March 29, 2024, 5:15 pm

Những người trẻ cho chúng ta hy vọng

 

Trên tay tôi là hai tuyển tập Mắt lửa (tập truyện ngắn) và Mạch rồng (thơ và phê bình), NXB Hội Nhà văn 2022, còn thơm mùi giấy mới. Hai cuốn sách được in kịp thời để có mặt trong Hội nghị Viết văn trẻ lần thứ 10 được tổ chức vào hai ngày 18 và 19/6 sắp tới tại Đà Nẵng. Mạch rồng gồm 30 tác giả thơ, 1 tác giả dịch, 7 tác giả phê bình. Cuốn Mắt lửa gồm 52 tác giả với 55 truyện ngắn.

30 tác giả góp mặt trong tuyển Mạch rồng hầu hết đều đã có tập thơ in riêng, nhiều người trong số họ đã nhận được các giải thưởng văn học khá danh tiếng trong nước, trong đó có những giải thưởng vừa thành lập như Giải Tác giả trẻ lần thứ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam (Lý Hữu Lương là một trong những cây bút nhận giải thưởng này với tập Yao). Có những cây bút đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như Lữ Mai, Nguyễn Hải Yến. Cảm giác chung của tôi khi đọc một lượt tuyển thơ là các tác giả trình bày một cách viết đa dạng, phong phú. Có người chú trọng vào cảm xúc, có người chú trọng vào tứ thơ, ngôn ngữ, tạo dựng hình ảnh. Đề tài thơ của các cây viết trẻ cũng cực kỳ rộng mở. Ngoài tình yêu đôi lứa, họ còn quan tâm đến các đề tài như quê hương, nguồn cội, lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, tâm trạng con người trong đời sống đô thị hiện đại, những suy tưởng về đời sống, nhân sinh. Xin trích của Lữ Mai và Nguyễn Hải Yến mỗi người một đoạn thơ: Mặt trời ngủ trong vòm dứa dại/Ánh sao chiều xuyên vệt lá chân chim/ Ta nói gì mà đời im tiếng/ Góc miếu hoang trăng chả kịp thếp vàng/ Chính ta luôn hoang mang/ Những dáng người như chiếc chum chôn đứng (Mộng du Cô Tô – Lữ Mai), Khi vua Hùng cắm dành mạ đầu tiên/ Hạt thóc đã mang hình ngọn lửa/ Khi Vua Hùng cúi mặt xuống đồng/ Hạt thóc đã mang hình con mắt/ Khi Vua Hùng ngẩng lên nhìn xa tắp/ Hạt thóc đã mang hình con thuyển…/Chọn Lang Liêu để Vua Hùng truyền ngôi báu/ Hạt thóc đã mang hình vương miện tự ngàn năm (Nghĩ về hạt thóc). Lữ Mai và Nguyễn Hải Yến, có thể nói đã trở thành những cây bút chắc tay, các tác phẩm định hình được chất giọng riêng, có nhiều câu thơ được bạn đọc yêu mến và ghi nhớ. Nhưng tôi muốn dành nhiều thời gian hơn để nói về những cây bút khác, những người viết trẻ đầy hứa hẹn. Vì khuôn khổ hạn hẹp của bài viết, chỉ xin nói về ba người, đại diện cho ba phong cách/giọng điệu khác nhau. Đó là Huỳnh Ngọc Tuyết Cương, Vàng A Giang và Lâm Long Hồ.

Huỳnh Ngọc Tuyết Cương sinh năm 1993, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai, đã xuất bản hai tập thơ riêng và đoạt một số giải thưởng thơ của tỉnh nhà. Thơ Tuyết Cương viết theo lối truyền thống, giàu cảm xúc, chú trọng tứ thơ, vần và nhịp điệu. Trong 9 bài thơ góp mặt trong tuyển có tới 5 bài lục bát, 3 bài thể năm chữ và chỉ có 1 bài là thơ tự do. Thơ Tuyết Cương thường dồn nén những hình ảnh thơ độc đáo, những ý tứ sâu sắc để tạo cao trào vào phần cuối của mỗi tác phẩm, nhờ thế mà thơ tạo được dư âm: Tôi nghe xuân nói với đêm/ Trong mưa có chiếc môi mềm ru con (Mưa xuân), Có đứa trẻ nhặt rác/ Cầm lên một tiếng chuông/ Dòng sông vẫn chậm rãi/ Trôi về phía cội nguồn (Trong ánh mắt sông), Nhớ xưa lá chuối phơi rào/ Tay bà gói cả xuân vào bài thơ (Thăm bà), Tưởng đi nghiêng ngả núi rừng/ Ngờ đâu mẹ đứng sau lưng đỡ mình (Tâm sự với đường hoa).

Vàng A Giang người dân tộc Mông, sinh năm 1993 tại Lào Cai. Thơ Vàng A Giang lại điển hình cho cách tư duy và giọng miền núi đặc trưng: cụ thể, chất phác, chân thật trong từng xúc cảm và diễn đạt. Tôi ngỡ như gặp lại chất thơ của Y Phương trong những câu thơ như thế này của Vàng A Giang: Bố mẹ nhìn các con/ Như nhìn những hạt mầm (Nhớ), Se sắt mẹ, tóc bạc thêm vài sợi/ Nỗi lòng mẹ, con phải trả bằng nàng dâu (Nỗi lòng mẹ), Muốn đôi bàn tay em/nhào nặn bột ngô thành mèn mén/ ngon thơm cả bản thèm (Cốc Rế), Người đồng mình nói chuyện như suối/ Cứ róc rách ít khi đùng đùng bão giông/…Có mặn nồng tha thiết thì đến phiên chợ/Có yêu nhau, thương nhau cho nhau cái bánh ngô. Trong 9 bài góp mặt vào tuyển của Vàng A Giang thì có đến 8 bài là thơ tự do, chỉ có 1 bài thể năm chữ. Phải là thơ tự do mới ra được cái chất của người vùng cao, những câu thơ nhấp nhô lên xuống như núi rừng, như sông suối, như những đường ruộng bậc thang. Tác giả cũng không nhất thiết chú trọng đến gieo vần mà chỉ cốt làm nổi bật ý tứ, cảm xúc.

Lâm Long Hồ (An Giang) lại là một cách viết khác hẳn. Trong 8 bài của Lâm Long Hồ có một chùm 10 bài thơ haiku. Ngay từ những bài haiku này đã hiện lên một cách tư duy thơ, một lối viết đi tìm chiều sâu trong mỗi sự việc, sự vật, bản thể để gửi gắm triết lý hoặc một quan niệm nhân sinh nào đó của tác giả: Một hoa cúc vàng/nở/ ra khỏi hàng; Mưa rửa trôi/ sạch tên/ trên cáo phó; Trong chậu thủy tinh/ cá vàng không thấy/ bức tường đang nhốt mình. Với cách tư duy thơ này, những bài thơ ngắn, lạ và hay tiếp tục đến với Lâm Long Hồ: Ta là chú tiểu đá/ Đọc mãi vô tự kinh/ Lá rơi trên quyển kệ/ Tượng vô tri giật mình (Tượng đá đọc kinh), Em à anh lại say/ Có một gã chui ra từ anh/ và khóc/ gã nói/ anh là tên ác độc/ thế giới cần anh chết đi/ anh cười/ và cùng gã nâng ly (Tri kỷ). Thỉnh thoảng là một bài thơ dài hơi hơn của Lâm Long Hồ một lần nữa làm tôi bất ngờ vì tứ thơ độc đáo. Tác giả viết về người lính đã bỏ lại một cánh tay nơi chiến trường và cánh tay ấy được chôn cùng những người đồng đội đã hy sinh. Trong cái mất mát của một người và của bao người khác mang đến cho chúng ta những điều khó nói hết bằng lời: Thỉnh thoảng/ Tôi lại dùng tay ấy để bắt tay/ Với những đồng đội đã thay tôi nằm xuống/ Và nói những điều mình muốn/ Bằng cái siết thật đau/ Thỉnh thoảng/ Chúng tôi lại ôm nhau/ bằng nửa vòng tay/ ở hai miền thực ảo/ gió tự do lồng vào tay áo/ lại thấy mình đầy lên.

 52 tác giả góp mặt trong Mắt lửa mang đến một thế giới đa dạng, phong phú không kém gì so với các tác giả trong tuyển thơ. Nếu như cái mạnh của thơ là tư duy bằng hình tượng, là ngôn ngữ chắt lọc, trau chuốt, cô đọng thì cái mạnh của văn xuôi là vốn sống và chi tiết dồi dào, là những câu chuyện được kể với các lối dẫn dắt khác nhau, nhằm thu hút sự chú ý, tập trung của người đọc một cách cao nhất để chinh phục họ, khiến độc giả không thể rời mắt mà phải theo suốt từ trang đầu cho đến những trang văn cuối cùng. Những truyện ngắn hay nhất trong tuyển này là những truyện cân đối được cả hai mặt quan trọng: cốt truyện và cách kể.

Ở mảng đề tài số phận con người, nổi lên các truyện như Bông lạc vàng của Trương Thị Chung và Sau lưng là rừng thẳm của Hoàng Hiền. Trong truyện ngắn của Trương Thị Chung, nhân vật xưng tôi sống trong một gia đình bố bị tàn phế, mất khả năng lao động, mẹ đẻ thì đã bỏ đi nơi khác, mẹ kế phải làm gái bán hoa để nuôi cả nhà gồm 5 người: hai vợ chồng, con chung, con riêng của chồng (nhân vật xưng tôi) và bà nội. Nhân vật xưng tôi từng có ý định bỏ học để đi đào vàng khi cảm thấy cuộc sống gia đình quá nghèo khó. Nhưng sau cùng, truyện được kết thúc với một cái kết mở và tươi sáng. Những mảnh đời khốn cùng ấy mà đại diện là nhân vật tôi không bị tàn lụi đi mà ngược lại, không ngừng nuôi một ý chí, khát vọng để thay đổi và vươn lên.

Có những tác giả tập trung vào phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội, các truyện ngắn dựng lên những nhân vật chính là nhân vật phản diện, phơi bày thói giả tạo, độc ác, tráo trở, nhỏ nhen, phản bội. Đó là các truyện Đại gia Lương của Hồng Cư và Độc dược của Hoàng Khánh Duy

Các cây viết trẻ đều sinh ra và lớn lên trong thời đất nước hòa bình nhưng vẫn có những người quan tâm đến đề tài chiến tranh, những câu chuyện thời hậu chiến và cố gắng tìm ra một lối đi riêng. Đó là các truyện Khói mật hương của Trần Ngọc Diệp và Gương mặt chiến tranh của Lê Văn Ngọc, trong đó, Khói mật hương có nhiều nỗ lực trong việc triển khai lối viết theo phong cách hiện thực huyền ảo, miêu tả một người lính đã hy sinh ngoài chiến trường vẫn mong muốn một ngày được tìm về quê nhà bên những người thân yêu.

Có rất nhiều truyện ngắn về đề tài đời sống của đồng bào miền núi, trong đó đặc biệt quan tâm đến những vấn đề như: cái nghèo, bảo vệ môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội, giữ gìn văn hóa, cuộc sống gia đình, sự thiệt thòi của những người phụ nữ. Có thể kể đến một loạt các truyện như: Vía của rừng (Triệu Hoàng Giang), Vượt qua bóng núi (Ksor H’yuên), Vàng ở núi (Hoàng Thị Hiền)...Trong số đó, Mùa đông ở Sính Phình của Phan Đức Lộc theo tôi là truyện ngắn thành công hàng đầu ở mảng đề tài này. Bi kịch của cái nghèo, của nỗi giằng xé giữa việc giữ lại con trâu để nuôi sống gia đình hay bán trâu đi để lấy tiền chữa bệnh cho con được tác giả chuyển tải bằng một bút pháp chân thực, cảm động đến xa xót. Cách kể, cách tả và lối hành văn cuốn hút, mang đậm phong cách vùng cao, nhiều đoạn khiến tôi phải hơn một lần đọc lại: “Rét quá! Rét đến mức cỏ hoa ngừng nở, con chim ngừng bay. Chỉ tiếng gió loạt soạt trên những mái gianh ẩm mục thê thiết rít mãi không ngừng, rít từ ngày chẵn sang ngày lẻ, rít từ khi con gà rừng le te gọi sáng cho tới lúc chim cú lợn rền rĩ ăn đêm. Bản là cái túi đựng gió, đựng sương, mưa phùn và giá lạnh. Mùa này trồng cây, cây không bám rễ, gieo hạt, hạt không nứt chồi. Đất nương đành để cho cây cỏ lún phún mọc dày. Cỏ nhoài ra đến đâu, cái nghèo cái đói lan ra đến đó”.

Có những truyện về đề tài gia đình rất cảm động, như các truyện ngắn Người tình của mẹ (Nguyễn Bích Hồng) hay Hoa xuyến chi nở muộn (Lê Thị Thịnh). Người tình của mẹ xây dựng được cốt truyện hấp dẫn với các tình huống lôi cuốn, dẫn dắt người đọc đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Hoa xuyến chi nở muộn thì lại có lối kể chuyện tâm tình, thủ thỉ bên cạnh những điểm nhấn quan trọng tạo ra các bước ngoặt.

Có những đề tài rất khó viết nhưng tác giả đã nỗ lực vượt qua bằng cách tạo ra cho tác phẩm một cấu trúc khá đặc biệt, đan xen các yếu tố mang chất kỳ ảo. Đó là truyện Cá bông của Nguyễn Trọng Hưng (Đinh Phương), viết về những người vượt biển xin tị nạn.

Giới học sinh, sinh viên và đời sống đô thị hiện đại cũng được quan tâm trong những truyện ngắn như: Tôi, Là nhà, Nỗi lòng mùa Covid, Mắt lửa. Trong số đó, Mắt lửa (Nguyệt Chu) là truyện ngắn khá độc đáo khi miêu tả nhân vật chính theo đuổi một nghề biểu diễn rất mới mẻ là múa lửa, điều mà trước đó chưa từng thấy tác phẩm văn học nào bàn tới. Đam mê trở thành một nghệ sĩ múa lửa với ánh hào quang trên sân khấu khiến Miên – nhân vật nữ chính của truyện đã phải trả những cái giá rất đắt và rồi trước mắt vẫn là một tương lai dang dở, mịt mờ. Chọn ra một cách tiếp cận riêng, tác giả Mắt lửa đã chứng tỏ nỗ lực trong sự tìm kiếm đề tài mới mẻ, mang vào trang viết những hình ảnh đa chiều của cuộc sống bộn bề.

Tóm lại với hai tuyển tập Thơ và Văn của các tác giả trẻ tham dự Hội nghị vừa cho ra mắt bạn đọc, những cây bút trẻ ở cả hai mảng văn và thơ đã chứng tỏ sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, nhiều tìm tòi, những cố gắng đổi mới về đề tài, cách viết, góc nhìn, hướng tiếp cận. Đa số các tác phẩm có ý thức hướng đến những giá trị nhân bản, giàu tính giáo dục, lòng yêu thương. Chúng tôi cảm nhận được sự dấn thân trong từng trang viết và khát vọng sáng tạo, giàu năng lượng của một thế hệ cầm bút mới. Điều ấy cho chúng ta quyền hy vọng vào những tác phẩm rực rỡ hơn nữa trong tương lai của nền văn học nước nhà.

Nguồn Văn nghệ số 25+26/2022


Có thể bạn quan tâm