April 26, 2024, 5:25 am

Những hạt ngọc đáng trân trọng

Đọc Hồn quê Trạng Trình Bút sinh hương, thơ của nhiều tác giả - Nxb Hội Nhà văn, 2020

Được là con dân xứ Vĩnh Lại xưa, nay mang tên Vĩnh Bảo, quê cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với một niềm vinh dự tự hào lớn lao của bao thế hệ con cháu “Giang sơn như họa bút sinh hương”, các cây bút của hai tập thơ Hồn quê trạng TrìnhBút sinh hương được nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2016 và 2020 là một món quà tri ân sâu nặng. “Chiều tần ngần sẫm Trung Am/ Ngôi đền Lý Học, An Nam lặng tờ/ Thoáng trong hương khói tỏ mờ/ Trạng Trình như ở cõi mơ hiện về” (Chiều về Trung Am – Nguyễn Thụy Kha).

Trong một cuộc hội thảo thơ quốc tế tổ chức khá hoành tráng với một lượng nhà thơ đông đảo đủ các nước Á, Âu Mỹ do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, trong rất nhiều tham luận của các nhà thơ bốn phương, tôi có nghe được câu của một nhà thơ ta tự hào phát biểu rằng: “Việt Nam là một cường quốc thơ”. Thấy cũng có lý, có vẻ đúng vì văn học ở ta thuộc diện mới, trẻ. Đã mới đã trẻ ắt khỏe, ắt dồi dào năng lượng, dồi dào sức sáng tạo. Nay đọc hai tập thơ Hồn thơ Trạng TrìnhBút sinh hương của các cây bút quê hương mình, tôi chợt nhận ra một điều, người quê tôi vốn khiêm nhường, bình dị. Thơ càng giản dị, càng gắn với đời sống nhân quần: “Cha ngồi chẻ lạt bên thềm/ chẻ đôi cả những muộn phiên đầy vơi/ Mẹ đi gặt lúa tháng Mười/ Lạt mềm gói mấy kiếp người vào nhau”. Nhà thơ Nguyễn Thị Thúy Ngoan gợi cho ta nhận ra chân dung cha mẹ đồng quê và cái sự tần tảo sẻ chia kiếp người như thế. “Vĩnh Bảo như ông lão/ Lơ mơ khói thuốc lào/ Vĩnh Bảo như cô gái/ Yếm thắm về làng Am. Giới thiệu về quê hương ngắn gọn đáng yêu biết bao của nhà thơ Nguyễn Xuân Hải. Rồi cũng như Nguyễn Xuân Hải, nhà thơ thầy giáo Nguyễn Đình Minh với Ký ức quê viết mộc mạc, chân chất như: “Gió thuốc lào/ hun những chiếc nong phơi đựng lửa tháng 5/ Hầm hập cháy như mặt trời trên đất/ Sợi thuốc ăn nắng chín vàngNhà thơ Tô Ngọc Thạch, vì có nhiều thời gian xa quê nên phải: “Vịn vào giấc mơ/ Lần bờ thời gian lần về sông Hóa/ Câu đồng giao chằng tôi vào quá khứ/ Phù sa nồng thơm tuổi học trò/ Cánh đồng chiều góa bụa cơn mơ… (Bài Sông Hóa trong Hồn thơ Trạng Trình).

Nhà thơ Thi Hoàng nói về đất và người quê mình thế này: “Lịch sử vỗ vào vai mình như nghĩa cử/ Người Vĩnh Bảo ơi người Vĩnh Bảo à… Hay “Có một ngày ở nơi xa ngái/ Nhìn vào mắt ai ta nhận ra người Vĩnh Bảo quê mình”.

Nhà thơ Kim Chuông nhấn mạnh: “Tôi đi từ A đến muôn nẻo phương trời/ Vĩnh Bảo quê hương là bước chân thứ nhất/ Mọi bến về là B/ Hướng nào tôi cũng gặp/ Vĩnh Bảo quê mình/ Vĩnh Bảo yêu thương). Nữ sĩ Dương Thị Nhụn tâm sự: “Khi bước chân đã mỏi/ Lòng những muốn quay về/ Trong cơn mơ thấy một miền quê/ Đồng lúa bây giờ đang vào hạt”. Nhà thơ họa sĩ Nguyễn Nghiêm thì “Nợ quê” là nợ thế này: “Nợ heo may với cốm hồng/ Nợ xanh liễu rủ nợ vàng nắng thu/ Nợ đồng nghiêng muốt cánh cò/ Nợ sông quê nợ chuyến đò mưa giăng/ Nợ lời ru vọng cuối làng/ Nợ câu lục bát vắt sang giàn trầu/ Nợ nưng nức dải yếm đào/ Nợ quay quắt nỗi Thị Mầu khát yêu/ Nợ sân đình khúc hát chèo/ Nợ vi vu tiếng sáo diều cuối đê/ Nợ vồng khoai nợ bãi ngô/ Nợ cô áo tím luống cà vườn sau/ Nợ ruộng cạn nợ ao sâu/ Nợ manh áo bạc mẹ khâu canh dài/ Nợ cổng làng nợ bàn tay/ Nợ hương chanh xõa vai gầy ngày đi…Thơ thế sự, tình người, nhà báo Phạm Từ đã để lại một ấn tượng mạnh khi tôi đọc bài thơ Nụ cười chiến thắng của anh tặng anh hùng Võ Thị Thắng: “Đã biết đem thân đền nợ nước/ Biết cười chiến thắng trước gươm thù/ Đã trải tuổi xuân trong ngục tối/ Thì muôn trăn trở cũng là thơ”.

Cả hai tập thơ Hồn quê Trạng TrìnhBút sinh hương có nhiều cung bậc cảm xúc. Cảm xúc riêng tư, nhưng đầy tình nghĩa nhân văn, dù sự đời trắc trở, nhưng người thơ vẫn chia sẻ nỗi niềm đầy tôn trọng và văn minh. Tôi rất thích khi đọc bài thơ lục bát tâm tình của Nguyễn Đăng Văn trong tập Bút sinh hương:

 

Mà thôi, lại nói với mình

Chuyện ngày xưa với cuộc tình trăng lên

 

Em gặp tôi, tôi gặp em

Bàn tay vừa ấm đã miền chia xa

Cầm lòng nhấc bước chân qua

Mà trong tim cứ ứa ra máu đào

 

Mà thôi đã chẳng có nhau

Thì buồn vui với khổ đau nghĩa gì

Đường ai người ấy đã đi

Thì lời kể lể chia ly ích gì

 

Đã rằng thơ viết những khi

Tháng Tư giải phóng đắm mê nỗi niềm

Những gì nhớ, những gì quên

Nhớ, quên cũng đã bình yên bến bờ

 

Tóc xanh là của ngày xưa

Tóc sương là của bây giờ… thăm nhau

Người đây mà ngỡ người đâu

Nghe thăm thẳm buốt một màu thời gian

 

Ngoài kia gió chướng thổi tràn

Nghe thơ xưa những nồng nàn… cõi xa!

Trong các thể loại văn học thời xưa thường vẫn đề cao, chú trọng nhất là văn vần. Văn vần gắn liền với cuộc sống hàng ngày, dễ nhớ, dễ thuộc. Thứ văn này gắn liền với đời sống dân sinh, dễ truyền tụng, dễ phổ biến, dễ tuyên truyền. Trong bối cảnh ở ta, nông dân là lực lượng chính, không biết chữ cũng thuộc thơ hàng tá. Đất nước tám chín mươi phần trăm nông dân, làm ruộng, cánh đồng thẳng cánh cò bay, mùa màng bát ngát, cây trái xum xuê, ao hồ cá tôm cua cáy đùm đề, trẻ trâu cũng ca hát nghêu ngao, rồi các cụ phụ lão làm thơ, cũng thành phong trào... Trong không gian ấy, Thơ là một sân chơi, một phương tiện để chở thông điệp mà người làm thơ vui vẻ hồn nhiên tự mình đảm trách cái phần hình thức, còn bên trong, nó được chăm nuôi dinh dưỡng bằng nguồn chính là ca dao hò vè, là hồn cốt…

Tôi cũng là người quê hương Vĩnh Bảo, lại cũng có viết văn làm thơ nên mới mạnh dạn mà nói rằng, thơ câu lạc bộ của ta lâu nay đa số là thơ thù tạc ngâm vịnh vui vẻ. Tuy nhiên trong đội hình thơ ấy ta vẫn chọn ra được những bài thơ hay, những câu thật hay, và đó chính là những hạt ngọc giúp cho người đọc không bị coi nhẹ. Ở hai tập thơ Hồn quê Trạng TrìnhBút sinh hương của Hội đồng hương Vĩnh Bảo tại Hà Nội là một nỗ lực rất đáng trân trọng.

Nguồn Văn nghệ số 30/2020


Có thể bạn quan tâm