April 26, 2024, 6:41 am

Những người phơi chữ trên ngàn

 

Khi vào làm việc tại trường Phú Thượng 1, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, cô Hà Hồng Hạnh, Hiệu trưởng cho biết, nhà trường có điểm trường xa và khó khăn nhất là Cao Biền. Cô Hạnh thông báo thêm, mùa này, gặp ngày mưa, coi như “đành lòng vậy, cầm lòng vậy”. Có muốn đến cũng chỉ còn cách ngóng xa. Nghe thế, trong đoàn ai cũng muốn lên tận nơi để “mục sở thị”...

Chiều hôm trước xem thời tiết là thế nhưng sáng hôm sau, trời trở chứng mưa phùn. Đường vào điểm trường Cao Biền phải đi qua dốc Tắc Kè, vượt dăm ba cái đỉnh cao cỡ trên dưới ngàn mét. Mưa kiểu này đường vào Cao Biền quá bằng trượt băng nghệ thuật. Lạng quạng, xòe, coi như xong... Để bảo đảm an toàn, cô Hiệu trưởng Hà Hồng Hạnh trực tiếp làm người dẫn đường.

Để có thể rút ngắn quãng đường, cô Hạnh nhắn tin vào Cao Biền nói thày Ma Văn Luận, nhờ mấy anh thanh niên, loại cự phách đi núi, ra đón ở ngoài đường quốc lộ. Đây chính là con đường tắt, đi nhờ qua đất Bắc Sơn của Lạng Sơn. Nếu đi theo đường chính danh, nghĩa là đường từ Võ Nhai vào, theo cô Hạnh, phải đến quá trưa mới tới được. Đường vào Cao Biền đang làm, lại có mưa thế này, chỉ đẩy xe cũng đã đủ kiệt sức chứ chưa nói đến đoạn “ăn vạ đất”. Vừa xuống xe ở điểm hẹn, đã thấy ba bốn thanh niên, người nào người nấy lực lượng ngồi sẵn trên xe máy. Tôi được cô Hiệu trưởng xếp đi với người to cao nhất. Thấy trên chỗ để hàng, có mấy cái xích xe đạp cũ. Hỏi. Mặt tỉnh bơ: Để cuốn quanh bánh xe. Quay sang hỏi lại. Bác bao nhiêu cân? Sáu mốt. Bác nhớ ôm chặt nhé. Cứ thế nổ máy, đi.

Phải nói thật là, tôi đã từng đi bộ vượt bốn đỉnh hai ngàn mét ở Mường Tè, miền Tây Bắc của Điện Biên trong chuyến đi tìm dân La Hủ về lập bản. Cũng đã từng vượt bốn bẩy thác ở sông Trăng, Nghệ An để vào bản Búng có tộc người Đan Lai, anh em biên phòng tìm thấy trong hang đá đưa ra khỏi rừng. Đỉnh Mã Pỉ Lèng, Hà Giang cũng đã lên, dãy Phù Sai Lai Leng, Nghệ An cũng đã tới, nhưng quả là chưa có lần đi nào tôi thấy tổn hao năng lượng vì sợ như chuyến đi này. Dốc, dốc và lại dốc. Toàn những dốc bốn nhăm, năm mươi độ. Mặt hết ngửa lên nhìn trời lại cắm xuống ngó đất. Người hết dồn phía trước lại tụt về sau. Xe cứ số 1 gầm rú mà leo, mà thả dốc. Bác tài tay vừa lái, vừa phải lấy thân chặn không cho tôi trôi về trước, trong khi hai chân xòe ra đạp đạp vào hai bên sườn núi. Sau gần tiếng đồng hồ, tôi cũng vượt qua con đường dê đi, vào được xóm Cao Biền có điểm trường cần đến.

Lại phải nói thêm về chuyện để có mấy người ra đón vào điểm trường. Xóm Cao Biền là xóm tất cả đều “đạt chuẩn” bốn không. Không điện, không đường, không trạm và không sóng điện thoại. Để có thể nhắn thày Luận, người có 20 năm cắm bản công tác trong này biết mà nhờ dân bản ra đón đoàn, cô Hạnh phải nhắn dăm ba cái tin. Điện thoại của thày Luận phải treo ở cửa sổ nhà để hóng “sóng rơi sóng vãi”, sóng lạc. Hết giờ đứng lớp, thày Luận lấy máy đọc tin nhắn. Công đoạn thông tin liên lạc ở nơi này có chăng văn minh hơn thời hồng hoang của loài người. Trưa, khi ngồi ăn với các cô, mời thêm Bí thư chi bộ của xóm, tôi hỏi. Tình trạng đường xá và thông tin thế này, khi có người ốm, đau thì sao? Bí thư năm nay mới có 27 tuổi, cựu chiến binh, thẳng tưng chất lính. Nhẹ thì tự chữa. Thuốc trong rừng. Nặng đưa xuống xã. Thế đưa đi kiểu gì? Nhẹ cho ngồi xe máy có người kẹp sau. Bệnh nặng khênh. Giả sử bị đau ruột thừa hay những bệnh phải cấp cứu thì làm sao? Khênh thôi. Vậy thì nguy hiểm quá. Cái đó thì rõ rồi. Nhưng xóm ở xa, đường thì khó, biết làm sao. Nếu chữa kịp, sống. Khỏe, về lại lên rừng, phát nương, trồng lúa, sắn, khoai. Chẳng may, chết. Đất rừng đấy. Chôn thôi. Quy luật muôn đời có ai sống mãi được đâu. Thế lâu nay có ai đã bị như thế chưa? Chưa. Chỉ cảm cúm, hắt hơi, xổ mũi thôi. Uống thuốc lấy trên rừng là khỏi. Thế đã báo cáo xã xin làm trạm trong này chưa? Có chứ. Nhưng cả xóm có 48 hộ, gần 200 khẩu. Không làm trạm được. Trên đường đưa tôi vào đây, cô Hạnh có kể cho biết. Cũng vì đường đất đi lại khó khăn, mấy năm trước, có một gia đình, bố mẹ vào rừng, không phân biệt được nấm độc, mang về nấu ăn. Một học trò của nhà trường ngộ độc mà không thể nào cứu được. Biết có hỏi thêm cũng sẽ đưa câu chuyện đến ngõ cụt. Tốt nhất là để lửng đấy. Hỏi thêm, khó nghĩ cho cả người hỏi và người trả lời.

Khi vào được đến sân điểm trường, nhìn đồng hồ, đã gần 10 giờ, trời hanh hảnh nắng. Cô Nông Thị Lương đang cùng học trò hí húi góc sân. Lại gần, hai cô, trò đang tranh thủ có nắng mang sách ra phơi. Hỏi, được hay. Học trò Triệu Thị Hồng Thương, nói là người cùng xóm nhưng cũng cách 4-5km, đi học sớm, gặp mưa, đường trơn, ngã. Sách ngấm nước, dính bùn đất, mang đi gợt, chữ bị nhòe. Tranh thủ lúc có tý hanh hảnh nắng, mang ra phơi để còn vào học. Tôi đi lướt qua các lớp học. Thày Luận, quần vẫn xắn ngang bắp, chân đất lên lớp, trò quần kéo quá gối, bàn chân còn dính đất ngồi học. Khi vào thăm phòng các giáo viên ở, thấy trong phòng nào cũng có treo vài ba bộ quần áo học sinh trên mắc. Hỏi ra mới biết. Đấy là những bộ quần áo thày, cô mua thêm, phòng khi học trò đến lớp, gặp mưa, bị ngã còn có cái mà thay vào lớp.

Hôm trước, tôi cũng vào điểm trường xóm Nác thuộc trường Tiểu học Liên Ninh, huyện Võ Nhai. Đây cũng là điểm trường có giao thông đi lại rất vất vả. Tuy đường đã được mở, xe ô tô có thể vào. Hôm chúng tôi đi, được ngày nắng ráo, thày Đường Đại Dương vẫn phải dùng xe địa hình, xe mà thày tham gia thi đua xe địa hình OFFROAD tổ chức hàng năm cho các tay đua ưa mạo hiểm để đưa vào. Hôm ấy, khi vào thăm lớp học. Thấy có một cháu ngồi học không có sách trên bàn như các bạn khác. Kéo ghế ngồi cạnh làm quen. Hỏi mãi rồi cũng biết tên. Cháu tên là Bàn Thị Ly, nhà có 4 anh chị em. Cháu là thứ 2. Bố mẹ nguyên là người ở bản Bãi Vàng, Hợp Tiến, Đồng Hỷ mới chuyển nhà lên đây. Do vừa đến chỗ ở mới, đời sống khó khăn, bố sang Trung Quốc làm thuê, mẹ lên rừng lấy măng. Thế cháu có đi lấy măng không? Có. Cháu đi một mình hay theo mẹ? Đi với mẹ. Lúc mẹ đi thì cháu đi. Thế sao nay không đi? Cháu muốn đi học. Đi học có vui không? Vui. Thế nay đi học sao lại không mang sách? Tại cháu quên. Sao lại quên? Vì trời mưa và đường xa. Cháu vội đi sớm cho kịp đến trường nên quên. Quên sách thày, cô có mắng không? Không. Lỗi tại trời mưa, đường xa làm cháu vội nên quên. Thày, cô nói thế à? Vâng. Thế mới hay, hôm lên làm việc với Võ Nhai, đồng chí Chủ tịch, Bí thư của huyện, nói vui: Việc học ở đây, những vùng đặc biệt khó khăn là thày, cô phải bế học sinh đến trường. Câu chuyện thoáng nghe tưởng thật là nhỏ, ấy nhưng, mấy ngày qua, trên báo và mạng xã hội tốn không biết bao nhiêu giấy mực tìm nguyên nhân về tình trạng 5 học trò ở Phù Ủng, Ân Thi, đánh hội đồng một bạn phải đi nhập viện tâm thần. Tôi chợt nghĩ, nguyên nhân của mọi nguyên nhân xảy ra trong giáo dục xét cho đến cùng có trách nhiệm, tình thương yêu của các thày, cô. Nếu ai cũng khao khát được đến trường, khao khát có được con chữ, có sự chia sẻ, quan tâm của thày, cô thì con chữ sẽ có cơ ở lại. Nét chữ nét người sẽ là gốc cho xây dựng nền đạo đức của xã hội. Một xã hội phát triển là một xã hội có nền giáo dục tiên tiến. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư có lãi nhất. Bởi đó là sự đầu tư cho tương lai. Sự vất vả của các thày, cô hôm nay cũng là để cho các thế hệ sau được sống tốt hơn, sướng hơn những gì mà hôm nay các thày, cô đang phải vất vả, lặn lội mưa gió, vượt núi, trèo đèo tha từng con chữ lên ngàn. Thấy có chút hanh hảnh nắng, cô trò mang sách ra phơi để con chữ không nhòe, giấy không bục, giữ cho màu mực còn tươi cũng là vì muốn những trang giấy trắng của cuộc đời còn trắng trong mãi.

Bỗng có tiếng chó sủa ngay dưới chân bàn cùng tiếng quát: Misa, ai hỏi mày. Ngó xuống nhìn. Một con chó vàng, to, nặng cỡ 20kg đang nằm nghếch mõm lên nhìn về phía bảng. Hỏi thày đứng lớp, được biết. Đây là con chó của em Đặng Kim Huệ. Bố mẹ sang bên kia biên giới làm thuê, để em ở lại nhờ người dì trông. Nhà bà ngoại có đàn chó con. Để cho có bạn khi bố mẹ đi làm ăn xa, bà ngoại cho Huệ con chó mang về nuôi làm bầu bạn. Đi đâu Huệ cũng cho chó đi cùng. Lên nương, đi chăn trâu, đi học. Misa theo Huệ từ bé đến trường, giờ quen. Khi cô chủ ngồi học, Misa nằm ngay dưới chân để trông chừng. Gặp hôm nào trời ấm, lại ra cửa nằm phơi nắng. Lúc nãy, khi thày gọi một bạn lên bảng làm toán, đọc đề cho các bạn khác làm bài. Thày vừa đọc xong, Misa sủa trả lời đáp án. Kéo ghế ngồi cạnh, tôi bắt chuyện. Cháu ở với dì có được ăn no không? Có. Ăn mấy bát? Hai bát. Ăn với gì? Cháu ăn cơm với thịt, rau, măng. Tối ai kèm cháu học? Cháu tự học thôi. Cháu thích nhất môn gì? Toán. Thế con Misa vừa rồi sủa có đúng đáp án không? Dạ. Đúng... Nó là bạn của cháu. Bạn thân ấy...     

Đang ngồi hỏi chuyện cháu Huệ, nghe có tiếng nói mơ, gọi mẹ. Nhìn xuống, ở bàn cuối lớp có một cháu gục đầu xuống bàn ngủ. Hỏi thày đứng lớp. Thày cho biết. Đó là cháu Triệu Sinh Quốc Kiệt theo anh là Triệu Sinh Bảo Khang lên lớp. Vì bố mẹ cũng đi sang Trung Quốc làm thuê, không ai ở nhà trông Kiệt. Thế là khi anh đi học, cho em theo cùng. Khi anh ngồi học, em ngồi dưới, ngủ. Lớp học có khách đến thăm, thày định gọi em dậy. Thấy em ngủ say, mọi người ra hiệu, không ai nỡ đánh thức. Nét ngây thơ, vô tư, trong trắng của trẻ ở đây, lòng chợt cợn lên khi nghĩ đến những em nhỏ ở thành phố. Nào chọn trường, chọn lớp, chọn thày, chọn cô. Để có thể nộp hồ sơ cho con vào học trường có chất lượng mà xô nhau đến đổ cả cổng. Sáng đưa, chiều đón rồi lo ăn giữa giờ, lo ngủ ban trưa. Một khoảng cách quá xa về chất lượng sống nhưng nếu đem so với kỹ năng sống, các em ở thành phố đến bao giờ mới có thể tự chủ, tự học, tự bản thân lo toan sắp xếp được việc học, việc làm như các em ở nơi thăm thẳm là rừng này. Khi lớn lên, tấm áo khoác liệu có thể làm cho nhân cách, tâm hồn cũng gần gũi và yêu thương như những đứa trẻ nơi đây.

  Sợ chiều có mưa, đường trơn, không xuống núi được. Cũng là để mấy anh thanh niên, mấy bác tài “xe ôm” giúp vào điểm trường, kịp đưa xuống núi, quay về còn thời gian tranh thủ có mưa để gieo ngô. Tôi và cô Hạnh sấp ngửa xuống núi. Đứng trên đỉnh Tắc Kè nhìn xuống, điểm trường Cao Biền nằm trong lòng thung, lọt thỏm giữa bốn bề là núi. Mái ngói màu đỏ đơn độc nổi bật giữa bạt ngàn sắc xanh của rừng, của hồi, nó không khác gì một bức tranh phong cảnh toàn gam buồn, họa sĩ cho sắc lửa, chút gam màu nóng để tạo điểm nhấn, không đơn điệu. Mà là đốm lửa thật. Giữa heo hút, thâm sơn cùng cốc, chỉ có màu xanh của cây, màu xám của đá, màu rêu các mái nhà, trắng đục của sương giá, sắc đỏ mái ngói điểm trường thật sự là niềm hy vọng cho mỗi sinh linh nơi đây. Ngọn lửa của niềm tin về một tương lai không xa đang đón đợi phía trước. Chợt nhớ câu nói của một ai đó: Con chữ là chìa khóa để mở cánh cửa thoát khỏi sương mù bước sang một vùng ấm, sáng mới. Chút hanh hảnh nắng trên kia có đủ làm khô con chữ trong những ngày mưa, lầy lội cùng thày, trò nơi đây. Những người phơi chữ trên ngàn./. 

Nguồn Văn nghệ số 16/2019


Có thể bạn quan tâm