March 29, 2024, 8:50 am

Những kiến giải ban đầu về một tác giả trẻ

Chỉ tư duy “tự do” là tất cả những gì còn làm cho tôi hưng phấn. Tôi mơ hồ tin rằng nó đáng được gìn giữ, cái lòng nhiệt cuồng xưa cũ đó của nhân loại”, chia sẻ đó của Andre Breton xác lập trong tôi một cái nhìn phóng túng và thăng hoa trước những hiện tượng mới mẻ đối với nghệ thuật, nhất là thơ. Theo dõi Tatyana Gianga tôi càng thấy rõ điều này. Mạch thơ ngồn ngộn không trau chuốt. Tatyana Gianga viết như trào ra từ cảm xúc, rất hồn nhiên. Trong trẻo và tự do là bản thể được bật ra từ buổi đầu vô thức. Tôi nhủ lòng, đừng đụng chạm khi kỷ niệm vừa in dấu ấn. Vườn hoa đang có một loài hoa đang hé nụ.

Cô bé tâm sự:

Tôi đã nhìn hai bàn tay tôi

Những búp măng còn thơm mùi sữa

Nõn như đứa trẻ thơ

Đường chỉ tay còn mờ

Không-một-ai-nhìn-rõ-số-phận

                                     (Đôi tay)

Em tự hỏi “Tôi là ai” ngơ ngác có mặt trong cõi đời này, như “búp măng còn thơm mùi sữa”? Câu hỏi bao nhiêu người đi trước đã hỏi. Em biết số phận mình, liệu mình có điệp khúc lại như bao nhiêu số phận khác, giữa “Những sông núi, những đại lộ, cả những ngôi nhà của người thành phố”, lúc ngắm đôi bàn tay của mình? Con người trên hành tinh này, mỗi khi sinh ra, trên vai đã gánh bao cực nhọc, bao lo toan trăn trở. Liền đó, đã “thêm một vết sẹo in dấu ấn” của những kỷ niệm đầu đời. Vết sẹo biểu trưng cho va vấp không tránh khỏi, báo hiệu “tỉ lệ nghịch với yên bình”. Đời là bể khổ. Tatyana Gianga xác tín sự có mặt trên trần thế là vậy: “Đường chỉ tay sâu như vực thẳm/ Ghi một trăm năm…”. Đôi bàn tay như tấm gương soi cho số phận của kiếp người. “Đối mặt với người bản xứ sẽ khóc”, em đã biết trước tất cả khi “Ôm bàn tay thuộc về mình trước ngực” như lá bài số phận được định đoạt. Exenhin, nhà thơ Nga từng bộc bạch: “Người nào sống khác thường/ Số phận định từ trước/ Nếu tôi không nhà thơ/ Tôi đã thành trộm cướp” (Lời tự thú). Biết trước cuộc đời mình, sẽ giúp mình vượt được ghềnh thác chăng?

 Thơ nhiều khi vu vơ, viết mà không biết đang viết gì. Nói mà không biết nói gì? Mới là thơ của trời cho. Nếu thơ hoàn chỉnh như một bản thiết kế công trình nào đó, đường nét rõ ràng, ắt sẽ thành khoa học. Tatyana Gianga bước vào địa hạt tự nhiên vô thức, làm nên giọng thơ hàm chứa, không hoa mỹ. Cũng là một cách chăng?   

Chưa cần dự cảm cũng đinh ninh

Số phận mình... xê dịch.         

 Giản dị - chân tình - bản lĩnh của em - cô bé “nõn như đứa trẻ thơ” đi vào cửa - ngõ - con - người, trước mênh mông thân phận, với những bước chân đầu tiên tự tin, báo hiệu một mùa hoa rực rỡ.

Sau một thời gian im lắng, (tôi luôn theo dõi cây bút trẻ này, bởi cô bé quê Hà Tĩnh, nhưng lại đang ở tận trời Tây xa xôi), Tatyana giờ đã trở về với tên thật của mình: Hương Giang. Hương Giang gửi tập thơ với lời khiêm tốn “bác viết giúp con lời bạt nhé”, lời giới thiệu đã có nhà Lý luận phê bình viết rồi. Tôi vội trả lời, được chứ, bác như người hát bè trầm, chỉ mong tập thơ con và lời giới thiệu đến cùng bạn đọc Việt. Hiện tượng “trẻ nít” như Hương Giang hiện tại không nhiều. Nói vậy, nhưng khi đọc tập thơ, tôi thấy sức mình e khó vượt. Bởi thơ Giang càng đọc như đi vào rừng rậm, thâm u và bí hiểm. Nghệ thuật trong thơ không theo một quy luật mỹ cảm nào để giải mã.

Sức sáng tạo của lớp trẻ thật kỳ diệu! Sự tưởng tượng không bờ bến, những ẩn dụ sương mờ, những liên tưởng như ngàn con sóng cứ dập dềnh ám ảnh. Nhiều bài thơ là bức tranh lập thể, một sự tập hợp ngổn ngang các hình tượng, biểu tượng luôn thay đổi và nhảy cóc.Tiếng vĩ cầm trên phố, Cuộc đấu súng cuối cùng, Sự trở về của đám mây trắng, Đóa hoa chuông, Đôi mắt, Những mái nhà trăng, Ảo ảnh của mặt phẳng, Hòn đá, Đôi chân im lặng” ... đã thể hiện được những tính chất đó. Đặc biệt trong bài Thấy điều gì trong tình yêu - một “tôn giao” về tình yêu, lẽ sống và thế giới quanh mình.

một đứa trẻ bằng bông

nằm ngửa trên quầng mây trắng

ui cái đầu tròn xoe đôi tay tròn xoe bàn chân tròn xoe

hồn nhiên loã thể giữa bầu trời rộng lớn

Có thể có một “khoảnh khắc thiên thần/ im tan chầm chậm/ cổ họng đắng/ đứa trẻ chào mọi người rồi lại ra đi”... nào đó thật. Có lần, tôi nhớ không nhầm, Hương Giang đã chụp ảnh một đám mây, như đứa bé đang đưa tay chân khám phá bầu trời huyền ảo. Một đám mây, hay đấy là thiên thần? Một đám mây hay đấy là giấc mơ? Và, Hương Giang đột ngột quay về các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của bà M. Cullough - “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” kể về một tình yêu, giữa cha Ralph và cô gái Meggie “với chiếc váy màu tro của hoa hồng/ đợi gặp chàng Ralph để phá vỡ những khoảng cách” mà cuộc đời và tôn giáo như “bức tường bốn vách” luôn ngăn trở, nhưng hạnh phúc vẫn vượt lên và có mặt: “bữa tiệc yêu đương trên chiếc ga giường màu trắng/ tôn giáo duy nhất là tình yêu là tình yêu tình yêu.

Vượt qua mọi định kiến, vượt qua thời gian, vượt qua chiến tranh để mở ra “cánh cửa duy nhất dẫn tới vô cùng” (Thân thể phô bày - Octavio Paz), đó là tình yêu. Hương Giang nhìn thấy cô bé Meggie đã dũng cảm chống lại sự cấm đoán của tôn giáo để bảo vệ cho tình yêu của mình: “Ôi, những người đàn bà khát một ẩm ướt duy nhất là chiếc lưỡi sắc/ đấu lại với Chúa/ một ẩm ướt không phải nước mắt/ một ẩm ướt là thời khắc huỷ diệt/ để bắt đầu”... 

Và T, nhân vật siêu hình trong thế giới hữu hình ngày nay cũng vậy. T không khuất phục trước mọi cản trở. T sẵn sàng như một sát thủ, thách thức, táo bạo: “T nghĩ T là một sát thủ diều hâu/ bị đói/ vụt qua bầu trời rách đôi thế giới/ thế giới có sợ T không?

Độc giả đọc đến đây chắc chắn cùng tôi cảm nhận, rằng, thế hệ trẻ ngày nay tự tin và sẵn sàng đón lấy những phong ba để mưu cầu cuộc sống tốt đẹp cho mình. Hương Giang không tuyên ngôn, mà như tuyên ngôn. Vẫn chất thơ riêng, có điều gì đó như tuôn trào. Nếu gọt giũa e không phải lúc này, lúc mạch cảm xúc đang cuộn chảy trong Giang. Khi Giang bay giữa vòm trời bao la chắc sẽ nhận ra sự thừa thiếu để chuẩn bị cho chuyến bay của một đời. Cứ để vậy. Mỗi người tìm một cách giải mã hay hơn, như Hương Giang đã viết:         

Đừng mang T của T đi xa

bọn chúng chưa về tổ

một cành cây hoa...

Một hồn thơ ban đầu. Một trái tim trong trẻo. Một đứa trẻ bằng bông, như giấc mơ buổi sáng vừa hình thành vậy.

Khác trước, theo quá trình viết, càng đi về sau những bài thơ Hương Giang viết có độ sâu và điềm tĩnh hơn ví như “Dòng dung nham của mùa thu, Con chim trắng, Chiếc hộp, Allo thêm một cái chết, Tất cả những ban mai…”. Với bài thơ Chúng ta tìm trái tim Đông Tây, tôi nhận thấy có hướng gợi mở rất lớn. Bài thơ vừa có nỗi niềm dự cảm cho một tình thế của xã hội, vừa có bóng dáng của một tình yêu đôi lứa đầy cách trở xa xôi, đặc biệt đây là một bài thơ đậm chất lí luận văn học. Bài thơ thấp thoáng thừa nhận những đường biên giới rõ ràng của phương Đông và phương Tây, khát vọng sáp/ hòa nhập vào một thế giới nói chung và trong lĩnh vực nghệ thuật nói riêng bằng trái tim, sự chân thành và yêu thương.

Là một cô gái trẻ, du học ở một đất nước xa xôi, hẳn Chúng ta tìm trái tim Đông Tây là sự thấu hiểu để cất tiếng nói chung, ủng hộ những tình yêu xa. Tôi nghĩ, khoảng cách nói chung và khoảng cách địa lý nói riêng chính là thách thức rất lớn đối với tình yêu lứa đôi, đặc biệt là ở tuổi thanh xuân với nhiều khát vọng gắn bó đồng hành, nồng nàn, sôi nổi. Để vượt qua được, hẳn hai trái tim phải đầy can đảm và thật sự yêu thương, chia sẻ “hãy thiết tha nó như là mong đợi gặp gỡ người yêu.

Chúng ta tìm trái tim Đông Tây là một bài thơ mang dấu ấn triết học rõ nét nhất. Theo Hương Giang “bản phác thảo” và “tác phẩm chính thức” có thể có chung một “ý nghĩa bước ngoặt”, nhưng rõ ràng giữa chúng là hai bậc thang khác nhau, mà “bản phác thảo” chính là tiền đề, có vai trò quan trọng trong sáng tạo nhưng chưa thể là một “tác phẩm nghệ thuật”. Người cầm bút phải là người có đủ sự tinh nhạy, là một nhà thẩm bình nghệ thuật bên trong để nhận ra đứa con tinh thần của mình đang ở đâu: “chúng ta muốn nó là một tác phẩm nghệ thuật đích thực để chiêm ngưỡng thì phải khao khát sự ngạc nhiên/ nhiều khi là sự ngạc nhiên choáng váng/ nghĩa là cái Mới và cái Đẹp cộng với cái Khác

Hương Giang thể hiện rất rõ ý thức cá nhân của người viết trước sáng tạo nghệ thuật. Bàn về vấn đề này, nhiều nhà phê bình văn học thậm chí nhiều nhà thơ, người nghệ sĩ cũng đã chia sẻ rất nhiều. Sự có mặt của quan điểm này là để hòa vào dòng chảy chung của dòng sông thiêng - dòng sông sáng tạo chân chính, để tách biệt với sự nhốn nháo, xô bồ của một thời đại ai cũng là nhà thơ như hôm nay. Khi viết bài thơ này, chắc chắn Hương Giang không muốn chuyển giọng to tát. Có phải vì thế mà tác giả đã có một sự so sánh rất nhẹ nhàng, để bất kì ai cũng dễ hình dung: “hãy thiết tha nó như là mong đợi gặp gỡ người yêu”. Tình yêu như thế nào, tôi đã trình bày ở phần trên. Tình yêu đó là sự vị tha của thế giới. Thế giới đang hoảng loạn vì chính chúng ta đang mổ xẻ, rút ruột trái đất xanh. Hết nạn dịch này, đến nạn dịch khác. Hết cuộc chiến tranh này, đến cuộc chiến tranh khác. Trái đất mang trong mình nỗi đau của thương vong bệnh tật, đã tới lúc báo động để đi vào cuộc phẫu thuật khâu nối cứu rỗi chính mình và thế giới: “như là mong đợi ngày ghép tạng autograft cho trái đất/ một nửa trái tim phương Đông & một nửa trái tim phương Tây”.

Trong chuyên học y khoa cấy ghép tạng, có hai thuật ngữ được phân biệt rõ ràng: autograft và allograft. Nếu như allograft là cấy ghép được thực hiện trên hai cá thể cùng loài thì Hương Giang đã chọn cấy ghép trong nội-bộ-một-cơ-thể: autograft. Thiết nghĩ cô bé đã rất tinh tế trong việc lựa chọn thuật ngữ. Hương Giang xem trái đất dù có chia thành nhiều mảng trên bàn địa đồ, nhưng đều là một khối thống nhất, nếu cứu rỗi, thì đó là sự cứu rỗi chính mình.

Xét riêng về nghệ thuật, trong sáng tác, chúng ta có sự kết hợp giữa trái tim ấm nóng của người phương Đông và sự tỉnh táo sắc lạnh đầy tính hiện đại, khai mở của phương Tây mà không làm mất đi bản sắc riêng, thì chắc chắn tác phẩm đó sẽ có giá trị. Tất nhiên, để là một tác phẩm nghệ thuật đích thực, còn cần nhiều yếu tố khác nữa.

 Bài thánh ca cho anh niêm yết tư tưởng cuối tập thơ như một bản thánh ca trang nghiêm đồng vọng. Thơ trường tồn như tình yêu:

Thomas bật cười

tủm tỉm nhắc người đàn bà của mình đừng quên

nụ hôn trước khi đặt anh vào nôi

 

đêm qua họ thở dài nói rằng chết là hết

em nhún vai nghĩ làm gì có sự lãng quên vĩnh cửu

trái đất đã bày sẵn chất keo thần thoại 

để loài người sở hữu thêm một thằng gù

thằng gù đang kéo chuông nhà thờ Đức Bà Paris

điều đó có nghĩa là

Quasimodo đang sống & sống vĩnh cửu.

Mong “hiện tượng” Tatyana - Hương Giang được bạn đọc đón nhận và giải mã, hơn những kiến giải ban đầu của tôi.

________

* Nhân đọc Bài thánh ca cho anh, thơ Hương Giang, Nxb Hội Nhà văn, 2020

Nguồn Văn nghệ số 4/2021


Có thể bạn quan tâm