April 19, 2024, 12:32 pm

Những góc nhìn nhân bản

Lần đầu tiên tôi gặp nhà văn Lê Hoài Nam là khi tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ 6, năm 2001. Khi ấy, ông là Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học – Nghệ thuật tỉnh Nam Định kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn Nhân. Sự hiểu biết và lối ứng xử nhẹ nhàng, tinh tế của nhà văn Thành Nam từng trong hai màu màu áo lính đặc công và hải quân ấy khiến tôi hết sức kính trọng. Kể từ đó, ông lặng lẽ theo dõi, động viên tôi trên chặng đường văn chương nhọc nhằn. 

“Ôn cố tri tân” như vậy là muốn nói, chừng ấy thời gian, tôi có điều kiện được đọc và trải nghiệm cuộc sống qua lăng kính chiêm nghiệm và ngòi bút sắc sảo, đa dạng trên trang văn của ông. Với hàng chục tiểu thuyết, tập truyện ngắn và bút ký đã được xuất bản, nhà văn Lê Hoài Nam đã tạo được một vị thế, một giọng văn riêng trên văn đàn. Điều dễ dàng nhận thấy trong thi pháp truyện ngắn của ông thường có cấu tứ chặt chẽ, văn phong mực thước, sáng sủa và cách sử dụng từ ngữ khá linh hoạt và đặc biệt có thế mạnh trong phương ngữ, từ chuyên biệt của người cổ hoặc đạo giáo.

Ông đặc biệt có ưu thế trong xây dựng tâm lý nhân vật và thoại nhân vật trong nhiều trạng thái, hoàn cảnh khác nhau nên tạo được sự tác động trực tiếp đến tâm lý người đọc, dễ tạo nên sự rung cảm. Mỗi truyện ngắn đều có cấu tứ riêng với những lớp nghĩa được gửi gắm qua thân phận con người, xã hội Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử được biểu đạt sinh động, cảm xúc qua tính cách, số phận nhân vật đã tạo nên sức sống cho tác phẩm. Nhiều nhân vật đã vượt thoát khỏi trang văn, có sức ám ảnh lớn gợi cho người đọc hình dung về những con người có thật trong cuộc sống, mang tính dự báo tương lai. Có cảm giác như ông đã hóa thân vào nhân vật của mình, hân hoan, khổ đau, day dứt… cùng đời sống của nhân vật. 

 Vì lẽ đó, có thể nói Tuyển tập truyện ngắn Lê Hoài Nam dày hơn 500 trang, in khổ lớn được trình bày trang nhã với 42 truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách văn xuôi Lê Hoài Nam đã thực sự thuyết phục tôi cũng như những bạn đọc khó tính. Bởi đây là “món quà tri ân của tác giả đối với bạn đọc” như tác giả bộc bạch, nên nhà văn đã dành thời gian chăm chút, chọn lựa và hoàn thiện đứa con tinh thần của mình. Được chia thành hai phần, trong đó, phần thứ nhất là những tác phẩm ông viết về đề tài người lính và xã hội hiện đại, phần thứ hai là những trang văn thấm đẫm cứ liệu lịch sử và cảm thức tôn giáo. Và dù được mặc định thể loại là truyện ngắn, song hầu hết các truyện trong tuyển tập đều có lượng chữ từ 5.000 đến 7.000 với tình tiết, phạm vi phản ánh rộng, có thể phát triển thành những đoản tiểu thuyết xã hội hoặc tiểu thuyết chương hồi đối với đề tài lịch sử.

Điều đáng ngạc nhiên là từ truyện ngắn đầu tiên Hải âu cho đến truyện ngắn cuối cùng Bữa tiệc ly, gần như ít khi nhà văn Lê Hoài Nam lặp lại cách kết cấu mà có sự thay đổi uyển chuyển tùy thuộc vào đề tài, cốt truyện được xây dựng. Có nhưng truyện được kết cấu theo vòng tròn như Lan Hoàng vũ, Phục sinh, có truyện kết cấu theo trục thời gian như Những phút đầu của mùa xuân, Đêm thánh…; truyện Vĩ nhân thời ốc đảo lại mang kết cấu trùng phức hay truyện Những giọt lệ đỏ thắm lại được thể hiện qua kết cấu tâm lý. Mỗi truyện một cốt cách riêng, lối diễn đạt riêng nhưng tựu trung lại vẫn theo một trụ cảm hứng nhất quán là nhà văn muốn thông qua lăng kính tích cực, nhân văn của mình để biểu đạt, diễn giải những hiện tượng lịch sử, tôn giáo, người lính và chiến tranh cách mạng hay những đề tài về xã hội hiện đại.

Không gian của truyện cũng được xây dựng theo nhiều tầng bậc, nhiều tuyến với các trường liên tưởng, ẩn dụ hiệu quả, cách kể truyện trầm ổn, mạch lạc giúp người đọc dễ theo dõi tuyến nhân vật và diễn biến câu chuyện, thời điểm lịch sử, hành văn vừa thoáng vừa chặt, khép mở đúng lúc…

Phần thứ nhất của tuyển tập là các truyện ngắn về đề tài chiến tranh và người lính, đề tài hậu chiến và xã hội hiện đại. Như nhiều nhà văn khác thuộc thế hệ sau 1975, nhà văn Lê Hoài Nam có khuynh hướng “giải thiêng” về cuộc chiến với những phận đời khuất lấp, những mảng tối bi tráng chứa đựng sự khốc liệt và nỗi day dứt, đớn đau. Song điểm sáng là sau những khoảng trầm buồn ấy, là niềm tin đối với con người, cuộc sống, tình đồng đội, tình quân dân vẹn tròn, thủy chung, không mảy may so bì hơn thiệt hay bất mãn, phá rối. Điều đó thật dễ hiểu bởi khi 16 tuổi, mặc dù có tiêu chuẩn du học nước ngoài và có một anh là liệt sĩ, một anh đang chiến đấu trong chiến trường, nhà văn Lê Hoài Nam vẫn viết đơn tình nguyện nhập ngũ và trở thành chiến sĩ đặc công. Trang văn ông viết chính là trải nghiệm thực tế của một người lính trong chiến đấu, qua sàng lọc của thời gian và chiêm ngộ của đời người càng thăng hoa cảm xúc.

Truyện Cuộc gặp gỡ muộn mằn khiến người đọc thổn thức trước sự hi sinh tức tưởi của những “tài hoa ra trận” - những chàng sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Là lời cảnh tỉnh về sự thiếu trách nhiệm của hai người lính trẻ Chương và Tảo đã khiến cho đồng đội bị quy vào tội đảo ngũ, “chiêu hồi”, thậm chí tan nát gia đình. Trong Chuyện rồi sẽ kể cũng là những sự hi sinh bi tráng được miêu tả tỉ mỉ và đau đớn bởi đó là một phần tất yếu của chiến tranh.

Ấn tượng hơn cả là Hành trình của người lính với nhân vật Đồng Quý Phái - một nhân vật thật đến mức ta cảm thấy anh ta đang ở ngay bên cạnh ta. Là Trung úy công tác tại Phòng Ngoại vụ Quân khu, con người ấy tốt mã, khéo nói, giỏi ngôn ngữ đã khéo che dấu bản chất sâu thẳm của mình là người giả dối, ích kỉ, thù dai và nhẫn tâm. Vừa dối trá để quan hệ nam nữ bất chính, Phái còn xúi dục người tình tìm cách đẩy những người lính trung thực, nhiều chiến công phải đi đơn vị khác. Nhưng cuối truyện, những gút thắt, xung đột ấy đều được hóa giải bằng đức hi sinh, lòng vị tha, nhân ái. Hành trình của người lính qua bút pháp Lê Hoài Nam chính là hành trình tái hiện sự khốc liệt của chiến tranh, mặt sáng - tối trong con người và cao hơn thế là hành trình tìm kiếm cái đẹp, cho ta quyền tin vào sự hướng thiện của con người.

Tôi đặc biệt thích truyện ngắn Sói con với nhân vật cậu bé Độn mới bốn tuổi đầu mà cả gia đình đều đã chết vì bom đạn. Nó chọn gầm cái xe bọc thép bị cháy làm nơi trú ngụ và lang thang tìm cơm thừa canh cặn hay những thứ ăn được bỏ dở tai vùng chiến địa để tồn tại qua ngày. Và rồi cuộc đời nó đã thay đổi khi một anh giải phóng quân bị thương cõng nó về làng, cái đói đã khiến nó xông vào vồ bát canh của một cậu bé cùng lứa và cắn đứt một ngón tay cậu bé để có đồ ăn. Vậy mà “Sói con” đã lớn lên trong tình người, trở thành một doanh nhân thành đạt. Chỉ qua một bức thư điện tử nhưng người đọc cảm thấy rưng rưng chờ đón phút giây hạnh ngộ của người chiến sĩ Thuyên với cậu bé hoang dã năm xưa anh cứu.

Ở mảng các tác phẩm viết về đề tài xã hội hiện đại, cũng có những “hạt vàng” trên cánh đồng chữ mà nhà văn Lê Hoài Nam miệt mài trồng cấy. Tôi cho rằng thành công nhất ở đề tài này của nhà văn là Lan Hoàng vũ nói về Tường, một sĩ quan vì sinh con thứ ba mà phải về hưu sớm. Để khắc phục khó khăn, anh nghiên cứu ươm trồng địa lan. Tiếng lành đồn xa, có người cán bộ cấp tỉnh có tên Nhân Tiện Đẳng đến hỏi mua chậu lan Hoàng Vũ - loài lan mà hoa không rực rỡ nhưng đầy tao nhã và có mùi hương thanh khiết, cao sang. Vậy mà chả hiểu sao, khi ông Nhân Tiện Đẳng mang hoa về nhà, mùi hương biến mất. Ông ta chửi Tường lừa đảo và chở hoa về trả. Khi về đến nhà Tường, lan lại bừng hương thơm. Ông Nhân Tiện Đẳng lặng im không nói gì mà chuyển sang mua chậu lan Trần Mộng. Ôi loài hoa thanh thuần, chỉ kiêu hãnh tỏa hương khi ở trong tay người chơi có tâm hồn trong sáng, thiện lành, nhân hậu. Đầy ý nhị, chuyện hoa ra chuyện người, đủ biết nhân phẩm của Tường và ông Đẳng, đồng thời cảnh tỉnh xã hội đang chạy theo vẻ bề ngoài phù phiếm mà coi nhẹ nhân phẩm và những điều cao quý.

Nhiều truyện khác như Mãnh lực phố phường, Hương bạc hà, Thầy giáo dạy văn, Đồng quê gió thổi, Ông Nô-en không mặc áo đỏ, Đốm lửa, Màu của gió… cũng hết sức thuyết phục. Nhiều truyện đã được chuyển thể kịch bản và làm phim truyện truyền hình, được khán giả với giới chuyên môn đánh giá cao. Có những truyện như thể nhà văn đã lấy nguyên mẫu từ chính cuộc đời mình, một cuộc đời cầm bút đầy gian truân, nhọc nhằn và không ít thử thách. Những câu chuyện đời trước áp lực của đồng tiền, sự trớ trêu của số phận thực sự ám ảnh người đọc. Bằng tài năng của mình, nhà văn Lê Hoài Nam đã có một tiếng nói đáng suy nghĩ về nhân tình thế thái hôm nay.

Ở phần hai, nhiều vấn đề của lịch sử đất nước, lịch sử Công giáo được đề cập ở mức độ cao và chi tiết hơn, mang nhiều kiến giải sâu sắc và nhân văn của người đời nay đối với những vấn đề trong quá khứ. Các nhân vật như Đức Giêsu, Lêonardo da Vinci, Nguyễn Ánh, Trương Phúc Loan, Nguyễn Trường Tộ, Đặng Tất, Bùi Viện… được xây dựng trung thành với chính sử, song được bảo phủ những sắc màu huyền hoặc hay gửi gắm những thông điệp đời sống chính trị từ xa xưa tham chiếu đến hiện nay. Đơn cử như nhân vật Italo Aquilea trong Bữa tiệc ly. Với vẻ uy nghi, thánh thiện ban đầu, Italo Aquilea được Leonardo da Vinci chọn làm người mẫu để vẽ Đức chúa Giêsu. Nhưng cũng chính con người ấy không lâu sau, trước sự va đập nghiệt ngã của số phận, lại làm mẫu vẽ Giuda – tội đồ phản chúa, bán linh hồn cho quỷ dữ.

Nhân vật Nguyễn Ánh - Gia Long trong Những giọt lệ đỏ thắm cũng được lột tả tới tận cùng dáng vẻ của một đại anh hùng và cũng là một đại gian hùng. Từ những cứ liệu lịch sử, nhà văn Lê Hoài Nam đã mô tả sắc sảo ngoại hình, phong cách và cả nội tâm nhân vật, cho người đọc thấy được một vị vua anh hùng cái thế, gian manh lẫm liệt, tanh máu chém giết, nhưng cũng phải xiêu lòng trước vẻ đẹp của mỹ nhân. Trong truyện, có thể cảm nhận được khá rõ nét cảm xúc của chính tác giả đối với nhân vật của mình qua giọng văn bày tỏ ngưỡng vọng phẩm chất anh hùng cũng như sự xót xa, đau đớn trước hành vi bạo tàn. Ông cũng đưa ra thông điệp rằng, mọi triệu đại chỉ có thể thịnh trị khi các đời vua kế nghiệp được tài đức của tổ tông, mới là hồng phúc cho dân tộc. Còn cha anh hùng, con đớn hèn, trụy lạc, lười biếng sẽ là điềm dự báo vương triều suy vong.

Có cảm giác nhà văn Lê Hoài Nam rất thăng hoa trong những tác phẩm viết về Công giáo. Nhân vật Gruber, một thầy giáo trường làng khiêm nhường cùng cha Joseph Mohr, một người tận lực tận tâm với công việc chăn dắt bầy chiên đã cùng nhau sáng tạo ra một bản thánh ca tuyệt vời. Truyện ngắn Đêm Thánh đã giúp người đọc hiểu thêm về hoàn cảnh ra đời của ca khúc Đêm Thánh vô cùng. Trớ trêu thay khi thầy giáo Gruber và cha Mohr đã yên giấc dưới mồ chừng 40 năm sau, tác phẩm đầy thành kính dâng lên Chúa lại bị người ta gán cho một nhạc sĩ khác và bán thu tiền.

Là một người rất tôn trọng nhân vật của mình, nên nhà văn Lê Hoài Nam chủ tâm chọn giọng văn cho nhân vật rất kỹ, để nhân vật có sức sống và “lý lịch văn học” đặc sắc. Dù là người lính trong chiến tranh hay thời kỳ hậu chiến như Lê Hiệp Hòa và Nguyễn Phiền trong Hành trình của người lính, dù là bậc học giả tài danh như Bùi Viện hay anh giáo làng hồn hậu, dẫu ở ngôi cửu ngũ chí tôn như Lê Thánh Tông trong Chuyến du xuân của hoàng đế, Nguyễn Ánh trong Giọt lệ đỏ thắm…, hay bác nông dân cổ cày vai bừa đều đẹp theo cách của riêng mình trên trang văn Lê Hoài Nam. Không những thế, các nhân vật đều là hiện thân cho chính nghĩa, cho sự hướng thiện và luôn vượt lên hoàn cảnh, đấu tranh với các ác, cái xấu, đấu tranh với chính mình để hoàn thiện bản thân. Ở khía cạnh này, tôi cho rằng nhà văn Lê Hoài Nam đã hoàn thành sứ mệnh của một nhà văn chân chính là luôn tìm thấy được những vẻ đẹp tâm hồn khuất lấp sau vẻ bề ngoài để ngợi ca và tôn vinh. Để làm được điều ấy là không đơn giản, nếu không muốn nói là cần đến một bản lĩnh vững vàng cùng kiến văn dày dặn.

Một đặc điểm khác đáng lưu ý là nhà văn Lê Hoài Nam cũng đã dành những trang viết đẹp khi xây dựng những nhân vật phụ nữ. Đức mẹ Maria với những phẩm chất tuyệt vời, công chúa Ngọc Bình trong Những giọt lệ đỏ thắm, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm trong Lung lay bóng nguyệt, tiểu thư Đặng Thị Thúy Hạnh trong Chuyện tình thời vong quốc, Ni sư trụ trì chùa Ngọc Hồ tự trong Chuyến du xuân của Hoàng đế, bà Minh Đức thái phi trong Vương phủ đàng trong, nữ chiến sĩ hải quân Mơ trong Tình yêu là thế đấy, nữ bác sĩ Nhị Hà trong Thung lũng sỏi, … đều mang khí chất hơn người từ hình thức tới trí tuệ, tâm hồn. Qua đó, nhà văn gián tiếp khẳng định rằng, người phụ nữ Việt qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử vẫn luôn giữ được phẩm giá, nhân cách cao đẹp và vô cùng quật cường trước mọi khó khăn nghiệt ngã.

Nhà văn Lê Hoài Nam từng tâm sự: “Trong cuộc đời cầm bút của mình, tôi luôn cố gắng giữ được tính khách quan và giữ được lòng mình thật trong sáng khi ngồi trước bàn viết. Không bao giờ tôi viết những gì mà tôi thấy không xứng đáng để đưa vào văn chương, càng không bao giờ né tránh những gì mà tôi cho rằng nó mang giá trị nhân bản, nó giúp bạn đọc sống tích cực hơn, cho dù nó rất khốc liệt, đớn đau.”. Một người lính đi qua chiến tranh, một nhà văn tâm huyết và tài năng, một con người ấm áp nghĩa tình đã tạo nên những trang văn tinh tế chứa đựng những góc nhìn nhân bản… đó là điều đọng lại trong tôi khi đọc đến dòng cuối cùng của tuyển tập truyện ngắn Lê Hoài Nam.

Nguồn Văn nghệ số 22/2022


Có thể bạn quan tâm