March 28, 2024, 10:15 pm

Những kẻ câu chính mình

 

Đọc Ba tao bay ra ngoài cửa sổ & 9 truyện ngắn khác(1), tôi khá bất ngờ thú vị. Tập truyện ngắn có 10 truyện ngắn được nhà văn Trần Nhã Thụy viết và tuyển trong vòng 10 năm (2009 - 2019).

Khoảng thời gian khá dài, khó để thiết kế một giềng mối, mà điều này lại cần thiết, quan trọng đối với những người viết, làm sách chuyên nghiệp. Truyện Ba tao bay ra ngoài cửa sổ, theo như tên của tập sách, là truyện chính, còn các truyện khác chỉ xuất hiện kèm, ở dạng phụ chú, lí do như tác giả đã nói trong Lời cảm ơn đơn giản rằng truyện chính là truyện mà anh “thích nhất”. Cứ ngỡ Ba tao bay ra ngoài cửa sổ mặc một chiếc áo khác, không trùng chất liệu, nhưng đi hết 203 trang sách, mới thấy cả tập là một khối tương thích. Con người sinh ra và lớn lên, dù giàu hay nghèo, vui hay buồn, đều đặt chân trên một con đường: cái chết. Vấn đề là trên con đường đó, con người cần vứt bỏ những thứ không cần thiết đang bám chặt và thu về những tiêu chuẩn sống cho mình. Phải biết học cách ngạc nhiên, vì chỉ có sự ngạc nhiên mới giúp con người thoát li những gì nhạt nhẽo, đơn điệu. Tập truyện không chỉ xác tín kiểu truyện của nhà văn Trần Nhã Thụy - không có cốt truyện, lối viết thâm nhập sâu vào cảm giác của con người, cởi trói những ràng buộc của cái tôi - mà còn mở lối cho người đọc khôn nguôi kiến tạo cái-tôi-sẽ-là, tìm gặp khoảnh khắc sửng sốt.

1. Hình dung cuộc đời như cái hộp diêm sáu mặt kín bưng, khi mở nó ra, ta lại có thêm mặt đáy, đó chính là bề sâu của bóng tối và của bản ngã. Nếu không nhìn thấy mặt đáy ấy, con người khó có thể nhận ra cái tôi nguyên bản. Trần Nhã Thụy giải mã cảm giác, phản tư bằng yếu tố ngạc nhiên: “Chúng tôi bắt đầu từ sự ngạc nhiên, sau đó tái diễn nhiều lần” (Những kẻ câu đêm). Các nhân vật trong truyện của anh do đó thường là “những kẻ câu đêm”, luôn thả mình trong bóng tối của cuộc đời, rồi từ bóng tối mà thám thính tính phi lí, phức hợp/ đa trị của ánh sáng, nhận ra những hoen rỉ, những oái ăm đang ăn mòn chính họ và đời sống.

Trần Nhã Thụy buộc túm khoảng thời gian tĩnh lặng, khoảng thời gian các nhân vật tự soi vào mình, soi vào nhau, đẩy lên cao nhất có thể, để cật vấn bản thân, kiếm tìm sự ngạc nhiên, sự bất ngờ. Mỗi lần đối chất, xới lật là mỗi lần họ tước bỏ, tiêu diệt những lặp đi lặp lại của bản thân, tạo sinh một chủ thể khác, tách biệt với chủ thể ban đầu. Họ vừa gặp lại chính mình vừa sản sinh mình. Nếu thiếu sự ngạc nhiên, sự bất ngờ, sự tò mò, sự sửng sốt, con người sẽ tự giết chết cảm xúc, xơ cứng tâm hồn và đẩy quá trình truy tìm, làm mới bản thân đến chỗ bế tắc.

“Có phải ai sống với nhau rồi cũng chán nhau không?” Truyện Những đứa trẻ tóc bạc đặt ra một câu hỏi không dễ trả lời. Người lớn chỉ nghĩ đến bản thân mà không nghĩ đến cảm xúc của con trẻ. Cha mẹ bất đồng, li hôn, con cái thiếu sự quan tâm, chăm sóc... cũng có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng rối loạn cơ thể ở trẻ. Truyện ngắn này khai quật phản ứng ngạc nhiên của người lớn thông qua hành động, việc làm của những đứa trẻ không bình thường, có chỏm tóc bạc trên đầu. Phản ứng ấy mạnh đến mức gieo vào giấc mơ của nhân vật “tôi” những điều dị thường: tóc người già thì trở nên đen nhánh, ngược lại, tóc trẻ con thì bạc phơ. Sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng ấy đã cho nhân vật “tôi” không gian tự vấn, cảm nghiệm những sai lầm mà người lớn vô tình ngáng trở cuộc đời của con cái.

Quá trình đi tìm sự ngạc nhiên của con người không bao giờ dừng lại. Câu chuyện “gã” kể trong Ba tao bay ra ngoài cửa sổ trong veo, lấp lánh như viên bi của tuổi thơ, gây một sự tò mò, hấp dẫn với con, cho con bài học về cách thiết tạo sự thú vị, gỡ bỏ dần những trầm lắng, buồn chán. Và việc kể lại chuyện đáng nhớ thời đi học cũng giúp gã tìm lại kí ức mà cuộc sống khuôn khổ đã làm gã quên đi. Nhiều khi, chỉ cần một cú hích của sự tưởng tượng là tâm hồn con người trở nên đáng yêu, tươi tắn. “Những kẻ câu đêm” chính là những kẻ đang câu chính bản thân mình. Sự thú vị có được từ sự vẫy vùng; vẫy vùng nhiều sẽ làm dày thêm trải nghiệm hiện sinh. Ý thức “câu” này giống như một yếu tố tất yếu của phủ định biện chứng, không có điểm kết thúc, luôn mang đến những bài học triết lí nhân sinh: “Con người ta có thể học hành nhiều thứ, nhưng không có một trường học nào dạy con người ta sống thú vị” (Ba tao bay ra ngoài cửa sổ).

2. Giễu nhại, hài hước trong truyện của Trần Nhã Thụy cũng là yếu tố gây ngạc nhiên, bất ngờ cho bạn đọc. Đó là tiếng cười phản tỉnh, phát huy cao độ khả năng “đồng sáng tạo” của chủ thể tiếp nhận. Cơ sở giễu nhại của Trần Nhã Thụy là cuộc sống bấp bênh, nhọc nhằn, phi lí. Ở đó luôn diễn ra những đối lập, tương phản giữa ánh sáng và bóng tối, sống và chết, thật và giả, bản chất và hiện tượng: “Những khuôn mặt trong bóng đêm khi hiện diện dưới ánh sáng mặt trời sẽ khác, thay đi bộ quần áo khác sẽ khác, khi ngồi ở nơi của họ thì họ cũng sẽ khác” (Những kẻ câu đêm).

Cấu trúc truyện của Trần Nhã Thụy thường bị mờ hóa, không chú trọng đến cốt truyện, xung đột, chỉ là một lát cắt với nhiều đường vân đã làm nhòe, nên anh xây dựng những nhân vật “phi nhân vật”. Có nhân vật xuất hiện với cái tên viết tắt bằng một chữ cái đầu như Ng., V., G.,…; có nhân vật được gọi dựa vào một đặc điểm nào đó như Râu, Trọc, Chân ngắn, Tay trái, em ngực vĩ đại, Mối tivi, Đọc thơ châu Âu… Sự mờ nhạt của các nhân vật buộc người đọc phải xâu chuỗi những phần chìm phần nổi để tái cấu trúc.

Trần Nhã Thụy ưa dùng khẳng định để phủ định. Trong Chết lúc 9 giờ sáng, anh lấy cái chết của Phong để giễu nhại trình độ thưởng thức của công chúng, đả phá quan niệm cái quan định luận thông qua hình thức lặp lại (12 lần) thông tin chết lúc 9 giờ sáng. “Chết là một thứ chán chết nhất” (Chết lúc 9 giờ sáng). Cái đáng bận tâm nhất chính là cái chết của sự héo rụi, tàn úa tâm hồn.

Con ngựa trong truyện Con ngựa trong phòng ngủ cũng mang đến tiếng cười đầy bất ngờ cho người đọc. Trần Nhã Thụy mượn biểu tượng này để phô bày mặt trái của nghệ thuật: đáng lí là điểm tựa thăng hoa đời sống tinh thần của con người, đằng này lại nhơ nhớp, biến tướng và tha hóa. Thật-giả, giả-thật được che đậy, hóa trang kĩ lưỡng, nhưng cuối cùng bị bóc mẽ bởi một kẻ gần như mù lòa. Đặc điểm của con ngựa là phi. Tác giả đã bội trương đặc điểm này thông qua sự giao thoa điểm nhìn: nghiêm túc và hài nước. Từ đó cho phép anh lộn trái đời sống, chỉ ra những mâu thuẫn giữa ngoại hình và nội tâm, đạo mạo và đồi bại, tạc nên bức tranh biếm họa người-ngựa.

Bộ mặt giả tạo của những con người như K., Kỷ, gã bán lông công… trong Súng săn cũng sớm bị lật tẩy. Việc so sánh khác loại giữa người với con vật là một sự bóc mẽ những con người mặt sắt, máu lạnh: “Đôi khi nhìn vào mắt con vật lại thấy thanh thản hơn nhìn vào mắt con người.” Lý, Mỹ, người lẩy Kiều, Thảnh… - những người đại diện cho tầng lớp đô thị, khao khát sức mạnh, đẳng cấp, sự sành điệu - cũng bị Trần Nhã Thụy tầm thường hóa khi phơi bày những mánh khóe cạnh tranh, lọc lừa, hãm hại lẫn nhau của họ.

Lối giễu nhại của Trần Nhã Thụy tự nhiên, tỉnh queo, như kiểu cuộc sống vốn thế, chỉ cần nói ra như thế, chẳng cần luận bàn gì cao siêu. Việc Trần Nhã Thụy tạo sự ngạc nhiên, thích thú cho người đọc ngay trên văn bản cũng là cách anh giễu nhại cách đọc truyền thống.

Những giá trị chuẩn mực của nghệ thuật, những nhốn nháo của đời sống đô thị, những tha hóa, biến chất trong tâm hồn con người… được dung hợp qua cái nhìn của người kể chuyện hết sức đặc biệt. Trên cơ sở tư duy liên văn bản, người đọc có thể phát hiện ra một nhân vật mới, đó là nhân vật nhà văn với những đặc điểm: bị cận nặng, yêu thiên nhiên, giàu suy tư, thích đọc sách, có cuộc sống chìm nổi, rã rời, bị coi thường, ám ảnh giữa thực tế và khát vọng, giữa sống và chết, nhưng tuyệt đối không bao giờ bán rẻ lương tâm, luôn ý thức, trách nhiệm với những gì mình viết: “Tôi không thể viết một cái mà phải ăn cắp hay dựa dẫm trên rất nhiều cái của người khác” và “không thể viết những cái mà mình thấy không phải” (Nhà văn quèn & đạo diễn lừng danh). Nhân vật nhà văn xuất hiện trong tác phẩm tất nhiên không trùng khít với nhà văn Trần Nhã Thụy ngoài đời, nhưng ta vẫn có thể thấy sự tương đồng được cất giấu qua sự liên thông giữa các truyện. 10 truyện thì có 8 truyện được kể ở ngôi thứ nhất xưng “tôi”; các nhân vật “tôi” đa phần hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Ở nhân vật nhà văn, Trần Nhã Thụy còn gói ghém hai con người: một con người dấn sâu vào cô đơn, đầy ưu tư thầm kín và một con người muốn thay đổi, kiếm tìm sự thú vị: “Tôi đã trải qua rất nhiều chuyện mà chỉ mình tôi biết. Nhiều khi tôi có cảm giác mình như một kẻ đi xuyên rừng. Cứ một mình đi, một mình biết. Những gì tôi nhìn thấy, những gì tôi cảm nhận, thật khó chia sẻ cùng ai. Tôi cứ lầm lũi đi. Tôi sống giữa thành phố cũng giống hệt như người đi xuyên rừng” (Con ngựa trong phòng ngủ).

Cái gì quen quá dễ chán. Nhưng biết chán chường để tri nhận thì đấy chính là sự thặng dư của đời sống. Vì sống là hành trình liên tục phủ định, để đi đến những điều mới lạ. Ý thức về sứ mệnh cao cả của người cầm bút, Trần Nhã Thụy đã rời khỏi con đường quen thuộc của văn chương, bản lĩnh chọn cho mình một lối đi riêng. Người đọc “sẽ không biết ở đó có một cây cầu, nếu như không rời khỏi con đường quen” (Những kẻ câu đêm).

H.T.A

-------

1. Trần Nhã Thụy, Ba tao bay ra ngoài cửa sổ & 9 truyện ngắn khác, Nxb Hội Nhà văn, 2020.

Nguồn VNQĐ


Có thể bạn quan tâm