March 29, 2024, 3:29 pm

Những hồi ức làm nên Nobel Văn chương của Annie Ernaux

 Annie Ernaux là nữ nhà văn Pháp đầu tiên đoạt giải Nobel Văn chương. Ba tác phẩm của bà: "Hồi ức thiếu nữ", "Cơn cuồng si", "Nỗi nhục" vừa được phát hành.

Annie Ernaux là nữ nhà văn Pháp đầu tiên được trao giải Nobel Văn chương (năm 2022), với những tác phẩm mang tính hồi ức, tự truyện của bà. Trước đó, nhà văn cũng nhận được nhiều giải thưởng văn chương: giải Renaudot 1984, giải Francois Mauriac 2008, giải Marguerite Youcenar 2017...

Các tác phẩm của bà là ký ức cá nhân, nhưng cũng chính là ký ức tập thể, trong bối cảnh văn hóa qua những giai đoạn cuộc đời bà. Trong đó, Hồi ức thiếu nữ là câu chuyện về thời thiếu nữ của tác giả vào những năm thập niên 1960. Những giấc mơ, tình yêu, khao khát, hoang dại của một thời tuổi trẻ ngày ấy được kể trong bối cảnh nước Pháp những năm thập niên 1950-1960.Thập niên 1960 cũng là giai đoạn manh nha cho làn sóng đấu tranh nữ quyền lần thứ 2. Hồi ức thiếu nữ còn là một tiếng nói đấu tranh cho nữ quyền và bình đẳng giới. 

Còn tác phẩm Cơn cuồng si được xuất bản năm 1991, với chủ đề khác hẳn các tác phẩm của bà trước đó: tình dục. Đó lại là một giãi bày khác trong một giai đoạn khác của cuộc đời mà nhà văn dám đặt bút viết, kể lại. Tác phẩm sau đó được chuyển thể thành phim điện ảnh.

Tác phẩm của Annie Ernaux luôn gây chú ý, thậm chí gây sốc, bởi vì đó là những ký ức có thật - dù là của cá nhân phản chiếu ký ức tập thể hay là thuộc về ký ức tập thể. Ngay từ tác phẩm đầu tay Những ngăn kéo rỗng, nhà văn đã kể về chuyện phá thai "chui" của mình vào năm 1964. Đến năm 1983, một lần nữa bà lại viết về cuộc đời mình với tác phẩm Một chỗ trong đời... Cuộc đời cá nhân được phản ánh dưới góc nhìn xã hội là điều luôn được tìm thấy trong tác phẩm của nh văn Annie Ernaux. Viện Hàn lâm Thụy Điển đã dùng các cụm từ "lòng dũng cảm" và "sự nhạy bén" để nhận định về các tác phẩm của bà trên hành trình "khai quật" ký ức của chính mình.

Những trang viết của Annie Ernaux tìm về giá trị cội rễ, trung thực với nỗi đau, không né tránh sự thật, cất tiếng nói thay cho tập thể và thời đại mình đang sống. Và đó là tất cả giá trị mà bà để lại cho đời, bằng văn chương.

Song Giang

Nguồn PNO


Có thể bạn quan tâm