April 25, 2024, 7:43 am

Những ký âm ngân

 

Phút giao mùa, nếm chút lạnh se của đất trời phương Nam, lần giở tập Bên trời của Trần Kim Hoa, gặp ngay chùm thơ đặc tả về Hà Nội. Những thầm thì ngỡ như gió thoảng, nhẹ và dịu thôi, vậy mà đọc thấm và rung cảm lạ, nôn nao nhớ. Người con gái xứ Nghệ học hành rồi ra đi dạy học và làm báo ở chốn Hà thành vài chục niên có lẻ, nên không có gì lạ khi chị gắn bó mật thiết với từng con phố, mỗi bờ hoa. Sự cảm nhận đến từ những quan sát tinh tế, giàu liên tưởng mà vẫn giản dị giữa đời thường “chầm chậm xích lô hoa/ và em bước xuống từ bức tranh huệ trắng/ áo dài thêu bông cỏ may/ gót lụa thấp thoáng chiều dĩ vãng…/ Trấn Vũ chuông ngân/ Thọ Xương sương thức” (Phố).

Yêu sao, cái khoảnh khắc “phố chưa kịp trở vàng/ ai đó vừa thốt lời yêu đã vội vã chia tay/ những ngày thu cuối cùng phập phù trên cây bàng lá đỏ/ như tấm áo phù dung/ sắp sửa tuột khỏi bờ vai thiếu phụ…” (Gió mùa đông bắc). Lựa chọn thể thơ tự do, Trần Kim Hoa biết tạo ra những bất ngờ, đôi khi chỉ là một nét chấm phá đầy khắc khoải: “tầm xuân bồn chồn nụ đỏ/ chị hàng hoa gánh hoa ngang qua phố hoa”. Phố cổ đâu chỉ trầm tư, mà nõn nường với “Hàng Đào đỏ bừng đôi má/ Hàng Lược chải mái tóc mây”; rộng ra cả ngoại thành xanh lá. “phù sa như làn da mịn/ con đò buông bút bên sông…/ hàng cau trổ hoa đêm vắng/ lúa dậy thì một sớm mai” (Vẫn sớm mai này). Và gần gụi xiết bao cái nhịp sống và hơi thở của người lao động, lam lũ đấy mà mặn mòi, da diết thế: “Hà Nội cơm nắm muối vừng/ bát canh riêu chan hương đồng gió nội” (Có thể ngày mai).

Đi nhiều, trải nghiệm lắm. Nhà thơ không chịu khuôn tầm nhìn quẩn quanh chốn phố thị, mà ngược lên Bản Lác tìm “giấc mơ thổ cẩm”, ghé Sin Suối Hồ thưởng thức “mèn mén thơm mùi khói/ cải bẹ thơm mùi nương”; rồi xuôi về mạn bể để ngẫm ngợi về “những sải tay gừng cay muối mặn”, để lặng lẽ trước Bạch Đằng Giang nghe “câu hát đúm đung đưa/ dải lụa mềm ngã ba sông/ Phượng Hoàng thanh gươm sáng…”; hay thấm thía với “bao nhiêu nỗi niềm châu thổ”. Rồi như thước phim ghi nhanh, chị “lia máy” lẩy ra những nét riêng của mỗi vùng miền, từ “chợ Nguyên Bình xôi nếp tím” dọc dài tới tận “Đất Mũi bàn chân mở đất/ ngực trần lừng lững ra khơi” (Tôi đi).

Lối vào thơ Trần Kim Hoa khá lạ. Không trần tình, cũng chẳng vòng vo theo kiểu lấy đà, tác giả chọn cách “hạ cánh” thẳng đứng, như trực thăng vậy. “đi về nơi nắng tắt/ bứt rứt vành khăn sờn cũ/ nón mê tả tơi”. (Cánh đồng). Ở một góc khác, chị trở nên cổ điển “xuất giá tòng phu hành biên ải/ thôn nữ năm xưa nhớ quê mắt chỉ gặp rừng/ suối sông xuôi về biển rộng/ người làm hạt nắng sơn khê”. (Muối mặn khôn cầm). Những ám ảnh khôn nguôi về phận người, về quá khứ, tuổi thơ, như một hơi thở nhẹ mà đằm sâu tâm trạng, tạo nên giọng thơ đa dạng, phóng khoáng. Ấy là “sông cạn nhớ cầu tre lắt lẻo/ gió đùa trên chiếu cỏ à ơi…” (Nhớ). Là quê hương, nơi có “mẹ vẫn tựa buổi chiều yên tĩnh nhất/ như gió heo may đưa chúng con qua những ngã ba/ như mưa xuân rỉ rắc vườn nhà”. Có khi là một chút bâng quơ “những dòng sông không yên phận/ những đám mây không buộc nổi mình” (Đến được mùa thu thì đã xa vời). Một nỗi niềm “bao nhiêu ấm ức không chịu vô ảnh vô thanh/ chỉ một nỗi thu thôi mà triền miên gió” (Thu). Và gói ghém tâm trạng “em gùi trên vai ngồng hoa cải vàng/ em gùi trên lưng hoàng liên rễ đắng” (Em gùi trong tim mùa em nhớ anh).

Tác giả dẫn người đọc nhập vào mùa màng đầy cỏ hoa, với những bâng quơ “ngọn khói vòng vo/ mòng mơ rơm rạ”; để nhận ra “biết cỏ đã bén xanh một thời, đã héo vàng một thuở/ dễ ta với cỏ có khác gì nhau”. Bốn mùa trời đất giao hòa trong thơ chị, để lại những bâng khuâng, nhưng có lẽ nét thu dịu dàng, quyến rũ lắng lại nhiều hơn cả. Ngoài những bài đã điểm, chị còn nhiều bài khác nữa (Thu về muôn một; Thu đã hóa thiên thu; Trước bến đò mùa thu…). Dịu dàng nữ tính “La đà tôi trong nôi thu/ vụng về tôi sau nón lá/ ngập ngừng tôi như cúc áo/ tôi ngã về tôi hương nhu” (Tôi trên con đường mùa thu). Vừa mới tiễn biệt năm cũ xong, đã lại gặp “tháng ba cỏ líu ríu/ gạo đỏ xõa mặt sông/ tép búng bờ ao/ mẹ làm đồng về vấp phải hương xoan đầu ngõ” (Khắp trời tháng ba).

Cảm thức về thời gian thấp thoáng ẩn hiện “mùa lại mùa qua chấp chới/ khói mỏng đơm đầy bến sông” như là một cách để nhắc nhớ về hiện tại, chấp nhận cái mình đang có. Gợi chút liên tưởng “tháng ba thoi đưa lách cách/ đôi sợi tơ quấn quýt/ khung cửi nhói thương kiếp tằm” (Sau trận gió màu hoa đào). Hay một lối tạo hình “dảnh mạ lội bùn/ tháng chạp chân son/ đồng chiều lục lạc/ vùi trong sương lạnh/ khúc đồng dao mắt tròn xoe” (Tháng chạp kiệm lời). Chị viết lắm khi ngỡ như là đưa đẩy, dửng dưng. Hóa ra chẳng phải vậy, bởi “trời chẳng mấy khi tròn/ đất chẳng mấy khi vuông/ núi mòn mây còn thắm/ sông cạn nước còn trong” (Sinh ra đã có nhau). Ngẫm ngợi “bao mùa từng qua đây/ bao người từng ở lại/ nước trôi dưới chân cầu” (Tháng ngày ra đi mãi). Hoặc tỏ bày một thái độ sống tích cực “rũ tấm khăn phiền muộn/ những ngọn gió lên đường/ những dòng sông cuộn chảy…” (Những chân trời nguôi ngoai).

Cả tập Bên trời gần 90 bài, chỉ có 4 bài lục bát, một thứ lục bát khá nhuần nhị, để lại những nét dư ba, kín đáo. “tháng giêng năm ấy người ngoan/ sang ngang với một vầng trăng chưa rằm” (Tháng giêng năm ấy). “dùng dằng khói quấn bên sông/ tiễn về xa ngái vầng đông cuối cùng” (Tầm xuân đã trổ lối hường). “một tôi ngọn nến hao gầy/ một trang sách mỏng chất đầy chiêm bao…” (Một tôi). “xuân còn chưa đến chỉ là/ rây rây mưa ướt đôi tà áo nhau” (Người xa chiếc lá về đâu hỡi người).

Trần Kim Hoa phá cách trong cấu tứ, mới mẻ khi diễn đạt, bất ngờ với những cái kết hẫng, thú vị. Rất nhiều bài trong tập, những câu kết được chọn làm tên bài. Có thể kể “đồng xanh thắm cánh cò như cổ tích/ áo mỏng như là đã sang thu…”; “chiều tất niên mộng mị/ khắp trời mưa bụi bay…”; rồi “những giông gió, cuối cùng, cũng yên ả vàng phai…” hay “tháng mười hai hao khuyết của tôi”.

Xin nói thêm, Bên trời vừa đoạt giải thưởng văn học năm 2020 của Hội Nhà văn Việt Nam.

Nguồn Văn nghệ số 4/2021


Có thể bạn quan tâm