế Trịnh Thu Trang là trưởng nhóm với dự án “Họa Sắc Việt”. Với sự quyết tâm, họ đã tập hợp được hơn 70 bức tranh Hàng Trống để giới thiệu và trưng bày trước công chúng. Hơn hết, nhóm còn thực hiện việc “số hóa” các tác phẩm tranh, các họa tiết cổ trong tranh dân gian, hệ thống các hoa văn trang trí. Qua những tập hợp đó, hoa văn họa tiết có thể được ứng dụng một cách hiệu quả vào lĩnh vực thiết kế, trang trí.

Ngày nay dòng tranh dân gian truyền thống tuy đã dần mất đi tính đại chúng, nhưng qua dòng chảy thời gian, bản thân các dòng tranh đã khẳng định được vai trò và giá trị quan trọng trong kho tàng Nghệ thuật Dân gian Việt Nam. Tranh Hàng Trống và các loại hình nghệ thuật dân gian đã góp phần tạo nên bề dày, bản sắc cho nền lịch sử mỹ thuật nước nhà và là nguồn cảm hứng vô tận cho các bạn trẻ trong lĩnh vực sáng tạo và nghệ thuật. Thế hệ trẻ bằng sự nỗ lực sáng tạo, nhiệt huyết và tri thức của mình, hy vọng sẽ góp phần đưa các giá trị văn hóa truyền thống đến gần hơn với công chúng của thời đại mới, thời đại số, thời đại của khoa học và công nghệ ứng dụng.

Nguồn Văn nghệ số 12/2019


Có thể bạn quan tâm