March 28, 2024, 11:08 pm

Những hồi ức tháng Tư

Tháng 7 năm 1975 tôi đang bị lạc đường giữa Sài Gòn thì may mắn gặp lại người bạn thời niên thiếu, đó là ký giả XĐ đã làm báo ở Sài Sòn hơn năm, chuyên theo dõi mảng tài chính - ngân hàng. Anh vui vẻ chở tôi đi mua sắm và giới thiệu khái quát tình hình Sài Gòn. Đứng giữa chợ Huỳnh Thúc Kháng nghe những dàn âm thanh stereo Sony, Akai... đồ sộ, tôi thực sự bị choáng ngợp trước sự dư thừa mênh mông đủ loại hàng tiêu dùng cao cấp từ đồng hồ, ti vi, tủ lạnh, xe máy... và cả đồ trang sức bằng vàng.

Phía Bắc cầu Nhật Tân. Ảnh intrernet

Tất cả đều rất rẻ. Tôi hỏi: - Nghe đồn tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã mang đi những 16 tấn vàng, có đúng không? Ký giả XĐ lắc đầu: -16 tấn vàng nghe thì to, nhưng thời giá chỉ vào khoảng 220 triệu USD thôi. Có thể tài sản của Thiệu mang đi giá trị nhiều hơn, nhưng chắc chắn 16 tấn vàng dự trữ của ngân khố Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn nguyên vẹn trong kho ở Chương Dương nhờ công của Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, từng giữ cương vị phó thủ tướng phụ trách kinh tế của Việt Nam Cộng Hòa, người được Mặt trận Giải phóng liên hệ từ lâu, đã kiên trì giữ lại, và có cả sự may mắn, bởi không một ngân hàng uy tín nào dám bảo lãnh cho việc chở vàng giữa lúc pháo của quân giải phóng đã nã nát sân bay Tân Sơn Nhất. Thực ra số vàng này chỉ chiếm 1/4 viện trợ hàng năm của Mỹ, song cũng chẳng thể cứu vãn được một chế độ thối nát khi người Mỹ đã chấm dứt viện trợ. Sự hiếu kỳ trong sáng tác đã thúc bách tôi tìm hiểu kỹ hơn về 16 tấn vàng như một sợi dây xâu chuỗi cho những sự kiện lớn để viết về những ngày “Sài Gòn Hấp Hối”. Tôi biết ký giả XĐ là bạn cà phê sáng của trung tá tình báo Mỹ Fan Snep, người đã đưa Nguyễn Văn Thiệu ra sân bay (sau này ông đã viết cuốn hồi ký nổi tiếng Cuộc tháo chạy tán loạn) nên những gì anh cung cấp cho tôi đều rất chính xác. Tôi đã kỳ công viết kịch bản phim truyện Mười sáu tấn vàng & Sài gòn hấp hối gồm 4 tập theo hợp đồng với Hãng Phim truyện Việt Nam, nhưng do kinh phí hạn hẹp, điều kiện thực hiện khó khăn nên tôi phải viết thành tiểu thuyết. Khi tôi mang sách vào tặng ký giả XĐ thì anh buồn bã hỏi: - Cậu có biết người ta dùng 16 tấn vàng vào việc gì không? Thấy tôi im lặng, hồi lâu anh thở dài: - Có lẽ Chính Phủ đã phải mang vàng đi đổi gạo, đổi hàng rồi. Nghe đâu còn cả số vàng của miền Bắc nữa, tổng cộng 40 tấn, phải nhờ Liên Xô đúc lại mới bán được khoảng 500 triệu USD. Là người viết nhiều về ngân hàng, ký giả XĐ vẫn có những thông tin rất “mật”. Giọng chua xót, anh chậm rãi: - Bây giờ gạo và điện giá trị hơn vàng. Lương không đủ nuôi chính mình, mọi thứ khan hiếm, đồng tiền mất giá. Vợ con mình đang đói, nhà bị cúp điện liên tục… Dù rất yêu nước, nhưng mình cũng phải ra đi…

Tôi ái ngại nhìn anh và hiểu rằng có biết bao người đã phải lênh đênh bỏ mạng giữa đại dương vì không chịu nổi cảnh sống đầy khó khăn của những năm đầu sau giải phóng. Sau những ngày vui thống nhất, dù chính phủ và toàn dân đã nỗ lực phát triển sản xuất, hàn gắn những vết thương chiến tranh, nhưng ngay lập tức Việt Nam đã vấp phải muôn vàn khó khăn khi phải đối mặt với hai cuộc chiến tranh mới ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, và cả những chủ trương “duy ý chí” đã kéo tụt đời sống của nhân dân suốt mười năm liền, sản xuất trì trệ... Có bao kỷ niệm đáng buồn giữa “Hòn Ngọc Viễn Đông” và cả “Thăng Long ngàn năm văn hiến” mà không ít trí thức phải sống nhờ nuôi lợn, trồng rau, làm thêm nghề phụ, kể cả buôn bán tem phiếu... Nhắc lại chuyện này để thấy rõ hơn giá trị của công cuộc đổi mới đất nước đã thực sự đáp ứng mong mỏi của toàn dân, mở đầu cho sự phát triển kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường và hội nhập toàn cầu, góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo và hiện đại hóa đất nước.

*

Năm 1986, mở đầu thời kỳ đổi mới, tôi may mắn được giao thực hiện bộ phim tài liệu Năng lượng Việt Nam trên đà phát triển với những chuyến đi xuyên Việt theo đường dây điện cao thế. Cần nhấn mạnh rằng sau năm 1975, tình hình phát điện ở miền Bắc khá hơn miền Nam, nhất là sau khi Thủy điện Hòa Bình hoàn thành, miền Bắc đã thừa điện, còn miền Nam vẫn thiếu điện triền miên. Lưới điện miền Nam chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, toàn bộ miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long dường như không có lưới điện quốc gia, chủ yếu dùng máy phát điện chạy dầu cục bộ. Việc tập trung phát triển lưới điện 220 kv đưa điện từ miền Bắc vào miền Trung và đưa điện từ thủy điện Trị An qua sông Tiền, sông Hậu... đã góp phần giải quyết một phần nạn thiếu điện “thảm khốc”. Nhưng khi năng lực sản xuất được giải phóng, tình hình cung ứng điện cho miền Nam vẫn rất thiếu, tình hình mất điện, cúp điện vẫn thường xuyên xẩy ra. “Việc quyết định xây dựng đường dây điện 500 kv Bắc - Nam với chiều dài 1.450 km chi phí cực lớn đã gặp không ít khó khăn, nhưng đây chính là mũi đột phá quan trọng mà Chính phủ Việt Nam của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã kiên trì dũng cảm thực hiện thành công chỉ trong hai năm đã mở ra thời kỳ tăng tốc phát triển kinh tế Việt Nam sau 20 năm thống nhất...”. Đó là nhận định của hãng BBC vào dịp 30/4/1995. Ngày nay đã có thêm hàng chục nhà máy phát điện công suất cực lớn khắp đất nước, việc xây dựng thêm những hệ thống đường dây 500 kv đã trở nên bình thường và dù cho nhu cầu tiêu dùng điện tăng rất lớn nhưng Việt Nam vẫn bảo đảm được an ninh năng lượng vững chắc, đáp ứng mọi yêu cầu tiêu dùng của nhân dân và sản xuất. Nhiều chuyên gia kinh tế của WB đã đánh giá rất cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc cung ứng năng lượng cho các khu công nghiệp phát triển nhanh với giá điện hợp lý. Cùng với sự an toàn, ổn định về chính trị, hệ thống luật pháp từng bước được hoàn chỉnh, chính sách ưu đãi và năng lượng tốt Việt Nam đã thu hút được đầu tư nước ngoài rất lớn góp phần quan trong cho sự tăng trưởng cao liên tục suốt 25 năm qua. Trước đây khi viện trợ cho Việt Nam nhà máy giấy Bãi Bằng, chính phủ Thụy Điển đã phải cho xây dựng kèm một nhà máy phát điện chạy than để bảo đảm sản xuất. Ngày nay kể cả những nhà máy có vốn nước ngoài tiêu dùng điện rất lớn vẫn không hề phải lo lắng đến nguồn phát điện. Quả là Việt Nam rất “hào phóng” theo cách nói của ký giả XĐ. Anh nhắc lại với tôi: Sau giải phóng Sài Gòn, công suất phát điện cả nước chỉ mới vào khoảng 1.200 MW, sau 44 năm Việt Nam đã có 48.000 MW, tăng hơn 44 lần, và theo tổng sơ đồ phát triển mới được công bố thì đến năm 2025, tổng công suất phát điện phải là 90.000 MW, nghĩa là gấp đôi hiện nay; đến năm 2030 sẽ lên đến 130.000 MW… Cần phải thừa nhận rằng Việt Nam đã kiên quyết thực hiện sáng tạo điện khí hóa toàn quốc trong điều kiện còn rất nghèo chính là mũi đột phá chiến lược quan trọng để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đặc biệt là chế biến, chế tạo, luyện kim, xây dựng và dịch vụ... tạo thêm hàng chục triệu việc làm, trở thành điểm sáng trong xóa đói giảm nghèo.

*

Trải qua những cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu, Việt Nam vẫn tỏ ra đầy bản lĩnh, giữ vững được đà tăng trưởng cao nhờ đã tìm ra những bước đột phá mới cho riêng mình. Đó là sự đổi mới thể chế phù hợp nền kinh tế thị trường và hội nhập toàn cầu với một nền tài chính minh bạch, ổn định cùng hệ thống luật pháp được sửa đổi, hoàn thiện. Cụm từ “đổi mới thể chế” nghe rất đơn giản, nhưng là cả một quá trình đấu tranh, chuyển biến sâu sắc của ý thức hệ bao cấp, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng... thích nghi với cơ chế thị trường theo thông lệ quốc tế, cùng những quy định của WTO và các hiệp định thương mại đã ký kết.

Những chuyển biến trong quản lý vĩ mô, hành động quyết liệt của chính phủ, thay đổi quan điểm điều hành “phục vụ doanh nghiệp và nhân đân”, tháo gỡ mọi cản trở trong sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển đã nhanh chóng tạo nên sự bứt phá ngoạn mục của nhiều ngành, mạnh dạn đổi mới công nghệ, mạnh dạn mở rộng công cuộc lập nghiệp cho lực lượng lao động và tri thức trẻ... đưa số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng nhanh hàng năm, chiếm tỷ trọng GDP lớn hơn doanh nghiệp nhà nước khá nhiều . Đến nay đã có trên 600.000 doanh nghiệp tư nhân hoạt động khá ổn định. Tuy còn nhiều bất cập, cản trở đang khẩn trương được tháo gỡ, dự kiến đến năm 2020 Việt Nam sẽ có trên một triệu doanh nghiệp tư nhân đưa tỷ trọng GDP của khối này lên 50%, sử dung trên 80% lực lượng lao động. Trong khi khối doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm tỷ trọng GDP trên dưới 30%, cổ phần hóa còn chậm, nhưng những đổi thay quản lý vốn, tăng cường thanh kiểm tra, đổi mới tổ chức quản lý ở các tập đoàn lớn đã có nhiều chuyển biến, tạo được sự tăng trưởng, hiệu quả hơn. Những doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa thành công như Vinamil, Bia Sài Gòn... đang thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài, luôn dẫn đầu trên thị trường chứng khoán.

Ký giả XĐ tâm sự nhiều suy nghĩ về đất nước: - Có thể nói Việt Nam đã sớm tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khi đầu tư lớn cho việc áp dụng công nghệ cao vào chế tạo, chế biến, chăn nuôi, trồng lúa, trồng rau hoa quả đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Nhật, Úc, EU... đưa những thương hiệu Việt Nam tràn ngập các siêu thị lớn trên thế giới, từ quả xoài, quả thanh long, cà phê, hồ tiêu, lúa gạo, con cá, con tôm, hàng may mặc... đến những chiếc điện thoại, tivi sản xuất tại Việt Nam... và cả những hãng hàng không tư nhân giá rẻ của Việt Nam cũng đã tạo nên những ấn tượng rất sâu đậm đầy sức hấp dẫn. Thật hiếm có việc hãng Truyền hình CNN quảng cáo miễm phí cho Việt Nam khi giới thiệu “bún chả Obama” và vẻ đẹp Hà Nội trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều 2... Khi Tổng thống Mỹ Donal Trump nhiều lần ca ngợi Việt Nam, có phóng viên Mỹ đã hỏi nhỏ ông: - Ngài thực lòng ca ngợi Việt Nam chứ? Ông gật đầu tươi cười đáp: - Tất nhiên! - Vì sao vậy? - Không hiểu vì sao thì đừng làm nhà báo nữa. Một đất nước từng là thù địch lại nồng nhiệt đón tiếp nhau chân thành như vậy, không ca ngợi sao được. Việt Nam là nước rất coi trọng kinh tế tư nhân, coi trọng xuất nhập với Hoa Kỳ, là đối tác toàn diện rất quan trọng của Mỹ ở Đông Nam Á - Biển Đông. Sức tăng trưởng liên tục cùng sự an toàn, ổn định của Việt Nam đáng để cho thế giới học hỏi…

Việc thay đổi cơ cấu tăng trưởng, giảm xuất khẩu tài nguyên, tăng nhanh xuất khẩu nông hải sản, hàng công nghệ cao, đưa dịch vụ, du lịch thành ngành công nghiệp không nhà máy là một nỗ lực sáng tạo rất hiệu quả tuy còn những hạn chế, chưa khai thác hết thế mạnh về văn hóa, thiên nhiên ưu đãi. Từ vài triệu USD xuất nhập khẩu sau năm 1975, đến nay tổng kim ngạch nước ta đã lên đến 500 tỷ USD/năm quả là một kỳ tích, nhất là giữ được sự ổn định giá cả và giá trị đồng tiền Việt Nam, tỷ giá so với USD tăng hợp lý nên dù thu nhập của người dân chưa cao, lương còn thấp nhưng đại đa số nhân dân đã có cuộc sống đầy đủ với nhiều tiện nghi sinh hoạt tiên tiến. Cơ sở hạ tầng, đời sống văn hóa, y tế cũng có nhiều tiến bộ vượt bậc.

Việt Nam đang trở thành một công xưởng lớn của thế giới mà nguồn nhân lực giá rẻ không còn là thế mạnh, đòi hỏi sự đầu tư lớn cho quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có đầy đủ tri thức, tay nghề, am hiểu công nghệ hiện đại. Muốn vậy cùng với công cuộc chống tham nhũng quyết liệt cần đào tạo lại hệ thống công chức, nhất là các nhà quản lý không hề biết quản lý công nghiệp 4.0 thích đưa ra những quy định “duy ý chí” kiểu như “ngăn sông cấm chợ”, “không quản được thì cấm”. Hy vọng rẳng với quyết tâm hiện đại hóa đất nước, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng kinh tế trên 7% trong năm nay và giữ vững đà tăng trưởng trong các năm tới.

                                                        

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2019

 

 

 

 

 

 

 

  


Có thể bạn quan tâm