April 25, 2024, 3:56 am

Những khoảng khắc thơ Nguyễn Hoa

Tôi về làm việc ở Văn phòng Hội Nhà văn Việt Năm từ năm 1995 đến 2005. Trong khoảng thời gian  mười năm đó thì có ít nhất cũng có năm năm được  trực tiếp cùng sống và làm việc với nhà thơ Nguyễn Hoa trong một ban chức năng của Hội

 Nguyễn Hoa sáng tác thơ. Tôi viết văn xuôi. Thơ - Văn xuôi cùng một hệ thẩm mỹ của ngôn ngữ. Tôi được đào tạo để thành ông giáo dạy văn học. Tôi cũng yêu thích thơ. Nhưng trong thâm tâm, vẫn tự coi mình là ngoại đạo với thơ. Vì không hiểu sao từ lâu tôi vẫn bị ám ảnh trong quan niệm, tuy gần gụi nhau mà hai thể loại văn học này khác nhau nhiều lắm. Đó là hai kiểu người khác nhau từ bẩm sinh. Khác nhau từ kiểu tư duy, kiểu quan sát, cảm xúc cho đến kiểu cách sử dụng ngôn ngữ. Và họ chỉ giống nhau ở mỗi động tác là chấm ngòi bút vào lọ mực và viết chữ ra giấy thôi, như một nhà văn Thái Lan có lần đã nói với tôi.

Được Ban chấp Hội phân công về làm việc với Nguyên Hoa thoạt đầu tôi có nghĩ hẳn là sẽ sống bên một người bạn thuộc về một hệ tâm tưởng khác lạ với mình. Khác lạ từ niềm say mê. Khác lạ vì xuất thân không đồng cảnh. Trẻ hơn tôi rất nhiều, tôi và Nguyễn Hoa còn chênh lệch cả về tuổi đời. Tuy vậy, may mắn không ngờ, mấy cái đó đã không ảnh hưởng tới nét đại  đồng của hai người. Trong vị thế một viên chức ăn lương, hóa ra chúng tôi lại là hai thành tố hòa hợp gần gụi nhau từ trong tính tình đến công việc. Công việc ở ban Tổ chức Hội viên của một hội có đến ngàn thành viên không giống với một tổ chức doanh nghiệp, nhưng cũng không quá đơn giản. Ngày tám tiếng ba bốn người làm nhiều khi vẫn túi bụi. Nhất là vào mùa kết nạp Hội viên mới và khi gặp các sự cố bất thường.

Sống cùng Nguyến Hoa lâu dần tôi mới nhận ra là được sống cùng với một người bạn rất đáng mến. Không phải là một tính cách náo hoạt, nhanh mồm khéo miệng láu lỉnh đáng yêu như một số các anh chị nhà thơ. Anh hiền lành, chân mộc, không biết đến tiểu xảo, không dấu giếm bản chất con người mình, có sao thể hiện vậy, kể cả những khi lúng túng vụng về vì không gặp đúng sở trường, thậm chí đôi khi mặt đỏ tía tai, to tiếng cáu kỉnh trước một việc bất như ý. Còn như trong công việc của một viên chức thì phải nói Nguyễn Hoa  là hình ảnh của  sự cần cù chịu thương chịu khó nhẫn nại.

Ngày làm việc của mấy anh em trong ban chúng tôi trôi đi trong các sự vụ quen thuộc của một ban tổ  chức: soạn thảo công văn, xếp sắp hồ sơ, và tiếp khách gần xa. Đều đều qua đi trong chậm rãi và nói thật đó là một dòng chẩy lờ đờ không thiếu điều nhàm tẻ. Nhưng, hình như là đã có cái quy luật tĩnh mãi rồi thì cũng có lúc phải động vận hành ở đây, cuối cùng thì đã xẩy ra một đột biến. Đó là vào lúc ngày đã ngả sang chiều, khách khứa đã ra về, giờ tan tầm sắp điểm, tôi gấp cuốn sổ tay công tác lại, tìm cái túi vải bạt để trong gầm bàn. Và Nguyễn Hoa lúc ấy cũng vậy. Anh đang thu dọn đống hồ sơ ngổn ngang trên cái bàn làm việc của mình. Nhưng hình như, không chỉ có vậy. Mấy giây đà đận qua nhanh, anh bỗng đặt mạnh cái túi công tác xuống mặt sàn, rồi đột ngột quay sang tôi:

- Anh Kháng, anh bớt chút  thời  gian nghe bài thơ tôi mới sáng tác nhé!

Và tôi chưa kịp sẵn sàng thì Nguyễn Hoa đã đứng dậy tiến lại gần tôi. Rồi chẳng cần để ý đến thái độ của tôi. Nhiệt tình hưởng ứng đón đợi, hay chỉ là dửng dung lãnh đạm. Những câu thơ cứ tự nhiên vuột ra khỏi anh, hướng về tôi, như người ta cầm một vật phẩm quý trao tặng liên tiếp cho bạn mình.   

 

    Em là muối / ướp nỗi đau/ tươi mãi 

(Muối)

 

   Ngoài cửa sổ phòng  tôi bông hồng nở

  Tôi muốn hái tặng em nhưng không nỡ

  Làm trống đi  một chấm đỏ của trời xanh 

(Bông hồng)

 

   Bình minh

  Chim sơn ca mải mê cất cao tiếng hót

 Chùm lá biếc rung rinh

 Người đi săn

 Giương súng lên rình

 Không hay biết

 Chim sơn ca vẫn hót

 Cho cả số phận mình

(Chim sơn ca)

 

Khi mặt trời đã mọc. Lên Trung du. Trước đá thành Tây đô. Chiếc lá. Mùa xuân về. Kinh và thơ. Dưới mặt trời

                Hàng trăm bài thơ như thế của anh tôi đã được chính anh đọc cho nghe vào những buổi chiều như thế. Những buổi chiều mùa đông rét mướt trời xầm xì mây xám. Những buổi chiều mùa hạ nền trời trong vắt không một gợn mấy.

               Chà! Những câu thơ như tức hứng, như ngẫu sự, lại như đã được ấp ủ lên men ở mỗi câu chữ trong những ngày dài được dồn nén và thoát ra khỏi chiêm nghiệm qua tinh luyện của cái lò nung nấu trong tâm hồn. Trong không gian tĩnh lặng của một ngày dài đang đi đến điểm kết, nhưng câu thơ như nhựa sống dòng dòng  ứa ra từ cái vỏ cây thông lão đại trông cứ tưởng là già nua cằn cỗi mà đâu có phải. Bất ngờ làm sao. Một thời khắc quan trọng đã điểm. Giờ là lúc chàng thi sĩ ẩn mình trong cái vỏ bọc viên chức buốn tẻ thình lình xuất diện. Giờ là lúc chàng  phát lộ con người bên trong, con người nhà thơ của mình. Thoát ra khỏi trạng thái u mờ  như ép xác, chàng đi đi lại lại, nói cười nói rổn rảng như có một linh hồn xa lạ thâm nhập vào mình. Và thế là tôi, một kẻ ngoại đạo liền bị chàng dẫn dụ vào cái mê cung say đắm của thơ ca. Tôi vui cùng chàng. Ngẩn ngơ xao xuyến  bồi hôi cùng chàng. Nhiều hôm, trời sâm sẩm tối, phố xá đã lên đèn, chúng tôi mới ra khỏi cơ quan  trở vể nhà.

Tôi đã có những khoảng khắc được sống cùng thơ Nguyễn Hoa! Tôi đã được  sống cùng Nguyễn Hoa ở quãng thời gian anh xuất thần đẹp nhất. Tôi đã gặp một hồn thơ khắc khoải mà trong lành, đời thường mà cao quý. Tôi đã được nghe những câu thơ đã từng là đối tượng nghiên cứu thưởng thức của đông đảo bạn đọc, của các nhà văn nhà thơ nhà lý luận phê binh có tên tuổi, của các nghiên cứu sinh cao học, có trong sổ tay ghi chép của rất nhiều người yêu thơ

Đọc thơ Nguyến Hoa, lại chợt nhớ tới thơ của nhà thơ Pháp Jacque Prévert:

            Moi, j’avais une lampe

Et, toi, la lumière

Qui a vendu la mèche?

 

Anh là cây đèn

Em là ánh sáng

Ai đem bán mất tim đèn?

Thơ Nguyễn Hoa cũng vẫn là cái ưu trội đôi khi ngồ ngộ mang sức khám phá ở cấu tứ, ở ý nghĩa thâm trầm hàm súc, ở câu chữ tinh luyện và càng thú vị vì còn cảm hội được cả ở đó cái ý vị của một hiện thực phảng phất sắc màu một đời sống tâm linh. 

            Đã có những lời bình xét xác đáng về thơ anh. Đã có cả một cuốn sách dầy dặn ghi lạị tình yêu của các tầng lớp bạn đọc với thơ anh. Chỉ là đôi ba cảm nhân sơ sài nông cạn của một kẻ ngoại đạo thôi, nhưng đọc một số bài thơ của anh, không hiểu sao tôi vẫn trở lại cái chờ đợi thấp thỏm mối khi gặp cái ngắt đoạn xuống dòng; và dẫu đã xa cách hơn chục năm rồi những buối chiều sống cùng thơ anh, giờ tôi vẫn còn lưu giữ được cái cảm giác trong sáng tươi đẹp như hàm chứa và tỏa từ  hai câu thơ này của Nguyễn Đình Thi:

 Như bông hồng tươi đỏ.

 Em cho  đời anh buổi sáng không ngờ.

Nguồn Văn nghệ số 37/2018


Có thể bạn quan tâm