April 23, 2024, 10:13 pm

Những mảnh đời vụn vỡ

 

Đây là tập tiểu thuyết thứ hai của Nông Quốc Lập, một cây viết sung sức, sống và viết tại một làng quê thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Nhập làng văn từ khi còn rất trẻ, đến nay anh đã in 5 tập truyện ngắn và 2 tiểu thuyết, cùng nhiều truyện ngắn đặc sắc trên các báo, tạp chí Văn nghệ ở trung ương và địa phương. Điều dễ nhận thấy trong văn Nông Quốc Lập là sự quan sát kỹ càng; chi tiết chọn lọc; tình người thấm đẫm; nhiều tri thức, suy tư… Những phẩm cách ấy đã xác lập năng lực của một nhà văn nhiều kỳ vọng.

Phận người miền biên ải được triển khai ngay trên mảnh đất Đoài Dương nơi anh sinh ra, lớn lên và lập nghiệp. Sau khi tốt nghiệp đại học, làm cán bộ nhà nước một thời gian rồi về quê lập nghiệp. Những tên làng, tên phố: Thua Khuông, Lũng Pan, Khau Liêu, Co Xàu... Không hề đổi khi vào tiểu thuyết cho thấy tính chân thật rất cao và những nhân vật như Nhiệm “thoát xác” từ tác giả; Những cặp đôi Phắng - Vân; Danh - Loan... là những người cùng làng, cùng xã, cùng đi làm cửu vạn bốc hàng đông lạnh qua các cột mốc biên giới; cùng vượt biên đi chặt mía thuê bên Trung Quốc. Những cuộc đời thật, những sự kiện, sự việc thật đã vào tiểu thuyết thật sinh động dưới ngòi bút của tác giả.

Tiểu thuyết đã “kể” về những đổi thay lớn lao ở làng quê miền biên ải sau những năm tám mươi của thế kỷ trước. Kinh tế cửa khẩu phát triển, kéo theo sự đổi thay của người dân vùng giáp biên. Người dân có thêm nhiều việc làm, có thêm thu nhập nhờ làm cửu vạn, bán sức lao động. Những trang tả cảnh đi bốc hàng đông lạnh, tranh cướp hàng, nhiều người vì tham việc bị những kiện hàng đè gãy cổ, chết tươi thật ớn lạnh. Tráo trở, tình người phai lạt bởi lực hút của đồng tiền... Phải là người trong cuộc mới tường minh được như thế.

Một nguồn kiếm tiền khác cũng “dẫn dụ” dân miền biên ải “bán sức lao động” là sang bên kia biên giới chặt mía thuê - một vùng mía bạt ngàn, hun hút, có khi phải vào sâu trong nội địa hàng trăm cây số. Làm việc im lặng, sống chui lủi, ăn uống kham khổ, khi về được trả tiền công lại bị bớt xén, trên đường về nếu gặp “quan” thì coi như mất trắng công sức mấy tháng lao động, nhọc nhằn, khổ ải và khổ hơn nữa nếu bị bắt giam, mấy tháng làm công ích v.v...

Những mảng hiện thực ấy đã làm vụn vỡ những phận đời: Phắng và Danh mưu sinh xứ người mà vợ ở nhà ngoại tình, theo trai. Nhà Vân có 6 người thì 3 người nghiện ma túy. “Nhiều làng bây giờ chỉ còn những ông bà già và những đứa trẻ thơ... mỗi khi làng có người chết con cái không về được, bố mẹ phải đi khiêng quan tài người chết ra đồng chôn cất”. Những sự thật trần trụi ấy được tác giả “chưng cất” khéo léo và tinh tế với chất men là tình đời, tình người dẫn tới kết thúc có hậu của những cặp đôi Phắng - Vân; Doanh - Loan như những điểm sáng trên bức tranh tối màu. Và ngay cả Nhiệm - một thanh niên ưu tú làng Thua Khuông - “Cuộc đời Nhiệm, thân làm trai đâu phải giống như dây khoai lang bò trên mặt đất, luồn cúi trước những việc làm sai trái mà như những cây tre đầu làng dù gió quật mưa vùi thì vẫn đứng thẳng hiên ngang giữa trời”. Và anh đã sống đúng như thế. Nhiệm bỏ làng đi chặt mía thuê tận Pu Lầu, Lung Liêng ở bên kia biên giới nơi mà “những ngôi nhà tầng mọc san sát theo hàng, nhà nào cũng có 2 chiếc xe ô tô. Một công nông đầu ngang chở mía từ ngoài ruộng nương về nơi tập kết, một xe hơi đi ra phố, ra chợ. Nhà nào cũng có bình nước nóng cỡ lớn, nhà nào cũng có máy gặt, máy sấy khô quần áo”. Nhiệm ra đi bán sức lao động xứ người còn mang theo một nhiệm vụ thánh thiện mà Nhiệm đã hứa với bà nội trước lúc bà mất là tìm cô Tiên, người cô ruột đã mất tích 40 năm và nhờ ơn trời Nhiệm đã tìm được người cô trong tình cảnh “trong họa có phúc”. Trong lần chặt mía ở U Ninh nhóm chặt mía thuê của Nhiệm bị vây bắt, nhà chức trách đã lục soát rất kỹ từng người. Trong chiếc ví của Nhiệm chỉ có mấy trăm đồng nhưng bao giờ cũng có chiếc ảnh đen trắng hình một cô gái Tày chít khăn đen đó là hình cô Tiên thời trẻ. Người khám xét Nhiệm là một Công an trẻ, thấy chiếc ảnh giống chiếc ảnh to mẹ anh treo ở nhà... Và hai cô cháu nhận ra nhau nơi xứ người. Đó là kết thúc có hậu thật hiếm gặp nhưng mà... vẫn cứ xảy ra! Cảnh hai mẹ con cô Tiên về thăm quê sau 40 năm thật đẹp, thật tình. Đẹp, tình trong cả đời thực và trong cả văn chương.

Và kết thúc có hậu còn được nối dài sau khi Nhiệm trở thành chủ công ty sản xuất vật liệu xây dựng Hoài Hương ăn nên làm ra. Con trai anh là Vượng kết hôn với cô gái tên là Mai Trang con trai của ông Ảnh, người có thù oán với anh khi cùng làm cửu vạn ở cột mốc bốn mươi. Oán thù bỏ lại. Hạnh phúc hướng tới. “Mẹ con cô Tiên sẽ về ăn cưới thằng Vượng. Cô sẽ cùng anh và các cháu tảo mộ ông bà. Cô Tiên sẽ nhuộm các loại xôi đủ màu sắc, mấy chục năm không đụng vào việc nhuộm xôi, thổi xôi không biết tay nghề của cô có còn được như xưa? Từng màu xôi gợi nhớ cho con người những hương vị của cuộc đời. Những con người ngày đêm mải miết nơi biên ải”.

Một cái kết đẹp mà sang.

Mười tám chương của tiểu thuyết Phận người miền biên ải gói lại những mảnh đời vụn vỡ nhưng có lẽ hiện thực quá bộn bề, lại quá say sưa lắp ghép nên có chỗ mờ nhạt và lặp. Sợi chỉ hồng xâu chuỗi tác phẩm ít được chăm chút nên sự hoàn mỹ, hoàn chỉnh chưa được như ý.

Nguồn Văn nghệ số 12/2021


Có thể bạn quan tâm