April 18, 2024, 5:51 pm

Những ngày đầu đứng trên bục giảng

Tôi nhớ vào một ngày cuối đông năm 1979 âm lịch nhưng lại là ngày đầu năm 1980, sau khi tốt nghiệp trường CĐSP Hà Nam Ninh (Nay là 3 tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình), tôi đến Sở Giáo dục nhận quyết định công tác.

Ông cậu tôi lúc đó là Trưởng ban Khoa giáo Tỉnh ủy định cho tôi về dạy học tại thị xã Tam Điệp (nay là Thành phố Tam Điệp thuộc tỉnh Ninh Bình). Tôi không muốn về gần nhà, không muốn được hưởng một công việc quá dễ dàng thuận lợi nhờ vào mối quan hệ COCC (con ông cháu cha). Tôi nói với ông rằng chỗ nào xa nhất, thiếu giáo viên nhất ông cho cháu đi, nhất là nơi ấy càng gần biển càng tốt. Vậy là ông qua Sở Giáo dục bảo họ ra quyết định cho tôi về dạy tại trường cấp 2 Hải Thịnh A (nay là trường THCS Thịnh Long thuộc Thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định).

Tôi đi xe đạp, chở vali, hăm hở lên đường. Vốn mơ mộng, tôi tưởng tượng ngôi trường tôi đến nằm sát cạnh biển, hằng ngày tôi sẽ nhìn thấy biển và nghe tiếng sóng rì tầm.

Đạp xe gần 100km đến Hải Thịnh, tôi gần như thất vọng. Ngôi trường gồm năm dãy nhà ngói, bàn ghế sơ sài, lại cách biển khoảng 1.500m. Nhưng bù lại, là con đường cát mịn màng, là rặng tre xanh ngút ngàn, là làng quê thanh bình trù phú với những vườn cây trĩu quả, những ao cá ngang dọc nối nhau.

Tôi được xếp ở cùng phòng với một đồng nghiệp dạy toán vừa mới ra trường như tôi. Căn phòng tường đất mái tranh, nền láng xi măng và có cửa sổ là một tấm liếp đan bằng tre, mỗi lần mở cửa phải dùng hai cây que chống lên ở hai bên. Trước phòng là giếng nước ngọt, nước lúc nào cũng đầy và rất trong. Tôi nghĩ thầm, thảo nào các bạn tôi khi được phân công về nơi này, họ chống quyết định. Còn tôi, tôi cảm thấy vui vì mình đã chọn nơi này chứ không phải một nơi đầy đủ tiện nghi ồn ào náo động.

Hôm sau họp Hội đồng Sư phạm, tôi được phân công dạy văn hai lớp 7 và bắt đầu vào học kỳ II. Giờ tập trung toàn trường tôi được giới thiệu trước toàn thể học sinh và nhận lớp. Tôi không khỏi bối rối ngại ngùng vì học sinh vùng quê này rất lớn. Đúng độ tuổi lớp 7 là 12 nhưng cũng có em tới 15, 16 tuổi. Tôi lại mới đang độ tuổi 20, vóc dáng lại nhỏ nhắn…

Giờ lên lớp đầu tiên trong đời dạy học của tôi là giờ văn lớp 7B. Tiếng trống vừa dứt, tôi bước lên bục giảng. Cả lớp đứng dậy chào cô giáo. Tôi quan sát thấy những ánh mắt sáng lấp lánh tinh nghịch. Một số em cố nín cười. Tôi cảnh giác. Tôi đặt cặp sách lên bàn giáo viên, nhìn cái ghế gỗ hình chữ nhật và bốn cái chân ghế bằng tre hình chữ V đầy khả nghi, tôi đưa chân đẩy nhẹ một cái. Chiếc ghế đổ sập xuống. Có tiếng cười rúc rích. Hú vía! Nếu tôi không đề phòng mà ngồi xuống chắc ngã lăn kềnh và sẽ là dịp để cả lớp cười rộ lên. Tôi nghiêm nghị nhìn cả lớp rồi hỏi: “Hôm nay bạn nào trực nhật?”. Một học sinh nam bước ra: “Thưa cô là em ạ!”. Cả lớp nín thở, im phăng phắc. Tôi nhẹ nhàng nói: “Em hãy khắc phục hậu quả mà các em bày đặt ra. Khi nào ổn định xong chúng ta sẽ học bài”. Em học sinh đó vội lên dựng lại chiếc ghế, xếp bốn chân ghế vào đúng chỗ của nó một cách chắc chắn. Lúc ấy tôi mới cất tiếng chào cả lớp và cho các em ngồi xuống. Tôi xem như không có tình huống vừa xảy ra và bắt đầu bài giảng một cách say sưa. Cả lớp nén tiếng thở phào nhẹ nhõm.

Giờ lên lớp đầu tiên diễn ra quá sự mong đợi của tôi. Các em trật tự, chăm chú theo dõi và giơ tay phát biểu sôi nổi.

*

Một lần khác, cuối tiết học môn Tiếng Việt, tôi ra bài tập ngắn kiểm tra kiến thức vừa học trong khoảng thời gian 10 phút. Đứng trên bục giảng tôi quan sát cả lớp. Học sinh H và B ngồi cạnh nhau. H thông minh chỉ vài phút đã làm bài xong. Giấy kiểm tra của B thì vẫn trắng nguyên. Sau đó tôi thấy hai đứa cùng chú mục vào một tờ giấy. Tôi xuống lớp đi giữa các dãy bàn, phát hiện ra H và B đang chơi cờ Carô trên giấy kẻ ô vuông nhỏ. Sau 10 phút, tôi gọi một số học sinh nộp bài. Đầu tiên tôi gọi B. B cuống quýt giật vội lấy bài của H, gạch tên H và viết tên mình rồi mang lên nộp. Tôi gọi thêm một số học sinh nữa, sau cùng gọi H nộp bài. H rụt rè đứng dậy, gục đầu như một kẻ tội đồ và lí nhí: “Thưa cô em chưa làm bài”. Cả lớp lặng phắc theo dõi. Tôi cầm bài ghi tên B lật qua lật lại rồi nói: “Lạ quá, cô thấy bài ghi tên B nhưng chữ viết lại là chữ của H. Lạ hơn nữa là họ tên H bị gạch và họ tên B lại được ghi vào”. Lúc đó B mới đứng dậy tự thú: “Thưa cô là em chưa làm bài, em tưởng bạn H không phải nộp nên lấy bài của H gạch tên bạn ấy và điền tên em vào ạ!”. Tôi im lặng giây lát, sau đó nói nhỏ nhưng nghiêm khắc: “Hai em học hành không nghiêm túc, lại có hành vi thiếu chân thật. Lần này cô để các em tự xử lý”. Cùng lúc tiếng trống vang lên báo hiệu hết giờ.

Sáng hôm sau, tôi đang ở văn phòng nhà trường, thấy H và B thập thò ngoài cửa. Thì ra hai cậu lên tìm cô để nộp bản tự kiểm điểm. Đại ý bản tự kiểm của hai đứa là: Chúng em ham chơi, lười học, lại còn có tính dối trá. Chúng em xin tự nhận điểm 0. Chúng em xin cô tha lỗi và từ nay trở đi, chúng em sẽ không bao giờ tái phạm nữa. Chúng em xin hứa sẽ học hành chăm chỉ, nghiêm túc.

Cuối giờ học tôi trả bài kiểm tra ngắn. Sau đó tôi đọc bản tự kiểm của H và B trước lớp rồi hỏi: “Các em thấy hai bạn tự xử thế nào?”. Cả lớp tranh nhau nói: “Được ạ!”, “Các bạn ấy thành khẩn ạ!”, “Xin cô nhẹ tay với các bạn ạ!”… Chờ cả lớp lắng xuống, tôi tuyên bố: “Cô chấp nhận hình thức tự xử của hai bạn. Nghĩa là cô vẫn ghi hai bạn điểm 0 nhưng cô cho hai bạn cơ hội. Nếu các bạn học tập chăm chỉ phát biểu tốt, không vi phạm kỷ luật học tập, cô sẽ xóa điểm 0 cho các bạn”.

Cả lớp vỗ tay rào rào.

*

Vẫn lớp 7B tôi dạy văn, có một học sinh khá ngỗ ngược tên V. V lớn nhất lớp, hình như cậu ta 16 tuổi.

Một hôm giờ văn, tôi bước vào lớp, cả lớp đứng dậy chào. Riêng V vẫn ngồi điềm nhiên quay mặt xuống phía dưới, miệng phì phèo thuốc lá. Tôi đứng nghiêm trang chào học sinh nhưng không nói gì, cũng không vẫy tay ra hiệu cho các em ngồi như mọi khi. Không khí im lặng nặng nề bao trùm. Tôi vẫn đứng im nhìn về phía V. Cả lớp hiểu ra liền quay nhìn V, thậm chí có học sinh còn bực bội nhắc khẽ: “V kìa!”. Bắt gặp cái nhìn dịu dàng nhưng nghiêm khắc của tôi, V vội quăng điều thuốc lá, đứng nghiêm quay mặt về phía bục giảng. Lúc ấy tôi mới vẫy tay nói: “Các em ngồi xuống”.

Tôi vẫn giảng bài như không có điều gì xảy ra và giờ học vẫn diễn ra sôi nổi, nghiêm túc, hiệu quả. Kể từ đó, V không dám có những hành vi bất kính như thế nữa đối với tôi.

Giờ nghỉ, xuống văn phòng, thầy T - hiệu trưởng nhà trường nhìn tôi nói: “Cái Lan quản lớp tốt đấy!”. Tôi cười nói: “Thầy có dự giờ em đâu mà thầy biết?”. Thầy T cười cười: “Ta cần gì phải dự giờ, báo trước để bọn bay đối phó à? Ta đứng ngoài nhưng nghe và thấy hết”. Từ đó chúng tôi gọi thầy T là “Ông Biết Tuốt”. Có lần, Ông Biết Tuốt nói với tôi: “7B có thằng V ngỗ nghịch lắm, giáo viên trẻ như mày không bị nó bắt nạt à?”. Tôi cười: “Đúng là nó to xác nhất lớp, lười học, ngỗ ngược nữa, nhưng đối với em nó ngoan mà!”.

Về cậu học trò này, tình cờ sau này tôi có gặp lại nhưng tôi đã hành xử thật vô tâm, vô tình và rất đáng trách. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn hối hận.

Ấy là sau khi tôi dạy học ở Hải Thịnh được một năm, gia đình tôi bắt tôi chuyển về dạy ở thị xã Tam Điệp cho gần nhà. Tôi đành phải nghe theo bố mẹ. Với lại tôi cũng đã ở biển được một năm rồi; cũng đã từng lênh đênh theo thủy thủ đoàn đánh bắt cá ngoài khơi xa rồi; đã nghe được các cung bậc âm thanh thầm thì cũng như cuồng nộ của biển cả; không phải tiếc nuối nữa. Tôi về Tam Điệp dạy học được hai năm thì đi thi chuyên ngành Văn ĐHSP Hà Nội II - Khoa cấp II và đỗ thủ khoa. Ngày tôi lên trường nhập học là vào một ngày cuối thu năm 1983. Tôi ra bến xe thành phố Nam Định đón xe đi Hà Nội. Ngồi trên xe chờ đi Hà Nội, tôi thấy một anh bộ đội cao lớn chững chạc cứ nhìn mình cười cười, có ý như muốn đến chào hỏi. Tôi quay mặt đi, cảnh giác. Sau đó tôi nhận ra anh chàng lính cao lớn đó chính là V- cậu học trò ngỗ nghịch ở Hải Thịnh. Mới sau hai năm mà cậu ta đã ra dáng người lớn, chắc vừa nhập ngũ và đang chờ xe đến đơn vị. Tôi quay lại, vẫn thấy cậu ta đứng đó nhìn mình cười cười. Không hiểu sao tôi lại quay đi coi như không quen biết. Có lẽ vì lúc đó tôi còn trẻ. Chỉ khi đứng trên bục giảng tôi mới tự tin. Còn khi ra bên ngoài tôi lại rụt rè nhút nhát và rất ngại tiếp xúc. Cậu ấy thấy tôi không nhận ra hoặc không muốn nhận nên cũng không dám đến chào. Thế rồi ít phút sau, ôtô chuyển bánh. Tôi không còn nhìn thấy cậu ấy nữa.

Hơn ba mươi năm trôi qua rồi, nhớ lại tôi vẫn không hiểu sao mình lại hành xử vô tình, vô tâm đến thế! Lẽ ra tôi đã có cơ hội gặp lại học trò cũ của mình, biết được cuộc sống người lính thời ấy gian khổ vất vả ra sao, có thể động viên an ủi và đem lại cho cậu ấy niềm vui nho nhỏ được gặp lại cô giáo cũ và cô giáo vẫn còn nhớ đến mình, được nhận những lời chúc phúc từ cô giáo ấy.

Ước gì V - học trò cũ của tôi đang sống ở đâu đó đọc được những dòng này. Và em sẽ tha thứ cho tôi vì đã hành xử vô tình lạnh lùng như vậy!

Nguồn Văn nghệ số 46/2020


Có thể bạn quan tâm