April 25, 2024, 7:14 am

Những hạt giống của cái đẹp

 

Xác định cần có thêm những cuốn sách giáo dục kỹ năng sống và văn hóa ứng xử cho học sinh – sinh viên, vừa qua, PGS.TS Lê Thị Bích Hồng – giảng viên Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội vừa xuất bản cuốn sách giáo dục kỹ năng sống, văn hóa ứng xử cho học sinh bậc Tiểu học, Trung học cơ sở có tựa đề “NÓI LỜI HAY, LÀM VIỆC TỐT” (Nhà xuất bản Văn học – 2018). Dưới đây là tâm sự của ba nhà văn về cuốn sách này.           Kết quả hình ảnh cho Bía sách “NÓI LỜI HAY, LÀM VIỆC TỐT”           

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Trong một lần bàn về ý thức sống của một con người trong gia đình và trong xã hội, tôi viết: “Để ném một cái rác bẩn xuống nơi công cộng, người ta mất một giây, nhưng để cúi xuống nhặt một cái rác bẩn nơi công cộng, người ta phải mất 100 năm”. Đây chỉ là một hình ảnh mang tính ước lệ để nói về con đường hình thành nhân cách, hình thành văn hóa trong một con người. Cách đây nhiều năm, trong một cuộc giao lưu với bạn đọc, một phụ nữ đề nghị các nhà văn hãy viết một cuốn cẩm nang nói về những cạm bẫy trong cuộc sống mà khi một đứa trẻ trưởng thành bước vào sẽ gặp để chúng có thể tránh được. Tôi đã nói với người phụ nữ ấy rằng: nếu có một cuốn cẩm nang viết về 1000 cạm bẫy cụ thể thì khi bước vào đời, những đứa trẻ ấy sẽ gặp cái cạm bẫy thứ 1001 và chúng sẽ gục ngã vì chúng không biết cái cạm bẫy thứ 1001 ấy là gì. Nhưng khi những đứa trẻ đã chứa trong tâm hồn chúng Cái Đẹp và lòng Nhân Ái thì chúng sẽ nhận biết được đâu là Tốt và đâu là Xấu. Như thế chúng sẽ tránh được vô vàn những cạm bẫy. Cuốn sách kỹ năng “Nói lời hay, làm việc tốt” của PGS.TS, nhà văn Lê Thị Bích Hồng là một trong những cách để chúng ta gieo những hạt giống của Cái Đẹp và lòng Nhân Ái vào tâm hồn những đứa trẻ.

Mỗi đứa trẻ lớn lên đều phải sống trong ba không gian khác nhau. Những gì từ ba không gian ấy sẽ làm nên tâm hồn và nhân cách của chúng. Đó là gia đình, nhà trường và xã hội. Thấu hiểu điều đó, PGS.TS, nhà văn Lê Thị Bích Hồng đã dựng lên ba không gian ấy bằng cụ thể ba chương của cuốn sách bằng văn chương: Ứng xử văn hóa trong gia đình, ứng xử văn hóa trong nhà trường và ứng xử văn hóa nơi công cộng. Đây là những điều chị muốn mang đến cho những trẻ em ở bậc tiểu học và trung học cơ sở. Chính vậy, chị đã chọn lựa một cách nói chính xác và hợp lý để một đứa trẻ ở lứa tuổi đó tiếp nhận những điều chị cần gửi tới cho chúng một cách hiệu quả nhất. Đó là những câu chuyện của chúng, ngôn ngữ của chúng và tâm lý của chúng. Những câu chuyện trong cuốn sách chính là những hành xử thường nhật và nhỏ bé mà mỗi đứa trẻ đều sẽ trải qua. Nhưng chính những hành xử thường nhật và nhỏ bé ấy lại là những điều quan trọng nhất làm nên những vẻ đẹp tâm hồn, làm nên nhân cách của một con người sau này. Tác giả cũng gián tiếp nhắc nhở và thậm chí cảnh báo những bậc cha mẹ nếu bỏ qua việc giáo dục những hành xử tưởng như bình thường và nhỏ bé này cho con cái họ thì nguy cơ những đứa con họ sẽ trở thành một kẻ ích kỷ, vô cảm và độc ác trong tương lai không phải là chuyện cổ tích.

Với cách kể chuyện của mình, tác giả đã giúp những đứa trẻ được có cơ hội hòa vào trong ba không gian mà tác giả tạo dựng lên. Chúng hòa vào trong những điều hệ trọng làm lên nhân cách chúng mà lại là những điều vô cùng thân thuộc và chúng tiếp nhận cách giáo dục rất khoa học nhưng lại vô cùng giản dị. Thực tế, chúng ta từng có những lúc mắc sai lầm khi  dạy những đứa trẻ bằng những điều ở ngoài chúng và xa lạ với chúng. Và một điều vô cùng quan trọng là, các bậc cha mẹ ở mọi lứa tuổi và mọi trình độ có thể dễ dàng dùng cuốn sách giáo dục kỹ năng sống, ứng xử văn hóa này để dạy con. Mỗi khi học đọc hay kể cho những đứa con của mình những câu chuyện trong cuốn sách này là chính lúc họ đang đồng hành cùng chúng và đang lặng lẽ gieo những hạt giống của Cái Đẹp vào mảnh đất tâm hồn của chúng để làm nên những vụ mùa nhân ái bội thu trên cánh đồng người.

 

Nhà thơ Y Phương

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành vô vàn tình thương cho các cháu thiếu niên nhi đồng: “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn biết ngủ biết học hành là ngoan”. Người đã dùng hình tượng “búp trên cành” để ví với trẻ em. Trẻ em là tương lai của giống nòi, là chủ nhân của Tổ quốc, là “trung tâm của vũ trụ”. Hình ảnh búp non là hình tượng đẹp, giàu sức sống nhất, nhưng cũng rất dễ bị tổn thương. Vì vậy, trẻ em luôn là đối tượng rất cần sự chăm sóc và cần sự che chở hơn bao giờ hết.

Thực tế hôm nay, đời sống vật chất, tinh thần càng được nâng cao. Từ “ăn no, mặc ấm”, chúng ta đã vươn tới “ăn ngon, mặc đẹp”. Trẻ em có điều kiện được chăm sóc tốt hơn. Song cũng chính thời kỳ đất nước phát triển, hội nhập toàn cầu, đôi khi chúng ta mải mê chạy theo “tốc độ ánh sáng” mà vô tình nhãng quên con cháu ta đang phải đối mặt với bao khủng hoảng giữa cái tốt – xấu, thiện – ác, hay – dở, trắng – đen, trong – đục… để từ đó bao chuyện đau lòng, bao hệ lụy đã bao vây học sinh trong và ngoài học đường. Con cháu ta thừa điều kiện sống tốt, nhưng lại thiếu, thiếu trầm trọng kỹ năng sống tích cực, giao tiếp ứng xử có văn hóa.

Là một nhà văn trưởng thành từ ngành giáo dục, ngành văn hóa, PGS.TS. Lê Thị Bích Hồng có điều kiện tiếp cận để hiểu, nên không lạ khi chị đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục thế hệ trẻ bằng văn hóa. Với trái tim nhạy cảm của một người bà, người mẹ, người chị, với tâm thức dâng hiến tự nguyện, với tâm huyết và lòng đam mê, PGS.TS. Lê Thị Bích Hồng đã dành nhiều thời gian, tâm sức thực hiện công trình nghiên cứu văn hóa ứng xử. Từ trải nghiệm trên bục giảng, tư vấn tâm lý cho 1088, cố vấn đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 (nay chuyển thành số 111 Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em), diễn giả cho những cuộc nói chuyện về văn hóa, gia đình, phụ nữ, trẻ em…chị đã đúc kết những kinh nghiệm quý báu, cô đặc nó, thổi hồn văn chương vào cuốn sách “Nói lời hay, làm việc tốt” mà các bạn đang cầm trên tay. Với bút pháp biểu hiện sinh động, đa dạng, mỗi tình huống chị đưa vào cuốn sách như một tiểu phẩm chắt ra từ cuộc sống muôn màu, từ những quan sát tinh nhạy, từ điều mắt thấy tai nghe, từ những chi tiết của đời sống thường nhật bên cạnh mà nhiều khi ta đã nhãng quên…để đưa vào cuốn sách giáo dục kỹ năng sống, văn hóa ứng xử cho học sinh bậc Tiểu học

Hơn rất rất rất rất nhiều vật chất tiền bạc, là một tấm lòng yêu thương con trẻ của một người phụ nữ, vốn nhạy cảm và giàu lòng thương người, những trang viết giàu chất thơ của chị sẽ đến và ở lại mãi mãi cùng các bạn trẻ. Văn của chị từ trước nay vẫn long lanh trong suốt mát rượi như giọt sương trên lá sen. Ấm áp như ngọn lửa hồng rực mùa đông. Chan hòa như nắng sớm ngày hè. Và hơn hết, cuốn sách “Nói lời hay, làm việc tốt” đến tay bạn đọc là một việc làm hết sức thiết thực, thông nhằm chấn hưng văn hóa đọc, văn hóa ứng xử, giao tiếp đang có nguy cơ xuống cấp. Xin nhiệt liệt chúc mừng PGS.TS - nhà văn Lê Thị Bích Hồng

Nhà văn NGƯT Nguyễn Ngọc Ký

Đọc cuốn sách “Nói lời hay, làm việc tốt” của PGS.TS - nhà văn Lê Thị Bích Hồng, tôi thực sự xúc động. Tôi và tác giả có nhiều cơ duyên. Cùng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; là nhà giáo dạy văn; là nhà tư vấn tâm lý cho 1080. Bích Hồng đã viết lời giới thiệu hai cuốn sách cho tôi; đã làm MC giới thiệu sách của tôi cho bạn đọc. Không hẹn mà gặp, chúng tôi đều có “mẫu số chung” ở tấm lòng, nhiệt huyết, tinh thần, tình yêu thương truyền cho lớp trẻ...

“Nói lời hay, làm việc tốt” thực sự là cuốn sách kỹ năng bằng văn chương cần thiết cho mọi người, nhất là cho lứa tuổi học sinh phổ thông. Thông qua những câu chuyện tình huống dí dỏm, sống động, rất gần gũi đời thường, nhưng lại rất điển hình, tiêu biểu, rất giàu vấn đề được đặt ra cuốn sách đã đem đến cho bạn đọc những bài học sâu sắc mà nhẹ nhàng về kỹ năng ứng xử văn hóa trong mọi mối quan hệ với gia đình, với thầy cô, bạn bè, với mọi người xung quanh, với chính mình…Bằng trí tuệ một nhà giáo tâm huyết, tài năng, tâm hồn một nhà văn nồng cháy yêu thương xúc cảm PGS.TS Lê Thị Bích Hồng đã gửi tới bạn đọc trẻ món quà vô giá của tình yêu thương, hy vọng và niềm tin.

Nguồn Văn nghệ số 46/2018


Có thể bạn quan tâm