March 29, 2024, 6:59 pm

Những người khốn khổ muôn đời trăn trở

Bộ tiểu thuyết bất hủ Những người khốn khổ của nhà văn Pháp Victor Hugo (1802-1885) thuộc nhóm nhỏ những tác phẩm được liên tục nâng niu trên khắp hành tinh, kèm theo nhiều sản phẩm “ăn theo”, chủ yếu là phim điện ảnh.

Do đó, từ lâu rồi, cụm từ “Những người khốn khổ” trở thành thành ngữ, thậm chí tục ngữ trong đời sống thường nhật, không chỉ ở Pháp. Tục ngữ đặc biệt đó gợi nhắc: 1. Sự tàn phá thế giới của nghèo đói và thống khổ; 2. Nỗi trăn trở thường trực về nghịch lý: những người thực sự là người, làm ra và duy trì thế giới, thì không được sống cuộc đời đúng nghĩa; 3. Niềm thao thức về giải pháp để việc xây dựng xã hội lành mạnh, xứng đáng với con người. Đó là hãy tôn trọng và trả lại công bằng cho những người lao động bình thường, những người khốn khổ. Âm hưởng ấy bỗng lay động thú vị không ngờ ở Liên hoan Phim Cannes 2019, khi chiếu một phim tranh tài của Pháp, Những người khốn khổ. Không như mọi người tưởng, đó chẳng phải một phim dựa theo tiểu thuyết của Hugo, mà là một phim truyện mới toanh, ít nhất kế thừa, rất đáng trân trọng và cổ vũ, tư tưởng cao cả và tấm lòng thăm thẳm của nhà đại văn hào.

Đoàn làm phim Những người khốn khổ

Chuyện phim theo dạng hình sự, kiểu trộm cắp, truy tìm, gây rối và chống trả. Ở một khu phố nghèo, với ba mươi tộc người nhập cư, đoàn xiếc địa phương bị mất một con sư tử con. Ông trưởng đoàn biết tỏng thủ phạm, bèn ra tối hậu thư phải trả lại con vật trong vòng 24 giờ. “Hãy đợi đấy nhé!”. Thủ phạm, một đứa hay một nhóm trẻ vị thành niên (dân nhập cư) vẫn lêu lổng khắp nơi như thầm đốp lại. Cảnh sát phải vào cuộc. Ấy là đội đặc nhiệm chống tội phạm gồm ba người. Nhóm trưởng cậy quyền, hống hách, bị khinh bỉ. Người thứ hai, cẩn thận, khoan hòa, được dân tin trọng. Người thứ ba, có phần ba phải, chỉ cốt hoàn thành nhiệm vụ. Qua mạng xã hội, nhóm phát hiện nhiều hình ảnh con sư tử, và lần tới kẻ ăn cắp, một chú choai choai đang ở một sân vận động. Khi nhóm tới nơi, hai chục “bạn bè” của kẻ đạo chích ập vào căn vặn. Như được giải vây, tên trộm bỏ chạy. Nhưng cuối cùng y vẫn bị tóm, sau cuộc rượt đuổi qua nhiều phố… Đúng lúc đó, “đồng bọn” của y xông tới kịp, ném gạch đá vào nhóm đặc nhiệm… Viên cảnh sát thứ ba cuống lên, bắn chỉ thiên, tên trộm bị thương. Tên này ngất xỉu. Cánh trẻ bị giải tán tức thì. Cảnh sát thứ hai chạy vào hiệu thuốc, tìm cách sơ cứu cho cậu. Bất chấp trưởng nhóm định thây kệ. Cậu bé hồi tỉnh. Xem chừng chỉ bị thương nhẹ. Có điều, viên cảnh sát thứ ba phát hiện một thiết bị bay nhỏ đang ghi hình hoạt động của nhóm. Cả nhóm tức tốc tìm cho được chủ của thiết bị. Vốn nhạy bén, trưởng nhóm lần ra địa chỉ của cậu chủ đó. Nhưng khi nhóm đến nơi, cậu vừa chạy mất rồi. Nhóm hỏi dân, biết cậu tạt qua một quán thức ăn, trao chiếc thẻ nhớ đã được ghi hình cho chủ quán, một tay anh chị hoàn lương, tín đồ Đạo Hồi, được cả khu phố kính nể. Trưởng nhóm định đe dọa chủ quán và dùng vũ lực đoạt lấy chiếc thẻ. Viên thứ hai nhẹ nhàng gạt đi và trao đổi nhũn nhặn với ông chủ có vẻ nhân từ. Như một cuộc thương lượng thật bụng. Ông này tin cậu bé “bị thương là do tự ngã” (cậu vẫn bị dẫn theo nhóm). Như viên thứ hai khẳng định. Chủ quán đưa cho nhóm chiếc thẻ nhớ, đồng thời ân cần bảo bọn nhỏ chỉ chỗ chúng giấu con sư tử. Nhóm đặc nhiệm nhận lại, đem về trả cho đoàn xiếc, chú sư tử chẳng hề hấn gì. Do quá giận dữ, ông trưởng đoàn xiếc bất ngờ nhét cậu bé bị thương vào lồng sư tử. Viên thứ hai liền giương súng lên, nhằm vào con vật, hễ nó động tĩnh là bắn để bảo vệ cậu bé đáng thương. Trưởng đoàn xiếc ngớ người, liền lôi cậu bé ra ngoài. Trưởng nhóm đặc nhiệm cũng hiểu. Anh quyết định thả cậu bé. Mọi người ai về nhà nấy, như không có chuyện gì xảy ra…

Sáng hôm sau, nhóm đặc nhiệm đi “tuần tiễu” như thường lệ. Nhưng họ chợt nhận thấy có một lũ trẻ đang bám theo mình. Biết bị lộ, chúng ném gạch đá vào xe cảnh sát. Họ xuống xe. Lũ trẻ bỏ chạy thục mạng. Đội đặc nhiệm đuổi theo, vào một khu nhà, leo lên cầu thang. Cuối cùng, bị nhốt trong một đoạn cầu thang này. Bọn trẻ biến mất. Nhưng đạn hoa cải và các vật dụng được tới tấp ném vào. Viên thứ hai gõ vào cánh cửa, để báo động. Đúng lúc cửa sắp mở, tên trộm sư tử xuất hiện, chai thuốc nổ trên tay. Viên thứ ba giương súng vào y. Tuy nhiên, hai bên “đối địch” vẫn chỉ nhìn nhau trừng trừng… Bỗng vang lên mấy câu của Victor Hugo trong tiểu thuyết Những người khốn khổ: Này nhớ bạn ơi/ Không có cỏ dại/ Không có người tồi/ Chỉ kẻ trồng cấy/ Đuối tầm mà thôi. Bộ phim khép lại ở đây. Một cái kết mở, vừa thông minh vừa tinh tế! Tư tưởng của phim hiện ra thật bất ngờ: bản chất của mỗi cá nhân và của cả Cõi đời là tốt đẹp; không ai sống biệt lập nổi, mà phải trong một tập thể; ở tập thể nào cũng vậy, người lãnh đạo có vai trò quyết định. “Lãnh đạo” chỉ thực sự là lãnh đạo, khi nhận chân được bản chất cao quý của thế gian, khi coi lợi ích chung là trên hết, khi nhìn ra và quy tụ được những gì tốt đẹp nhất của mọi thành viên cộng đồng. Việc “nhìn ra” và “quy tụ” ấy là điều kiện tiên quyết để tạo lập và phát huy sức mạnh tập thể, sức mạnh dựng xây cuộc sống chung hòa hợp, bình đẳng, yên vui và nhân ái. Sức mạnh này là sức mạnh của cái đẹp, của chính nghĩa. Trước sau, nó cũng đánh bại sức mạnh của cá xấu, của phi nghĩa. Nhà lãnh đạo đích thực như vậy là đã hiển hiện oai vệ và thuyết phục qua hình tượng Jean Valjean, nhân vật chính của Những người khốn khổ của Victor Hugo. Nhân vật ấy là biểu tượng của lương tâm vượt thoát nô dịch và hổ nhục, biểu tượng của Nhân Dân lao động, chủ nhân của xã hội. Nhận thức được đúc kết thâm trầm thường dễ bị bỏ qua này của Victor Hugo, thi hào cộng sản Pháp Louis Aragon (1897-1982) xác quyết rằng Những người khốn khổ là mẫu mực của chủ nghĩa hiện thực, chứ không của chủ nghĩa lãng mạn, như nhiều người vẫn khẳng định. Nhà điện ảnh Pháp da màu Ladj Ly, sinh năm 1978, đã tiếp thu được tư tưởng tiền đề này của bậc tiến bối, để làm nên Những người khốn khổ, bộ phim được bầu chọn là phim Pháp hay nhất năm vừa rồi. 

Ladj Ly ra đời được ít lâu thì cùng gia định từ Mali di cư sang Pháp. Anh lớn lên ở ngoại vi Paris, nên trải nghiệm thật nhiều sự phân biệt đối xử của nhà cầm quyền Pháp đối với dân nhập cư được nhìn nhận thiếu công bằng. Từ sau 1968. Nhà cầm quyền Pháp xiết chặt hơn sự kiểm soát đối với với họ. Họ bị dồn hầu hết ra ngoại ô các thành phố, buộc sống trong những khu nhà chung cao tầng, bị cảnh sát theo dõi nghiêm ngặt. Một định kiến nghiệt ngã xuất hiện: “Nhập cư” đồng nghĩa với thất học, lười biếng, bất hảo. Vì vậy, chuyện học hành, công ăn việc làm, chăm sóc sức khỏe, tất cả đều nan giải. Chưa kể nỗi ám ảnh bị khinh rẻ mọi lúc mọi nơi. Từ phi lý đó, nhiều cuộc biểu tình, được coi là “nổi loạn”, đã xảy ra ở hầu khắp các khu ngoại vi lớn nhỏ. Chúng khởi phát từ những bất công hay xúc phạm vụn vặt. Bao ấm ức chất chồng của dân nhập cư, chính yếu là giới trẻ, mau chóng chuyển thành những tiếng la thét, đập phá tiêu hủy hàng quán, ô tô… Sự “dẹp loạn” của cảnh sát chỉ như lửa đổ thêm dầu. Kết cục, không chỉ dân nhập cư, dân Pháp “chính phẩm” cũng phải chịu nhiều tổn thương mất mát. Những cuộc nổi giận tập thể đó bùng nổ suốt từ đó tới nay. Đỉnh điểm là năm 2005 - Năm dân nhập cư tấn công quyết liệt vào chủ nghĩa phân biệt màu da, nguồn gốc, thực cảnh!... Từ đó, chính sách nhập cư của nhà nước Pháp có phần mềm dẻo hơn, nhưng vẫn không thoát khỏi sự kỳ thị cay nghiệt… Thực tế ấy xao động ngày một mạnh mẽ tâm hồn cậu bé da đen Ladj Ly. Xao động bắt đầu từ nỗi bất an của cha. Cha anh lao động cần mẫn, ứng xử phải chăng với tất cả. Ông tạo dựng cho gia đình cuộc đời dễ chịu. Nhưng lòng ông thường không thoải mái. Chỉ vì ông luôn thấy dân nhập cư như mình bị đa phần dân bản địa khinh khỉnh… Ladj Ly noi gương cha, đạt dược cuộc sống riêng tàm tạm. Anh chăm chỉ lao động và học hành. Anh biết điều với bè bạn học bạn phố. Về sau, anh là bạn của nhiều cảnh sát “khu vực”. Việc này giúp anh ngộ ra nhiều điều quan trọng. Ví dụ, đa số những ngưới có quyền này thực chất rất lương thiện. Họ chẳng mấy hài lòng với đồng lương khiêm tốn, nhà ở xập xệ… Dù vậy, họ không lạm quyền, bòn rút của dân để “cải thiện” đời sống vợ con. Như cha, Ladj Ly không nhìn đời đen tối một màu. Hẳn đây là bí mật của việc anh ham đọc sách và mê “quay phim” bằng điện thoại di động. Anh thích ghi lại cảnh sống thường nhật ở khu nhà anh rồi đưa lên mạng. Những thước phim vidéo về xung đột 2005 ở khu này khiến anh được biết đến như một nhà điện ảnh triển vọng. Bộ phim sau đó về quê cha đất tổ Mali mà anh thường về thăm khẳng định dứt khoát một tài năng nghệ thuật độc đáo cao tầm...

Những người khốn khổ là phim truyện dài đầu tay của anh. Nó kết tinh những kỷ niệm tuổi thơ, những suy nghĩ và cảm xức hằn sâu trong tâm trí, những giao hòa với cộng đồng và với nhân loại. Anh không đi theo lối mòn của hàng chục phim về bức bối ngoại ô đô thị, tức là về dân nhập cư, trong đó mại dâm, buôn lậu, ma túy, bạo lực… là chúa tể. Anh kể chuyện trẻ vị thành niên “trêu chọc” cảnh sát, chuyện tưởng vớ vẩn nhưng buộc mọi người, nhất là những nhà điều hành xã hội nhìn thẳng vào sự thật, xử lý những khiếm khuyết của xã hội một cách thiết thực. Khái niệm “những người khốn khổ” đã được Ladj Ly mở rộng. Đó không chỉ là những người vất vả vì nhu cầu sống vật chất, mà còn là những người bất ổn về tinh thần, như những cảnh sát kia, thực tế bị dân nghi ngờ, cấp trên coi rẻ. Chìa khóa vạn năng của chung sống ổn thỏa là sự quý trọng đồng loại. Sự trân quý ấy khiến cho ai cũng khiêm nhường, không chơi trội hoặc khôn lỏi. Tính vị kỷ này là cội nguồn của những xung đột lớn nhỏ bất tận, từ gia đình, tới làng phố, xã hội và ra toàn thế giới, với những cuộc chiến tranh thảm khốc nhục mạ con người. Hình ảnh mở đầu phim Những người khốn khổ đối lập với hình ảnh kết thúc. Hình ảnh đầu (áp phích phim) - chiến thắng của đội tuyển Pháp ở giải vô địch bóng đá thế giới 2018 khiến dân Pháp cùng hoan hỉ, đoàn kết, không phân biệt chính kiến, giàu nghèo hay sắc tộc. Hình ảnh sau là sự đối đầu sắt máu theo luật rừng, kẻ mạnh bao giờ cũng đúng. Ladj Ly ngỏ ý rằng tôn trọng Văn hóa mới là luật của Cõi Người. Có lẽ anh thấm thía với câu nói của một nhà giáo Pháp: Văn hóa là nỗ lực của người chăm lo cho một mảnh đất, một sự cấy trồng. Luật của nhân loại phải là vậy: cùng cố gắng vun xới những gì là nhân bản, của cải chung của tất cả. Nhân loại trường tồn là do những của cải ấy. Tư tưởng như vừa nêu hẳn có trong máu thịt của mọi chúng sinh. Cho nên, khán giả ở nhiều nước đã rơi lệ khi xem bộ phim. Những người khốn khổ của Ladj Ly còn hai phần nữa. Tin rằng tác phẩm điện ảnh bộ ba, không cần “nhấp nháy câu view vô hồi”, sẽ mãi mãi được xem đi xem lại, như những bộ phim cùng loại, trong Điện ảnh toàn cầu…

Nguồn Văn nghệ số 25/2020


Có thể bạn quan tâm