March 28, 2024, 10:45 pm

Những người viết văn trẻ ở chiến trường Khu 5

HƯỚNG TỚI HỘI NGHỊ VIẾT VĂN TRẺ TOÀN QUỐC LẦN THỨ X

Chiều ngày 16 tháng 4 năm 1971, 19 anh em trong đoàn viết văn trẻ chúng tôi rời trường Huấn luyện 105B tại Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Sau gần một tháng rưỡi vượt Đông - Tây Trường Sơn, xế chiều ngày 28 tháng 5, chúng tôi vào tới nơi đóng quân của Ban Tuyên huấn Khu ủy 5 (trú tại thôn Tư, xã Leng, thuộc khu Nam Trà, nay thuộc xã Trà Leng, huyện Nam Trà My). Được biết,  vào hồi đầu tháng Tư đến giữa tháng Năm năm 1971, bọn ngụy quân Sài Gòn vừa dùng máy bay trực thăng đổ quân, vừa dùng máy bay ném bom đánh phá, càn quét khốc liệt vào khu căn cứ Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tại vùng Trung và vùng cao khu Nam Trà. Thời gian này các cơ quan của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu phải tạm thời di chuyển lên H40 tỉnh Kon Tum (nay thuộc hai huyện: ĐákGlei và Tu Mơ Rông – Kon Tum).

Một số nhà văn, nhà báo Khu 5 gặp nhau sau khi Hiệp định Paris được ký kết (tháng 2-1973)

Hơn ba tháng ở thôn Tư, xã Leng, anh em chúng tôi vừa đi chặt cây, lá để làm nhà, vừa đi gùi cõng gạo, sắn củ, sắn lát, kiếm củi nấu; có đợt khoảng 6 - 7 ngày chúng tôi được đưa đi làm cỏ lúa (lúa rẩy) ở trại sản xuất nước Ta. Mọi việc ấy đều quanh quẩn trong vùng căn cứ, rừng núi do ta làm chủ (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum).

Thời gian hơn ba tháng xà quần ở Văn phòng Ban, ngoài các việc sản xuất và lo phục vụ đời sống cho đơn vị, có khoảng 1 tuần, chúng tôi được ông Lê Sâm (Lê Trọng Khoan - Khu ủy viên - Trưởng Ban Tuyên huấn) trang bị cho chúng tôi về đường lối cách mạng miền Nam, về tình hình chiến trường Khu 5 sau khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng. Ông nói nhiều về khởi nghĩa Trà Bồng  - Quảng Ngãi (tháng 8/1959); về cuộc nổi dậy ở nóc ông Tía (Phước Trà - Hiệp Đức - tháng 3/1960); về cuộc đồng khởi ở thôn Tứ Mỹ - xã Kỳ Sanh, Tam Kỳ (tháng 8 năm 1961 - nay thuộc xã Tam Mỹ Tây và xã Tam Trà, huyện Núi Thành). Đặc biệt ông nhấn mạnh về tình hình chiến trường Khu 5 sau tháng Ba, năm 1965, khi Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng, Chu Lai. Trong “bài giảng” khi nói về thực trạng chiến trường, hầu như ông giành nhiều thời gian để nói về tính cách, con người Khu 5; ông nhắc tới sự hy sinh của Nguyễn Ngọc Anh, Võ Thị Phương Thảo, Nguyễn Giá, Đinh Thành Lê, Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong (Trần Tiến), Nguyễn Mỹ, Nguyễn Trọng Định v.v... - những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ là lính của Ban - tại mặt trận Quảng Đà, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Kon Tum. Và ông dặn dò như tâm sự: “Khu 5 là chiến trường vô cùng ác liệt, nhưng quân và dân Khu 5 cũng rất anh hùng. Nghề viết văn là cực kỳ khó, đòi hỏi phải có chút ít năng khiếu, đòi hỏi sự sáng tạo độc lập, mà với các anh chị mới vào nghề, lại vào nghề tại một mặt trận bom đạn bời bời, sự sống, cái chết luôn cận kề; gay go lắm đó. Nên anh em viết trẻ, muốn viết được, viết hay phải bám thực tế chiến trường; phải bám dân, du kích, bộ đội để sống và viết, rồi còn phải học hỏi nhau…; còn đi lơ mơ, sống hời hợt, cuối cùng giỏi lắm thì cũng chỉ viết được “năm câu, ba sợi”, không ai đọc, không có tác dụng gì cho cuộc chiến đấu mà nhân dân ta đã và đang đổ xương máu…v.v…”. Ông còn khuyên chúng tôi: “Việc đầu tiên là phải tích lũy vốn sống, hãy bắt đầu viết những bài báo ngắn, những ghi chép văn học, cũng có thể làm ca dao, hò vè để phục vụ kịp thời cuộc chiến đấu, như Phan Tứ, Thu Bồn, Trần Tiến, Nguyễn Mỹ  v.v..”.

Sau lễ kỷ niệm Quốc khánh ngày 2-9, 19 anh em viết văn trẻ chúng tôi được phân về các bộ phận: Nguyễn Hồng, Nguyễn Bảo, Vũ Thị Hồng sang Ban Văn học Quân khu (đã có Nguyễn Trí Huân - cũng là học viên lớp viết văn phục vụ chiến trường vào trước theo đường dây quân đội); Trần Hữu Huy về tạp chí Tiền Phong, Trần Trung Kiên, Phạm Văn Song về báo Cờ Giải phóng; Nguyễn Đức Hạt, Trần Vũ Mai (Vũ Xuân Mai), Nguyễn Khắc Phục, Đỗ Văn Đông (Đỗ Xuân Đông), Hoàng Minh Nhân (Hoàng Sơn), Ngô Thế Oanh, Hà Phan Thiết (Đoàn Tử Diễn), Hoàng Hởi, Nay Nô, Từ Quốc Hoài (Nguyễn Văn Giáo), Bùi Thị Chiến, Phan Nghĩa An (Trần Văn Thành), Nguyễn Bá Thâm về tiểu ban Văn nghệ (cơ quan Thường trực của Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ).

Ngày 5 tháng 9 (1971) 13 anh em chúng tôi rời Văn phòng Ban, sau đó về tiểu ban Văn nghệ - cách thôn Tư, xã Leng gần ba ngày đường rừng (bấy giờ, tiểu ban Văn nghệ, tiểu ban Điện Ảnh, Nhà In (C9), đoàn Tuồng đóng ở khu B của căn cứ).

Sau gần ba ngày lội rừng, xế chiều ngày 7 tháng 9, 13 anh em chúng tôi về tới tiểu ban Văn nghệ. Hồi đó tiểu ban Văn nghệ đóng bên một con suối nhỏ ở bờ Tây Nam nước Ngheo, trên một sườn núi mấp mô, dưới tán rừng – chủ yếu là cây bụi - Đến với tiểu ban Văn nghệ, được tiếp xúc với lớp đàn anh đi trước, chúng tôi biết về lai lịch tiểu ban, từ đó chúng tôi sớm hòa nhập với đồng đội; làm mọi công việc: đi rừng lấy củi khô, bẻ măng nứa, bông chuối rừng nộp cho bếp ăn, đi suốt lúa rẫy. Theo lời nhà thơ Bùi Minh Quốc (Dương Hương Ly) và nhà văn Cao Duy Thảo: Tiểu ban Văn nghệ có hai rẫy lúa, cả hai rẫy đều loại vừa - chừng hơn 4ha. Vì không có kinh nghiệm, ngay buổi đầu sau khi đi suốt lúa về, bàn tay đứa nào cũng đỏ tấy, bỏng rộp, có anh bị bỏng – rộp nặng, mặt nhăn nhó, kêu đau thì được anh em vào trước chỉ dạy: “Suốt lúa rẫy là phải túm chặt bông lúa và tuốt thật mạnh, thật nhanh, nghe chưa!”.

Năm 1971, khi anh em viết văn trẻ chúng tôi có mặt ở chiến trường Khu 5, hầu hết đều là sinh viên mới ra trường, chưa thích nghi với cuộc sống chiến trường, chịu đựng sự thiếu ăn cũng là một thách thức. Đầu tháng 9, khi những người viết văn trẻ về tiểu ban, tiêu chuẩn ăn mỗi ngày chỉ được nửa lon sữa bò gạo, còn lại là sắn - cũng theo tiêu chuẩn - rất hạn chế. Các thứ như đường, sữa hộp, cá hộp, mì Ông Phật là của quý hiếm, chỉ dành cho ai ốm nặng, không nuốt nổi cháo... Các anh chị như cậu Thông - quản lý, cậu Danh - công vụ, cô Chi - y tá, cô Tam - cấp dưỡng, phải kiếm thêm măng nứa, lồ ô, củ móng ngựa, ruột dớn (dương xỉ) làm rau – canh để đệm thêm vào bữa ăn.

Đi suốt lúa rẫy về được hơn một tuần, một hôm nhà thơ Vương Linh (Hải Lê - Trưởng tiểu ban Văn nghệ) tuyên bố: “Ngày mai tiểu ban sẽ mổ con heo (con heo duy nhất của tiểu ban, to chừng hơn 50kg) và được ăn cơm không, mỗi người mỗi bữa một lon. Đây là bữa cơm liên hoan đón anh em viết văn trẻ từ miền Bắc mới vào, cũng là bữa cơm mừng lúa mới”. Nghe anh Vương Linh thông báo như thế, sắc mặt anh em chúng tôi tươi rói, không khí cơ quan trở nên háo hức, vui nhộn. Theo anh Quốc: Lâu rồi, rất lâu, chừng bốn năm tháng, cơ quan mới được ăn thịt heo, được một ngày ăn cơm không độn (ghế).

Đến cuối tháng 10, tổ Văn của tiểu ban có cuộc họp riêng. Trong cuộc họp này nhà thơ Vương Linh (tức Hải Lê - anh em thường gọi là Vương Lão Tổ) trình bày kế hoạch công tác quý IV năm 1971 và cả năm 1972 của tiểu ban: “Tập trung lực lượng phục vụ chiến dịch Xuân Hè; Giải phóng và làm chủ phần lớn nông thôn đồng bằng ven biển, miền núi trong khu ... v.v... theo tinh thần Nghị quyết của Khu ủy.

Trong số 13 anh em viết văn trẻ được tiểu ban phân công công tác như sau: 10 người đi thực tế - sáng tác. Đi Tây Nguyên gồm : Nguyễn Khắc Phục, Nay Nô, Hoàng Hởi; đi Bình Định gồm : Đoàn Tử Diễn (Hà Phan Thiết), Nguyễn Văn Giáo (Từ Quốc Hoài), Bùi Thị Chiến - cùng đi Bình Định có “lính lâu năm” Cao Duy Thảo; đi Quảng Ngãi gồm: Nguyễn Đức Hạt, Hoàng Sơn (Hoàng Minh Nhân); đi Quảng Nam có Ngô Thế Oanh; đi Phú Yên có Trần Vũ Mai, cùng đi  Phú Yên có Thanh Quế (về Nam trước).

Đợt đầu ra quân của cánh viết văn trẻ ấy, rất nhiều người đăng ký xin đi chiến trường Quảng Đà, nhưng tuyệt nhiên - cả cánh lính cũ - đều không ai được đi. Có lẽ lãnh đạo Ban, tiểu ban lo ngại tính xông xáo, liều lĩnh của dân văn nghệ. Chỉ trong vòng 4 năm, từ năm 1967 đến 1971, riêng tiểu ban Văn nghệ đã có diễn viên múa Võ Thị Phương Thảo, nhà văn Dương Thị Xuân Quý, nhà văn Chu Cẩm Phong hy sinh, đạo diễn Khánh Cao, bị thương nặng - tại đất Quảng Đà; số người bị thương, hy sinh chiếm hơn 1/3 quân số làm công tác chuyên môn của tiểu ban và đều là những cây viết, biên đạo, đạo diễn mà tài năng đang hé lộ.

Trong số 13 cây viết văn trẻ vừa về tiêu ban, 10 người được lãnh đạo tiểu ban cho đi thực tế ở các tỉnh như đã nêu, riêng 3 người bị giữ lại căn cứ để đi sản xuất, lo cái ăn. Đỗ Văn Đông đi trại sản xuất đầu nguồn nước Xa (nay thuộc xã Trà Mai, Nam Trà My), Nguyễn Bá Thâm đi trại sản xuất dốc Đoác (nay thuộc thôn Ba, xã Trà Giác, Bắc Trà My), Trần Văn Thành (Phan Nghĩa An) ở lại cơ quan, vừa trông giữ cơ quan, vừa sản xuất tại chỗ. Sau khi nghe nhà thơ Vương Linh phân công công tác, Nguyễn Bá Thâm thắc mắc: “Tại sao không cho Thâm, Thành, Đông đi thực tế - sáng tác?. Chúng tôi vào chiến trường là để đi viết văn chứ không phải vào để đi sản xuất”. Nhà thơ Vương Linh điềm tĩnh và nghiêm giọng giải thích: “Ở lại căn cứ sản xuất cũng là một nhiệm vụ quan trọng, phải có cái ăn mới lo được công tác chuyên môn. Số 10 anh em vừa vào được đi phía trước là hoàn toàn hợp tình, hợp lý. Hạt, Sơn, Giáo, Oanh, Chiến, Nô, 17 năm mới về lại quê, còn Mai, Phục, Diễn, Hởi tuy quê ở Bắc nhưng đã công tác ở các cơ quan từ 3 đến 5 năm, đã có người có văn thơ in trên các báo chí, thắc mắc như đồng chí Thâm là không đúng, không phù hợp nguyên tắc, kỷ luật chiến trường...”.

 Đợt đi thực tế - sáng tác chiến dịch Đông Xuân 1971 - 1972 của 10 anh em viết trẻ đã gặt hái được những kết quả rất đáng mừng. Hầu hết các cây viết đều có tác phẩm, có người có những bài thơ, truyện ngắn được in trên tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ, được giới thiệu trên Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Giải phóng và được bạn đọc trong vùng khen ngợi như: Xa MăK’Cham (Ăn cốm giữa sân - Trường ca) của Nguyễn Khắc Phục; Bậc biển - Truyện ngắn của Trần Vũ Mai, Người vùng sâu - truyện ngắn của Bùi Thị Chiến. Đêm ở Ro - truyện ngắn của Nay Nô. Tên em, khuôn mặt em - và nhiều bài thơ khác của Đoàn Tử Diễn (Hà Phan Thiết); Ngọn đèn của mẹ - thơ của Nguyễn Đức Hạt; không được đi thực tế ở đồng bằng, vùng sâu nhưng ở trại sản xuất dốc Đoác, Nguyễn Bá Thâm cũng tranh thủ viết và đã có bài thơ - Làng vùng trắng được bạn đọc ở cứ chú ý.

Hơn sáu tháng đi thực tế - sáng tác từ các tỉnh trong miền trở về (cuối năm 1971 đầu năm 1972), các cây viết trẻ, sau khi báo cáo tình hình chuyến đi, kết quả sáng tác với lãnh đạo tiểu ban; rồi được nghe các bậc đàn anh góp ý, trao đổi cách đi, cách lấy tài liệu, cách thể hiện nội dung nghệ thuật tác phẩm để rút kinh nghiệm; đến Hè Thu năm 1972, tất cả 12 anh em viết trẻ đều đồng loạt xuất trận (trừ Nguyễn Đức Hạt ra Bắc chữa bệnh). Trong đó : Hoàng Sơn (Hoàng Minh Nhân), Nguyễn Khắc Phục, Ngô Thế Oanh đi Quảng Đà, Đoàn Tử Diễn, Đỗ Văn Đông đi Quảng Nam, Nguyễn Văn Giáo (Từ Quốc Hoài), Bùi Thị Chiến đi lại Bình Định, Nguyễn Bá Thâm đi Mộ Đức, Đức Phổ - Quảng Ngãi, Hoài Nhơn - Bình Định; Trần Văn Thành đi Sơn Tịnh, Bình Sơn - Quảng Ngãi, Nay Nô, Hoàng Hởi đi lại Gia Lai, Kon Tum, Trần Vũ Mai đi lại Phú Yên (cùng Thanh Quế).

Đợt đi thực tế - sang tác Hè Thu năm 1972, một số anh chị em đã có những tác phẩm được anh em trong Ban Tuyên huấn Khu ủy, bạn đọc trong Khu yêu thích như: Vườn thầy Năm. (Kịch bản). Thành phố rốc két, Thành phố tâm hồn du kích. Nhân dân tin yêu (thơ) của Nguyễn Khắc Phục. Ghi vội ở Bảo An Đông (thơ) của Ngô Thế Oanh, thơ của Trần Vũ Mai, Dừa không lá - truyện ngắn của Bùi Thị Chiến v.v...

Từ cuối tháng 5 năm 1971 đến 30 tháng 4 năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, 17 anh em viết văn trẻ được đào tạo tại trại viết văn Quảng Bá của Hội Nhà Văn Việt Nam ở Hà Nội, vào chiến trường Khu V, được trải nghiệm qua thực tế của cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân dân ta trên khắp các tỉnh từ đồng bằng đến Tây Nguyên, đã thực thụ là những chiến sĩ vừa cầm bút, vừa cầm súng; trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu chống Mỹ khốc liệt tại dải đất Khu V anh hùng.

Đợt đi thực tế đầu tiên, Nguyễn Đức Hạt, Hoàng Sơn đã về sống với du kích các xã cánh Đông Nam của huyện Đức Phổ, Nguyễn Văn Giáo, Bùi Thị Chiến, Đoàn Tử Diễn đã về sống với du kích, bộ đội huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ (Bình Định); Đoàn Từ Diễn đã bị thương nặng, suýt mất mạng ở Tam Quan Bắc.

Đợt 2 trong chuyến đi thực tế Đông Xuân năm 1972 - 1973 Đỗ Văn Đông đã về sống với du kích các xã, bộ đội huyện Quế Sơn, Trần Văn Thành về sống với du kích, bộ đội huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, Nguyễn Bá Thâm về sống với du kích các xã cánh Nam của huyện Đức Phổ; trong chiến dịch giải phóng cửa biển Sa Huỳnh (cuối tháng Giêng năm 1973) đã bám theo bộ đội tiểu đoàn 5, trung đoàn 5, Sư đoàn 711 của Quân khu 5 đánh diệt cứ điểm đồn Long Thạnh, đồn Đá Heo, đồn Hải Thuyền (xã Phổ Thạnh - Đức Phổ; trong chiến dịch giải phóng cửa biển Sa Huỳnh còn có họa sĩ Nguyễn Thế Vinh, biên kịch Điện Ảnh  - Lâm Quang Ngọc, nhà báo Trần Trung Kiên – là quân của Ban Tuyên Huấn Khu ủy 5 cùng dự). Hè Thu 1974, trong chiến dịch giải phóng quận lỵ Thượng Đức, Đỗ Văn Đông, Nguyễn Bá Thâm, Thanh Quế và nhà báo Dương Đức Quảng (Thông Tấn xã Giải phóng Khu 5) trực tiếp theo bộ đội tiểu đoàn Ba - mặt trận 4 (Tỉnh đội Quảng Đà) đánh diệt cứ điểm Trùm Giao (ngã ba Cẩm Lý - Nay thuộc xã Điện Hồng, Điện Bàn, Quảng Nam)…v.v. Và mùa Xuân 1975 cánh viết văn trẻ đều có mặt trên tất cả các mũi tiến công của chiến trường Khu 5.

Còn ở Ban Văn học Quân khu có nhà văn trẻ Nguyễn Hồng - khi về Sư đoàn 3 (Sư đoàn Sao Vàng) đã theo các chiến sĩ Đặc công Sư đoàn - người bôi đầy nhọ nồi, mặc độc chiếc quần xà lỏn, tay cầm thủ pháo - bò lên đánh chiếm chốt điểm gò Loi (Bình Định). Sau Hiệp định Pari, Nguyễn Hồng đi Quảng Đà, về sống với du kích các xã vùng B Đại Lộc; rồi khi về sống với đại đội 3 bộ đội huyện Điện Bàn, Hồng đã đổi khẩu súng ngắn K54 để lấy khẩu súng trường CKC cải tiến (bắn liên thanh) và ra chốt với các chiến sĩ tại thôn 5 Điện Xuân (nay thuộc xã Điện Hồng) với lời thề “… Bọn địch muốn mò được vào đây thì trước hết phải bước qua xác chúng tôi …” (Thư gửi chính trị viên Huyện đội Điện Bàn - Nguyễn Hợi - Ngày 2/12/1973. Sau Hiệp định Paris, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu không thi hành Hiệp định, còn đề ra sách lược: xua quân “tràn ngập lãnh thổ”. Nhiều lãnh đạo các địa phương ở Khu 5, do nhận thức sai lệch, đã rút quân khỏi các “căn cứ lõm” (căn cứ cách mạng giữa lòng địch)  nên khi nhận ra dã tâm, hành động đen tối, độc ác của ngụy quyền Sài Gòn, để giành lại địa bàn đã mất, có nơi phải tổn thất lực lượng rất nặng). Ngày 3/12, bọn địch tập kích tuyến chốt đại đội 3 từ phía sau. Bị địch tập kích bất ngờ, các điểm chốt của ta phải rút chạy. Riêng Nguyễn Hồng, với cây CKC cải tiến, đã trụ lại sau một nền nhà hoang có nhiều chuối hoang, nổ súng đánh trả, Nguyễn Hồng đã hy sinh. Bấy giờ Hồng mới tròn 25 tuổi; Hồng đã để lại cho đời bút ký “Đêm cao điểm” và một vài truyện ngắn. Riêng Nguyễn Trí Huân, bám theo Sư đoàn 3 và đất Bình Định. Vũ Thị Hồng (Nguyễn Thị Bắc Hà) bám theo Sư đoàn 2 và đất Quảng Nam, Quảng Đà. Trong chiến dịch giải phóng quận lỵ Hiệp Đức - mùa xuân 1972 - Vũ Thị Hồng đã theo lính Sư đoàn 2 đánh chiếm chốt điểm Chư Gan. Còn Nguyễn Bảo hết bám C2 công binh Hải Vân rồi lại bám tiểu đoàn Đặc công Nước 471 (đứng chân ở xã Hòa Liên, Hòa Bắc, huyện Hòa Vang). Trong chiến dịch Hè Thu 1974, Nguyễn Bảo bám theo Sư đoàn 304 - Quân đoàn II, đánh chiếm quận lỵ Thượng Đức. Trong chiến dịch mùa xuân 1975, Bảo đã theo Lữ đoàn Đặc nhiệm 52 của Quân khu 5 đánh chiếm chốt điểm suối Đá (nay thuộc xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, nằm trên quốc lộ 40B từ Tam Kỳ đi Kon Tum) và xáp mặt với lính Sư đoàn 2 ngụy quân Sài Gòn trong nửa tháng trời, cho tới khi chúng tháo chạy khỏi tỉnh lỵ Tam Kỳ …

Có thể khẳng định : Thực trạng vô cùng khốc liệt và vô cùng gian khổ của chiến trường Khu 5; phẩm chất anh hùng của cán bộ, chiến sĩ, của các tầng lớp nhân dân Khu 5 trong cuộc chiến đấu với Mỹ - ngụy để giải phóng quê hương, đã như một mãnh lực quyến rũ, có sức cuốn hút những người viết văn trẻ chúng tôi đi - sống và viết, không hề e ngại khó khăn ác liệt, hy sinh.

Điều đáng quý nhất là trong 4 năm có mặt tại chiến trường Khu 5, ngoài Nguyễn Hồng hy sinh quá sớm và Nguyễn Đức Hạt phải ra Bắc chữa bệnh, số 12 anh em ở tiểu ban Văn nghệ của Ban Tuyên huấn Khu ủy, ba anh em ở Ban Văn học Quân khu 5, hầu như ai cũng có tác phẩm được giới thiệu trên báo chí ở cả hai miền Nam - Bắc; đã có những gương mặt được công chúng Nam - Bắc yêu văn học chú ý và đánh giá là những cây bút có năng lực, đầy triển vọng của nền văn học cách mạng nước nhà, như Trần Vũ Mai, Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo.

Sau năm 1975, Trần Vũ Mai, Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Ngô Thế Oanh, Vũ Thị Hồng, Nguyễn Văn Giáo (Từ Quốc Hoài) Nguyễn Bá Thâm, Nay Nô đã có nhiều tác phẩm chất lượng cao, được các nhà xuất bản giới thiệu với công chúng cả nước; và những cây viết trẻ này cũng đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; các tác giả Nguyễn Khắc Phục, Trần Vũ Mai, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo đã có những tác phẩm viết về chiến trường Khu 5 giành được giải thưởng cao về văn học của quốc gia; có hai nhà văn : Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Trí Huân được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (Sân khấu và Văn học); những anh em sau năm 1975 không còn theo nghiệp văn cũng trở thành lãnh đạo chủ chốt của báo chí ở địa phương, Trung ương … v.v..

Những thành đạt ấy, trước hết là vì mỗi người viết văn trẻ được đào tạo ở Hà Nội vào sống và viết tại chiến trường Khu V đã xác định đúng, vững vàng cho mình lý tưởng cách mạng, nhân cách sống làm người và trách nhiệm công dân trong từng trang viết. Nhưng có hai yếu tố cực kỳ quan trọng, đã có tác động tích cực, mạnh mẽ đối với những người viết văn trẻ ở Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ: Đó là cuộc chiến đấu anh hùng của nhân dân Khu 5; là sự chăm lo, chỉ bảo tận tình của lãnh đạo Ban Tuyên huấn, lãnh đạo của tiểu ban; sự đùm bọc, dìu dắt của anh em đồng nghiệp “đi trước” trong tiểu ban Văn nghệ và các bộ phận khác trong Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5.

Bốn năm ở chiến trường Khu 5, những người viết văn trẻ chúng tôi được đào tạo ở miền Bắc - đã được rèn luyện nên Người.

Nguồn Văn nghệ số 22/2022


Có thể bạn quan tâm