April 25, 2024, 8:01 pm

Những ngày bình thường mới

 

Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước đã  bước qua những ngày giãn cách nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16, 16 + của Thủ tướng Chính phủ. Những ngày bình thường mới đã bắt đầu trở lại với nhiều hoạt động có điều kiện đã được diễn ra trong tâm thế thận trọng, thích ứng.

 

Ảnh minh họa bài viết. Nguồn Internet

Giấy thông hành “âm” covid

Ghi nhận tại thời điểm hiện tại, nhiều hoạt động chính trị, xã hội, tăng cường đẩy mạnh sản xuất đã được diễn ra đồng loạt trên cả nước. Sức khỏe nền kinh tế đã bắt đầu hồi phục, tuy vẫn còn không ít những kho khăn do tác động của đại dịch Covid như: đứt gẫy chuổi bán lẻ truyền thống, vận tải hàng hóa giữa các địa phương, tỉnh thành còn thiếu thống nhất về thủ tục hành chính ( trong đó có những quy định về giấy xét nghiệm Covid 19), lực lượng lao động thiếu trầm trọng tại các khu công nghiệp do người lao động hồi hương tránh dịch Covid…đã và đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho nền kinh tế những tháng cuối năm vốn được kỳ vọng sẽ có những bứt phá.

Để có thể từng bước phục hồi nền kinh tế, chia sẻ khó khăn với người dân,doanh nghiệp, nhiều gói hỗ trợ chưa có tiền lệ đã được Chính phủ thực hiện nhanh chóng, rốt ráo, không chỉ nhằm mục đích giải quyết khó khăn tức thời cho người dân yếu thể, người lao động mất việc làm, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… do địa phương thực hiện giãn cách xã hội, phục vụ công tác chống dịch, mà còn cho thấy những giá trị nhân văn hướng đến “sức khỏe người dân là trên hết, trước hết” của Chính phủ. Đây cũng là bước chuẩn bị quan trọng về con người để khi dịch được kiểm soát và đẩy lùi, cuộc sống lao động, sản xuất có thể được thực hiện bất cứ lúc nào nếu được điều kiện cho phép.

Cùng với những nỗ lực từ Chính phủ, các Bộ, ngành từ trung ương đến địa phương cũng có những bước đi cụ thể để chia sẻ khó khăn với người dân. Không ít địa phương như Hưng Yên, Thái Nguyên… quyết định trích ngân sách hỗ trợ người dân của địa phương hiện đang sinh sống tại các tỉnh, thành có dịch, không chỉ chia lửa với địa phương  mà còn san sẻ gánh nặng “ cơm áo, gạo, tiền” cho người lao động để họ “ ai ở đâu, yên tâm ở đó’ phục vụ công tác chống dịch. Mặc dù vậy, những khó khăn của người lao động không phải đã hết, sau khi Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành phía Nam chuyển sang trạng thái bình thường mới, đã xuất tình trạng hồi hương của những người lao động ngoại tỉnh. Trong số họ, có người đã được tiêm phòng hai mũi vacxin đầy đủ, có người mắc Covid đã được điều trị khỏi bệnh và cũng lại có người chỉ được tiêm một mũi vacxin hoặc không vacxin…Việc hồi hương của họ vốn vô cùng chính đáng, nhưng ngay trong thời điểm hiện tại lại trở thành  việc làm tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho cộng đồng, địa phương nơi họ trở về. Chính vì vậy, nhiều tỉnh thành đã phải gấp rút yêu cầu Trung ương và thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương… có giải pháp hạn chế, kiểm soát chặt người dân dời khỏi thành phố. Vẫn biết, đây là yêu câu “ cực chẳng đã” nhưng vì hệ thống y tế và kinh tế của địa phương không đủ năng lực sẽ nhanh chóng quá tải nếu phải chữa trị và tiến hành cách ly người trở về theo quy định của Bộ Y tế…và những tấm giấy thông hành “ âm” Covid đã ra đời.

Chứng nhận xét nghiệm còn hiệu lực trong vòng 48  hay 72 giờ đồng hồ cùng giấy đi đường, quy định 5K là những thủ tục đầu tiên để người dân có thể dời địa bàn cư trú để thực hiện lộ trình di chuyển đến các địa phương khác. Giấy tờ đi đường, chứng nhận tiêm chủng…có thể có, nhưng Giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính còn hiệu lực … thì phải trả tiền, và đây chính là “ cánh cửa hẹp” đối với không ít người dân hiện nay khi mức giá test Covid không hề rẻ ( dao động từ 230-800 nghìn VNĐ/ lần test các loại).

Để tạo điều kiện cho người dân muốn trở về quê hương, việc lên danh sách người dân có nguyện vọng hồi hương đã được các địa phương, thành phố thực hiện. Nhưng khi thủ tục còn đang nằm trên giấy ( vì chính quyền đợi hồi âm của địa phương- nơi tiếp nhận người lao động trở về) thì dòng người hồi hương tự phát đã hình thành, buộc chính quyền phải có những điều chỉnh linh hoạt, tấm Giấy thông hành “ âm” Covid vẫn được duy trì nhưng với người dân hồi hương lại được thực hiện dưới hình thức miễn phí.

Và những nỗ lực phục hồi sản xuất

Tiếp tục các gói hỗ trợ, huy động mọi nguồn lực để người dân được tiếp cận đầy đủ các gói an sinh xã hội, được tiêm phòng  theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta trong gần hai năm chống dịch Covid 19. Và kết quả đã có, cuộc sống trở lại thái bình thường mới với những kịch bản cho phát triển kinh tế những tháng cuối năm và cho cả năm 2020 trên cơ sở những bài học, kinh nghiệm được rút ra trong năm 2020 và ba quý đầu năm 2021. Tại Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: phòng, chống đại dịch Covid-19 và quan điểm, chủ trương về phòng, chống dịch trong tình hình mới; Tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 – 2024… Đây được xem là những bước đi cụ thể, cần thiết để nền kinh tế Việt Nam có thể lấy lại đà tăng trưởng và tiếp tục tiến về phía trước.  Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 3/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đã nêu rõ: Dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19.
Với sự vào cuộc tích cực của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tới nay dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát và cơ bản được đẩy lùi. Tại Hội nghị trực tuyến với các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, cơ quan Trung ương, các doanh nghiệp đã có phản ánh và kiến nghị về các khó khăn trong sản xuất kinh doanh: nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, phải hủy nhiều đơn hàng sản xuất trong nước, thiếu hụt lao động phục vụ sản xuất, v.v... Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp với nguyên tắc sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành từ trung ương đến địa phương phải sắn tay vào cuộc, không chia “ quyền anh, quyền tôi” tất cả vì mục tiêu ổn đinh cuộc sống, phát triển sản xuất sau dịch bệnh. Cùng với  phát triển kinh tế, Chính phủ cũng chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu vacxin, tiến tới tự chủ nhiều loại vacxin phục vụ người dân trong nước.  Quyết định số 1654/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu sản xuất vaccine sử dụng cho người đến năm 2030” đã chính thức ra đời. Mục tiêu của Chương trình là nghiên cứu làm chủ công nghệ sản xuất vaccine sử dụng cho người (vaccine); nâng cao trình độ, năng lực của các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, sẵn sàng đối phó với dịch bệnh mới phát sinh. Quyết định đã chỉ rõ, phấn đấu 100% vaccine trong nước đạt tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm cho Chương trình tiêm chủng mở rộng và một số vaccine khác; từng bước đưa vaccine Việt Nam tham gia thị trường quốc tế. Đồng thời, Chính phủ cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025,Việt Nam có thể làm chủ công nghệ sản xuất 10 loại vaccine và sản xuất được tối thiểu 3 loại vaccine; đến năm 2030, làm chủ được công nghệ sản xuất 15 loại vaccine và sản xuất được tối thiểu 5 loại vaccine.

Sẽ có những cuộc hội thảo, gặp gỡ lắng nghe ý kiến chuyên gia, các giáo sư đầu ngành Y của Chính phủ được thực hiện để nghiên cứu xây dựng chính sách riêng đáp ứng yêu cầu linh hoạt trong ứng phó, xử lý vaccine đại dịch.  Đây đồng thời sẽ là căn cứ quan trọng để ngành Y có thể triển khai mạnh mẽ hơn nữa hoạt động nghiên cứu vacxin, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ truyền thống, ưu tiên công nghệ mRNA, công nghệ protein tái tổ hợp, công nghệ vector virus… phục vụ sản xuất vaccine COVID-19, vaccine ung thư, vaccine phối hợp nhiều thành phần và các vaccine khác đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh trong nước, hướng tới tự chủ và xuất khẩu vacxin ra thế giới.

Cuộc sống đang tiếp diễn trong trạng tháng bình thường mới, cùng với những giải pháp tổng thể, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương trong gần hai năm đã qua, và những chính sách điều hành linh hoạt, sáng tạo trong thời gian tới đây mà Chính phủ sẽ triển khai, chúng ta có quyền kỳ vọng và chắc chắn rằng dịch sẽ được khống chế một cách an toàn nhất và việc phục hồi, sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư sẽ có đột phá và mạnh mẽ hơn nữa.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ


Có thể bạn quan tâm