April 24, 2024, 9:32 pm

Những khoảng trời xa

 

            Nhiều lần tôi muốn viết sâu thêm về Nguyễn Bắc Sơn, người con của Phan Thiết, ngoài những bài trên báo chí mà tôi đã viết khi anh đi xa, tôi muốn tự tìm đến thi ca của anh bằng chính những tình cảm, những linh cảm, trực giác mà mình thực sự có được, chứ không ảnh hưởng bởi bất kỳ nhận xét nào, định kiến nào, của ai.

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn (1944-2015)

Thế hệ trẻ ngày nay có lẽ chưa hiểu hết được nỗi bi tráng và tình yêu của Nguyễn Bắc Sơn đã dành cho một xứ sở nghèo nàn, mê tín dị đoan, chiến cuộc nối liền chiến cuộc, một xứ sở lầm than và thân phận người nghệ sĩ bị đặt vào hoàn cảnh không thể lựa chọn, họ hiểu những điều mới mẻ và đất nước mới mẻ này hơn chúng tôi, họ hiểu về thế giới ảo, thế giới ba chiều, bốn chiều và những cuộc chiến từ thuật toán nhiều hơn chúng tôi. Và vì thế mà sự thôi thúc càng khiến tôi nhiều lúc nghĩ đến anh như nghĩ đến một món nợ tình khó trả hết. Nguyễn Bắc Sơn trong khoảng trời xa say mê và ray rứt đó chính là tài năng thi ca mà còn lâu lắm Phan Thiết mới có được người thứ hai.

            Có những câu thơ của anh bất chợt đến và hiện lên trong tâm trí tôi rồi ở lại đó mãi mãi:

Chiều Thiện Giáo hồn mình đầy bóng núi

Con đường mìn ươm vết máu đông khô

Khu phố quận những đời người đã mỏi

Cỏ tranh đùn cao gió khói hư vô

(Nhắc đến Ma Lâm - NBS)

            Tôi đã đến Thiện giáo nhiều lần, cứ tần ngần đứng nhìn, cố hiểu, cố hình dung cái “hồn mình đầy bóng núi” nhưng rồi đành chịu, những dòng thơ không dễ hiểu và đầy sức ám ảnh chỉ những người cùng thời ấy thấu rõ hơn ai hết. Có gì đó vừa u ám lại vừa mở ra rộng lớn trong nỗi sầu man mác?! Có gì đó vừa bế tắc lại vừa ẩn chứa khát khao vượt thoát cái “mối mang mang” không nói được thành lời trong lòng. Nỗi lòng tuyệt vọng bế tắc trong hoàn cảnh bế tắc lúc ấy thì rõ rồi, như anh đã viết ở cuối bài này: “Đêm đen quá dài nên người quá khác/ Không thể nào tin sẽ có bình minh” nhưng cái “hồn lao đao trong chuyến trực thăng bay” ấy thì mãi mãi là một bi kịch mà chỉ có anh mới biết nó là gì, có vẻ như nó ẩn chứa một linh tính không hay, một dự báo xấu hơn cái xấu thực tại rất nhiều, một linh cảm về cuộc đối mặt không nên có, không thể chấp nhận được giữa hai cha con ở hai bên chiến tuyến, cuộc đối mặt từ trong câu chuyện kín đáo của gia đình cho đến cuộc đối mặt oái oăm thực tế của đất nước lúc đó.

            Hồn người chất chứa nhiều đau thương, nhiều bí ẩn của Nguyễn Bắc Sơn đã biến thơ anh vượt lên trên những dòng thơ yêu đương, lý sự bình thường:

Có lần y chiêm bái một hạt mưa sa

Trong hạt mưa có khuôn mặt trẻ con

Cùng đôi mắt chim người nữ

Y bỗng rùng mình biến thành vũ trụ

(Ở đời như một nhà thơ Đông phương - NBS)

Lúc sinh thời, nhà thơ chịu chơi Nguyễn Bắc Sơn đã dạy tôi khá nhiều điều nhưng những câu thơ như vậy đã gieo vào lòng tôi một cảm giác, một sự sợ hãi, một ấn tượng thách thức và cái cảm giác không thể nào vươn tới nổi là cảm giác rõ nhất khi đó và cả ngay bây giờ. Có nhiều lúc những câu thơ dạt dào mà tĩnh tại, hàm chứa mà cô đọng đến như vậy còn gợi cho tôi một suy nghĩ là triển khai, diễn đạt nó thành những truyện ngắn nhưng cho tới giờ này điều ấy vẫn còn vượt ngoài khả năng bởi tính chất huyền triết, bởi tính chất biểu tượng mà những câu thơ ấy gợi lên sâu thẳm quá.

Nguyễn Bắc Sơn đi qua thi ca của mình thực thà như đi qua chính một chặng đường lịch sử bi tráng của dân tộc, một giai đoạn không chỉ có chiến tranh khốc liệt, không chỉ có đầu rơi máu đổ, không chỉ có bất hiếu bất trung, không chỉ có rối loạn từ gia đình, gia tộc đến cộng đồng, không chỉ có đêm đen tuyệt vọng mà còn chứa cả trong nó những giằng xé của chính trị, tôn giáo, của những triết thuyết, những dòng thi ca mới đang lan tỏa và tự hủy, những trường phái và cả những điên loạn thời cuộc. Một thời cuộc lập dị như những bức tranh ám ảnh của Babara Brash thể hiện mà anh đã đưa vào phụ bản tập thơ Chiến tranh Việt Nam & tôi. Một thời cuộc lập dị như thơ Bùi Giáng hành lộng giữa ngôn ngữ đời thường và nhạc ngữ thần chú bí hiểm Mật tông mà anh coi là những áng kinh thi…

Phong thái ngang tàng, khinh khoát nhưng xem ra rất dễ mềm lòng của Nguyễn Bắc Sơn lại trụ được qua tất cả những giằng xé, những hỗn độn và lập dị đó. Anh hiểu những ám ảnh Babara Brash. Anh ngưỡng vọng Bùi Giáng, tôn Bùi Giáng là thầy. Anh chiêm bái đến từng giọt sương, ngọn bấc nhưng với thi ca anh vẫn là anh, thực thà đến từng nếp nghĩ, thực thà cả những phút giây “thoi thóp trái tim khô”, thực thà ngay với cái viễn cảnh bi đát của mình:

Mai kia trong những ngày ngưng chiến

Ta chắc rằng không thể yêu ai

Nhà thương điên nếu còn trống chỗ

Xin chiếc giường cho xác tàn phai

(Căn bệnh thời chiến - NBS)

Nguyễn Bắc Sơn mô tả mình là một thân phận buồn bã, “một nhà thơ yêu hòa bình nên bị đời cho đi khiêng đạn”. Nguyễn Bắc Sơn mô tả đất nước lầm than lúc đó là một đất nước buồn bã với những trang “nhục sử”.

Ngày hôm nay ta muốn chặt đi bàn tay trái

Để được làm người theo ý riêng ta

Ngày hôm nay ta muốn thọc mù con mắt phải

Ngày hôm nay ta muốn bỏ đi xa

(Cười lên đi tiếng khóc bi hung - NBS)

Nguyễn Bắc Sơn từ một nhân chứng thực thà nghiễm nhiên trở thành người làm thơ tiên phong phản chiến, anh không chỉ là người hát rong thi ca, anh không chỉ là người giữ lửa thi ca trần trụi một thời ở miền Nam, anh còn là tiếng nói tiêu biểu khinh khoát của thế hệ bị ném vào bão tố chiến tranh một thời.

Những khoảng trời xa ngập đầy bông phong du phiêu hốt giấc mơ bí ẩn. Những “lê la một chiếc mai rùa” bị đẩy vào cuộc chiến mù mịt. Những gói quà có cả “âm thanh và ánh tượng”. “Những buổi chiều lính thú” lòng như núi đá. Những buổi chiều trăng đỏ. Những bóng núi ngập hồn… Những bão rớt trên phố Phan Thiết và cả những cuồng bão trong lòng Nguyễn Bắc Sơn luôn theo tôi, ở trong tôi; tôi giữ nó, trân quý nó như một cách giữ cho thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn sống lâu hơn trong lòng mình, mà hình như anh cũng đang, sẽ sống rất lâu với mọi người. Thi ca Nguyễn Bắc Sơn là một ám ảnh thời cuộc, luôn là một ám ảnh, dẫu thời ấy đã xa rồi.

Và để kết bài viết ngắn về anh, một nhà thơ phản chiến mang trong lòng nỗi đau đớn thời cuộc đến trầm mặc, bi hùng, một “thiền sư bụi đời”, kẻ hát rong của thi ca, kẻ hành hương nhưng không phải đi tìm thánh tích, một người con tài hoa của đất Phan Thiết, Bình Thuận, tôi xin được trích mượn mấy dòng trong bài thơ Tiệc tẩy trần của người sống sót của chính anh:

Người sống sót nâng ly mời kẻ khuất

Lại gần đây trên bãi cỏ bờ sông

Soi mặt mình trong giòng nước xanh trong

Để nhìn thấy hình bản lai diện mục”.

                                                                        N.H

Nguồn Văn nghệ số 14/2019


Có thể bạn quan tâm