April 20, 2024, 12:50 pm

Những khúc nhạc tình yêu dìu dặt*

Là tập sách chủ yếu viết về đề tài tình yêu, những rung động của một nhà văn đang ở độ tuổi “tri thiên mệnh” mang đến cho người đọc những xúc cảm, sắc thái khác lạ. Mặt trời và những cơn mưa với những cung bậc tình yêu nhẹ nhàng sâu lắng, dễ dàng cho ta hình dung một không gian yêu, một trái yêu da diết của một người đàn ông “sống như độc thân trong cái tổ có hai ngăn, che mắt cả thế gian, chiến thắng nỗi cô đơn trĩu nặng bằng nhiều cách” (Biển thì mênh mông).

Trong trẻo và nhuốm màu liêu trai, sương khói, Người về trong sương đưa người đọc vào một không gian vừa hư vừa thực. Nga, một cô gái đến từ vùng đất lạ đã bị “quay” như chong chóng giữa cái thực và ảo ấy. Những rung động đẹp đẽ (dù không rõ rệt) đã đến với cô trong những ngày công tác xa nhà. Khi phát hiện ra Khôi và Khoa là hai người hoàn toàn khác nhau, hai trong số đó là hồn ma của một người đã chết cách đây nhiều năm, Nga đã rất buồn “thương cho một người trẻ tuổi, bạc mệnh, tiếc nuối cho những cảm xúc chưa kịp nhen lên đã vội tàn phai”. Nhưng vốn là một cô gái “đa cảm và khác biệt”, Nga không sợ hãi mà dám đối mặt với sự thật, cô quyết định đi thăm mộ Khôi, người đã đưa cô đẫm mình vào thế giới bồng bềnh trong sương mấy ngày qua như một hành động tri ân cần có. Người về trong sương như một giai điệu trong veo của tình cảm mới chớm, dẫu chẳng đi đến đâu nhưng cũng để lại chút dư vị ngọt ngào.

Với truyện ngắn viết chung Nắng trên đồi xanh, vì là viết chung (như anh chia sẻ) nên truyện khá dài. H và T tình cờ gặp nhau trên một chuyến tàu và cả hai bị mắc kẹt trong một sự cố của ngành đường sắt. Từ ấn tượng ban đầu không mấy tốt đẹp về nhau, sau khi cùng nhau trải qua những bất trắc thì hai trái tim đã cùng chung nhịp đập. Đọc Nắng trên đồi xanh, có thể dễ dàng nhận ra đâu là văn của tác giả, đâu là văn của nhà văn kia – tác giả nữ. Tuy nhiên, dường như đã có sự trao đổi khá kỹ lưỡng và ăn ý nên mạch truyện khá nhuyễn/khớp, không tạo ra những cú hẫng. Diễn biến tâm lý phát triển phù hợp với từng bối cảnh, điều cần đến tất yếu sẽ đến. Tình yêu đôi khi không cần thời gian tìm hiểu chín muồi mà chỉ cần một ánh mắt, một “cú vấp nơi bậc thềm” thì những người yêu nhau lập tức nhận ra rằng họ đã tìm thấy nhau, đã thuộc về nhau. Kết thúc truyện trọn vẹn, vui vẻ như là khát vọng về một tình yêu đích thực, viên mãn của những đôi lứa yêu nhau. Có lẽ đây là truyện ngắn duy nhất trong Mặt trời và những cơn mưa, tác giả đã để cho một kết thúc “có hậu”.

Truyện tác giả lấy đặt nhan đề cho cả tập truyện Mặt trời và những cơn mưa nhẹ nhàng man mác, Thu gặp Nam trong chuyến về quê anh công tác, hai người hiểu nhau và nảy sinh những khát vọng khi cảm thấy có nhau. Nhưng, lại vẫn là thứ tình cảm mới chớm đã vội chia xa, có thể “cũng sẽ gặp lại, nhưng không ai rõ là gặp khi nào…” thêm một kiểu hoài nghi khác mà tác giả không thể chắc chắn được điều gì. Dòng đời bao biến thiên xoay vần, hôm nay thế này, ngày mai đã khác, nếu những trái tim yêu không biết cách vượt qua khoảng cách địa lý và “không đủ kiên nghị và can đảm” thì khó có thể đến được với nhau. Truyện kết thúc lơ lửng, buồn, hợp với khung cảnh cuộc chia ly chưa định ngày gặp lại.

Biển thì mênh mông cũng thế, anh đã gặp nàng, đã cùng nàng đi chơi, cùng nàng dệt nên những kỷ niệm đẹp đẽ đầy lãng mạn, thậm chí khi nhận ra “nàng đánh thức người đàn ông ngủ quên trong anh và lôi kéo con tim anh trỗi dậy”… vậy mà anh vẫn hoài nghi: “Biển biếc thì mênh mông nhưng muối trong lòng mặn đến bao nhiêu thì mới lắng?” và “Biển sóng anh có cuốn nàng trôi?”. Có phải khi đến độ tuổi đã trải qua biết bao thăng trầm, nếm đủ vị đắng ngọt của tình yêu, tác giả càng hoài nghi và càng không chắc chắn về thứ tình cảm đẹp nhưng khó nắm bắt?

Những người phụ nữ trong tập truyện này đều có nét chung: đáng yêu và xinh đẹp, được tác giả dành những ngôn từ và thái độ âu yếm, yêu thương lẫn xót xa khi mô tả về họ. Và phần lớn đều là những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi rồi chia xa. Nhưng sự vội vã chia xa lại là khởi đầu cho những nhớ nhung đắm đuối…

Quán mèo rừng đề cập đến vấn đề môi trường, về cái cách con người đối xử với động vật, với thiên nhiên. Trong đó ta gặp một tình yêu tinh khôi lấp lánh giữa Nam và Sa. Kết thúc truyện, kẻ xấu bị trả giá, nhưng lại là một cái kết lửng cho mối tình của họ. Liệu Nam có tìm đến Sa để trọn vẹn mối tình trong trẻo hay lại để cho những bề bộn cuốn đi? Câu hỏi đó tác giả để cho độc giả tự tưởng tượng và đồng sáng tạo với mình. Đây là một truyện ngắn theo tôi là hay nhất trong tập sách này bởi chủ đề, cách dựng chuyện, văn phong và tư tưởng.

Với Người về thả khói tìm xưa, người đọc lại gặp một thiên tự sự đầy ắp cảm xúc dùng dằng trôi trong nỗi niềm khắc khoải về người mẹ tảo tần luôn “giành cho con phần nhiều” và “thầm lặng và chịu đựng”. Về một “vùng đất của sáu tháng mưa ngút ngàn, quật réo ào ào ruộng sâu ngập trắng cả nước. Còn sáu tháng nắng thì nóng, hừng hực nóng cát như khô cong từng mảng…”. Về một ngôi làng “trắng khăn tang trong anh hùng và đổ nát, trong bi thương lẫn tự hào”. Về một người con gái không may bị bom vùi ngay cả khi chiến tranh đã lùi xa. Những cái chết vì bom đạn trong thời bình luôn khiến cho ta đau xót và ngơ ngác. Người con gái tên Ngân ấy “tôi” tưởng rằng có thể “dửng dưng” nhưng hóa ra lại khiến “tôi” đau đáu, vào những lúc “trăm năm bị chững lại”: “Chiến tranh đã đi qua nhưng dấu đạn bom vẫn còn trong lòng cát cháy, và chính điều đó vĩnh viễn tôi không còn gặp Ngân, người tôi từng dửng dưng và người ấy đã khiến tôi phải nhớ đến se lòng…”. Người về thả khói tìm xưa đưa người đọc đắm chìm vào không gian hoài niệm đầy day dứt, khổ ải, cảm giác như bị cuốn vào một dòng sông trôi hoài, trôi mãi về nơi xa hun hút. Không cao trào, không thắt nút, truyện của Huỳnh Thạch Thảo là những dòng cảm xúc miên man chảy, đẹp và buồn. Chân mây cuối trời giống một tản văn hơn là một truyện ngắn. Người đọc bị tác giả cuốn theo mạch văn êm ru, buồn nhớ vời vợi. Khi hai người yêu nhau ở cách xa nhau bởi khoảng cách địa lý thì nỗi nhớ dằng dặc là thứ cảm xúc lộng lẫy mà cũng kinh khủng nhất. Những lời hỏi thăm nhau khiến cả hai ấm lòng “Ngoài anh có gì lạ, anh ra sao rồi?”, hay là “Trong ấy có gì mới, em đang làm gì?” là cử chỉ quan tâm hàng ngày của những người đang yêu, nó giản dị nhưng cũng thật gần gũi và ấm áp. Chân mây cuối trời là một khát khao, mong mỏi của “anh” về một điều trọn vẹn “Chân mây cuối trời là hạnh phúc muôn đời bên nhau, là nơi ta mong mỏi khát khao kiếm tìm và đạt đến”. Nhưng, chính vì sự xa cách lại khiến “anh” hoài nghi “Nhưng đường đời có lúc có nhau sẽ thành mỏi mệt, có chắc niềm vui hôm nay sẽ không phải buồn đau xa mãi tận tương lai? Có chắc cùng nhau, anh và em sẽ vượt qua?”. Câu hỏi ấy, sự hoài nghi ấy, chính tác giả đã tự trả lời “Và chúng ta, đến lúc này, vẫn là chân mây cuối trời ở hai thành phố” .

*

Phú Yên là vùng đất có biển có rừng, một nơi nếu ai từng đến một lần đều muốn trở lại để trầm mình vào không gian nắng gió chênh chao “chuyên cần và phóng túng” nằm gần cuối dải đất miền Trung nhiều thiên tai khắc nghiệt. Một vùng đất mà “Anh cũng chưa yêu nhiều lắm quê hương mình” (Biển thì mênh mông) nhưng lại dành rất nhiều thời gian/giấy mực để miêu tả với một cảm xúc ăm ắp yêu thương lẫn tự hào, thể hiện rỡ ràng trong Mặt trời và những cơn mưa, Người về thả khói tìm xưa, Nhịp cầu trong sương, Biển thì mênh mông, Quê nhà… Biển và rừng còn là nơi chứng kiến các cuộc gặp gỡ, hò hẹn, nơi ghi dấu ấn những kỷ niệm tình yêu ngọt ngào cùng những nỗi đau đớn khôn nguôi nên luôn được tác giả đề cập đến với niềm trân trọng, thương quý. Trong 12 truyện của tập sách, có đến 8 truyện tác giả đề cập đến biển, không gian biển, đủ để thấy biển đã trở thành một phần không thể thiếu trong tâm thức của Huỳnh Thạch Thảo. Có lẽ đúng như anh nói: “Biển trong anh rất quen như nhiều phần đời, chính vì thân quen quá nên không rõ mình thương yêu quý mến thế nào”.

Trong Mặt trời và những cơn mưa còn có những thanh âm khác. Những người thợ làm công việc vất vả, mạo hiểm nhưng vẫn yêu đời, yêu nghề và hồn nhiên, vẫn lấp lánh tình cảm hướng về quê nhà trong tâm khảm những người con xa xứ (Trên khoảng không bao la). Là những hồi ức thân thuộc về quê cũ, tình cảm nồng ấm của những người họ hàng từ quê ra phố, có người đã để cho những ồn ã phố thị cuốn đi, nhưng trong số đó, nhiều người vẫn giữ lại phần chân chất, mộc mạc chân tình của hồn quê yêu dấu (Quê nhà). Là những canh bạc được thua, đen trắng trong dòng chảy mưu sinh nghiệt ngã. Đàn bà, dẫu giàu có sắc sảo khôn ngoan đến mấy, khi lụy đến chữ tình cũng sẽ “trở thành con cừu non đáng thương trong tay kẻ đồ tể” (Đàn bà)

Thông thường truyện ngắn là một lát cắt có vân nhiều hoặc ít, nhưng mỗi câu chuyện trong tập sách này lại như một dòng suối nhỏ hiền hòa, êm đềm len nhè nhẹ vào tâm hồn người đọc. Không ồn ào nhưng thấm thía, đủ lay thức những trái tim biết đồng cảm. Bằng những ngôn từ lấp lánh, cùng văn phong mượt mà, với lối tự sự chắt ra từ đáy lòng, những câu chuyện trong Mặt trời và những cơn mưa của Huỳnh Thạch Thảo như những bản nhạc tình yêu không lời du dương, dìu dặt.

Cảm xúc là một chất liệu cần thiết đầu tiên đối với một nhà văn, nhưng nhiều khi chính nhà văn lại tự rơi vào bẫy của chính mình nếu không tự tiết chế. Ở một vài truyện trong tập, tác giả đã để cảm xúc quá “phiêu” nên hơi bị dàn trải. Nếu cô đọng và tiết chế một chút thì truyện sẽ càng ám ảnh hơn. Tuy nhiên, bỏ qua những tiểu tiết ấy, Mặt trời và những cơn mưa là một cuốn sách đáng cầm trên tay, và đọc rồi thì sẽ nhớ.

 Huỳnh Thạch Thảo có một gia tài không nhỏ: 3 tập tản văn, 9 tập truyện ngắn, 2 tập truyện dài, 1 tập mạn đàm, Mặt trời và những cơn mưa trình làng như là một sự đúng hẹn với nghiệp cầm bút lắm nhọc nhằn.

_______

* Về tập truyện ngắn Mặt trời và những cơn mưa của Huỳnh Thạch Thảo, Nxb Hội nhà văn, 2019.

Nguồn Văn nghệ số 21/2020


Có thể bạn quan tâm